Liễu (Salix babylonica L.)
14 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Liễu được biết đến khá phổ biến với công dụng trị đau nhức gân cốt, sưng đau răng lợi, hoàng đản, đái đục, đái buốt và các bệnh nóng uất trong cơ thể. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Liễu.
1 Giới thiệu về cây Liễu
Liễu hay còn được gọi là Liễu rủ, tên khoa học là Salix babylonica L., thuộc họ Liễu - Salicaceae.
1.1 Đặc điểm của cây liễu. Hình ảnh cây liễu rủ (rũ)
Salix babylonica là một loài cây rụng lá có kích thước trung bình đến lớn, cao từ 3 đến 10m và có thể cao đến 20-25m. Loài cây này có tốc độ sinh trưởng nhanh nhưng tuổi thọ ngắn chỉ từ 40 đến 75 năm. Chồi của nó có màu nâu vàng và nhỏ. Các lá mọc so le và sắp xếp theo hình xoắn ốc, hẹp, màu xanh lục nhạt, dài 4-16cm và rộng 0,5-2cm, có mép răng cưa mịn và đầu nhọn dài; vào mùa thu chúng chuyển sang màu vàng vàng.
Hoa của cây Liễu mọc thành cụm hình đuôi sóc ngắn; cuống cụm hoa đực dài hơn cuống cụm hoa cái. Hoa đực có 2 nhị, chỉ nhị rời mang 2 tuyến ở gốc, bao phấn 2 ô, hình trứng và có màu vàng. Hoa cái có bầu hình trứng, không có cuống, nhẵn. Quả của loài này là nang mở thành 2 mảnh.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận của cây sử dụng: Rễ chùm, lá, hoa, vỏ thân - Radix, Folium, Flos et Cortex Salicis Babylonicae.
1.3 Đặc điểm phân bố
Loài cây này có nguồn gốc ở Trung Quốc và được trồng tại nhiều khu vực khác nhau, bao gồm Châu u và Đông Nam Hoa Kỳ, thường được trồng trong các công viên, khu vườn hoa và gần các hồ nước.
Cây được nhập trồng và có thể sống được trong môi trường mát mẻ và ẩm, nó có thích nghi với khí hậu miền Bắc Việt Nam.
2 Thành phần hóa học
Lá chứa tanin và enzym salicinas.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Liễu
3.1 Tác dụng dược lý
Cây Liễu được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh như áp xe, nhọt, sốt, viêm khớp dạng thấp, bệnh ngoài da, ung nhọt, tiêu chảy, lở loét, xuất huyết, vàng da, đau đầu, đau dây thần kinh, đau khớp, Đau Bụng Kinh và viêm cột sống dính khớp.
3.2 Công dụng của cây Liễu theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Rễ chùm có vị đắng, tính hàn; có tác dụng khư phong lợi thấp, thanh nhiệt giải độc. Lá và hoa cũng có vị đắng, tính hàn; có tác dụng tiêu thũng, hoạt huyết và chỉ huyết. Vỏ thân có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
3.2.2 Tác dụng của cây Liễu
Cây Liễu cành và rễ có thể trị được đau nhức gân cốt, sưng đau răng lợi, hoàng đản, đái đục, đái buốt và các bệnh nóng uất ở trong cơ thể. Lá, quả và hoa của cây Liễu được sử dụng để trị các bệnh về da, sưng tấy, mụn nhọt độc.
Ở châu Âu, vỏ cây Liễu cũng được dùng để trị tẩy giun, tê thấp, sát trùng và đau dây thần kinh.
Ở Ấn Độ, vỏ và lá cây Liễu được sử dụng để trị sốt rét gián cách và sốt rét cơn, vỏ cây còn được dùng để làm thuốc trị giun.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ chùm của cây Liễu được sử dụng để trị các bệnh đau gân cốt, phong thấp cơ bắp co quắp, thuỷ thũng và thấp nhiệt đới hạ. Lá của cây Liễu được sử dụng để trị viêm niệu đạo, viêm khí quản mạn tính, sỏi bàng quang, các bệnh về da như mụn nhọt sưng độc, sưng đau khớp, lở ngứa và bệnh cao huyết áp.
4 Bài thuốc từ cây Liễu
4.1 Chữa gân xương đau nhức
Nếu bạn bị thương, gân xương đau nhức, bị bỏng, uất nóng ở trong, hoặc phong nhiệt đau nhói chỗ này sang chỗ khác, hay tay chân co giật, hãy dùng 40-60g cành lá Liễu sắc uống.
4.2 Mụn nhọt sưng tấy
Nếu bạn bị mụn nhọt sưng tấy hoặc dị ứng do sơn ăn lở ngứa, bạn có thể dùng 100-150g lá và cành Liễu non, nấu nước uống và xông rửa.
4.3 Nhọt ở vú
Nếu bạn bị nhọt ở vú, bạn có thể dùng lá Liễu giã nát đắp lên vết thương. Lúc đầu bạn sẽ cảm thấy nóng, nhưng sau đó vết thương sẽ trở nên bình thường và khỏi.
4.4 Sâu răng
Nếu bạn bị sâu răng, bạn có thể dùng cành Liễu nấu cao xỉa để chữa trị.
4.5 Nôn ra máu
Nếu bạn bị nôn hoặc khạc ra máu, bạn có thể dùng nhị hoa Liễu sấy khô, tán nhỏ và uống mỗi lần 4g.
4.6 Cam răng thối loét
Nếu trẻ em bị cam răng thối loét (Cam tẩu mã), bạn có thể dùng nhị hoa Liễu đốt tồn tính (không để cháy ra tro), tán nhỏ với một ít Xạ hương hoặc Băng phiến, sau đó xát lên chân răng của trẻ.
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Liễu trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Jin-Guang Si và cộng sự (Đăng tháng 08 năm 2021). Sesquiterpenoids from the rhizomes of Atractylodes macrocephala and their protection against lipopolysaccharide-induced neuroinflammation in microglia BV-2 cells, ScienceDirect. Truy cập ngày 14 tháng 02 năm 2023.
- Tác giả Sihao Gu và cộng sự (Đăng tháng 08 năm 2019). Antitumor, Antiviral, and Anti-Inflammatory Efficacy of Essential Oils from Atractylodes macrocephala Koidz. Produced with Different Processing Methods, PubMed. Truy cập ngày 14 tháng 02 năm 2023.