Khoai Sọ (Colocasia esculenta Schott)
1 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Khoai sọ được sử dụng rộng rãi bởi công dụng làm thực phẩm ăn hàng ngày rất bổ dưỡng. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Khoai sọ thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Khoai sọ là cây gì?
Khoai sọ còn có tên gọi khác là Khoai môn, mọc dại và cũng được trổng ở nông thôn để lấy củ ăn. Hiện có một số giống địa phương khác nhau:
- Giống Mống hương: Cây nhỏ, trồng ở đồng màu, ruột củ màu phớt vàng hay hồng, ăn ngon;
- Giống Mống riêng: Năng suất cao nhưng ăn ngứa;
- Giống Khoai đốm: Cây cao, trồng trên cạn hay dưới nước, củ ăn rất ngứa.
Tên khoa học của Khoai sọ là Colocasia esculenta Schott (Colocasia antiquorum Shott), thuộc họ Ráy (Araceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo, gốc phình thành củ lớn sần sùi hình trứng, đôi khi phân nhánh cấp 1, 2, 3 thành các củ con xếp sát nhau. Lá hình khiên, dài tới 20-50cm, gốc hình tim, đầu tù hơi nhọn, mép lượn sóng, nhẵn, mặt trên bóng, mặt dưới nhạt, gân hình chân vịt ở gốc và lông chim ở trên; cuống lá dài và mập, bẹ lá ôm vào thân, mọc đứng, dài tới 1-2cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông, được bao bọc bởi mo màu vàng nhạt, ống thuôn, ngắn, liền, phiến hình mũi mác hẹp có mũi dài gấp 2-3 lần ống. Trục hoa ngắn hơn mo, có 4 phần, từ dưới lên trên bao gồm phần hoa cái - phần không sinh sản - phần hoa đực dài gấp đôi phần hoa cái - phần không sinh sản, nhọn mũi. Hoa không có bao hoa; nhị tụ nhiều cạnh, bầu 1 ô, vòi rất ngắn. Quả mọng, hạt có nội nhũ.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Củ và lá.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây thường được trồng phổ biến ở Bắc bộ vào Quảng Trị, Khánh Hoà, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, các nước nhiệt đới khác châu Á.
1.4 Phân biệt Khoai sọ và Khoai môn
Về khoa học, hai tên gọi này đều chỉ cùng một loài là Colocasia esculenta như bên trên đã trình bày. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về hình thái nên thường gọi riêng để dễ nhận dạng:
- Khoai môn: Củ to, nặng khoảng 1,5-2kg, ít có củ con đi kèm. Vỏ ngoài màu nâu, có nhiều vân ngang và nhẵn hơn Khoai sọ. Ruột màu trắng tới vàng hay tím nhạt.
- Khoai sọ: Củ nhỏ hơn, thường bằng quả chanh, tới bằng nắm tay, có nhiều củ con. Vỏ đậm màu hơn, lông dài và nhám hơn. Ruột màu trắng.
2 Thành phần hóa học
Flavonoid và triterpenoid là hai hợp chất có hoạt tính dược lý chủ yếu có trong chiết xuất lá. Các flavonoid đã phân lập được chứa vicenin-2, iso-vitexin, iso-vitexin 3'-O-glucoside, vitexin X''-O-glucoside, iso-orientin, orientin, orientin 7-O-glucoside, leteolin 7-O-glucoside. Lá của cây cũng chứa chất xơ, Canxi oxalate, khoáng chất và tinh bột, Vitamin A, B, C...
