Liên Diệp (Lá Sen - Nelumbo nucifera)
70 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Liên Diệp hay Lá Sen là vị thuốc được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền, với nhiều công dụng quý. Trong bài viết sau đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Liên Diệp.
1 Giới thiệu về Liên Diệp
Liên Diệp hay Lá Sen, Hà Diệp, trong tiếng Anh còn có tên là Lotus leaf, tiếng Trung có tên là He ye (Trung Quốc).
Vị thuốc có danh pháp khoa khoa học là Folium Nelumbinis nuciferae, là những lá bánh tẻ đã loại bỏ phần cuống, đã phơi hay sấy khô, được lấy từ cây Sen - Nelumbo nucifera Gaertn., thuộc họ Sen - Nelumbonaceae.
2 Mô tả dược liệu
Lá nguyên hình tròn đường kính từ 30 cm đến 60 cm, hay đã cắt thành từng miếng có kích thước khác nhau, nhăn nheo, mặt trên lá sen màu lục tro, hơi nháp, mặt dưới màu lục nâu, nhẵn hơn mặt trên, mép lá nguyên, ở giữa lá có vết tích của cuống lá lồi lên màu nâu.
Lá Sen có từ 17 đến 23 gân tỏa tròn hình nan hoa bánh xe. Gân lồi về phía mặt dưới lá.
Lá khô giòn, dễ vụn nát, có mùi thơm đặc trưng.
Quan sát vi phẫu lá sen thấy: Một lớp tế bào hình chữ nhật nhỏ ở lớp biểu bì trên, có núm lồi kên ở mặt ngoài. Tầng cutin dày ở lớp biểu bì dưới. Ngay sát biểu bì trên là mô mềm giậu gồm một lớp tế bào, chạy dài từ phiến qua gân lá. Tại gân lá, mô dày được tạo bởi tế bào thành hơi dày, xếp thành đám biểu bì dưới. Quan sát mô mềm thấy tế bào có thành mỏng, có nhiều khuyết to, không đều nhau xen kẽ các tế bào mô mềm. Các tinh thể hình cầu gai có ở xung quanh các khuyết, đó là những tinh thể calci oxalat. Các bó libe gỗ có vòng mô cứng bao bọc, gỗ ở phần trên, libe phía dưới, kích thước không giống nhau, ở giữa gân là 2 bó libe-gỗ to, các bỏ nhỏ xếp xung quanh
3 Thu hái, chế biến
Lá sen được thu hái vào mùa hạ và mừa thu, chọn những lá bánh tẻ khi cây bắt đầu nở hoa, đem phơi nắng cho khô đến 70% hoặc 80%, cắt bỏ cuống, gấp lá thành hình bán nguyệt sau đó phơi tiếp đến khô
Lá sen khô được phun nước cho hơi mềm, thái thành cách dải hay miếng kích thước tùy thích, đem phơi hay sấy khô
Lá sen thán sao hay còn được gọi là thán lá sen, hà diệp thán: Thái lá sen đã được sơ chế, rửa sạch thành dải, cho vào nồi kín và nung chín kỹ, để nguội sau đó lấy ra
4 Thông số chất lượng của Liên Diệp
Vị thuốc có độ ẩm không quá 13%
Cuống lá còn lại không quá 2%
Đem rây qua rây có kích thước 3,15 mm thì tỷ lệ nát vụn không quá 5%
Các kim loại nặng: Chì không quá 10 phần triệu, Cadmi không quá 0,5 phần triệu, thủy ngân không quá 0,4 phần triệu, Asen không quá 8 phần triệu
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,8% alcaloid toàn phần tính theo nuciferin trên dược liệu khô kiệt
Bảo quản: Tránh nới ẩm mốc, mọt, để nơi khô, thoáng mát
5 Thành phần hóa học
Lá sen chứa nhiều ancaloid (0,77% - 0,84%) như Nuxiferin, N-nornuxiferin, anonain, roemerin, nepherin, amepavin...
Có tài liệu ghi chép, từ 33 kg lá sen đã phân lập được 0,2g nuciferin,8g roemerin và 11g nor-nuciferin
Lá sen còn chứa querectin, isoquercitrin, leucocyanidin, leucodelphinidin, nelumbosid, Ginnol, Nonadecane, Succinic...
