Lá Tre (Trúc Diệp)
4 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Cây tre là loại cây quen thuộc ở vùng nông thôn Việt Nam, vậy nhưng những công dụng chữa bệnh của lá tre thì không phải ai cũng biết. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Lá tre.
1 Trúc diệp là gì?
Lá tre hay được biết với tên Trúc diệp là lá của cây tre gai hay tre nhà, có tên khoa học là Bambusa arundinacea Retz., tên đồng nghĩa là Bambusa arundo Kl. ex Nees, thuộc họ Lúa - Poaceae.
1.1 Mô tả lá tre
Lá tre mọc so le trên cành và có cuống rất ngắn, lá hình mác dài 8-15 cm, rộng 1-2 cm, gốc lá tròn, đầu thuôn nhọn, các gân chạy song song, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông nháp, hai mặt lá cùng màu.
1.2 Chế biến
Lá tre sau khi thu hoạch thường được dùng tươi, hiếm khi phơi khô.
2 Thành phần hóa học
Lá tre có chứa Betain, cholin, men urease, men proteslitic, emulsin và diastatic. Lá không có HCN và Acid benzoic.
Lá tre là nguồn nguyên liệu để chiết xuất Chlorophyll (hay còn gọi là Diệp lục).
Theo các nghiên cứu, điều kiện tối ưu để chiết xuất Diệp lục từ lá tre là phải lấy lá mới có thời gian thu hái, bảo quản dưới 10 ngày, dung môi là cồn với tỷ lệ 1-6 nhiệt độ 40 độ C và mỗi lần chiết trong 2 giờ.
Ngoài ra, lá tre còn được dùng để tạo muối Na.Cu.chlorophyllin.
3 Tác dụng dược lý
Lá tre nghiên cứu trên chuột nhắt trắng cho thấy tác dụng an thần, trên chuột cống trắng khi cho uống nước sắc lá tre thấy tác dụng lợi tiểu nhẹ.
Cao cồn lá tre có tác dụng gây hạ đường máu của thỏ.
Nước uống giải khát gồm 6 vị thuốc: Lá tre, Thảo Quyết Minh, cam thảo, Rau Má, thổ Phục Linh, kim ngân được thử nghiệm cho công nhân lao động với cường độ vận động cao vào mùa hè uống, cho thấy tác dụng làm giảm nhu cầu nước uống vào, tuy nhiên lại làm ra nhiều mồ hôi hơn.
Tác dụng chống viêm của chiết xuất metanol từ lá tre chống lại chứng phù chân do carrageenin cũng như do miễn dịch gây ra và hoạt tính chống loét của dịch chiết lá tre trên chuột bạch đã được nghiên cứu và cho thấy là có ý nghĩa khi so sánh với các loại thuốc tiêu chuẩn. Sự kết hợp giữa chiết xuất methanol và phenylbutazone (Chất chống viêm không steroid, NSAID) đã được nghiên cứu và phát hiện là hoạt động chống viêm mạnh nhất trong thực nghiệm với hoạt tính ít độc nhất (không gây loét).
4 Tác dụng - Công dụng
4.1 Tình vị, công năng
Lá tre theo y học cổ truyền có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính lạnh, vào các kinh: tâm, phế. Lá tre có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm sốt.
4.2 Uống nước lá tre gai có tác dụng gì? Uống nước lá tre tươi
Lá tre được sử dụng để chữa cảm sốt, khát nước, ra nhiều mồ hôi, ho, suyễn, thổ huyết, trẻ nhỏ kinh phong.
Ngày dùng ở dạng thuốc sắc khoảng 20g.
Nếu sốt cao, dùng lá tre phối hợp với 12g bộ thạch cao nung.
Lá tre cũng được dùng ngoài để nấu với lá Bưởi, củ sả, Hương Nhu, cúc tần, bạc hà để xông giải cảm, chữa nhức đầu và chống cúm.
Ở Ấn Độ, trúc diệp được dùng làm thuốc trị ho và cảm lạnh.
