Mãng Cầu (Annona muricata)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Hương Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Mãng cầu được biết đến là một thứ quả đến bây giờ không chỉ riêng miền Nam, mà ở mọi vùng miền Việt Nam đều được yêu thích với sự ngọt ngào và tính giải khát. Vậy những tính chất, đặc điểm và dược tính của loại quả này là gì? Xin mời bạn đọc tham khảo một vài thông tin có thể bổ ích tại Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com).
1 Giới thiệu về Mãng cầu
Mãng cầu hay còn gọi là Mãng cầu xiêm thuộc họ Na - Annonaceae, tên khoa học là Annona muricata.
Đây là loài thực vật thân gỗ thường thu hái quả vào mùa hè ở miền Nam và các nước nhiệt đới trên thế giới. Với công dụng dùng để giải khát, làm thuốc trị sốt rét, lỵ, ỉa chảy,...
1.1 Đặc điểm thực vật
- Mãng cầu xiêm là cây thân gỗ tùy kích thước lớn hay nhỏ với chiều cao khoảng 6-8m.
- Vỏ cây có nhiều lỗ bì nhỏ, màu nâu.
- Lá mọc so le, nguyên, hình trái xoan ngọn giáo, có mũi, nhẵn, thơm, có khoảng 8 đôi gân bên.
- Hoa đơn độc ở thân hay nhánh già; 3 lá đài nhỏ màu xanh; 3 cánh hoa màu xanh vàng, 3 cánh hoa trong màu vàng, hơi nhỏ hơn; nhị và nhụy làm thành một khối tròn cỡ 1.5cm.
- Quả mọng kép lớn, hình trứng, dài 25-30cm, màu lục hay màu vàng nhạt, phủ những mũi nhọn thẳng hay cong, chứa nhiều hạt nâu đen. Thịt quả có vị ngọt, hơi chua.
- Quả mãng cầu xiêm to hơn quả na rất nhiều, có thể nặng hơn 6kg.
1.2 Đặc điểm phân bố
Mãng cầu xiêm có nguồn gốc từ vùng Trung Mỹ như vùng Caribe, Cuba và phía bắc của vùng Nam Mỹ chủ yếu ở Brazil, Colombia. Ngày nay, Mãng cầu được trồng ở một số vùng Đông Nam Á, và một số đảo ở Thái Bình Dương. Cây được trồng để lấy quả ở miền nam Việt Nàm và nhiều nước nhiệt đới khác.
Cây mãng cầu sống ở những nơi có độ ẩm cao và mùa Đông không được quá lạnh, nếu nhiệt độ dưới 5⁰C sẽ khiến lá và các nhánh nhỏ và nhiệt độ dưới 3⁰C thì cây có thể chết.
1.3 Thu biến và chế biến
Cây mãng cầu xiêm có thể lấy vỏ (Cortex), quả (Fructus), lá (Folium) và hạt (Semen Annona Muricatae). Ở Việt Nam, quả mãng cầu được lấy làm sinh tố, nước ép hoặc có thể ăn trực tiếp. Hạt của quả mãng cầu có chứa thành phần gây độc nên không ăn được. Quả mãng cầu xiêm được thu hái khi đủ lớn và để trong 1 góc tối, đến khi hoàn toàn chín mới được ăn.
Vào khoảng độ tháng 4 đến tháng 7, có thể thu hoạch quả mãng cầu để ăn, và lấy hạt già. Quả xanh đem phơi khô, tán bột. Lá dùng tươi.
2 Thành phần hóa học
Thông thường theo nghiên cứu cây mãng cầu, người ta dùng vỏ, quả, lá và hạt để sử dụng.
Bởi vì trong các thành phần này có các chất dinh dưỡng hay hoạt chất có thể từ đó bào chế ra các chế phẩm hoặc đem sử dụng trực tiếp.
Theo nghiên cứu cho thấy, trong quả có chứa hàm lượng dinh dưỡng như các vitamin và khoáng chất có thể kể đến là các Vitamin C, Vitamin B1 và Vitamin B2, Kali, Canxi, Mg, Fe, Cu,.
Flavonoid phổ biến nhất là quercetin, trong dịch chiết lá có hàm lượng flavonoid là Rutin rồi đến quercetin và kaempferol.Lá cây mãng cầu có chứa tinh dầu mùi khá dễ chịu và lượng clorua kali, tanin và bột chiếm tỷ lệ khá cao trong lá, ngoài ra có alkaloid hàm lượng thấp và một chất Nhựa.
Trong quả mãng cầu, hạt quả alkaloid chiếm 0.05% sau đó người ta kết tinh và tách được 2 loại alkaloid là muricin và muricinin. Ngoài ra, hạt loại quả này còn chứa 1 hợp chất cytotoxin là acetogenin gây độc thần kinh.
