Lá É (Trà Tiên, É Trắng - Ocimum basilicum L. var. pilosum (Willd.) Benth.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) | Lamiaceae (Bạc hà) |
Chi(genus) | Ocimum |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Ocimum basilicum L. var. pilosum (Willd.) Benth. |
Cây é thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 50cm, cây sống lâu năm. Thân và cành có dạng hình vuông, vỏ thân và vỏ cành có màu lục nhạt, bề mặt phủ một lớp lông thưa. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Lá é là lá gì?
Tên khoa học: Ocimum basilicum L. var. pilosum (Willd.) Benth.
Lá é miền Bắc gọi là Trà tiên, Tiến thực, Rau húng lông, Húng Quế lông, É trắng, Rau É.
Lá é tiếng Anh là Green basil.
Họ thực vật: Lamiaceae (Bạc Hà).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây é thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 50cm, cây sống lâu năm. Thân và cành có dạng hình vuông, vỏ thân và vỏ cành có màu lục nhạt, bề mặt phủ một lớp lông thưa.
Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình bầu dục, chiều dài mỗi lá khoảng từ 5 đến 6cm, chiều rộng từ 2 đến 3cm, gốc lá tròn, đầu nhọn, mép lá khía răng cưa, gân lá có lông ở cả 2 mặt nhưng dày hơn ở mặt dưới. Khi vò lá é thấy có mùi thơm giống mùi của cây sả.
Cụm hoa mọc thành xim ở ngọn thân và đầu cành gồm nhiều hoa màu trắng, các hoa mọc thành vòng tròn xếp sít nhau, phủ đầy lông, nhị mọc vượt dài ra khỏi ống tràng.
Quả bế, kích thước quả nhỏ, có đài tồn tại, mỗi quả gồm 4 hạt có màu xám đen.
Mùa hoa quả từ tháng 7 đến tháng 8.
Dưới đây là hình ảnh của cây Lá é:
1.2 Thu hái và chế biến rau é trắng
Cành và lá thu hái khi cây é chưa có hoa hoặc mới ra nụ, có thể dùng tươi hoặc đem phơi trong bóng mát cho đến khi khô, dùng để cất lấy tinh dầu.
Hạt được thu hái sau khi quả chín.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Ocimum L. ở nước ta chỉ có 4 loài (trong tổng số 150 loài) trong đó có 3 loài là cây trồng và chỉ có lá é và một loài nữa được tìm thấy mọc tự nhiên.
Lá é có nguồn gốc ở vùng Tây Á sau đó được trồng hoặc hoang dại hóa ở nhiều khu vực nhiệt đới, ôn đới ấm, cận nhiệt đới.
Từ trước 3000 năm trước Công nguyên, người ta đã đưa cây é trắng từ Hy Lạp về trồng ở Ai Cập sau đó cây được du nhập trồng vào nước Anh ở thế kỷ 16, vào thế kỷ 17, Lá é mới bắt đầu được trồng ở châu Mỹ.
Ở châu Á, cây được trồng ở nhiều quốc gia khác nhau như Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Indonesia, Thái Lan, Philippin và Việt Nam.
Tại nước ta, hiện nay chưa xác định được thời gian nhập trồng Lá é, chỉ biết cây được tìm thấy ở nhiều địa phương khác nhau, đặc biệt là các tỉnh thuộc phía Nam như Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh,... nhiều nơi cây trồng còn sót lại sau trở nên hoang dại hóa.
Lá é là loài ưa sáng, ưa ẩm, có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa mưa. Những cây được trồng ở miền Bắc thì ra hoa vào cuối mùa hè hoặc rải rác trong mùa thu, những câu tròng ở miền Nam thì ra hoa quả khi thời tiết vào đầu màu khô. Hạt phát tán xung quanh gốc cây mẹ, cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, có thể nhân giống bằng phương pháp giâm cành.
Lá é có biên độ sinh thái rộng, có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiều khu vực có khí hậu khác nhau từ ôn đới ấm đến nhiệt đới nóng ẩm, nhiệt độ có thể dao động từ 5 đến 30 độ C, thời gian chiếu sáng mỗi ngày cần tối thiểu là 5 tiếng hoặc hơn tùy thuộc vào loại giống đem trồng.
Tại nước ta, có ít nhất 2 giống được trồng, do có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt nên có thể thu hái nhiều lần.
