Kinh Giới (Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyl.)
70 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Rau Kinh giới được biết đến khá phổ biến với công dụng trị các triệu chứng cảm cúm mùa hè, say nắng, sốt không đổ mồ hôi, nhức đầu; phong thấp, đau xương và viêm dạ dày ruột cấp. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Rau Kinh giới.
1 Giới thiệu về Rau Kinh giới
1.1 Lá kinh giới miền Nam gọi là gì?
Rau Kinh giới, còn được biết đến với các tên gọi khác như Khương giới, Giả tô, Bạch tô và Tịnh giới, có tên khoa học là Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyl. (Elsholtzia cristata (Willd.)), thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
Vị thuốc Kinh giới trong Dược điển Việt Nam 5 có tên khoa học là: Herba Elsholtziae ciliatae.
1.2 Rau kinh giới là rau gì?
Cây thảo cao khoảng 40-60 cm, có thân vuông, mịn. Các lá mọc đối chéo chữ thập, phiến lá hình trứng thuôn, có chiều dài khoảng 5-8 cm và chiều rộng từ 2,3-3 cm, đầu lá nhọn, mép lá có răng cưa. Các hoa nhỏ màu tím nhạt hoặc hồng tía mọc thành từng bông ở đầu cành. Lá bắc rộng, màu lục, không có cuống, dài hình ống, có 5 răng hình tam giác và có lông dày. Tràng hơi cong ở gốc, mặt ngoài có lông, mặt trong nhẵn, chia thành 2 môi, môi trên có 3 thùy và môi dưới có 2 hơi dài hơn. Có 4 nhị mọc thò ra ngoài tràng, chỉ nhị thẳng, nhẵn, dính ở giữa ống tràng. Bầu có vòi nhụy dài hơn nhị. Quả bế dài 0,5 mm, thuôn, bóng. Toàn cây có mùi thơm.
1.3 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây trên mặt đất (Herba Elsholtziae) gọi là Kinh giới hay Kinh giới tuệ, có thể được sử dụng tươi, phơi hoặc sấy khô. Để thu hoạch, người ta cắt cành lá của những cây đang ra hoa, chặt ngắn và phơi sấy nhẹ tới khô. Bảo quản nơi khô ráo.
Chế biến Kinh giới lúc trời khô ráo, cắt lấy những đoạn cành có nhiều lá và hoa, phơi hay sấy ở 40 - 50 độ C đến khô. Bào chế Kinh giới bằng cách rửa sạch, thái 2-3 cm để dùng sống, sao qua hay sao cháy nếu muốn giảm bớt độ cay, thơm.
1.4 Đặc điểm phân bố
Cây Kinh giới thường được trồng khắp nơi để lấy cành lá làm rau ăn, ở vùng ôn đới châu Á. Cây này được trồng bằng hạt, và người ta chọn hạt từ những cây khoẻ tốt, sau đó trộn đều với tro rồi gieo. Cây này thích hợp với đất nhiều mùn, khô ráo và có nhiều ánh nắng. Cần phủ rơm rạ và tưới nước đều. Độ 3-4 tháng sau khi trồng, cây đã có thể thu hoạch. Cây Kinh giới ra hoa tháng 7-10 và có quả từ tháng 10-12. Cây phân bố khắp các tỉnh và thành phố từ Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, cây Kinh giới còn được tìm thấy ở Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Trung Quốc và một số nước châu u và châu Mỹ.
2 Thành phần hóa học
Chủ yếu của rau Kinh giới là tinh dầu (perillen 2,1-3,9%, elsholtzia keton 3,3-19,3%, dehydro-elsholtzia keton 66,1-72,4%...) và Flavonoid (apigenin, luteolin, dẫn chất methoxy flavon).
3 Rau Kinh giới có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Kinh Giới có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa, và có thể ngăn ngừa thiếu máu cục bộ cơ tim...
3.2 Công dụng của rau Kinh giới theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Kinh giới có vị cay, tính hơi nóng, quy kinh can, phế và có tác dụng kích thích ra mồ hôi, thúc đẩy tiểu tiện, giảm sốt, giảm các triệu chứng đau nhức và ngứa. Nếu phơi khô quá mức, cây sẽ có tác dụng làm giảm đông máu.
