Vối (Cleistocalyx operculatus)
5 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Cây vối được biết đến khá phổ biến như một loại cây dùng lá, nụ để pha trà uống nóng. Ngoài ra, cây còn rất nhiều tác dụng chữa bệnh khác như chữa đầy bụng, khó tiêu, mụn nhọt ...Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cây vối.
1 Giới thiệu về cây vối
Tên khoa học của cây vối là Cleistocalyx operculatus (Roxb.) Merr. et Perry (Eugenia operculata Roxb.), thuộc họ Sim Myrtaceae.
1.1 Mô tả thực vật
Vối là cây thân gỗ, có kích thước trung bình.
Lá vối có hình bầu dục hay xoan ngược, thót nhọn ở gốc, có mũi ngắn ở đầu, nhạt màu, hai mặt có hai màu khác nhau, mặt trên màu nâu xám, mặt dưới màu lục nhạt và hơi có chấm nâu trên cả hai mặt, dài 8-9cm, rộng 4-8cm, không mùi, vị hơi chát.
Nụ hoa vối hình ovan, hai đầu thuôn nhọn, dài 4 mm đến 6 mm, rộng 2 mm đến 3 mm, màu vàng nâu. Đài hoa hinh chuông, màu xám dài bằng 1/3 - 1/2 hoa, phía trên xẻ thành 4 răng nông. Hoa nhỏ màu trắng lục nhạt lúc tươi, sau khi chế biến có màu hơi xám vàng, mùi thơm đặc trưng. Vị hơi chát. Hoa gần như không cuống, thành cụm hoa hình tháp trái ra ở nách những lá đã rụng.
Quả vối hình cầu hay hình trứng, đường kính 7-12mm.
1.2 Vi phẫu
Nghiên cứu vi phẫu đặc điểm lá vối đã cho thấy những đặc điểm sau:
Phần gân lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới là một hàng tế bào nhỏ xếp thành hàng đều đặn, ngoài có lớp cutin dày. Mô mềm gồm những tế bào hình tròn thành mỏng, kích thước không đều. Trong mô mềm vỏ có túi tiết tinh dầu nằm sát lớp biểu bì. Vòng mô cứng gần như liên tục bao quanh bó libe-gỗ. Bó libe-gỗ hình cung, libe bao quanh gỗ. Trong libe có tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm rải rác. Gỗ gồm các mạch gỗ, có 1 đến 2 bỏ mạch gỗ xếp rời cạnh mạch gỗ chính hình cung.
Phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới là một hàng tế bào nhỏ xếp thành hàng đều đặn, ngoài có lớp cutin dày. Mô giậu gồm một hàng tế bào xếp vuông góc với biểu bì trên. Mô mềm gồm những tế bào tròn, to nhỏ không đều, thành mỏng. Hạ bì gồm 2 đến 3 lớp tế bào nhỏ sát lớp biểu bì dưới.
Bột lá vối: Màu nâu, vị chát. Có các đặc điểm: Mảnh mô mềm, túi tiết tinh dầu, mạnh mạch xoắn, sợi đứng riêng lẻ hay xếp thành bó, tinh thể caclci oxalat hình cầu gai, tế bào mô cứng hình nhiều cạnh thành dày. Bột nụ vối: màu vàng nhạt, có các đặc điểm: Lông che chở, mảnh mô mềm là những tế bào hình đa giác. Hạt phấn hình cầu có 3 lỗ rãnh. Mảnh cánh hoa, mạch xoắn, mảnh mạch
1.3 Sinh thái
Cây vối rất dễ trồng, trước đây cây mọc hoang, hiện giờ cây được trồng khá nhiều quanh vườn, ở đồng bằng và trung du. Thời điểm ra hoa rơi vào tầm tháng 6, tháng 7 hàng năm
1.4 Phân bố
Cây vối phân bố phổ biến, rộng khắp Việt Nam. Ngoài ra, cây vối cũng được tìm thấy sinh trưởng và phát triển ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào,...
1.5 Bộ phận dùng
Bộ phận có thể sử dụng của cây vối gồm: Nụ hoa, vỏ thân, lá
Người ta thường thu hái lá dùng tươi nhưng cũng có thể ủ cho lên men trước khi dùng; thông thường người ta vẫn dùng lá và nụ tươi phơi hay sấy nhẹ đến khô làm thuốc
Bảo quản: Nếu dùng tươi thì thường sử dụng luôn. Khi đã chế biến, phơi hay sấy khô thì nên bảo quản nơi thoáng mát, tránh nơi ẩm ướt và nhiệt độ cao dễ gây ẩm mốc, hỏng dược liệu. Nên bảo quản trong bao bì kín.