4.3 Tác dụng của lá tre trong làm đẹp
Lá tre giúp giảm viêm, chống oxy hóa, làm lành tổn thương, giảm hấp thụ UV, giảm quá trình melanine hóa da.
Bạn có thể tắm nước lá tre để đem lại nhiều tác dụng có lợi kể trên.
5 Bài thuốc chứa lá tre
5.1 Chữa cảm sốt, miệng khô khát
Dùng 30g lá tre, 12g thạch cao, 8g Mạch Môn, 7g gạo tẻ, 4g bán hạn, 2g Nhân Sâm hoặc Đảng Sâm, 2g Cam Thảo đem sắc uống trong ngày.
5.2 Chữa cảm sốt và cúm có sốt cao
Dùng 16g mỗi vị trúc diệp, kim ngân, 12g cam thảo đất, 8g mỗi vị Kinh Giới, bạch hà, đem sắc uống mỗi ngày một thang.
Hoặc dùng 20g lá tre, 40g Bạc Hà, 20g kinh giới, 20g cối xay, 20g Tía Tô. Đem sắc uống mỗi ngày một thang.
5.3 Chữa vết thương chảy máu
Dùng 40g mỗi vị lá tre non, gạo tẻ, 20g thuốc lào. Đem phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn, rắc vào vết thương rồi băng lại.
5.4 Chữa viêm phế quản cấp tính
Dùng 12g lá tre, 16g thạch cao, 12g mỗi vị tang bạch bì, mạch môn, thiên môn, Hoài Sơn, sa sâm, 8g lá hẹ, sắc uống ngày một thang.
5.5 Chữa viêm cầu thận cấp tính
Dùng 16g lá tre, 20g mỗi vị Bồ Công Anh, rễ cỏ tranh, 12g mỗi vị Sinh Địa, hoàng bá, mộc thông, Hoàng Cầm, 4g cam thảo, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
5.6 Chữa viêm bàng quang cấp tính
Dùng 16g lá tre, 12g mỗi vị hoàng cầm, mộc thông, sinh địa, 6g mỗi vị cam thảo, đang tâm, sắc uống ngày 1 thang.
5.7 Chữa co giật trẻ em
Dùng 16g lá tre, 12g mỗi vị mạch môn, sinh địa, Câu Đằng, lá vông, 10g Chi Tử, 8g mỗi vị bạc hà, cương tàm, sắc uống mỗi ngày một thang.
5.8 Chữa thủy đậu
Dùng 8 g mỗi vị lá tre, liên kiều, 4g mỗi vị Cát Cánh, đam đậu sị, 2g mỗi vị cam thảo, bạc hà, sơn chi, 2 củ hành tăm, sắc uống ngày 1 thang.
5.9 Chữa loét miệng
Dùng 16g lá tre, 20g thạch cao, 16g mỗi vị cam thảo nam, sinh địa, chút chút, 12g mỗi vị Huyền Sâm, ngọc trúc, mộc thông, sắc uống ngày 1 thang.
5.10 Lá tre gai chống đông máu
Lấy 1 nắm lá tre bẻ cả cành nhỏ, rửa sạch, cho vào nồi đổ nước xâm xấp mặt lá. Đậy vung đun sôi sau đó vặn nhỏ lửa đun tiếp 15p cho ra hết chất. Khi nào tắt bếp thì hé vung ra có thể uống ấm hoặc uống nguội.
5.11 Lá tre nấu với gừng có tác dụng gì?
Chữa trúng phong, ho suyễn: Dùng Gừng tươi giã sống, sau đó vắt lấy nước cốt 1 chén và hòa với một chén lá trúc lịch (nước ép phần cật tre trúc non), sau đó cho người bệnh uống dần.
6 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Tre trang 1010-1014, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: M Muniappan và cộng sự (Ngày đăng: năm 2003). Antiinflammatory and antiulcer activities of Bambusa arundinacea, Pubmed. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2023.