Mã Tiền (Strychnos nux-vomica L.)
14 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Mã tiền được biết đến khá phổ biến với công dụng trị các bệnh suy nhược, viêm dây thần kinh do nghiện rượu, nhức mỏi tay chân và tiêu hoá kém. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Mã tiền.
1 Giới thiệu về cây Mã tiền
Mã tiền còn được gọi là Mã tiền cây, Củ chi, tên khoa học là Strychnos nux-vomica L., thuộc họ Mã Tiền - Loganiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Loài cây gỗ có chiều cao từ 5-12m và đến 25m, có thể phân cành ở độ cao trên 7m. Thân cây có vỏ màu xám trắng, lá đơn mọc đối, mặt trên lá bóng, có 5 gân hình cung và gân nhỏ hình mạng. Cụm hoa ngù mọc ở nách lá hoặc đầu cành, với mỗi ngù có 8-10 hoa. Hoa của cây này có màu trắng hoặc vàng và có mùi thơm. Quả của cây có hình dạng hình cầu, kích thước nhỏ hơn trái cam và chứa từ 1-5 hạt hình khuy áo.
1.2 Thu hái và chế biến
Hạt của Mã tiền, hay còn gọi là Mã tiền tử, được sử dụng như một vị thuốc. Tên khoa học của vị thuốc này theo Dược điển Việt Nam 5 là Seme Strychni - là hạt đã phơi hay sấy khô từ quả chín của cây Mã tiền.
Hạt có hình dạng đĩa dẹt, mép hơi dày lên và một số hạt bị cong không đều. Đường kính của hạt dao động từ 1,2 đến 2,5 cm, dày khoảng 0,4 đến 0,6 cm, màu xám nhạt hoặc vàng nhạt. Bề mặt của hạt có một lớp lông tơ bóng mượt phát triển từ tâm của hạt, xung quanh hạt có hình dạng ngả theo chiều. Sống noãn có hình dạng hơi lồi và chạy từ rốn của hạt đến lỗ noãn, nơi là một điểm nhô cao trên mép của hạt. Nội nhũ của hạt rất cứng, dạng sừng, màu hơi xám hoặc vàng nhạt. Cây mầm nhỏ nằm giữa nội nhũ gần lỗ noãn. Hạt không có mùi, nhưng lại rất đắng khi thưởng thức.
Khi thu hoạch nên thu hoạch vào mùa đông, hái những quả già, bổ ra lấy hạt, loại bỏ cơm quả, hạt lép, non, phơi nắng hay sấy khô ở 50 - 60 độ C cho đến khô.
1.3 Các phương pháp bào chế theo Dược Điển
Lấy hạt đã chế biến sạch, sao với cát sạch cho phồng đến khi có màu nâu thẫm hoặc màu hạt dẻ sẫm. Khi vỏ hạt có đường tách nẻ thì đổ ra rồi rây bỏ hết cát, cho hạt Mã tiền vào máy rây sạch lông nhung đã bị cháy.
Hạt Mã tiền tẩm dầu vùng: Cho hạt sạch vào nước hay nước vo gạo, ngâm một ngày đêm, rồi cho vào nước đun sôi, lấy ra tiếp tục ngâm nước rồi tiến hành vài lần như vậy cho đến khi hạt mềm thì lấy ra cạo bỏ vỏ hạt, bỏ cây mầm thái mỏng, sấy khô, tẩm dầu mè một đêm rồi đem sao vàng, để nguội, bảo quản trong lọ đậy kín.
1.4 Đặc điểm phân bố
Mã tiền là loại cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được sử dụng để điều trị rối loạn thần kinh, viêm khớp và nôn mửa từ hạt khô của nó. Nó phân bố rộng rãi ở nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ, bán đảo Malaysia, Campuchia, Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam, Mã tiền được tìm thấy từ Khánh Hòa đến Tây Ninh. Trước đây, cây này rất phổ biến tại vùng Củ Chi ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh.
2 Thành phần hóa học
Trong chất alkaloid của cây Mã tiền, hàm lượng strychnin và brucin chiếm trên 5% và được coi là thành phần đặc trưng. Ngoài ra, cây còn chứa các polysaccharid thuộc nhóm mannan, dầu béo và iridoid.
3 Cây mã tiền chữa bệnh gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Strychnin và brucin là hai chất có nguồn gốc từ thực vật Strychnos nux-vomica, với hoạt tính dược lý chính là kích thích hệ thần kinh trung ương, tuy nhiên ở liều lượng cao có thể gây độc. Các nghiên cứu dược lý đã chỉ ra rằng chúng có tác dụng trong việc điều trị các chứng viêm, nhiễm khuẩn, rối loạn Đường tiêu hóa, tác động đến hệ thần kinh, tế bào xương, tim mạch, ung thư và đường huyết. Ngoài ra, chúng còn có hoạt tính chống ăn mòn và chống oxy hóa.
