Mâm Xôi (Phúc Bồn Tử - Rubus alceaefolius)
41 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Mâm xôi được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị khó tiêu, bồi bổ, bệnh đường niệu. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Mâm xôi.
1 Giới thiệu về cây Mâm xôi
Mâm Xôi còn có tên gọi khác là Đùm đũm, Đũm hương, mọc trùm lên các cây bụi và dây leo khác ở ven rừng ẩm, rừng núi đá vôi, đồi, nhất là trong các trảng cây bụi ưa sáng trên đất sau mương rẫy.
Tên khoa học của Mâm xôi là Rubus alceaefolius Poir., thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây bụi nhỏ, thân keo có gai to và dẹt. Cành mọc vươn dài, có nhiều lông bao phủ. Lá đơn mọc so le, hình bầu dục, hình trứng hoặc gần tròn, chia thùy nông, không đều, gân dạng chân vịt, mép khía răng cưa, mặt trên xanh lục sẫm phủ lông lởm chởm, mặt dưới có nhiều lông mềm, mịn, màu trắng xỉn. Cuống lá dài, có gai; lá kèm sớm rụng.
Cụm hoa mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu ngọn cành; lá bắc giống lá kèm. Hoa màu trắng, lá đài 5 có lông, 2-3 cái ở phía ngoài chẻ ra ở đầu, các lá khác nguyên; cánh hoa 5, mỏng, hình tròn; nhị nhiều, dài bằng cánh hoa, chỉ nhị dẹt; lá noãn nhiều. Quả kép, hình cầu, khi chín có màu đỏ, ăn được. Mua hoa quả vào tháng 4-9.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Cành và lá, thu hái quanh năm phơi khô. Quả hái khi chín.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây phân bố rộng khắp các tỉnh vùng núi thấp, trung du và đồng bằng. Ngoài ra còn có ở các nước ôn đới và cận nhiệt khác.
2 Thành phần hóa học
Các thành phần chính của Mâm xôi bao gồm các alkaloid, flavonoid, terpen, polysaccharide và tanin. Hàm lượng Flavonoid cao nhất (18,17mg CE/g) và anthocyanin (36,96mg CE/g) được thể hiện ở quả Mâm xôi, tạo nên màu đỏ sẫm đặc trưng.
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh sự xuất hiện của phenolic như axit ellagic (thường được biểu hiện dưới dạng polyme của dẫn xuất glycosyl hóa), axit gallic, axit chlorogenic và axit caffeic ở các loài Rubus. Nghiên cứu xác định cyanidin-3-glucoside, cyanidin-3-rutinoside và pelargonidin-3-rutinoside nằm trong số các anthocyanin có thể tìm thấy trong Mâm xôi.
Axit tormentic và nigaichigoside F1 cũng được phân lập từ Mâm xôi. Hai ellagitannin mới, rubuphenol và sanguiin H-2 ethyl ester, cũng đã được phân lập từ Mâm xôi.
Các hợp chất chuyển hóa thức cấp chính trong Mâm xôi bao gồm hydroxymethylfurfural (21,6%), 1,1,2-triacetoxyethane (17,9%), 2,4-dihydroxy-2,5-dimethyl-3(2H)-furan-3-one (10,3% ) và axit 2-propenoic, 2-propenyl este (6%).
