Màng Tang

5 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây
Màng Tang

Màng tang được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chống viêm, giảm đau. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Màng tang thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Giới thiệu về cây Màng tang

Màng tang còn có tên gọi khác là Khương mộc, Giẻ hương, Sơn thương, mọc rải rác hay tập trung thành đám nhỏ trong rừng thứ sinh hoặc rừng sau nương rẫy, ở độ cao 100-1500m.

Tên khoa học của Màng tang là Litsea cubeba (Lour.) Pers., thuộc họ Long Não (Lauraceae). Dưới đây là hình ảnh cây Màng tang.

Hình ảnh cây Màng tang
Hình ảnh cây Màng tang

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây gỗ nhỏ hoặc nhỡ, cao khoảng 5-8m. Thân non vỏ xanh, có khía dọc và lỗ bì, sau già có màu nâu xám; cành hình trụ, màu xám, nhỏ và mềm. Lá mọc so le, hình mũi mác, dài khoảng 10cm, rộng 1,5-2,5cm, dày, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới xám sau chuyển màu đen, mép nguyên; cuống lá mảnh, dài 1-1,2cm; gân lá rõ. 

Hoa nhỏ khác gốc, màu vàng nhạt, mọc thành chùm gồm nhiều tán đơn ở nách lá, cuống chung dài 0,8-1cm, mỗi tán có 4-6 hoa. Lá bắc 4, khum, nhẵn ở mặt ngoài, có lông ngắn ở mặt trong. Bao hoa có ống ngắn, 6 thùy gần bằng nhau xếp 2 hàng. Hoa đực có 9 nhị, 6 cái ở ngoài dài 2mm, bao phấn thuôn dẹt, chỉ nhị mảnh, có lông ở gốc, 3 cái phía trong thụt, chỉ nhị có tuyến. Hoa cái có bầu hình trứng, nhẵn. Quả mọng hình tròn hay hình trứng, khi chín màu đen, mùi rất thơm. Ra hoa tháng 2-3, có quả tháng 7-8.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Rễ, cành, lá, quả, trong đông y gọi là Mộc khương tử.

Rễ thu hái quanh năm, phơi khô. Quả hái vào mùa hạ, phơi khô hoặc cất lấy tinh dầu.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây có ở Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á.

2 Thành phần hóa học

2.1 Tinh dầu cây Màng tang

Quả chứa 3,1-4,6% tinh dầu, trong khi lá chứa 0,3-6,6%. Tinh dầu trong vỏ thân và hoa được coi là thấp nhất, dao động lần lượt trong khoảng 0,1–0,2% và 1,2–1,4%.

Tinh dầu Màng tang chủ yếu bao gồm các monoterpen oxy hóa (trên 90%), hydrocacbon monoterpene (tối đa 10%) và sesquiterpen (tối đa 3%) ở dạng hydrocacbon hoặc oxy hóa. 

Tinh dầu thu được từ hoa dường như chủ yếu là sabinene, trong khi dầu vỏ cây chủ yếu bao gồm citronellol. Trong tất cả các nghiên cứu, thành phần tinh dầu lá Màng tang đều bao gồm: 1,8-cineole, limonene, sabinene, terpinen-4-ol, trans-sabinene hydrat, α-pinene, αterpineol, α-thujene và β -pinene.

Tinh dầu quả hầu như chứa citral (lên đến 84%), hỗn hợp của các đồng phân geranial (citral A) (lên đến 46%) và neral (citral B) (lên đến 40%), kèm theo nồng độ Limonene cao (lên đến 26%). Nhưng cũng có những loại hóa chất chứa citronellal là thành phần chiếm ưu thế. Chỉ có bốn hợp chất, cụ thể là limonene, linalool, α-pinene và β-pinene, được phát hiện trong tất cả các tinh dầu quả đã được báo cáo.

