Lục Bình (Bèo Tây, Bèo Nhật Bản - Eichhornia crassipes)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) | Commelinales (Thài lài) |
Họ(familia) | Pontederiaceae (Bèo tây) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Eichhornia crassipes (Mart.) Solms | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Eichhoinia speciosa Kunth |
Lục bình là cây sống ở nước, rễ Bèo tây mọc thành chùm. Bèo tây có tác dụng làm giảm sưng tấy, giảm viêm khớp ngón tay, ngoài ra có thể dùng cuống lá và hoa để nấu canh ăn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Bèo tây (Lục bình) là cây gì?
Tên khoa học: Eichhornia crassipes (Mart.) Solms
Tên đồng nghĩa: Eichhoinia speciosa Kunth
Tên gọi khác: Bèo tây, Bèo Nhật Bản.
Họ thực vật: Bèo tây Pontederiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Lục bình là cây sống ở nước, rễ Bèo tây mọc thành chùm.
Kiểu lá của cây Bèo tây: Lá cây mọc thẳng từ rễ, kiểu lá của bèo tây có dạng hình tròn, nhẵn, đầu hơi nhọn, mép lá uốn lượn. Mặt trên của lá có màu xanh sẫm, mặt dưới của lá có màu nhạt hơn. Cuống lá dài hơn phiến lá gấp 3 lần, cuống lá phồng lên tạo thành phao xốp giúp cây nổi lên trên mặt nước, cuống có màu xanh hoặc màu trắng.
Cụm hoa mọc ở giữa lá, cụm hoa mọc trên một cán dài tạo thành bông. Hoa lục bình có màu trắng hoặc màu tím, nhị 6, 3 đài, bầu thượng 3 ô gồm nhiều noãn.
Quả nang.
Mùa hoa quả từ tháng 10 đến tháng 11.
Dưới đây là hình ảnh cây Lục bình (Bèo tây):
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây, thường dùng lá, chủ yếu là phần cuống lá phình to.
Chế biến: Dùng tươi.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Eichhornia Kunth chỉ có 1 đại diện là Lục bình. Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó lan ra các khu vực nhiệt đới khác. Tại nước ta, có tài liệu ghi chép rằng, cây được du nhập từ Nhật Bản vào những năm 1905, sự du nhập này có lẽ do người phương Tây nên được gọi là Bèo tây.
Lục bình phân bố ở nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á.
Bèo tây là cây sống nổi, khả năng đẻ nhánh khỏe, cây phát triển nhanh chóng thành những khu vực rộng lớn, dễ bị trôi dạt, thường mọc chen chúc nhau nên chiều cao mỗi cây chỉ dưới 50cm. Những cây mọc trong ao, hồ ít bị trôi dạt, nên cây thường cao hơn.
Chưa thấy cây con mọc từ hạt, đây là một loài thủy sinh quan trọng của hệ sinh thái ao hồ, góp phần làm sạch nước. Cây còn được nuôi trồng để làm thức ăn cho cá, lợn, trâu bò, tuy nhiên thường chỉ nuôi trồng hạn chế.
2 Thành phần hóa học của bèo tây
Toàn cây Bèo tây có chứa:
- Nước chiếm 92,6%.
- Protid chiếm 2,9%.
- Glucid chiếm 0,9%.
- Chất xơ chiếm 22%.
- Tro chiếm 1,4mg %.
- Calci chiếm 40,8mg %.
- Phospho chiếm 0,8mg %.
- Caroten chiếm 0,86mg %.
- Vitamin C chiếm 20mg %.
Ngoài ra, Bèo tây còn chứa một số thành phần vô cơ khác.
Hoa chứa delphinidin diglucosid.
3 Cây Lục bình có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Nhân dân Ấn Độ sử dụng toàn cây Lục bình bỏ rễ, đem chiết với cồn 50 độ, cô đặc rồi sấy dưới áp lực giảm để tạo thành cao khô.
Đã thử tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, hạ đường huyết, giun sán, lỵ amip, trên hồi tràng chuột lang cô lập,... nhưng chưa thấy có kết quả, có thể do sử dụng liều tương đối thấp.
3.2 Công dụng của Bèo tây
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Nhạt, tính mát.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, giảm đau, tiêu sưng.
3.2.2 Công dụng
Cây được dùng trong các trường hợp cảm nắng, rôm sảy do phát nóng, khó tiểu, sưng tấy với liều được khuyến cáo là 15-30g đem sắc uống, có thể dùng ngoài mà không cần tính toán liều lượng.
Đọt non và cuống lá sau khi rửa sạch, có thể luộc hoặc nấu canh để ăn, không gây ngứa.
Hoa có thể ăn sống hoặc nấu canh như một loại đọt non với những tác dụng tương tự.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Bèo tây
Chữa sưng bắp chuối, sưng nách, viêm hạch, chín mé, viêm khớp ngón tay: Lá bèo tươi dùng cả cuống, đem rửa sạch, thêm khoảng 8-10g muối cho 100g lá bèo, giã nát, đắp lên chỗ sưng rồi băng lại, sau mỗi 10-12 tiếng thì thay lá mới, làm từ 2-3 lần.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Cây Lục bình phơi khô có tác dụng gì?
Lục bình sau khi phơi khô có thể dùng để làm dây bện hoặc dệt để làm một số dụng cụ phục vụ cuộc sống như giỏ, bàn, ghế,...
5.2 Cây Lục bình có ăn được không?
Như đã đề cập, đọt non, cuống lá và hoa của cây Bèo tây có thể đem luộc hoặc nấu canh ăn như một loại đọt non.
5.3 Tác hại của cây Bèo tây (Lục bình)
Lục bình nếu phát triển quá mức có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các phương tiện giao thông ở đường thủy, khi cây chết có thể xuất hiện mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến các hộ dân ở gần đó.
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Bèo Nhật Bản, trang 197-198. Truy cập ngày 28 tháng 8 năm 2024.