Khoai Tây (Solanum tuberosum L.)

0 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật có hai lá mầm thật sự)

Asterids (nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Solanales (Cà)

Họ(familia)

Solanaceae (Cà)

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Solanum tuberosum L.

Khoai Tây (Solanum tuberosum L.)

Khoai tây thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 30 đến 50cm. Thân cây mềm, có màu lục, bề mặt nhẵn hoặc có lông tơ. Những cành ở sát mặt đất phình thành củ. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Solanum tuberosum L.

Họ thực vật: Solanaceae (Cà).

1.1 Đặc điểm thực vật

Khoai tây thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 30 đến 50cm. Thân cây mềm, có màu lục, bề mặt nhẵn hoặc có lông tơ.

Củ khoai tây là thân hay rễ? Những cành ở sát mặt đất phình thành củ. Đặc điểm của củ khoai tây: Củ có dạng hình cầu hoặc hình trứng dẹt, vỏ ngoài có màu nâu vàng nhạt.

Lá thuộc dạng lá kép lông chim lẻ, lá cây mọc so le, gồm 7 đến 9 lá chét có kích thước không đều, có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, những lá ở cuối có kích thước lớn hơn, mép lá nguyên.

Cụm hoa mọc thành xim ở ngọn, hoa có màu trắng hoặc màu lam nhạt, đài 5 răng có dạng hình mác hẹp, rời nhau, tràng 5 cánh mỏng hàn liền, nhị 5, bao phấn tạo thành ống, bầu nhẵn.

Quả thuộc dạng quả mọng, hình cầu.

Mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 4.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Củ và thân lá.

1.3 Đặc điểm phân bố

Khoai tây là loài được trồng từ lâu ở Nam Mỹ, sau đó vào khoảng thế kỷ 16, cây được đưa vào trồng rộng rãi ở châu Âu. Đến thế kỷ 19, người Pháp đã đưa cây vào trồng ở Việt Nam.

Khoai tây là cây sống nhiều năm, sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có khí hậu ẩm mát, nhiệt độ dao động khoảng từ 10 đến 20 độ C. Khi trồng ở Việt Nam, nếu trồng ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Đà Lạt thì phải trồng vào mùa đông. Các giống khoai tây được trồng hiện nay là loài bất thụ, ra hoa nhưng không đậu quả, do đó nguồn giống phải khai thác từ củ. Gần đây, có một giống Khoai tây được trồng bằng hạt, những nơi lấy hạt trồng cây là những khu vực có độ cao trên 1500 mét như Sapa, Hà Giang. Hạt giống sau đó được đem về trồng và sản xuất ở vùng đồng bằng.

2 Cách trồng

Củ khoai tây
Củ khoai tây

Khoai tây là một trong số cây vụ đông phổ biến được trồng ở miền Bắc nước ta, cây cũng có thể được trồng ở những vùng lạnh của miền Nam (chủ yếu là Lâm Đồng).

Khoai tây có thể nhân giống bằng hạt, giâm cành, cấy mô nhưng phổ biến nhất là phương pháp nhân giống bằng củ.

Củ sau khi thu hoạch thì lựa chọn những củ có kích thước vừa phải, không bị bệnh, không bị giập nát, xếp ở nơi thoáng mát, đến tháng 9 - tháng 10 thì đem đi trồng. Củ có thời gian nghỉ khoảng 90 đến hơn 100 ngày sau đó mới nảy mầm. Do đó, trong quá trình trồng cần tránh làm gãy mầm củ.

Để hình thành tia củ thì nhiệt độ thấp và bóng tối là 2 yếu tố quyết định. Do đó, khi trồng cần lựa chọn thời điểm phù hợp để cây gặp rét đậm sau khi trồng khoảng từ 40 đến 50 ngày, tại miền Bắc, cây thường được trồng sau khi gặt lúa, thường là khoảng tháng 9 đến tháng 10. Để đảm bảo bóng tối cho cây thì cần vun gốc kịp thời.

