Long Não (Băng Phiến - Cinnamomum camphora)
85 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Long não được sử dụng rộng rãi bởi công dụng giảm đau, sát trùng. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Long não thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Long não
Long Não còn có tên gọi khác là Băng Phiến, Chương não, Dã hương, được trồng từ lâu đời.
Tên khoa học của Long não là Cinnamomum camphora L., thuộc họ Long não (Lauraceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây gỗ lớn, cao15m, có khi lên tới 40-50m, chiều rộng tán đến hàng mét. Vỏ thân dày, nứt nẻ, màu xám nâu. Lá mọc so le, phiến dai, dài 5-9cm, rộng 3,5-5cm, có cuống dài, xanh bóng, gốc thuôn, phiến lá hình trứng nhọn ở đầu, có 3 gân tỏa ra từ gốc, ở trong góc do gân chính và gân bên tạo thành có 1 tuyến nhỏ.
Hoa nhỏ, màu vàng lục, mọc thành chùm ở nách lá và đầu cành; lá bắc hẹp dài và có lông. Hoa lưỡng tính, bao hoa có ống ngắn, gồm 6 thùy hẹp, có lông ở mặt trong, nhị 9, đính trên một vòng gồ lên, 6 cái ngoài không có tuyến, 3 cái trong có tuyến ở gốc chỉ nhị, nhị lép 3; bầu hình trứng, nhẵn. Quả mọng hình cầu, đường kính 6-8mm, khi non màu xanh bóng, sau chín chuyển tím đen.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Gỗ, thường gọi là Chương mộc; đôi khi dùng cả rễ và quả.
Thu hoạch rễ và vỏ cây quanh năm, rửa sạch, phơi trong bóng râm tới khi khô để dùng dần. Quả thu hái vào cuối thu đầu đông.
1.3 Đặc điểm phân bố
Long não được trồng để lấy bóng mát ở nhiều nơi, có khi được trồng thành rừng. Ngoài ra cây còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
2 Thành phần hóa học
Nổi bật nhất của Long não chính là tinh dầu. Tùy thuộc vào các thành phần chính của dầu lá, C. camphora có thể được phân loại thành 5 kiểu hóa học: isoborneol, camphor, 1,8-cineole , linalool, và Borneol. Một nghiên cứu đã báo cáo về loại long não trong đó các sản phẩm chưng cất của lá chứa khoảng 74% Camphor và tổng thể ít hơn 5% được đóng góp bởi các thành phần chính còn lại. Một nghiên cứu khác đã xác định được 11 loại monoterpen, 5 loại sesquiterpen và 4 loại oxyterpen, chẳng hạn như (+)-borneol (66,8%), 1,8-cineole (4,1%), camphor (0,8%) và α-terpineol (0,4%). Các oxyterpen tạo thành nhóm chiếm ưu thế, chiếm 72,2% lượng dầu dễ bay hơi từ lá non. Các hợp chất khác bao gồm monoterpen (24,4%), chủ yếu là α-camphene, β-pinene và β-myrcene và sesquiterpen (2,8%), chẳng hạn như trans-caryophyllene, α-humulene và γ-elemene.
Các nhà khoa học đã phát hiện trung bình 49,8% 1,8-cineole trong chiết xuất lá của loại cineole. Các thành phần chính khác là sabinene (trung bình 16,6%) và citronellol (trung bình 9,3%), và trong cả hai loại, α-pinene có mặt ở nồng độ trung bình 4,5%. Thành phần chính của chiết xuất là 1,8-cineole (53,5%), tiếp theo là β-terpinene (17,4%), α-terpineol (9,5%) và (1R)-α-pinene (4,7%), ngoài các thành phần nhỏ.