Các nghiên cứu về hóa chất thực vật trên lá có chứa flavon, apigenin, luteolin và anthocyanin. Củ chứa globulin chiếm 80% tổng số protein củ. Củ khoai sọ đã được báo cáo là có 70–80% (tính theo trọng lượng khô) tinh bột với các hạt nhỏ. Hàm lượng carbohydrate cao được quan sát thấy trong khoai sọ thô, bột khoai sọ và tổng số axit amin được ghi nhận trong củ nằm trong khoảng 1.380-2.397 mg/100g.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Gừng - Cải thiện tiêu hóa, chống nôn và chống say tàu xe hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của Khoai sọ
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Kháng khuẩn, kháng nấm
Hoạt tính kháng khuẩn trong ống nghiệm trong dịch chiết nước từ lá đã được nghiên cứu chống lại các chủng vi khuẩn gram dương như Streptococcus mutans, Bacillus subtillis, các chủng vi khuẩn gram âm như Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas fragi, Escherichia coli và các chủng nấm Aspergillus niger, Candida albicans. Chiết xuất cồn của lá cho thấy hoạt tính kháng nấm tốt hơn so với chiết xuất nước, kháng nấm 100% đối với Alternaria solani và Alternaria ricini ở nồng độ 25%.
3.1.2 Chống viêm
Đặc tính chống viêm của chiết xuất lá Khoai sọ đã được chứng minh trên mô hình phù chân cấp tính do carrageenan gây ra và phương pháp u hạt dạng viên bông. Kết quả cho thấy chiết xuất lá trong etanol ở liều uống 100mg/kg tạo ra sự ức chế đáng kể chứng phù do carrageenan gây ra, đồng thời cũng cho thấy tác dụng ức chế sự di chuyển của bạch cầu và giảm dịch tiết màng phổi cũng như giảm trọng lượng u hạt trong phương pháp u hạt bông viên khi so sánh với thuốc tiêu chuẩn.
3.1.3 Chống oxy hóa
Một thử nghiệm chống oxy hóa trong ống nghiệm của dịch chiết Khoai sọ cho thấy khả năng chống oxy hóa mạnh và khả năng nhặt gốc tự do. Tiềm năng chống oxy hóa của Khoai sọ chủ yếu là do sự hiện diện của các thành phần thực vật như tannin, Saponin, flavonoid, steroid, carbohydrate, protein và glycoside. Nước ép lá Khoai sọ cũng ngăn chặn các phản ứng peroxy hóa lipid gây ra do sự hiện diện của các gốc tự do được tạo ra bởi độc tố gan CCl4 và Acetaminophen trong mô hình lát gan chuột trong ống nghiệm.
3.1.4 Hoạt tính estrogen
Phân đoạn Khoai sọ (80mg/kg) thể hiện hoạt tính estrogen tốt ở chuột cái trước tuổi dậy thì, tuổi dậy thì và trưởng thành bị cắt bỏ buồng trứng. Ngoài ra, Khoai sọ có tác động đáng kể đến việc mở ống âm đạo ở chuột trước tuổi dậy thì và biểu mô âm đạo. Phần Khoai sọ cũng gây phì đại tử cung và tuyến yên ở chuột bị cắt bỏ buồng trứng tương tự như Estradiol, qua trung gian là liên kết với các thụ thể estrogen chọn lọc có trong mỗi cơ quan. Những phát hiện tổng thể của nghiên cứu này chỉ ra rằng phần giàu glycoside của Khoai sọ bắt chước hoạt động của estrogen, giảm tác dụng có hại trên các mô cụ thể.
3.1.5 Tác dụng khác
Chống tiểu đường: Hoạt tính trị đái tháo đường của chiết xuất Ethanol của lá đã được báo cáo trong một mô hình bệnh đái tháo đường do alloxan gây ra, cho thấy rằng chiết xuất (400 mg/kg) giúp làm giảm đường huyết đáng kể.
Bảo vệ gan: Nước ép lá Khoai sọ thể hiện hoạt tính bảo vệ gan và chống nhiễm độc gan đối với tổn thương gan do Paracetamol và CCl4 gây ra, thông qua việm giảm các enzym đánh dấu độc tính gan AST, ALT và ALP.
