Lục Lạc Hoa Vàng (Crotalaria striata DC.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Fabaceae (Đậu) |
Chi(genus) | Crotalaria |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Crotalaria striata DC. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Crotalaria mucronata Desv. |
Lục lạc hoa vàng thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng 1 mét. Lục lạc hoa vàng được sử dụng trong các trường hợp phụ nữ bị bạch đới, kinh nguyệt không đều, viêm phế quản mạn tính. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Crotalaria striata DC.
Tên đồng nghĩa: Crotalaria mucronata Desv.
Tên gọi khác: Lục lặc, Sục sặc, Muống lá tròn, Lục lạc ba lá tròn
Họ thực vật: Đậu Fabaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Lục lạc hoa vàng thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng 1 mét. Lục lạc hoa vàng được sử dụng trong các trường hợp phụ nữ bị bạch đới, kinh nguyệt không đều, viêm phế quản mạn tính.
Thân và cành của cây có dạng hình trụ, hơi có cạnh, trên bề mặt phủ một lớp lông.
Lá kép gồm 2 lá chét, phiến lá có dạng hình bầu dục, chiều dài mỗi lá khoảng 4 đến 5cm, chiều rộng từ 2 đến 2,5cm. Gốc lá và đầu lá có dạng gần hình tròn, 2 lá chét ở bên nhỏ hơn lá ở chính giữa. 2 mặt của lá nhẵn, mặt dưới có phủ một lớp lông nhỏ. Cuống lá kép có chiều dài khoảng 4cm, lá kèm nhỏ và rụng sớm.
Cụm hoa mọc ở ngọn cành hoặc kẽ lá nhưng thường thấy mọc đối diện với lá, chiều dài mỗi cum hoa khoảng 15 đến 20cm, hoa có lông ngắn màu vàng, hoa có màu vàng, bầu có lông, nhị đều.
Quả thuôn, chiều dài mỗi quả khoảng 3 đến 4cm, có lông, sau nhẵn.
Hạt có dạng hình thận, số lượng nhiều, có màu nâu nhạt hoặc màu vàng.
Thời điểm ra hoa: tháng 1 đến tháng 3.
Thời điểm kết quả: Tháng 4 đến tháng 6.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây, hạt.
Cây thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc dùng khô.
Hạt thu hái khi quả già vào mùa thu, đem phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Lụa lạc hoa vàng là loài nhiệt đới, được tìm thấy chủ yếu ở khu vực châu Á đến châu Phi và cả vùng Nam Mỹ.
Tại nước ta, cây được tìm thấy ở các tỉnh thuộc khu vực trung du và vùng núi thấp với độ cao dưới 600 mét ở phía Bắc. Ngoài ra, cây còn được trồng dọc theo bờ kênh mương ở vùng đồng bằng, lá được dùng để làm phân xanh.
Lục lạc hoa vàng là loài cây ưa sáng, ưa ẩm, có khả năng mọc nhanh. Cây phát triển từ hạt vào tháng 4, sau 3 tháng có thể cao hơn 1 mét.
Lục lạc hoa vàng là loài ra hoa quả nhiều, rụng lá hoặc tàn lụi vào cuối thu.
Vào thời điểm cây sinh trưởng và phát triển mạnh, khi bị cắt cành, cây vẫn có khả năng tái sinh.
2 Thành phần hóa học
Hạt chứa alcaloid monocrotaline.
3 Tác dụng - Công dụng của cây lục lạc hoa vàng
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng gây độc với tế bào
Khi sử dụng tế bào thận của người đã đồng hòa, tiến hành cho alcaloid monocrotaline với nồng độ 0,35 mg/ml cho thấy tác dụng tổn hại tế bào. Khi tăng nồng độ lên 0,5mg/ml thì tổn thương càng quan sát rõ. Monocrotaline còn cho thấy tác dụng ức chế sự tổng hợp DNA của tế bào.
Ở phúc mạc của chuột nhắt trắng, khi sử dụng liều 2mg/kg người ta nhận thấy rằng, Monocrotaline làm tăng vi nhân trong tủy xương, điều này cho thấy Monocrotaline có tác dụng gây đột biến.
3.1.2 Tác dụng trên tế bào ung thư
Khi tiến hành thí nghiệm trên in vitro, tiến hành cho Monocrotaline vào dịch nuôi tế bào ung thư gan BEL - 7402 với nồng độ 300 và 500 microgam/ml cho thấy tế bào ung thư bị biến dạng, đồng thời hoạt chất này cũng có tác dụng ức chế sự phân chia tế bào và sự sinh trưởng của tế bào.
3.1.3 Độc tính
Tim và phổi của khỉ đã bị tổn thương rõ rệt khi tiêm liều 30mg/kg dưới da của khỉ, đến tháng thứ 2, thứ 4 và thứ 6 tiêm nhắc lại 1 liều.
Lá và hạt của cây độc với dê nhưng khi ngâm vào nước, nấu chín thì hết độc.
Cao khô chiết bằng cồn 50 độ cho thấy tác dụng lợi tiểu và hạ huyết áp.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Hạt của cây có vị đắng nhạt, hơi chát, tính mát, có độc. Có tác dụng sáng mắt, chống ung thư, ích tinh.
Thân và lá của cây có vị đắng, tính bình, có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, giúp tiêu hóa.
3.2.2 Công dụng
Hạt của cây được sử dụng trong trường hợp di tinh, suy nhược thần kinh, xuất tinh sớm.
Có thể rang để sử dụng thay cà phê.
Toàn cây lục lạc hoa vàng được dùng để chữa đau bụng, chữa lỵ, đau nhức, phong thấp với liều được khuyến cáo là 6-15g hạt, 15-20g toàn cây, đem sắc nước uống.
4 Một số cách trị bệnh từ cây lục lạc hoa vàng
4.1 Chữa phụ nữ bạch đới, đái rắt
20g Lục lạc hoa vàng.
20g rau dừa nước.
Các vị đem sắc nước uống.
Kết hợp ăn thêm ý dĩ sao vàng, tán bột, mỗi ngày 15 đến 20g.
4.2 Chữa viêm phế quản mạn tính
60g lục lạc hoa vàng.
1 lít nước.
Sắc trong 30 phút, bỏ bã, lấy nước đem cô còn 400ml, chia làm 3-4 lần uống trong ngày, thời gian dùng trong 7 ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Lục lặc, trang 185-186. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.