6 Tác dụng dược lý
Nuciferin từ lá sen có tác dụng giải co thắt cơ trơn
Ngoài ra, Nuciferin còn có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, chống viêm yếu, chống ho, giảm đau, kháng serotonin và phong bế thụ thể adrenergic
Dịch chiết và alcaloid toàn phần của lá sen cho tác dụng an thần, tăng trương lực và co bóp cơ tử cung thỏ, chống co thắt cơ trơn ruột gây nên bởi histamin và acetylcholin. Tác dụng an thần của lá sen mạnh hơn tâm sen
Lá sen còn chống choáng phản vệ, bảo vệ đối với các rối loạn nhịp tim gây nên cho Calci clorid, làm giảm số chuột chết và chuột bị rung tâm thất, chống loạn nhịp tim, cao chiết cồn cho tác dụng mạnh hơn cao chiết nước
Alcaloid toàn phần của lá sen có tác dụng ức chế loạn nhịp tim thực nghiệm
Lá sen có hoạt tính chống oxy hóa và tác dụng này phụ thuộc vào hàm lượng Flavonoid trong lá
Trong một thí nghiệm khác, lá sen được chứng minh là có tác dụng kiểm soát tăng đường huyết và rối loạn lipid máu trên mô hình động vật bị đái tháo đường.
7 Liên diệp có tác dụng gì?
7.1 Tính vị, công năng
Lá sen theo y học cổ truyền có bị đắng, tính mát, vào kinh can, tỳ, vị, có tác dụng thanh thử, lợi thấp, tán ứ, chỉ huyết
Chủ trị: trúng thử, háo khát, ỉa chảy do thử thấp, huyết lị, nôn máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu do huyết nhiệt
Thán lá sen có tác dụng chỉ huyết hóa ứ, chữa chảy máu các loại, băng huyết rong kinh
7.2 Công dụng, liều dùng
Lá sen chữa chảy máu (đại tiện ra máu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da)
Ở Trung Quốc, lá sen chủ trị tức ngực có nóng sốt, tiểu tiện ít, kinh nguyệt nhiều, ho có máu... dùng ngoài da chữa dị ứng với sơn
Ở Trung Quốc, lá được dùng chống tăng mỡ máu, nôn ra máu, băng huyết, chữa cảm sốt hoặc làm giảm các chứng viêm da. Ngoài ra, người châu Á, cụ thể là ở Trung Quốc và Đài Loan, cũng chế biến trà thảo mộc từ lá sen khô để giảm cân và giảm chỉ số mỡ trong cơ thể
Lá sen tươi dùng 15g - 30g, lá sen khô (hà diệp) dùng 3g - 9g
Thán lá sen dùng mỗi ngày dạng thuốc sắc hay hoàn tán từ 3g - 6g
8 Bài thuốc chứa lá sen
8.1 Chữa máu hôi không hết sau đẻ
Dùng lá sen lượng vừa đủ sao thơm tán nhỏ, uống với nước hoặc đem 20g - 30g lá sen sắc uống
8.2 Thuốc an thần gây ngủ
Viên nén lá sen: Dùng 0,03g cao mềm lá sen, 0,09g bột mịn lá sen và tá dược vừa đủ, viên thành 1 viên, uống 3 tiếng trước khi ngủ, mỗi lần 3-6 viên
Siro lá sen: Dùng 4g cao mềm lá sen, 20ml cồn 45 độ, và siro đơn cho vừa đủ 1000ml. Dùng trước khi đi ngủ người lớn 15ml, trẻ em uống bằng 1/3 liều người lớn
8.3 Chữa sốt xuất huyết
30g mỗi vị lá sen, cỏ nhọ nồi, Rau Má, 20g bông Mã Đề. Nếu có xuất huyết dùng thêm cuống, lá, ngó sen lên 40-50g. Đem sắc uống mỗi ngày một thang
9 Tài liệu tham khảo
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Chuyên luận dược liệu: Sen (Lá) trang 1316-1317, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 30 tháng 06 năm 2023.
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Sen trang 721-726, Cây thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 30 tháng 06 năm 2023.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Sen trang 783-786, Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 30 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: Duangjai Tungmunnithum và cộng sự (Ngày đăng: năm 2018). Flavonoids from Nelumbo nucifera Gaertn., a Medicinal Plant: Uses in Traditional Medicine, Phytochemistry and Pharmacological Activities, Pubmed. Truy cập ngày 30 tháng 06 năm 2023
- Tác giả: Ah-Rong Kim và cộng sự (Ngày đăng: năm 2013). Lotus leaf alleviates hyperglycemia and dyslipidemia in animal model of diabetes mellitus, Researchgate. Truy cập ngày 30 tháng 06 năm 2023