2 Thành phần hóa học
Toàn cây có chứa tinh dầu với hàm lượng có thể lên đến 5%. Hàm lượng tinh dầu cao nhất là lúc cây ra hoa.
Thành phần của tinh dầu gồm citral, citronelal và khoảng 20 hoạt chất khác.
Thành phần tinh dầu không cố định mà thay đổi tùy theo giống cây trồng. Một số tác giả cũng đã phát hiện được các Flavonoid glycosid trong cây và các bộ phận của cây ở giai đoạn cây có nụ và hàm lượng tăng dần khi cây ra hoa.
Một số chất khác có thể kể đến bao gồm acid cateic, quercetin, acid rosmarinic.
Hạt của cây Lá é có chứa chất nhầy, sau khi thủy phân thu được Glucose, rhamnose, xylose, acid uronic. Ngoài ra, hạt còn chứa chất dầu khô gồm acid palmitic, oleic, stearic, linoleic.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Lá é (Trà tiên)
3.1 Tính vị, tác dụng
Lá é có vị cay, tính ấm, có tác dụng giải biểu, phát hãn, lợi thấp, khu phong, tán ứ, chỉ thống.
Hạt của cây Lá é có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt.
3.2 Công dụng trong Y học cổ truyền
Toàn cây được dùng làm thuốc hạ sốt, làm ra mồ hôi, dùng trong trường hợp cảm mạo phong hàn, đau đầu, bụng chướng, ho, phong thấp, ăn không tiêu, đau nhức xương. Liều dùng được khuyến cáo là 10-15g cành lá phơi khô sau đó hãm nước uống hoặc dùng để nấu nước uống.
Có thể dùng ngoài trong trường hợp rắn độc cắn, viêm da.
Hạt của cây Lá é cũng được dùng, đem ngâm nước sẽ nở ra tạo thành một màng nhầy màu trắng bao quanh hạt giống như trân châu. Hạt lá é sau khi hãm, thêm đường uống có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu. Nhân dân Ấn Độ sử dụng nước hãm từ hạt để trị lậu, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, viêm bàng quang, trĩ với liều 4-12g mỗi ngày. Hạt còn dùng để giã nát, đắp trong trường hợp viêm tấy.
Tinh dầu dùng trong công nghiệp như một nguồn hương liệu.
4 Một số cách trị bệnh từ cây lá é
4.1 Chữa cảm cúm, sốt nhức đầu
20-30g cành và lá của cây é có thể dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều loại lá thơm khác như lá chanh, cúc tần, lá Bưởi, cành non của cây Hương Nhu, mỗi vị dùng 10g sau đó đem hãm hoặc sắc nước để uống.
4.2 Chữa nôn mửa, đau bụng
10-20g cành lá cây É đem phơi khô sau đó đem hãm lấy nước uống.
4.3 Chữa viêm lợi, chảy máu chân răng, tưa lưỡi
Nước ép từ cây É trộn lẫn với nước ép vỏ trong của cây Sổ Xoan, ngậm nhiều lần trong ngày.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Lá é có phải lá quế không?
Lá é còn được gọi là Húng quế lông, tuy nhiên không phải cây Húng quế. Thân cây é có màu trắng còn thân cây Húng quế có màu tím, không có lông. Lá é có mùi giống mùi sả còn Húng quế có mùi đặc trưng hơn.
5.2 Lá é bán ở đâu Hà Nội?
Lá é thường được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam do đó, để tìm được lá é ngoài Hà Nội thì bạn có thể tìm trong các siêu thị hoặc chợ lớn.
5.3 Cách làm lẩu gà lá é
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Gà ta 1 con.
- Lá é.
- Măng chua.
- Gia vị.
- Hành tím, ớt hiểm, chanh, tỏi.
Cách thực hiện
- Gà chặt khúc vừa ăn, có thể ướp thêm một chút gia vị cho đậm đà. Lá é nhặt bỏ những lá già, rửa sạch, để ráo. Dùng một ít lá é giã nhỏ với ớt hiểm, hành tím và tỏi, dùng hỗn hợp này để ướp gà.
- Cho 2 muỗng dầu ăn vào chảo, xào gà cho đến khi săn lại, thêm nước, thêm gia vị vừa ăn. Khi nồi nước sôi thì thêm măng chua, lá é và thưởng thức.
- Lẩu gà lá é có thể ăn cùng bún hoặc bánh canh cũng rất ngon.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Trà Tiên, trang 678. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Trà tiên, trang 980-982. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2024.