2 Thành phần hóa học
Lá vối chứa ít tanin, những vết alcaloid (thuộc nhóm indolic) gần gũi với Cafein và một lượng tinh dầu (4%) bay hơi, thơm. Các bộ phận khác nhau của cây còn chứa các sterol, các chất béo, tanin catechic và gallic. Lá và nụ chứa acid triperpenic.
3 Tác dụng - Công dụng
3.1 Tính vị, tác dụng
Vị đắng, chát, tính mát, có ít độc; có tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, tiêu trệ.
Vào kinh tỳ, vị
3.2 Công dụng
Lá được dùng làm trà, uống nóng rất thông dụng ở nông thôn Việt Nam. Hoa nhỏ thu hái vào tháng 6, cũng được dùng pha trà uống (nụ vôi), có thể so sánh với nước hãm lá Bạch đàn. Người ta cũng thường phối hợp lá Vối với lá Hoắc hương làm nước hãm uống lợi tiêu hoá. Nước sắc đậm đặc của lá cây dùng như thuốc kháng sinh, sát trùng để rửa mụn nhọt, lở loét, ghẻ. Thường dùng lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, ỉa chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng, tiểu đường.
Nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của các cao chiết từ lá vối cho thấy: Các cao chiết từ lá vối sử dụng dung môi nước và etanol đều có khá năng ức chế sự phát triển cúa các chủng vi khuẩn thử nghiệm. Trong đó, cao etanol có hoạt tínhkháng vi khuẩn tốt hơn cao nước. Chiết tách các hợp chất từ lá vối có tiềm năng tìm ra chất kháng sinh mới.
Ở Ấn Độ, rễ sắc đặc dạng xirô dùng đắp vào các khớp sưng đỏ; quả dùng ăn trị phong thấp.
Ở Trung Quốc, các bộ phận của cây dùng trị cảm mạo, đau đầu phát sốt, lỵ trực khuẩn, viêm gan, bệnh mẩn ngứa, viêm tuyến sữa, ngứa ngáy ngoài da, bệnh nấm ở chân, vết thương do dao súng.
4 Cách dùng - liều lượng
Lá vối: ngày dùng 16 - 20g. Dùng dạng thuốc sắc, chè, uống lúc nóng
Nụ vối: ngày dùng 8 - 12g cũng dùng dạng thuốc sắc, chè và nên uống lúc nóng như lá vối
Kiêng kỵ: Tỳ vị hư hàn
5 Một số bài thuốc chứa cây vối
5.1 Chữa đầy bụng, tiêu hóa kém, không tiêu
Dùng 6-12g vỏ thân cây vối, đem sắc kỹ, thật đặc, lấy nước uống 2 lần trong ngày. Ngoài ra có thể thay vỏ thân cây bằng 10-15g nụ vối, làm tương tự là sắc kỹ, đặc và lấy nước uống 3 lần trong ngày
5.2 Trị đau bụng đi ngoài
Dùng lá vối: 3 lá, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Đem tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc trên bếp nhỏ lửa với 400ml nước, sắc cạn đến khi còn 100ml thì lấy uống, chia làm 2 lần uống trong ngày và nên dùng bài thuốc trong 2-3 ngày liên tiếp.
5.3 Giúp giảm mỡ máu
Ngoài dùng trà Hoa Hòe uống thay nước, bạn đọc có thể dùng 15-20g nụ vối, hãm nước trà uống thay nước trong ngày hoặc sắc thành nước thật đặc, uống 3 lần mỗi ngày và cần kiên trì, uống dài ngày để có kết quả kiểm soát mỡ máu tốt hơn
5.4 Dùng cho người tiểu đường
Lấy 15 - 20g nụ vối, đem sắc lấy nước uống 3 lần mỗi ngày hay hãm uống thay nước như cách uống giúp hạ mỡ máu. Và để đạt hiệu quả điều trị tốt nên uống thường xuyên, kiên trì
5.5 Chữa lở ngứa, chốc đầu
Dùng để tắm gội, hay để rửa, sát trùng vùng lở ngứa, chốc, lấy 1 nắm lá vối (lượng vừa đủ), đem đun lấy nước
6 Tài liệu tham khảo
1. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2 (Xuất bản năm 2021). Vối trang 1186 - 1187, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2023.
2. Dược Điển Việt Nam V (Xuất bản năm 2017). Vối (lá) trang 1371 - 1372. Vối (Nụ hoa) trang 1372 - 1373, Dược điển Việt Nam V. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2023
3. Tác giả: Ngô Thái Bích Vân và cộng sự (Ngày đăng: năm 2021). Nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của các cao chiết từ lá vối và thử nghiệm tạo bột lá vối hòa tan. Xem thêm tại đây