Kinh giới nếu sao đen có tác dụng chỉ huyết, trị rong kinh, đại tiện ra máu, băng huyết, thổ huyết.
Theo sách Vân Nam trung dược, loại thảo dược này có vị cay và tính ấm. Nó có tác dụng kích thích quá trình tiêu hóa, giải phóng sự chảy máu, tăng cường chức năng thận và giúp giải độc.
Liều lượng sử dụng ngày dùng 10-16g dược liệu khô hay 30g dược liệu tươi ở dạng thuốc sắc hay hãm. Dùng ngoài với lượng thích hợp, có thể đem sao vàng rồi chà sát lên da nếu bị ngứa, dị ứng.
3.2.2 Tác dụng của rau Kinh giới
Rau Kinh giới thường được sử dụng để trị:
- Các triệu chứng cảm cúm mùa hè, say nắng, sốt không đổ mồ hôi, nhức đầu;
- Bại liệt, phong thấp, đau xương, đau mình;
- Viêm dạ dày ruột cấp, hơi thở nặng;
- Giảm niệu. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để chữa bệnh xuất huyết, rong huyết, thổ huyết, đại tiện ra máu.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây được sử dụng để trị cảm mạo, đau đầu, tiêu hoá bất lương, hạ ly phúc thống, phát nhiệt, ác hãng toàn thân, thuỷ thũng, giải độc và các triệu chứng của độc tố từ thực phẩm và cá.
3.3 Cách dùng Lá kinh giới trị mụn
Liều dùng Lá kinh giới là 3-10g dưới dạng thuốc sắc. Có thể sử dụng Lá kinh giới tươi giã nát và đắp lên vùng da viêm mủ hoặc mụn nhọt. Lá kinh giới có thể điều trị mụn viêm hoặc mụn nhọt mới xuất hiện. Cách sử dụng bao gồm rửa sạch Lá kinh giới, nghiền nát và lấy nước từ Lá kinh giới. Sau đó, thoa nước Lá kinh giới lên vùng da bị mụn và để khô. Rửa sạch bằng nước. Có thể thực hiện lại cho đến khi nốt mụn xẹp và nhỏ lại.
3.4 Cách nấu nước kinh giới
Chuẩn bị 300g Lá kinh giới tươi, rửa sạch và ngâm với nước muối loãng để làm sạch bụi bẩn và tạp chất. Vò nhẹ Lá kinh giới rồi cho vào nồi đun cùng 3 lít nước. Đun trong 10 phút và tắt bếp. Đổ nước nấu được ra chậu, chùm chăn kín và xông hơi. Thực hiện cách này 3 lần/tuần, triệu chứng mẩn ngứa, nổi mẩn đỏ được cải thiện đáng kể.
Ghi chú: Vị Kinh giới trong Dược điển Trung Quốc là từ cây Schizonepeta temifolia (Benth.) Briq. là đồng danh của Nepeta tenuifolia Benth., cùng họ Hoa môi (Lamiaceae).
4 Tác hại của rau Kinh giới
Mặc dù rau Kinh giới có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên, nó cũng mang lại nhiều tác hại cho sức khỏe như: không được sử dụng trong thai kỳ, không nên sử dụng cho người mắc bệnh tiểu đường, rối loạn đông máu, và người dị ứng với các thành phần có trong rau.
Người biểu hư, tự ra mồi hôi nhiều, không có ngoại cảm, phong hàn cũng không nên sử dụng Kinh giới.
5 Phân biệt rau Kinh giới và Tía tô
5.1 Lá tía tô và lá kinh giới có tác dụng gì?
Rau kinh giới và lá Tía Tô đều được sử dụng để hỗ trợ điều trị cảm cúm hiệu quả bằng cách nấu cháo trắng kết hợp với một ít hành lá hoặc rau tía tô. Điều này giúp giảm triệu chứng như sốt, cảm lạnh và đau nhức cơ thể.