Các thành phần được xác định từ Mâm xôi bao gồm: 2-Propenoic acid, 2-propenyl ester; Pyruvate; Furfural; 1,3-Butadiene-1-carboxylic acid; Propenoic acid, 2-methyl-, methyl ester; dl-Glyceraldehyde dimer; 2(1H)-Pyridinone, 6-hydroxy-; 2,4-Dihydroxy-2,5-dimethyl-3(2H)-furan-3-one; Pentanoic acid, 4-oxo-; 2-Hydroxy-3-methyl-4- pyrone; Isopropylmethylnitrosamine; 2,4-Dihydroxy-2,5-dimethyl-3(2H)-furan-3-one; Hydroxy methyl furfural; 1,1,2-Triacetoxyethane; Butanedioic acid, 2-hydroxy-2-methyl, (S)-; Benzeneacetic acid, 4-hydroxy-, methyl ester; Succinic acid, 3-methylbutyl pentyl ester; β-D-Glucopyranoside, methyl; Quinic acid; β-Tocopherol; γ-Sitosterol.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Trái Maqui berry - Nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời
3 Tác dụng - Công dụng của Mâm xôi
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Tác dụng chống oxy hóa của Mâm xôi đã được nghiên cứu, cho thấy đây là nguồn chất chống oxy hóa mạnh mẽ, bao gồm các hoạt động nhặt gốc tự do lên tới 87,72% và khả năng khử Sắt lên tới 50,37mM Fe2+/g. Các hợp chất thực vật (phenolic, flavonoid, anthocyanin và caroten) có thể góp phần vào hoạt động chống oxy hóa của chiết xuất.
3.1.2 Ức chế Acetylcholinesterase
Hoạt tính kháng cholinesterase cao nhất được thể hiện ở Mâm xôi (26,42 ± 1,41%). Điều này chứng tỏ rằng Mâm xôi có thể cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức.
3.1.3 Kháng khuẩn
Mâm xôi có hiệu quả chống lại vi khuẩn Gram dương (B.subtilis, S.aureus) và Gram âm (E.coli, S.enteritidis). Các hợp chất phenolic như flavone, quercetin và naringenin là những hợp chất tiềm năng góp phần vào hoạt động kháng khuẩn chống lại S.aureus, B.subtilis và E.coli. Ngoài ra, anthocyanidin, pelargonidin, delphinidin, cyanidin và cyanidin-3-glucoside trong chiết xuất quả mọng cũng ức chế sự phát triển của E.coli.
3.1.4 Bảo vệ gan
Việc điều trị bằng các liều alkaloid từ Mâm xôi khác nhau, đã có sự giảm đáng kể chỉ số gan, giảm mức độ bài tiết của ALT và AST, giảm mức leptin, resistin và tăng biểu hiện adiponectin trong gan của chuột mắc gan nhiễm mỡ không do rượu. Điều này chứng tỏ rằng alkaloid từ Mâm xôi có thể là một ứng cử viên tiềm năng để cải thiện đáp ứng điều trị ở bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ không do rượu.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Macca - Chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, thần kinh
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Lá, cành Mâm xôi có tính bình, vị ngọt, nhạt, có tác dụng hoạt huyết, thanh nhiệt, tán ứ, chỉ huyết, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng. Quả có vị ngọt, tính bình, được dùng thay Phúc bồn tử, có tác dụng bổ gan thận, giữ tinh khí, cường dương, tăng lực.
Trong đông y, cành, lá Mâm xôi được dùng trong hồi phục sức khỏe phụ nữa sau đẻ, trị khó tiêu, đầy bụng, viêm gan, viêm tuyến vú, viêm miệng. Quả chữa thận hư, liệt dương, di tinh, đái són, tiểu buốt.
4 Các bài thuốc từ cây Mâm xôi
4.1 Hồi phục sức khỏe phụ nữa sau đẻ, trị khó tiêu, đầy bụng
Nguyên liệu: Cành, lá Mâm xôi 10-20g, có thể phối hợp với lá Khổ sâm.
Cách làm: Phơi khô, thái nhỏ, sao thơm, hãm với nước sôi, uống như trà hoặc sắc uống trong ngày.
4.2 Trị viêm gan mạn, viêm tuyến vú, viêm miệng
Nguyên liệu: Cành, lá Mâm xôi 20-30g, Mộc thông, Ô rô mỗi vị 15g.
Cách làm: Sắc với 400ml nước tới khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
4.3 Trị thận hư, liệt dương, di tinh, đái són, tiểu buốt
Nguyên liệu: Quả Mâm xôi 20-30g, có thể phối hợp với Ba Kích, Kim anh mỗi vị 10-15g.
Cách làm: Phơi khô, sắc lấy nước uống.