2.2 Hợp chất khác

Nhóm hợp chấtThành phần
Alkaloid8-O-Methyloblongine; Litcubine; Litcubinine; Magnocurarine; Oblongine; Isoboldine β-N-oxide; Actinodaphnine; Isoboldine; Atheroline; Boldine; Cassameridine; Cassythicine; Coclaurine; Corydine; Corytuberine; Dicentrine; Dicentrinone; Glaucine; Glaziovine; Isocorydine; Isodomesticine; Juziphine; Laetanine; Laetine; Lancifoliaine; Laurelliptine; Laurolitsine; Laurotetanine; Lindcarpine; Litebamine; Litsedine; Litseferine; Litseglutine B; Magnoflorine; Norcorydine; Nordicentrine; Norisoboldine; Norisocorydine; Norjuziphine; Oxoushinsunine; Pallidine; Phanostenine; Predicentrine; Reticuline; Sebiferine; Ushinsunine; Xanthoplanine; Butanolides và Butenolactone
FlavonoidFlavones; flavanols; flavanones; flavanonols; anthocyanidins; chalcones; flavan-3-ols
Amidecis-N-Feruloyl-3-methoxytyramine; N-Feruloyl-3-methoxytyramine; 3-Methoxy-N-sinapoyltyramine; Cubebamine A; N-cis-3,4-methylenedioxycinnamoyl-3-methoxytyramine…
LignanEugenol; syringaresinol; balanophonin B; medioresinol; Lancifolin A; cyclolignan; Dehydrodieugenol; Dehydrodiisougenol; Grandisin; (+)-Eudesmin; (+)-Epiexcelsin; Biseugenol A, B; syringaresinol; Glochidioboside
Steroidβ-sitostenone; Daucosterol; β-Sitosterol; Sepesteonol, 5,6-Epoxystigmastan-3-ol; Stigmasterol; 6-O-Palmitoyl-β-sitosteryl-D-glucoside
Acid béoCapric acid; cis-Dec-4-enoic acid; Linderic acid; Tsuzuic acid; Hexadecenoic acid; Lignoceric acid; Lauric acid; Linoleic acid; Myristic acid; Oleic acid; Palmitic acid; Ethyl palmitate; Stearic acid; Ethyl stearate; Litseacubebic acid

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Phòng phong - Vị thuốc trị cảm mạo, đau nhức và bệnh chàm

3 Cây Màng tang có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Chống ung thư

EO được chiết xuất từ quả Màng tang đã được chứng minh là có tác dụng gây độc tế bào đối với tế bào ung thư phổi, gan và miệng ở người. Cây cho thấy tác dụng gây độc tế bào trong ống nghiệm của các alkaloid chiết xuất từ vỏ cây Màng tang chống lại các tế bào ung thư khác nhau ở người, như ung thư biểu mô dạ dày (BGC-823), ung thư biểu mô tế bào gan (HepG2), ung thư vú (MCF-7), ung thư biểu mô tuyến dạ dày (SGC- 7901), tế bào ung thư da người (SK-MEL-2) và ung thư buồng trứng (SK-OV-3).

3.1.2 Chống viêm

Hợp chất được chiết xuất từ ​​Màng tàng đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại chứng đau dạ dày ruột, phù nề và viêm khớp dạng thấp. Chiết xuất MeOH (0,01 mg/mL) có thể ngăn chặn sự hình thành NO và PGE-2 trong đại thực bào RAW-264.7 được kích hoạt bằng LPS và tiếp tục làm giảm sự giải phóng HOCl và O2− thông qua quá trình oxy hóa clorua được xúc tác bởi myeloperoxidase.

3.1.3 Kháng khuẩn

Tinh dầu của lá và quả Màng tang đã cho thấy đặc tính kháng khuẩn chống lại S.aureus, L.monocytogenes, E.coli, P.aeruginosa, C.albicansA.niger. Tuy nhiên, người ta đã quan sát thấy sự thay đổi về mức độ ức chế của chúng, điều này có thể là do sự thay đổi của các hợp chất có trong lá và quả. 

3.1.4 Chống oxy hóa

Hoạt tính chống oxy hóa của ba flavonoid được chiết xuất từ lá Màng tang cho thấy kaempferol có hoạt tính cao nhất trong khi kaempferol- 3-O-β-D-glucopyranoside cho thấy ít tác dụng nhất. Hơn nữa, chiết xuất MeOH của rễ và thân mô tả hoạt tính chống oxy hóa tăng cường đối với các gốc DPPH (2,2-Diphenyl-1-picrylhydrazyl), khi so sánh với toluene hydroxyl butylat hóa (BHT) tiêu chuẩn.

3.1.5 Chống tiểu đường

Hiệu quả của tổng flavonoid trong Màng tang đã được nghiên cứu về cơ chế làm giảm mức đường huyết ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Phần flavonoid đã làm giảm nồng độ Glucose và lipid trong máu, cũng như giải phóng gan khỏi stress oxy hóa. Ngoài ra, flavonoid che dấu biểu hiện của PTP1B ở gan, dẫn đến cải thiện đường truyền tín hiệu insulin; đồng thời tăng độ nhạy Insulin và hoạt động của cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) và superoxide dismutase (SOD). Mặt khác, trọng lượng cơ thể, axit béo tự do trong huyết thanh, cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và hàm lượng cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) đã giảm.