Strychnin là một chất kích thích mạnh mẽ trên các chức năng của hệ tim mạch, hô hấp và tiêu hóa, tác động mạnh lên thần kinh vận động của hệ thần kinh trung ương, làm tăng phản xạ thần kinh - cơ. Nó được sử dụng trong điều trị ngộ độc do các loại thuốc như thuốc mê, thuốc ngủ barbituric, thuốc phiện hoặc cloral. Tuy nhiên, ở liều lượng độc, strychnin có thể gây ra các cơn co giật giống như bị uốn ván và gây tử vong.
3.1.1 Giảm đau
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ lá mã tiền có thể giảm đau do chất chống oxy hóa trong cây. Tuy nhiên, phương pháp điều trị chỉ dùng hạt mã tiền và các nghiên cứu cho thấy loại bỏ strychnine có thể cải thiện tác dụng giảm đau và chống viêm của cây. Brucine làm giảm sưng và các dấu hiệu đau ở mô hình động vật nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định tác dụng tương tự ở người.
3.1.2 Bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu đã thử nghiệm việc sử dụng mã tiền để điều trị bệnh tiểu đường trên mô hình động vật và phát hiện ra rằng chiết xuất từ hạt có tác dụng tốt hơn chất đối chứng trong kiểm soát lượng đường trong máu.
3.1.3 Trị cúm
Nghiên cứu khác đã thử nghiệm nhiều loại thực vật và phát hiện ra rằng chiết xuất từ vỏ thân của cây mã tiền có khả năng chống lại bệnh cúm cao nhất.
3.2 Vị thuốc Mã tiền chế - Công dụng theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Mã tiền có vị đắng, tính hàn, có đại độc, quy kinh can, tỳ, có tác dụng mạnh gân cốt, mạnh tỳ vị, trừ phong thấp và tê bại, giảm đau, tiêu thũng, tán kết, thông (kinh) lạc.
Chủ trị: Phong thấp, tê, bại liệt, đau khớp dạng phong thấp, nhức mỏi chân tay, đau dây thần kinh, sưng đau do sang chấn, nhọt độc sưng đau.
3.2.2 Công dụng của cây Mã tiền
Mã tiền là vị thuốc có độc, trong thành phần hoạt chất có chứa strychnin và brucine có tác dụng rất mạnh đối với các bệnh lý xương khớp. Mã tiền tác động trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, từ đó giúp tăng dẫn truyền thần kinh, giảm đau, tăng trương lực cơ (trong Y học cổ truyền gọi là thông kinh hoạt lạc, chỉ thống). Ngoài ra còn làm tê liệt thần kinh cảm giác vùng rễ, chính vì vậy mà tác dụng giảm đau của mã tiền là thần tốc. Do có tác dụng giúp tăng dẫn truyền thần kinh nên mã tiền rất có hiệu quả với các bệnh lý tê và liệt, gặp trong các trường hợp liệt tay chân sau tai biến mạch máu não, các trường hợp tê bì do chèn ép, do dinh dưỡng,….
Thứ hai bởi vì có tác dụng giảm đau nhanh nên trong các bệnh lý xương khớp nếu dùng mã tiền thì cắt cơn rất nhanh, vai trò như là một vị thuốc gây tê. Tuy nhiên cũng cần lưu ý tác dụng của mã tiền phù hợp để chữa triệu chứng, cắt cơn trong thời gian ngắn, không phải là thuốc chữa nguyên nhân. Mặt khác vì giảm đau với vai trò như là một vị gây tê cho nên thường hiệu quả nhanh chóng giai đoạn đầu, nếu vẫn tiếp tục dùng thì tác dụng thường giảm hoặc không đỡ đau nữa.
3.2.3 Liều lượng
Mã tiền chế:
- Người lớn: 0,05 g/lần, 3 lần mỗi ngày, tối đa dùng 0,1 g/lần, 3 lần trong 1 ngày.
- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không được dùng.
- Trẻ trên 3 tuổi dùng 0,005 g cho mỗi tuổi.
Dạng sử dụng: thuốc sắc hay bột, dùng quá liều có thể gây độc: chân tay máy động, kinh giật khó thở, hôn mê.
Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú
4 Cây mã tiền có độc không? Hạt mã tiền độc như thế nào? Giải độc mã tiền
Để sử dụng hạt mã tiền, cần chế biến và bào chế kỹ càng, vì nó chứa nhiều chất độc hại. Sau khi sử dụng, cần tránh tiếp xúc với gió. Nếu gặp các triệu chứng ngộ độc như sợ ánh sáng, giật giật ở môi và các cơ, nặng hơn thấy ngáp, nôn mửa, mạch nhanh và yếu, nước dãi chảy nhiều... có thể sử dụng Quế nhục 8g sắc uống để giải độc.