4.4 Các bài thuốc từ Phúc bồn tử (Dùng Mâm xôi để thay thế)
4.4.1 Chữa các chứng liệt dương, di tinh, tiểu tiện nhiều lần do thận hư
Nguyên liệu: Hải sâm 200g, thịt dê 150g, phúc bồn tử, Ích Trí Nhân mỗi vị 12g, nhục Quế 6g.
Cách làm: Hải sâm ngâm mềm, rửa sạch, thái miếng, thịt dê khử mùi, rửa sạch, thái miếng. Sắc phúc bồn tử và ích trí nhân bỏ bã, lấy nước rồi cho thịt dê, hải sâm và nhục quế vào ninh nhừ, thêm gia vị vừa ăn, ăn khi còn nóng.
4.4.2 Trị thận khí suy, liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, lưng gối mỏi đau hoặc lạnh đau, đầu váng mắt hoa, tai điếc, di niệu, tiểu tiện nhiều lần, phụ nữ khí hư, muộn con
Nguyên liệu: Chim sẻ 5 con, Thỏ Ty Tử 30 - 45g, phúc bồn tử 10 - 15g, Câu Kỷ Tử 20 - 30g, gạo tẻ 100g, hành, Gừng.
Cách làm: Sơ chế nguyên liệu, nấu thành cháo, thêm gia vị vừa đủ, chia vài lần ăn trong ngày.
4.4.3 Trị liệt dương, di tinh, hoạt tinh, lưng gối yếu mỏi, lạnh đau do thận hư
Nguyên liệu: Ba kích, phúc bồn tử, thỏ ty tử mỗi vị 15g.
Cách làm: Ngâm với 250ml rượu gạo trong 1 tuần, uống mỗi ngày 20-30ml.
4.4.4 Trị suy giảm khả năng sinh dục, suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, phụ nữ âm đạo khô rát
Nguyên liệu: Nữ trinh tử, phúc bồn tử, tang thầm, câu kỷ tử, tây dương sâm, đường phèn mỗi thứ 150g.
Cách làm: Ngâm với 1,5L rượu gạo trong 3 tuần, mỗi ngày uống 15-20ml trước khi ngủ.
4.4.5 Trị liệt dương, di hoạt tinh, muộn con do thận hư
Nguyên liệu: Phúc bồn tử, thỏ ty tử, kỷ tử, ngũ vị tử, xa tiền tử, đồng lượng.
Cách làm: Sấy khô, tán thành bột, luyện thành viên hoàn to bằng hạt bắp, mỗi lần uống 6g với nước ấm, ngày dùng 2 lần.
4.4.6 Chữa chứng đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm ở người cao tuổi
Nguyên liệu: Phúc bồn tử, Tang Phiêu Tiêu, ích trí nhân, sơn thù du, mỗi vị 12g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống trong ngày.
4.4.7 Bổ thận, chữa các chứng di tinh, mộng tinh
Nguyên liệu: Phúc bồn tử, sa uyển tử, sơn thù du, khiếm thực, long cốt, liên tu, mỗi vị 12g.
Cách làm: Sắc uống trong ngày.
5 Lưu ý khi sử dụng
Trong quá trình sử dụng, một số đối tượng sau có thể gặp tác hại của quả Mâm xôi, cầm lưu tâm và hạn chế:
- Người bị tăng huyết áp: Quả Mâm xôi có thể làm tăng huyết áp, do đó tránh dùng nhiều cho người bị huyết áp cao.
- Phụ nữ có thai: Quả Mâm xôi làm tăng co thắt tử cung, vì vậy nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Người có cơ địa dị ứng: Nên kiểm tra trước khi sử dụng để tránh mẫn cảm với quả Mâm xôi.
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Mohd Fadzelly Abu Bakar và cộng sự (Ngày đăng 28 tháng 6 năm 2016). Phytochemical Composition and Biological Activities of Selected Wild Berries (Rubus moluccanus L., R. fraxinifolius Poir., and R. alpestris Blume), NCBI. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.
2. Tác giả Guillermo Omar Rocabado và cộng sự (Đăng vào tháng 3 năm 2008). Rubus - A Review of its Phytochemical and Pharmacological Profile, ResearchGate. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.