Đất trồng Khoai tây là đất cát pha thịt nhẹ, có khả năng thoát nước tốt, có nhiều mùn, khu vực trồng cần phải đảm bảo thuận lợi khi tưới tiêu.

Đất sau khi cày bừa tiến hành chia luống rộng khoảng 70 đến 90cm, trên mặt tạo 2 rạch sâu, đặt mầm giống vào rạch, các mầm cách nhau 30cm.

Dùng phân chuồng hoại mục để phủ lên mầm giống, dùng phân đạm bón giữa các mầm giống. Sau cùng phủ một lớp đất nhẹ kín phân là được.

Quá trình trồng Khoai tây cần chú ý việc tưới tiêu để tạo đủ ẩm cho mặt đất khoảng 60 đến 70%.

Sau 7 đến 10 ngày, cây bắt đầu mọc lên khỏi mặt đất, khi đó cần chú ý diệt sâu xâm hại và tỉa bớt mầm nếu quá nhiều.

Sau 20 đến 25 ngày thì tiến hành bón thúc cho cây đồng thời vun gốc.

Khoai tây thường bị các loại sâu xanh, rệp hại lá do đó cần có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Khoai tây sau khi trồng khoảng 3 tháng có thể tiến hành thu hoạch, nên lựa ngày nắng ráo để đào củ, tránh giập nát. Không nên đắp đống quá dày vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng củ.

3 Thành phần hóa học

Hoa của cây Khoai tây
Hoa của cây Khoai tây

Củ khoai tây có chứa carbohydrat, hợp chất chứa nitơ, các enzym, các vitamin, các acid hữu cơ, các phytosterol, các anthocyanin va flavonol.

Ngoài ra, củ Khoai tây còn chứa một lượng nhỏ solanidin và yamogenin ở dạng tự do.

Thân và lá có chứa tanin.

Solanin là thành phần cũng được tìm thấy ở trong thân, lá và hạt của cây Khoai tây.

4 Tác dụng của cây Khoai tây

4.1 Giảm độ acid của dịch vị

Nước ép Khoai tây sống thể hiện tác dụng làm giảm độ acid của dịch vị dạ dày.

4.2 Tác dụng trên ruột

Nước ép Khoai tây sống thể hiện tác dụng làm tăng co bóp nhu động ruột, kích thích màng nhầy dạ dày, ruột.

Ăn nhiều Khoai tây luộc có thể tác dụng nhuận tràng nhẹ.

4.3 Làm dịu và làm mềm da

Bột khoai tây có tác dụng làm mềm và dịu da, thường dùng dưới dạng thuốc đắp.

4.4 Tác dụng khác

Thành phần RutinFlavonoid trong của Khoai tây thể hiện tác dụng hạ huyết áp nhẹ.

Solanin trong quá và mầm củ Khoai tây thể hiện tác dụng chống dị ứng, chống choáng không kém cortisol, chống viêm.

Thành phần solanin còn thể hiện tác dụng giảm đau. Khi cho chuột cống trắng uống solanin với liều 30mg/kg thấy chỉ số đường huyết tăng cao. Tác dụng này chỉ bị ức chế khi dùng các chất phong bế alpha và beta adrenergic.

Hoa của cây Khoai tây
Hoa của cây Khoai tây

5 Công dụng theo Y học cổ truyền

5.1 Tính vị, tác dụng

Củ khoai tây có vị ngọt, tính bình, củ có tác dụng kiện tỳ, bổ huyết, tiêu viêm.

5.2 Công dụng

Củ Khoai tây dùng trong trường hợp đau bụng, khó tiêu, viêm loét dạ dày, viêm tuyến nước bọt, bỏng nhẹ, say nắng, sốt, vết thương, eczema. Liều dùng là 10-30g mỗi ngày, có thể dùng với lượng nhiều hơn.

Hoa Khoai tây dùng trong trường hợp huyết áp cao, đây cũng là nguyên liệu dùng để chiết rutin.

