Lá Lốt (Piper lolot C. DC.)
14 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Lá lốt được biết đến khá phổ biến với công dụng trị tay chân lạnh, phong hàn thấp, rối loạn tiêu hoá, tê bại, nôn, trướng bụng, đầy hơi, thận và bàng quang lạnh. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Lá lốt.
1 Giới thiệu về cây Lá lốt leo
Lá Lốt hay còn được gọi là Tất bát, tên khoa học là Piper lolot C. DC., thuộc họ Hồ tiêu - Piperaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo có thân thấp, mọc thành từng bụi hoặc từng cụm và có thể sống lâu. Thân cây cao khoảng 40-50 cm, phồng lên ở các khúc, bề mặt ngoài có nhiều rãnh dọc. Lá đơn nguyên, mọc thưa thớt, có hình dạng tim, với 5 gân cung đi từ cuống lá ra ngoài. Cuống lá bao quanh thân cây. Mặt trên của lá màu xanh bóng, với mùi thơm đặc trưng. Cụm hoa mọc từ nách lá và có hình dạng bông đơn.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Piperis.
Cây có thể thu hái quanh năm và được sử dụng tươi hoặc phơi khô. Để sử dụng, cây cần được rửa Lá lốtch trước.
1.3 Đặc điểm phân bố
Lá lốt phân bố rộng rãi ở các khu vực ven biển phía đông nam của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Cây thường mọc dại ven rừng, ven suối và được trồng ở nhiều nơi trên cả nước. Lá lốt thường được trồng bằng cách cắt thành từng khúc 20-25cm và giâm vào nơi ẩm ướt. Ra hoa vào tháng 4-5.
Lá lốt được tìm thấy chủ yếu ở vùng đất ngập nước dưới rừng hoặc gần các ngôi làng. Cây có nguồn gốc từ đông bắc Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Tại Việt Nam, Lá lốt được phân bố tại các tỉnh như Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và được trồng ở nhiều nơi khác.
2 Thành phần hóa học
Cây Lá lốt có tinh dầu. Lá của cây có các thành phần bay hơi, chủ yếu là: 4H-pyran-4-on,2,3-dihydro-3,5- dihydroxy-6-methyl; N,N-dimethyl octanamid, acid 3-(4-methoxyphenyl) propionic; 3- methyl-hepta-1,6-dien-3-ol; 2,3,4,7-tetrahydro-1H-indien; 2-furancarboxaldehyd 5- (hydroxymethyl).
Quả của cây có các amid (pellitorin, guineensin, brachystamid B, brachyarsd B, 1-piperettyl pyrrolidin, 3',4',5'-trimethoxycinnamoyl pyrrolidin); lignan; methyl piperat, B-sitosterol, stigmasterol. Rễ của cây có các alkaloid, alkylamid, lignan và các dẫn chất phenol.
3 Công dụng - Tác dụng của cây Lá lốt
3.1 Tác dụng dược lý
Lá và rễ của cây có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và kháng viêm. Một số chất trong rễ của cây có tác dụng chống lại vi khuẩn Plasmodium.
Các nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng lá của cây lốt có nhiều hoạt tính sinh học khác nhau, bao gồm khả năng kháng khuẩn, chống viêm, diệt côn trùng, giảm đường huyết, chống ung thư và hạ huyết áp. Tiềm năng của lá cây lốt trong điều trị các bệnh liên quan đến stress oxy hóa như tăng huyết áp và tiểu đường đã được cung cấp thêm bằng chứng cho việc sử dụng truyền thống của nó. Ngoài các hoạt tính sinh học quen thuộc, còn có một số hoạt tính mới bổ sung như thúc đẩy chữa lành vết nứt, bảo vệ thần kinh, chống trầm cảm và chống xơ vữa động mạch đã được báo cáo.
3.2 Vị thuốc Lá lốt - Công dụng theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Lá lốt có vị cay, mùi thơm và tính ấm, có tác dụng chỉ thống, ôn trung, hạ khí và tán hàn.
3.2.2 Công dụng của cây Lá lốt
- Trị tay chân lạnh, phong hàn thấp, rối loạn tiêu hoá, tê bại, nôn, trướng bụng, đầy hơi, thận và bàng quang lạnh, đau bụng ỉa chảy, đau đầu, chảy nước mũi, đau răng. Ngày dùng 6-12g hoặc hơn, dạng thuốc Lá lốt. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
- Trị tê thấp, nhức mỏi, đau lưng (phối hợp với Ngải Cứu, giã nát, đắp tại chỗ); chữa tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa; chữa rắn cắn, giải độc nấm (phối hợp với lá Đậu ván trắng, lá Khế: giã nát, vắt lấy nước uống); còn dùng chữa đau răng (ngậm nước Lá lốt).
- Lá lốt còn được sử dụng làm gia vị.
4 Xông lá lốt có tác dụng gì?
- Chữa viêm xoang do lá lốt chứa nhiều tinh dầu piperin.
- Trị mụn, trắng da: Xông lá lốt giúp thư giãn da mặt, đào thải các bã nhờn, độc tố và bụi bẩn, làm da trắng sáng và hỗ trợ trị mụn.
- Xông lá lốt vùng kín chữa viêm nhiễm vùng kín, giúp cải thiện và chữa bệnh lành tính, an toàn.
- Hỗ trợ chữa bệnh trĩ: Hoạt chất Piperin giúp phục hồi các niêm mạc bị tổn thương và chống nhiễm trùng búi trĩ. Nó cũng hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng táo bón và suy nhược do bệnh trĩ.
- Giảm đau và chống viêm xương khớp do chứa nhiều hoạt chất giúp giảm đau và chống viêm.
5 Gừng và Lá lốt ngâm chân
- Rửa sạch và vắt khô nắm Lá lốt, sau đó nghiền nát.
- Lột vỏ 1 củ gừng, rửa sạch và nghiền nát.
- Cho Lá lốt và Gừng vào 1 chậu nước nóng với chút muối hạt.
- Đợi nước nguội bớt, sau đó ngâm chân trong 15-20 phút.
6 Bài thuốc từ Lá lốt
6.1 Cách chữa đau lưng, tê bàn chân
Giã nát lá lốt và ngải cứu, pha với giấm, đắp hoặc chườm. Uống 8-12g dây rễ lá lốt kết hợp với các loại thảo dược khác, mỗi vị 8g: Dây Đau Xương, củ Cốt khí và Cỏ xước.
6.2 Giải độc và chữa đau do nấm hoặc rắn cắn
Giã nát lá lốt, lá khế và lá đậu ván trắng, pha với nước lọc uống (mỗi vị 50g).
6.3 Chữa đau bụng do lạnh
Đun 20g lá lốt với 300ml nước, chia thành 100ml và uống trước bữa ăn tối, sử dụng liên tục trong 2 ngày.
6.4 Chữa ra nhiều mồ hôi tay chân
Đun lá lốt với nước và muối, đổ vào chậu để ngâm tay chân trước khi đi ngủ, sử dụng liên tục trong 5-7 ngày.
6.5 Lá lốt nấu nước dừa để hạ đạm bệnh gút
Cho lá lốt vào nước dừa xiêm, đun chung khoảng 45 phút, uống 1-2 lần mỗi tuần.
7 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Lá lốt trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Lá lốt trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Xiaolei Sun và cộng sự (Đăng ngày 5 tháng 12 năm 2020). Piper sarmentosum Roxb.: A review on its botany, traditional uses, phytochemistry, and pharmacological activities, Sciencedirect. Truy cập ngày 23 tháng 03 năm 2023.