5.2 Phân biệt rau Kinh giới và tía tô
Tuy nhiên, rau kinh giới và lá tía tô là hai loại rau khác nhau. Nhiều người nhầm lẫn giữa chúng do hình dáng bên ngoài có nhiều điểm tương đồng. Lá kinh giới có kích thước nhỏ hơn tía tô (rau Kinh giới có độ rộng từ 1-4cm và độ dài khoảng 2-5cm; trong khi lá tía tô thường rộng 2-10cm và dài 4-12cm), mặt trên của lá kinh giới có màu xanh tươi. Trong khi đó, lá tía tô có sắc tím nhiều hơn, thường tập trung ở mặt dưới của lá hoặc cả hai mặt.
Rau kinh giới có vị cay và mùi thơm dễ chịu do chứa nhiều tinh dầu hơn. Rau kinh giới thường được ăn sống nhiều hơn là nấu chín, chẳng hạn như ăn kèm với bún đậu mắm tôm, bún bò hoặc bánh tráng thịt luộc. Trong khi đó, lá tía tô có thể vừa ăn sống vừa nấu chín trong một số món quen thuộc như món luộc, hấp, om.
6 Uống nước Kinh giới có tác dụng gì?
6.1 Chữa cảm mạo, phong hàn phát sốt, nhức đầu ê ẩm, đau mình, không có mồ hôi, hay đổ mồ hôi khi gặp gió lạnh, trẻ em lên sởi, lở ngứa
Sử dụng 20g Kinh giới cả hoa và cành sắc uống, hoặc kết hợp với các loại thuốc khác.
6.2 Chữa cảm gió lạnh nhức đầu, chảy nước mũi
Sử dụng hoa Kinh giới khô (Kinh giới tuệ), Bạch Chỉ, hai loại thuốc này tán nhỏ bằng nhau; uống mỗi lần 4g với nước chè nóng, giúp ra mồ hôi.
6.3 Chữa cảm đau nhức các đầu xương
Sử dụng 50g Kinh giới tươi, 10g Gừng sống, giã nát và vắt lấy nước còn bã đánh dọc theo sống lưng. Hoặc sử dụng 20g Kinh giới, 10g Tía tô, sắc nước uống và đắp chăn để ra mồ hôi.
6.4 Chữa cảm thể nóng
Sử dụng 8g Kinh giới, 8g Bạc hà, 12g Cam Thảo đất sắc nước uống 2-3 lần trong ngày.
6.5 Xuất huyết
Để chữa các trường hợp xuất huyết (như chảy máu cam, băng huyết...), có thể dùng hoa Kinh giới sao đen 15g, rồi sắc nước uống.
6.6 Mẩn ngứa, dị ứng
Nếu bị mẩn ngứa trên da do dị ứng, có thể sử dụng hoa Kinh giới 12g, hoa Húng Quế 12g, lá Đơn đỏ 12g, sắc nước uống 1 lần, ngày uống 2-3 lần.
6.7 Viêm mũi dị ứng
Để chữa viêm mũi do dị ứng, có thể dùng hoa Kinh giới 8g, Bạc Hà 8g, hoa Húng quế 8g, Cây cứt lợn 12g, lá Cối xay 12g, sắc nước uống, chia 2 lần trong ngày.
6.8 Lở ngứa, sởi
Để chữa các trường hợp trẻ em bị lở ngứa và lên sởi, có thể sử dụng Kinh giới và Kim Ngân Hoa (cả hoa, lá, cành) mỗi vị 15-20g, rồi sắc uống.
6.9 Giúp tóc mượt, sạch gàu
Để làm cho tóc mượt, sạch gàu và hết ngứa, có thể lấy toàn bộ Kinh giới, lá Bưởi, lá sả, cỏ Mần Trầu, cây cứt lợn, Hương Nhu và tang diệp mỗi vị 60g cho vào nồi, đổ nước sôi vào và đợi cho nguội rồi dùng nước này để gội đầu.
7 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Rau Kinh giới trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Rau Kinh giới trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Kinh giới, trang 1223 - 1224, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 22 tháng 09 năm 2023.