Tác dụng của tinh dầu Màng tang
Tác dụng của tinh dầu Màng tang

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Bạch đàn - Vị thuốc trị cảm lạnh, giúp thông thoáng đường thở

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Màng tang có tính ấm, vị cay, đắng, có mùi như sả, có tác dụng tán phong hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau, kiện vị tiêu thực.

Trong đông y, rễ được dùng trong chữa ngoại cảm, nhức đầu, đau dạ dày; phong thấp đau nhức xương, đau thắt lưng, đòn ngã tổn thương; đầy hơi; sản hậu ứ trệ bụng đau, rối loạn kinh nguyệt. Quả dùng trị ăn uống không tiêu, đau dạ dày. Lá dùng ngoài trị nhọt, viêm mủ da, viêm vú và trị rắn cắn.

4 Cách dùng cây Màng tang

Liều dùng: Rễ 15-30g, dạng thuốc sắc; quả 3-9g, dạng thuốc sắc; lá tươi dùng giã nát đắp ngoài. 

5 Bài thuốc

5.1 Bài thuốc từ rễ Màng tang

Chữa ngoại cảm, tê thấp đau nhức xương

Rễ, thân Màng tang 15-30g, sắc uống.

5.1.1 Chữa rắn cắn

Rễ 50g rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, dùng bã đắp ngoài. Thường cùng với quả xuyên tiêu, tán bột rắc vào vết cắn.

5.1.2 Chữa kém ăn, mất ngủ, phụ nữ suy yếu sau sinh

Rễ Màng tang, rễ Ba Chẽ, mỗi vị 100g tươi hoặc 60g khô. Thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.

5.1.3 Chữa tiêu chảy, ngộ độc

Rễ Màng tang, vỏ cây ngãi, rễ xương rắn. Sao vàng, sắc uống.

5.1.4 Chữa cảm lạnh, nấc không dứt

Màng tang, Riềng ấm, đồng lượng. Tán thành bột, mỗi lần uống 4g, ngày 3-4 lần, chiêu với nước nóng thêm chút giấm.

5.2 Bài thuốc từ lá, quả Màng tang

5.2.1 Chữa ngạt mũi

Quả Màng tang 20g, lá Bạc Hà 12g, hoa Kinh Giới 6g. Phơi khô, tán thành bột mịn, trộn với mật làm viên hoàn bằng hạt ngô, uống hoặc ngậm mỗi lần 1 viên.

5.2.2 Đau bụng kinh niên, đầy hơi tiêu chảy

Quả Màng tang, rễ xuyên tiêu, rễ cúc áo hoa vàng, rễ kim sương, rễ chanh, đồng lượng, nấu thành cao lỏng, uống.

5.2.3 Chữa tỳ vị hư mãn, hàn khí thương công ư tâm

Màng tang, cao lương khương, nhục Quế, Đinh Hương, hậu phác (sao nước gừng), Cát Cánh, Trần Bì, tam lăng, Cam Thảo mỗi vị 45g, Hương Phụ 90g. Nghiền thành bột, mỗi lần sắc 12g bột với 3 lát Gừng và 1 bát nước, tới khi còn 7/10, uống cả bã.

5.2.4 Viêm vú cấp tính

Lá Màng tang tươi, dầm nát trong nước vo gạo, đắp ngoài.

Bài thuốc chữa đau bụng kinh niên, đầy hơi tiêu chảy từ quả Màng tang
Bài thuốc chữa Đau Bụng Kinh niên, đầy hơi tiêu chảy từ quả Màng tang

6 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Màng tang trang 42-43, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023. 

2. Tác giả Madhu Kamle và cộng sự (Ngày đăng 1 tháng 6 năm 2019). Ethnopharmacological Properties and Medicinal Uses of Litsea cubeba, PubMed. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023. 

Các sản phẩm có chứa dược liệu Màng Tang

Tinh Dầu Lợi An
Tinh Dầu Lợi An
Liên hệ
Gel tắm cho phụ nữ sau sinh Yaocare Mama
Gel tắm cho phụ nữ sau sinh Yaocare Mama
325.000₫
Nước tắm sản phụ Yaocare Mama
Nước tắm sản phụ Yaocare Mama
185.000₫
Tinh dầu xông VNHERB Cold&Flu 5ml
Tinh dầu xông VNHERB Cold&Flu 5ml
60.000₫
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633