Mã Đâu Linh (Aristolochia kwangsiensis)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Mã Đâu Linh thuộc dạng dây leo, chiều dài từ 5 đến 6 mét, cây có rễ củ to. Đây là loài quý hiếm, được nhân dân sử dụng để làm thuốc chữa đau bụng, tiêu hóa kém. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Mã Đâu Linh
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Aristolochia kwangsiensis Chun et How
Tên gọi khác: Cây Khố Rách, Đại Diệp Mã Đâu Linh, Viên Diệp Mã Đâu Linh.
Họ thực vật: Mộc Hương Aristolochiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Mã Đâu Linh thuộc dạng dây leo, chiều dài từ 5 đến 6 mét, cây có rễ củ to.
Thân và cành khi còn non được bao bọc bởi một lớp lông, cành khi già sẽ nứt vỏ tạo thành những rãnh sâu chạy dọc theo thân.
Phiến lá to, có dạng hình tim tròn, chiều dài của lá khoảng 20 đến 30cm, chiều rộng từ 18 đến 28cm, đầu lá tù, mép lá nguyên. Lá còn non có lông ở cả 2 mặt, lông màu vàng. Lá khi già chỉ còn lông ở mặt dưới, mặt trên lá có màu xanh đậm hơn mặt dưới. Gân lá nổi rõ, các cuống lá có chiều dài dao động khoảng 6 đến 15cm.
Cụm hoa gồm 1-2 hoa mọc ở kẽ lá. Bao hoa có ống dài, màu lục nhạt, nhị 6, bầu 6 ô.
Quả có dạng hình trụ tròn, chiều dài từ 8 đến 10cm, có 6 cạnh lồi. Quả có màu nâu vàng, gốc và đầu của quả thuôn hơi nhọn.
Hạt có dạng hình trứng, màu nâu.
Mùa hoa rơi vào tháng 5 đến tháng 7.
Mùa quả rơi vào tháng 9 đến tháng 11.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ.
Thời điểm thu hái: Mùa thu.
Chế biến: Có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Aristolochia L. trên thế giới có khoảng 300 loài, phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới, điển hình là vùng nhiệt đới của Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Tại nước ta có khoảng hơn 10 loài. Mã Đâu Linh là loài có vùng phân bố hẹp, chủ yếu ở Quảng Tây của Trung Quốc và một số tỉnh biên giới của nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang.
Mã Đâu Linh là loài cây ưa ẩm, có thể chịu bóng, thường mọc rải rác ở ven rừng, gần bờ suối, độ cao phân bố từ 700 đến 1600 mét.
Mã Đâu Linh ra hoa quả nhiều hàng năm, hoa nở không đều, thường được thụ phấn nhờ côn trùng.
Khi quả già, sẽ mở thành 6 mảnh, hạt phát tán được nhờ gió.
Cây có khả năng tái sinh sau khi bị chặt, có thể được trồng bằng gốc hoặc những đoạn thân bánh tẻ.
Mã Đâu Linh là loài cây quý hiếm ở nước ta do đó cần có kế hoạch nghiên cứu trồng và bảo tồn cây một cách đặc biệt.
2 Thành phần hóa học
Một số loài Aristolochia có chứa:
- Aristocholic.
- Asistolen-12 al.
- Aristolansesquterpen.
- Glucoside.
- Allantoin.
- Acid debilic.
- Magnoflorin.
Chất ức chế Testosterone 5-alpha reductase được sử dụng để làm chất kích thích mọc tóc và chữa bệnh tiền liệt tuyến.
3 Tác dụng - Công dụng của cây mã đâu linh
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng dược lý của acid aristolochic
Khi tiến hành thí nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy rằng, acid aristolochic có tác dụng ức chế một số vi khuẩn Gram dương (Bacillus Diplococcus), vi khuẩn Gram âm và nấm gây bệnh.
Bên cạnh đó, hoạt chất này còn có tác dụng bảo vệ súc vật thí nghiệm sau gây nhiễm Diplococcus pneumoniae, Staphylococcus pyogenes, Streptococcus Aureus khỏi tử vong khi tiêm khoang bụng với liều 50mg/kg.
Đã có nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của hoạt chất này nhưng chưa thống nhất.
3.1.2 Tác dụng dược lý của magnoflorin
Tác dụng hạ áp, hạ thân nhiệt khi tiến hành trên động vật thí nghiệm.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị đắng, tính hàn.
Tác dụng: Lương huyết, giải độc, thanh nhiệt, chỉ thống, chỉ huyết.
3.2.2 Công dụng
Rễ cây được sử dụng để chữa đau bụng, đau dạ dày, đầy bụng, nôn mửa, khó tiêu, ngộ độc thức ăn. Ngoài ra, có thể dùng ngoài để chữa vết thương, nhọt.
Liều dùng được khuyến cáo là 2-6g thuốc sắc hoặc thuốc bột, thuốc viên. Khi dùng ngoài, sử dụng rễ tươi đem giã nát để đắp hoặc dùng rễ khô đem tán bột và rắc vào vết thương.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng Mã Đâu Linh để chữa cho các trường hợp viêm họng, loét dạ dày cấp tính với liều 1,5 đến 3g bột uống cùng nước đun sôi để nguội.
4 Chữa đau bụng, tiêu hóa kém, đầy bụng từ cây Mã Đâu Linh
40g Mã Đâu Linh.
40g vỏ Vối rừng.
20g Hoắc Hương.
10g Trần Bì.
10g Thảo Quả.
10g hạt Cau rừng.
Các vị đem tán thành bột mịn, sau đó luyện với hồ tạo thành những viên có kích thước bằng hạt đỗ xanh.
Người lớn mỗi ngày uống 40-60 viên cùng với nước ấm, chia làm 2 lần.
Trẻ em giảm liều.
Hoặc:
- 10g Mã Đâu Linh.
- 10g Ích Trí Nhân.
- 6g Tiểu Hồi.
- 6g Trần Bì.
- 6g Gừng khô.
- 6g Ô Mai.
Các vị đem sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml thì chia làm 2 lần uống trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Mã Đâu Linh, trang 201-202. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2024.