Lười Ươi (Đười Ươi - Scaphium lychnophorum)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Họ(familia) | Sterculiaceae |
Chi(genus) | Scaphium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Scaphium lychnophorum (Hance) Kost. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Sterculia lychnophora Hance Scaphium macropodum (Miq) Beuméc. |
Cây Lười Ươi có tên khoa học là Scaphium lychnophorum (Hance) Kost. Hạt của cây sau khi ngâm nước sẽ trưởng nở có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa sốt, tiêu chảy. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Lười Ươi
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Scaphium lychnophorum (Hance) Kost.
Tên đồng nghĩa: Sterculia lychnophora Hance, Scaphium macropodum (Miq) Beuméc.
Tên gọi khác: Đười Ươi, Hương Đào, Đại Hải.
Họ thực vật: Trôm Sterculiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Lười Ươi thuộc dạng cây to, chiều cao khoảng 20 đến 25m. Những cành khi còn non có cạnh, trên bề mặt có lông màu hung. Cành khi già thì có màu xám.
Lá cây mọc so le, lá thường mọc tập trung ở đầu cành, phiến lá to, dày. Thường gặp các lá nguyên hoặc có thể xẻ làm 3 thùy. Phiến lá có chiều dài khoảng 15 đến 40cm, chiều rộng từ 7 đến 22cm. Gốc lá có dạng hình tròn, đầu lá nhọn. Bề mặt trên của phiến lá có màu xanh lục, bề mặt dưới có màu nâu tím. Mỗi là có kèm cuống dài 10 đến 30cm, cuống là có đặc điểm là to và mập.
Hoa mọc thành chùy ở đầu cành, hoa nhỏ, mọc trước khi cây ra lá.
Quả nang.
Hạt hình trứng dài.
Mùa hoa rơi vào tháng 3 đến tháng 4, mùa quả rơi vào tháng 6 đến tháng 8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt.
Thời điểm thu hái: Mùa thu.
Chế biến: Phơi hoặc sấy khô. Hạt của cây Lười Ươi có đặc điểm là sau khi ngâm vào nước, hạt sẽ nở ra, to gấp nhiều lần so với kích thước ban đầu, tạo thành một khối nhầy màu nâu, trong, khi thử có vị hơi chát.
1.3 Đặc điểm phân bố
Lười Ươi là loài cây gỗ, kích thước to, thường tìm thấy ở trong các khu rừng kín vùng nhiệt đới xanh ẩm, phân bố ở độ cao từ 400 đến 800 mét.
Tại nhiều nơi, cây mọc tập trung trên những vùng đất đỏ bazan hoặc feralit đỏ-vàng.
Lười Ươi ra hoa quả hàng năm, vào cuối mùa khô quả chín. Do thân cành thẳng nên khó hái được quả, chờ khi hạt rụng hoặc phải chặt cây để lấy hạt.
Hạt của cây Lười Ươi sau khi gặp nước sẽ trương nở, có thể nảy mầm vào mùa mưa. Cây thường bắt gặp mọc từ hạt.
Việt Nam có số lượng Lười Ươi phong phú, gỗ cây mềm nên ít được sử dụng.
2 Thành phần hóa học
Hạt gồm:
- Nhân chứa tinh bột, chất béo, sterculin.
- Vỏ chứa chất béo, chất nhầy, bassorin, tanin.
Đường chứa trong hạt chủ yếu là arabinose, galactose, pentose.
3 Công dụng của cây lười ươi
3.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị ngọt, nhạt, tính hàn.
Tác dụng: Lợi yết hầu, phế nhiệt, thông tiện, nhuận tràng, giải độc.
3.2 Công dụng
Lười Ươi được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như nhức răng, táo, sốt âm ỉ, đại tiện ra máu, lao thương thổ huyết, mụn lở.
Hạt của cây được coi là thuốc bổ có tác dụng sinh tân dịch, làm giảm các triệu chứng đối với các bệnh liên quan đến Đường tiêu hóa. Lười Ươi dùng nhiều và liên tục cũng không gây hại cho cơ thể.
Khi sử dụng hạt Lười Ươi để làm thuốc thì cần ngâm 4 đến 5 hạt với 1 lít nước nóng, hạt sau khi ngấm nước sẽ trương nở tạo thành khối chất nhầy sền sệt, thêm đường sẽ tạo thành nước giải khát, có thể uống nhiều lần trong ngày.
Các tài liệu nước ngoài ghi chép rằng, hạt của cây Lười Ươi có tác dụng chữa sốt, đau mắt, cảm nắng, giun, chảy máu cam, kiết lỵ, ho, tiêu chảy.
Nhân dân Campuchia sử dụng nước ngâm hạt để làm thuốc nhuận tràng, vỏ thân cây Lười Ươi phối hợp với một số vị thuốc khác có tác dụng chữa lỵ, sốt, chảy máu, bí tiểu tiện.
4 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Lười Ươi, trang 187-188. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2024.