Quả và mầm củ Khoai tây ít khi được dùng làm thuốc do có thể gây độc. Nhưng đối với ngành công nghiệp dược phẩm thì đây là nguyên liệu dùng để chiết solanin dùng làm thuốc giảm đau bụng, đau nhức xương khớp, đau gan. Liều dùng là 0,05 đến 0,1g mỗi ngày dưới dạng thuốc bột, thuốc viên hoặc thuốc tiêm.

Bên cạnh đó, solanin còn dùng để chữa dị ứng ở khoa Tai mũi họng, chống hen, động kinh, viêm phế quản. Tại Mỹ, người ta còn dùng solanin trong trường hợp bị viêm dạ dày.

6 Cây Khoai tây trị bệnh gì?

6.1 Chữa đau dạ dày, viêm dạ dày

Củ khoai tây mới thu hoạch, đem rửa sạch sau đó gọt vỏ, dùng 100g ép kiệt lấy nước, uống trước khi ăn 1 giờ, ngày uống 2-3 lần.

6.2 Thuốc nhuận tràng

Mỗi bữa ăn 100g Khoai tây luộc, có thể dùng phối hợp với bài thuốc chữa viêm dạ dày bên trên.

6.3 Chữa đau bụng

10-20g vỏ củ khoai tây sống đem sắc lấy nước uống.

6.4 Chữa say nắng, sốt, nhức đầu

Dùng củ Khoai tây gọt vỏ, giã đắp hoặc thái lát mỏng, dùng những lát khoai tây này để đắp lên trán hoặc thái dương.

6.5 Chữa bỏng, eczema, vết thương

Củ khoai tây đem rửa sạch, để cả vỏ hoặc gọt bỏ, thái bỏng, đắp lên vết thương hoặc giã nát rồi đắp.

Đối với trường hợp bỏng nhẹ có thể dùng vỏ củ khoai tây đã luộc, đem giã nát rồi đắp.

6.6 Chữa viêm tuyến nước bọt

Dùng củ khoai tây đem mài với giấm rồi bôi vào chỗ sưng.

Chú ý: Khoai tây sau khi thu hoạch nên để trên giàn ở chỗ mát trong nhà, nếu để ngoài trời, củ sẽ biến chất, vỏ xanh, ruột lại thâm, có độc, những trường hợp ăn phải khoai tây biến chất hoặc khoai tây mọc mầm (trong mầm có chứa solanin có độc) thì xuất hiện tình trạng đau bụng, đái ra máu, nôn mửa suy giảm hô hấp, suy giảm thần kinh.

7 Tác hại của khoai tây

Khoai tây là dược liệu có nhiều công dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên, ăn quá nhiều Khoai tây có thể gây tăng cân. Các món ăn chế biến từ Khoai tây như khoai tây chiên nếu ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu, tim mạch,...

8 Một số câu hỏi thường gặp

Món ăn chế biến từ Khoai tây
Món ăn chế biến từ Khoai tây

8.1 Nên ăn khoai tây lúc nào?

Nếu dùng khoai tây để chữa đau dạ dày thì nên uống nước Khoai tây trước bữa ăn, không nên ăn khoai tây quá nhiều vào buổi tối vì Khoai tây có thể gây nhuận tràng nhẹ.

8.2 Những ai không nên ăn khoai tây

Những người đang trong chế độ ăn kiêng, giảm cân, người béo phì,... cần tham khảo lời khuyên của bác sĩ dinh dưỡng trước khi thêm Khoai tây vào trong chế độ ăn của mình.

8.3 100g khoai tây bao nhiêu calo?

100g Khoai tây có chứa 76,7 kcal.

8.4 Có nên ăn khoai tây khi giảm cân?

Khoai tây có chứa nhiều loại vitamin, enzyme và khoáng chất tốt cho sức khỏe, việc sử dụng khoai tây đúng cách có thể giúp hỗ trợ giảm cân.

9 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Khoai tây, trang 82-84. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2025.
  2. Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Khoai Tây trang 525-526. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Khoai Tây (Solanum tuberosum L.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595