Lộc Mại (Claoxylon hainanense Pax et Hoffm.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Chi(genus) | Claoxylon |
Cây Lộc Mại có tên khoa học là Claoxylon hainanense Pax et Hoffm. Lộc Mại thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng 2 đến 3 mét , là vị thuốc chữa táo bón, vàng da. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Lộc Mại
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Claoxylon hainanense Pax et Hoffm.
Tên đồng nghĩa: Mercurialis indica Lour.
Tên gọi khác: Lục Mại, Bọ Nẹt, Rau Mọi.
Họ thực vật: Thầu dầu Euphorbiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Lộc Mại thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng 2 đến 3 mét, có một số cây có chiều cao từ 5 đến 6 mét. Cây phân cành nhiều, ban đầu, cành và thân có cạnh sau biến thành hình trụ, có nhiều nốt bì có dạng hình chấm trắng.
Lá mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình mác, chiều dài khoảng 9 đến 14cm, chiều rộng từ 3,5 đến 5cm. Gốc lá có dạng hình tròn, đầu lá nhọn, 2 mặt nhẵn, mép lá có khía răng cưa. Lá khi còn non có màu hồng hơi đỏ. Chiều dài của cuống lá khoảng 2,5 đến 4,5cm, cạnh chỗ tiếp giáp với phiến lá có 2 hạch nhỏ. Lá kèm có kích thước nhỏ, trên mặt lá có lông.
Cụm hoa mọc thành bông ở kẽ lá, các bông hoa là đơn tính khác gốc. Mỗi cụm hoa đực có chiều dài từ 8 đến 10cm. Hoa có cuống, đài 3, bầu có dạng hình cầu, nhẵn.
Quả nang, chia làm 3 mảnh vỏ, có gai ngắn.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hay dùng khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Claoxylon A. Juss. gồm vài chục loài, được phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới của châu Á. Tại nước ta, đã tìm thấy 3 loài thuộc chi này.
Lộc Mại được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp hoặc vùng trung du của phía Bắc, cây hiếm khi được tìm thấy ở phía Nam.
Lộc Mại có bản chất là loại cây ưa sáng, có thể sống được trên nhiều loại đất khác nhau, thường mọc thành cụm hoặc rải rác ở vùng chân đôi, ven đường, ven nương rẫy.
Vào mùa xuân cho đến khi cuối mùa hè, Lộc Mại mọc chồi và ra nhiều lá non. Cây ra hoa quả nhiều, có khả năng nhân giống từ hạt. Bên cạnh đó, cây cũng có khả năng tái sinh tốt ngay cả khi đã bị chặt phá.
Cành và lá của cây thường được sử dụng để làm phân xanh.
2 Công dụng của cây Lộc mại
2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Cây có vị ngọt nhạt, tính bình.
Tác dụng: Liều nhỏ có tác dụng nhuận tràng, liều lớn có tác dụng tẩy, sát trùng, tiêu độc.
2.2 Công dụng
Lá của cây được sử dụng trong các trường hợp đau bụng, táo bón, vàng da, kiết lỵ với liều dùng được khuyến cáo là 10-20g lá khô hoặc dùng 20-40g lá tươi, đem sắc lấy nước uống. Có thể dùng lá nấu lấy nước đặc, rửa tại chỗ để chữa lở ngứa.
3 Tài liệu tham khảo
Cây thuốc và động vật ở Việt Nam. Lộc Mại, trang 175-176. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.