Cần lưu ý rằng thành phần và tỷ lệ hàm lượng của tinh dầu khác nhau tùy thuộc vào các bộ phận của cây. Một nghiên cứu đã xác nhận rằng 27 thành phần được chứa trong tinh dầu chiết xuất từ vỏ cây so với chỉ 17 thành phần trong tinh dầu chiết xuất từ quả. Thành phần chính của tinh dầu vỏ cây là D-camphor (51,3%), 1,8-cineole (4,3%), α-terpineol (3,8%), và 3-methyl-2-butenoic acid, oct-3-en -2-yl este (3,1%). Ngược lại, safrole (29,0%), D-camphor (28,1%), linalool (12,8%) và 1,8-cineole (5,3%) là thành phần chính của tinh dầu quả. Các thành phần được xác định duy nhất trong tinh dầu chiết xuất từ vỏ cây là γ-terpinene, isoterpinolene, 1,3,8- p-menthatriene, terpinen-4-ol, α-terpineol, eugenol, cadinene và α-cubebene.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Bạc hà - Thông tin về đặc điểm, tác dụng và cách dùng
3 Tác dụng - Công dụng của Long não
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Kháng khuẩn
Tinh dầu Long não có khả năng chống lại các mầm bệnh khác nhau. Trong đó, tinh dầu gỗ chống lại Serratia marcescens; tinh dầu lá/nhánh/gỗ kết hợp thể hiện hoạt tính kháng nấm hiệu quả đối với Aspergillus niger và Aspergillus fumigatus, riêng tinh dầu lá cho thấy hoạt tính kháng nấm tốt đối với Trichophyton rubrum.
Tinh dầu lá có hoạt tính hiệu quả chống lại Staphylococcus aureus, Enterococcus faecalis, Bacillus subtilis, Salmonella enterica gallinarum và Escherichia coli. Tinh dầu được phân lập từ các bộ phận trên mặt đất của cây cho thấy hoạt động ức chế riêng biệt đối với các chủng vi khuẩn thử nghiệm S.aureus, E.faecalis, Listeria monocytogenes và Pseudomonas aeruginosa. Những kết quả này được hỗ trợ trong công việc khác, trong đó tinh dầu lá thể hiện khả năng ức chế vi khuẩn Gram âm (E.coli và P.aeruginosa) mạnh hơn so với vi khuẩn Gram dương (S.aureus và B.subtilis).
3.1.2 Chống viêm
Chiết xuất Ethanol của C.camphora đã ngăn chặn việc sản xuất Interleukin (IL)-1β, IL-6 và yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α) từ các tế bào RAW264.7 được kích thích bởi lipopolysacarit. Một nghiên cứu khác đề xuất tinh dầu Long não như một phương pháp điều trị viêm da tự nhiên và khả năng áp dụng cây thuốc để điều trị các bệnh liên quan đến viêm khác.
3.1.3 Chống oxy hóa
Dầu hạt C.camphora làm tăng hoạt động chống oxy hóa và giảm nồng độ malondialdehyd (một dấu hiệu sinh học của quá trình peroxy hóa lipid và stress oxy hóa) ở chuột do ăn kiêng bằng cách tăng nồng độ superoxide dismutase và catalase. Các Flavonoid thể hiện sự gia tăng phụ thuộc vào liều lượng trong hoạt tính chống oxy hóa, được đo bằng thử nghiệm nhặt gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picryl-hydrazyl (DPPH) và thử nghiệm năng lượng chống oxy hóa khử Sắt. Hầu hết tác dụng chống oxy hóa/loại bỏ gốc tự do đã được quan sát thấy trong dịch chiết butanol (trong xét nghiệm DPPH) và dịch chiết etanol (trong xét nghiệm hoạt tính xanthine oxidase) của C.camphora.
Tóm lại, các bộ phận khác nhau của cây Long não (lá, thân và quả) đã được sử dụng để điều chế tinh dầu và chất chiết xuất có đặc tính chống viêm, hoặc kháng nấm hoặc để điều trị đau răng, và tác dụng co thắt của các bệnh về tuần hoàn và hô hấp. Cây Long não được sử dụng trong sản xuất nước hoa, kem và thuốc mỡ balsamic trong ngành mỹ phẩm và dùng để điều trị đau cơ, viêm và thấp khớp trong lĩnh vực dược phẩm.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Bạch đàn - Vị thuốc trị cảm lạnh, giúp thông thoáng đường thở
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Long não có tính nóng, vị cay, quy vào kinh tâm, tỳ, có tác dụng khư phong thấp, thông kinh hoạt lạc, chỉ thống, sát trùng, tiêu thực, làm long đờm, lợi trung tiện, chống đầy hơi, làm ra mồ hôi, trừ lỵ. Dầu gỗ có tác dụng tiêu viêm, giải độc.