5 Bài thuốc từ Mã tiền
5.1 Trị sưng nhọt độc, ung nhọt, các vết thương do bị đánh hoặc ngã
Để sử dụng trong trường hợp này, hạt mã tiền được chế biến và phối trộn với các thảo dược khác như thanh Mộc Hương, sơn đậu căn với liều lượng như nhau và được nghiền thành bột. Sau đó, bột được thổi vào họng để giúp giảm đau và sưng.
5.2 Hoạt lạc, giảm đau
Hạt mã tiền cũng có tính hoạt lạc và giúp giảm đau, có thể được sử dụng để trị các chứng đau khớp hoặc các bệnh lý khớp khác. Trong trường hợp này, bột mã tiền được chế biến cùng với các thảo dược khác như bột Hương Phụ tứ chế, bột mộc hương, bột Địa Liền, bột thương truật, bột quế chi với tá dược vừa đủ để tạo ra 1000 viên. Người bệnh cần uống 4-8 viên mỗi ngày, uống 50 viên mỗi đợt rồi nghỉ. Việc sử dụng thuốc này giúp giảm tê thấp, đau nhức xương khớp.
5.3 Trừ phong, cắt cơn động kinh
Hạt mã tiền còn được sử dụng để trừ phong và cắt cơn động kinh. Để sử dụng trong trường hợp này, hạt mã tiền được rửa sạch và bỏ lông ngoài, sau đó nghiền thành bột và phối trộn với Dầu Vừng và bột giun đất. Hỗn hợp được dùng để làm hồ và hoàn bằng hạt cải. Liều lượng được chỉ định là 0,35-1g cho mỗi lần uống, uống vào lúc sắp đi ngủ với nước muối. Việc sử dụng thuốc này giúp trị chứng điên giản co rút và các cơn động kinh.
Ngoài ra mã tiền còn có tác dụng tán kết tiêu thũng khá tốt với các trường hợp ngoại thương do ngã va đập… với vai trò này thường dùng dạng xoa bóp ngoài (ngâm rượu mã tiền, khi ngâm phải dán cái hình đầu lâu ở ngoài, để tránh uống).
Mã tiền trong bất kỳ trường hợp nào dùng làm thuốc đều phải qua bào chế mới có thể dùng. Bào chế mã tiền hiện nay có 4 cách, theo phương pháp bào chế đông dược năm 1965.
Ngâm hạt mã tiền trong nước vo gạo một ngày một đêm (có một số sách thì ghi ngâm trong 36 -72 tiếng), ngâm cho tới khi mềm, lấy ra bóc vứt bỏ vỏ ngoài và mầm, sau đó thái mỏng, sấy khô tẩm dầu mè một đêm, sao cho vàng đậm cho hết dầu, cho vào lọ đậy kín.
Lấy hạt mã tiền sạch, sao với cát sạch cho phồng đến khi có màu nâu thẫm hoặc màu hạt dẻ sẫm, khi ngoài vỏ có đường tách nẻ thì đổ hạt và cát ra, rây bỏ hết cát, cho hạt vào máy quay cho sạch lông nhung đã bị cháy.
Cho hạt vào dầu vừng, đun sôi cho đến khi hạt nổi lên thì vớt ra, thái nhỏ sau đó sấy khô.
Ngâm hạt mã tiền trong nước gạo một đêm rồi vớt ra rửa sạch. Cho vào nồi nấu với nước Cam Thảo trong 3 giờ (cứ 100g hạt cho 400ml nước và 20g cam thảo). Lấy dần ra bóc vỏ khi còn nóng và bỏ mầm hạt. Sau đó đun dầu 300mg cho sôi, bỏ nhân vào khi thấy nổi lên thì vớt ra ngay, thái nhỏ 2-3mm rồi sấy khô cho vào lọ kín.
Ngoài ra có một cách khác cũng hay được các thầy thuốc áp dụng đó là: ngâm nước gạo 3 ngày đêm, sau đó lấy ra đun cùng với đỗ xanh theo tỷ lệ 3 đỗ xanh 1 mã tiền, đun cho cạn, lấy ra thái lát phơi khô, sao vàng sẫm.
6 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Mã tiền trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Jon Johnson on October 24, 2018 và cộng sự (Đăng ngày 24 tháng 10 năm 2018). Nux vomica: Uses and risks, Medicalnewstoday. Truy cập ngày 28 tháng 03 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Mã tiền (hạt), trang 1240 - 1241, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 27 tháng 09 năm 2023.