Mã Đề Nước (Hẹ Nước - Ottelia alismoides (L.) Pers.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) |
Bộ(ordo) | Alismatales (Trạch tả) |
Họ(familia) | Hydrocharitaceae (Thủy thảo) |
Chi(genus) | Ottelia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Ottelia alismoides (L.) Pers. |
Mã đề nước thuộc dạng cây thảo, sống theo năm, cây mọc chìm trong nước, rễ cắm sâu trong bùn. Thân cây ngắn, một số cây không có thân. Mã đề nước có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Ottelia alismoides (L.) Pers.
Tên gọi khác: Hẹ nước, cây le, cây vậy.
Họ thực vật: Thủy thảo (Hydrocharitaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Dưới đây là hình ảnh cây Mã đề nước (Hẹ nước)
Mã Đề nước thuộc dạng cây thảo, sống theo năm, cây mọc chìm trong nước, rễ cắm sâu trong bùn.
Thân cây ngắn, một số cây không có thân.
Lá cây mềm, phiến lá có dạng hình bầu dục, cuống lá dài, mọc thành từng cụm, có màu lục tía. Đầu lá nhọn, gốc lá có dạng hình tròn hoặc gần giống hình tim, mép lá lượn sóng. Gân lá thuộc dạng gân hình cung, có điểm giống so với cây mã đề.
Hoa lưỡng tính, cuống hoa dài. Hoa có màu trắng, trắng lục hoặc tím nhạt. Đài hoa có phiến hẹp, tràng dài và rộng hơn đài, nhị 6, bầu nhiều noãn.
Quả có dạng hình cầu hơi dài, gồm 5-6 cánh mỏng.
Mùa hoa quả từ tháng 8 đến tháng 10.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Ottelia Pers. gồm các loài sống ở nước, được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Tại nước ta, chi này gồm 4 loài.
Mã đề nước có vùng phân bố gần như khắp vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á bao gồm Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin và Việt Nam.
Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng và trung du hoặc các khu vực có vùng núi thấp.
Mã đề nước thường mọc thành đám ở các ao, hồ nước nông, kênh rạch hoặc các con suối lớn đặc biệt là các ruộng trũng quanh năm ngập nước.
Phần thân ngầm gồm gốc và rễ cây ngập trong bùn, phần lá mọc trong nước. Tùy thuộc vào môi trường và tốc độ dòng chảy là hình dạng lá của mã đề nước cũng sẽ khác nhau.
Cây ra hoa hàng năm, thụ phấn trong môi trường nước, đây là một trong những nhân tố thủy sinh tương đối quan trọng, chúng góp phần làm sạch nguồn nước, là nơi trú ngụ của nhiều loài tôm cá.
2 Thành phần hóa học
Toàn cây có chứa caroten, Vitamin C.
3 Tác dụng - Công dụng của cây mã đề nước
3.1 Tác dụng dược lý
Mã đề nước sau khi thu hái về đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sử dụng cồn 50 để chiết rồi cô dưới áp lực giảm thu được dạng cao khô đã thấy tác dụng làm hạ thân nhiệt, làm giảm vận động ở chuột nhắt trắng.
Liều chết trung bình được thử nghiệm trên chuột nhắt trắng theo đường tiêm màng bụng là 94mg/kg.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Mã đề nước có vị ngọt nhạt.
Tác dụng: Giải độc, thanh nhiệt, long đờm, lợi tiểu, tiêu viêm.
3.2.2 Công dụng
Mã đề nước thường được trồng các bể cá cảnh với mục đích làm đẹp và là nguồn thức ăn cho cá Etroplus.
Theo Y học, mã đề nước được dùng trong các trường hợp lao phổi, lòi dom, bí tiểu tiện, phù thũng, hen suyễn. Lá cây tươi sau khi giã nát thì đắp vào gan bàn chân, bàn tay để chữa sốt hoặc đắp chữa lòi dom.
Đối với các trường hợp bị bỏng, đau nhức, viêm tấy, lở loét, sưng vú có thể lấy lá mã đề nước giã nát sau đó chắt lấy nước bôi hoặc dùng bã để đắp lên vùng tổn thương.
Lá và cuống lá có mùi thơm, được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi hoặc đôi khi làm rau xanh cho người.
4 Bài thuốc từ cây mã đề nước
4.1 Chữa bí tiểu tiện, phù thũng
20g lá mã đề nước.
12g thân hoặc rễ cây mộc thông.
Các vị đem thái nhỏ, phơi khô.
Sắc lấy nước chia làm 2 lần uống trong ngày.
4.2 Chữa hen suyễn
Sử dụng cả cây Mã đề nước đem sắc lấy nước uống.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Mã đề nước, trang 208-209. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2024.