Trong đông y, rễ, gỗ Long não được dùng trong trị cảm cúm, đau đầu, đau dạ dày, đầy bụng, thấp khớp, tổn thương do té ngã. Quả trị đau dạ dày, khó tiêu, trướng bụng, viêm dạ dày ruột. Vỏ thân, cành, lá trị mụn nhọt, nấm tóc, ngứa, rết cắn. Lá, hạt đốt xông hơi đuổi muỗi.
3.3 Sử dụng trong y học hiện đại
Bột và tinh dầu Long não được gọi là camphor, hiện được dùng dưới dạng thuốc tiêm và thuốc nước. Dạng thuốc tiêm có dầu Long não 10-20% và Dung dịch Natri Camphosulfonat được dùng với liều 0,05-0,2g làm thuốc kích thích trung khu hô hấp và trung khu vận mạch trong những trường hợp suy hô hấp, suy tuần hoàn hoặc ngộ độc thuốc như thuốc gây mê. Dạng thuốc nước 0,1% được dùng đường uống với liều 0,01-0,2g chữa đau bụng, nôn, khó tiêu.
Cồn Long não 10% là thuốc xoa bóp ngoài, có tác dụng tiêu viêm, sát khuẩn, giảm đau trong các bệnh đau khớp, đau cơ, viêm da mẩn ngứa, tứ chi lạnh.
4 Các bài thuốc từ cây Long não
4.1 Chữa lở loét
Nguyên liệu: Lá Long não, lá Thanh hao, lá Khê, lá Thông.
Cách làm: Nấu với nước để tắm.
4.2 Chữa đau bụng, nôn mửa, tiêu hóa kém
Dùng rễ Long não 20-40g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước tới khi còn 50ml uống trong ngày.
4.3 Chữa viêm họng, ho, đờm khò khè
Nguyên liệu: Bột Long não 1,5g, Phèn chua 7g, Băng phiến, Đại bi mỗi vị 3g.
Cách làm: Tán thành bột, hòa tan trong một chút cồn rồi thêm nước ấm vừa đủ 30ml; lấy tăm bông tẩm thuốc chấm thoa họng, ngày làm vài lần.
4.4 Chữa hôi nách
Nguyên liệu: Bột Long não 0,4g, Gừng sống 1 miếng.
Cách làm: Giã nhỏ, trộn đều, lấy nước thoa vào nách, ngày làm vài lần.
4.5 Chữa đau răng
Nguyên liệu: Long não, Chu sa mỗi vị 3g.
Cách làm: Tán thành bột mịn, xát vào chỗ răng đau.
4.6 Chữa đau nửa đầu
Nguyên liệu: Long não, Băng phiến mỗi vị 3g.
Cách làm: Tán thành bột mịn, cuốn vào giấy thành điếu thuốc, đốt và hít lấy khói vào mũi.
4.7 Chữa trúng phong, đột quỵ, tinh thần mê sảng, đau bụng nôn mửa
Nguyên liệu: Long não, Xạ hương.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.8 Chữa tiêu chảy thể hàn
Nguyên liệu: Bột Long não đặc, gừng tươi mỗi vị 25g, đại hoàng 20g, nhục Quế, Đại Hồi mỗi vị 10g.
Cách làm: Tán nhỏ, thêm rượu 70 độ cho vừa đủ 1 lít, ngâm rồi uống mỗi lần 1 chén nhỏ hòa với nước nguội, ngày uống 2 lần.
4.9 Chữa hắc lào
Nguyên liệu: Bột Long não đặc 12g, rễ Bạch hạc 10g, Chanh 1 quả. \
Cách làm: Giã nhỏ rễ Bạch hạc, trộn với Long não và nước cốt chanh, bôi lên vùng da bệnh hàng ngày.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Sang-Hwan Lee và cộng sự (Ngày đăng 22 tháng 4 năm 2022). Phytochemistry and Applications of Cinnamomum camphora Essential Oils, NCBI. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Long não trang 1327-1328, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2023.