3 Tác dụng và công dụng Mãng cầu xiêm theo Y học cổ truyền
3.1 Tác dụng dược lý
- Chống loét
Mãng cầu chứa nồng độ cao flavonoid, tanin và acid phenolic có tác dụng chữa bệnh nhờ đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và bảo vệ dạ dày. Theo các báo cáo nghiên cứu cho thấy lá và vỏ cây được dùng để pha trà và điều trị các vấn đề về Đường tiêu hóa như viêm dạ dày và tiêu hóa kém.
- Bảo vệ đường ruột
Tiêu chảy là bệnh do rối loạn tiêu hóa thường gặp do nhiễm khuẩn. Vỏ và quả mãng cầu được người dân ở Tây Phi sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh tiêu chảy. Các thành phần flavonoid, triterpenoid và Saponin đóng vai trò trong hoạt động chống tiêu chảy của nó bằng cách ức chế nhu động ruột và bài tiết gây tiêu chảy.
- Trị đái tháo đường
Chiết xuất flavonoid từ quả mãng cầu được báo cáo là có tác dụng chống oxy hóa và trị đái tháo đường bằng cách ức chế các enzym chính liên quan đến bệnh đái tháo đường tuýp 2.
- Điều trị sốt rét, các đơn bào
- Kháng khuẩn
Các alkaloid như annonaine, asimilobine,... có khả năng tấn công màng vi khuẩn (huyết tương và màng ngoài). dẫn đến hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng.
- Kháng virut
- Hạ huyết áp
- Làm lành vết thương
- Một vài báo cáo nghiên cứu mãng cầu có hoạt tính chống ung thư do trong thành phần có hoạt chất gây độc tế bào của nó đối với tế bào ung thư.
- ….
3.2 Công dụng của mãng cầu theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị - Tác dụng
Tính vị: Thịt quả trắng, mùi dễ chịu, vị dịu, hơi ngọt, chua giống mùi na, mùi dứa, mùi dâu tây. Có tính giải khát, bổ, và cũng kích dục, chống bệnh scorbut
Tác dụng:
- Quả xanh làm săn da
- Hạt se, gây nôn, sát trùng
- Lá làm dịu
3.2.2 Công dụng của Mãng cầu theo Y học cổ truyền
Mãng cầu thường dùng quả để ăn. Thịt quả có thể ăn trực tiếp, hoặc pha thêm nước và đường, rồi đánh như đánh trứng gà làm thành một loại sữa dùng để giải khát, bổ mát và chống hoạt huyết. Cũng thường dùng tươi làm kem sinh tố với các loại quả khác. Quả xanh, phơi khô tán bột dùng trị kiết lỵ và sốt rét.
Ở Ấn Độ hạt được sử dụng làm thuốc sát trùng và duốc cá. Ở Việt Nam ta thường dùng hạt đem giã nhỏ lấy nước gội đầu trị chấy, rận. lá non có thể dùng làm gia vị, nấu hãm buổi tối sẽ làm dịu thần kinh. Lá và vỏ cũng được dùng làm thuốc chữa sốt, ỉa chảy và trục giun. Ngoài ra, ta cũng dùng lá làm thuốc trị sốt rét, thường dùng để chặn cữ.
4 Độc tính của hạt Mãng cầu
Theo một nghiên cứu đã báo cáo cho rằng acetogenin ở trong hạt quả mãng cầu là một chất độc thần kinh có khả năng gây rối loạn thoái hóa thần kinh. Hoạt chất này gây ra tăng quá trình phosphoryl hóa ảnh hưởng đến thoái hóa thần kinh. Ngoài ra, một số alkaloid trong mãng cầu cũng được cho là có ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh.
Tuy nhiên các nghiên cứu về độc thần kinh của các hoạt tính trong hạt cho thấy các tình trạng ảnh hưởng tới hoạt động thần kinh do các hợp chất này gây ra do tiếp xúc hoặc tiêu thụ liên tục. Vì vậy, để tránh xảy ra tình trạng thoái hóa thần kinh đã có khuyến cáo không nên tiêu thụ quá mức liên tục.
5 Một số bài thuốc từ Mãng cầu
5.1 Chặn cữ sốt rét
Lá mãng cầu khoảng 10-15 lá, đem giã lấy nước uống trực tiếp 1 lần. Ngày uống 4 lần (theo BS Lưu Đại Đởm - Minh Hải).
5.2 Chữa ho
Kết hợp lá mãng cầu, lá sả mỗi loại với lượng khoảng 20g. Rồi đem đi sắc uống.
6 Tài liệu tham khảo
- Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 (xuất bản năm 2021). Mãng cầu trang 43-44, từ điển cây thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2023.
- Tác giả Mutakin Mutakin và cộng sự, ngày đăng bài 10 tháng 2 năm 2022. Pharmacological Activities of Soursop (Annona muricata Lin.), pubmed. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2023.