Chống di căn: Chiết xuất rễ hòa tan trong nước có khả năng ức chế sự xâm lấn phổi cũng như di căn tự phát từ các khối u cấy ghép tuyến vú trên chuột. Nó ức chế vừa phải sự tăng sinh của một số dòng tế bào ung thư vú và tuyến tiền liệt.
Bảo vệ thần kinh: Dịch chiết từ lá bằng cồn cho thấy tác dụng giải lo âu, chống trầm cảm, an thần nhẹ và giãn cơ xương phụ thuộc liều. Sự hiện diện của flavonoid, -sitosterol và steroid có thể chịu trách nhiệm cho các hoạt động dược lý thần kinh này.
Hạ pipid máu: Tác dụng ức chế tổng hợp cholesterol của chiết xuất etanol của Khoai sọ đã được chứng minh. Ngoài ra, arabinogalactan từ củ Khoai sọ cũng làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần và triacylglycerol trong cả huyết thanh và các cơ quan ở chuột.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Ráy gai - Vị thuốc trị viêm gan, chữa đau nhức xương khớp
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Củ Khoai sọ trồng có tính bình, vị ngọt hơi the, có bột màu trắng, dính, trơn, có tác dụng điều hòa nội tạng, hạ khí, bổ hư. Lá có tính lạnh, vị cay, trơn, có tác dụng trừ phiền, chỉ tả. Củ Khoai dại máu tím, gây phá khí, không bổ, không nên dùng.
Sách cũ ghi: Thân củ Khoai sọ (Dã vu) có vị cay, tính hàn, có ít độc; có tác dụng giải độc, tiêu thũng, chi thống, sát trùng.
Trong đông y, Khoai sọ được dùng trong chữa được hư lao yếu sức. Dùng ngoài chữa phong ngứa, mụn mủ. Lá sắc uống chữa phụ nữ tâm phiền mê man, thai động không yên. Ở Vân Nam (Trung Quốc), thân củ dùng trị thũng độc, ma phong, đòn ngã tổn thương, giới tiên.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Khoai sọ
4.1 Cách dùng
Củ Khoai sọ thường được luộc để ăn chống đói, nấu canh với rau rút, cua đồng hoặc nấu với cá quả, cá diếc.
Liều dùng lá là 20-30g, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài giã lá tươi đắp chữa rắn cắn, ong đốt hay mụn nhọt. Ngoài ra, dọc lá có thể muối dưa ăn hay làm thức ăn xanh cho lợn.
4.2 Những ai không nên ăn Khoai sọ?
Mặc dù không phổ biến nhưng đã có một số trường hợp được báo cáo về tác hại của Khoai sọ, chẳng hạn như dị ứng, ngứa, phát ban, nổi mề đay…, do đó không nên dùng cho người có cơ địa dị ứng.
Khoai sọ có hàm lượng canxi oxalat khá cao, là căn nguyên gây ra bệnh gút và góp phần tạo sỏi thận. Vì vậy không nên dùng cho người bị gút, sỏi thận. May mắn thay, ngâm và nấu khoai sọ có thể làm giảm đáng kể hàm lượng oxalat của nó, khiến nó trở nên an toàn hơn.
Ngoài ra, củ khoai sọ cũng có hàm lượng carbohydrate tương đối cao. Mặc dù nó cũng rất giàu chất xơ có lợi và tinh bột kháng, nhưng những người theo chế độ ăn ít carb hoặc ketogenic nên điều chỉnh lượng ăn vào để tối đa hóa lợi ích tiềm năng của khoai sọ. Những người mắc bệnh tiểu đường cũng nên sử dụng vừa phải cùng với nhiều loại rau không chứa tinh bột khác để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
4.3 Bài thuốc
4.3.1 Chữa phong ngứa
Nấu củ Khoai sọ lấy nước tắm rửa.
4.3.2 Chữa trẻ em đầu bị mò, lở chảy mủ nước
Dùng củ Khoai sọ to giã nhỏ đắp vào.
4.3.3 Chữa tiêu chảy, lỵ
Lá Khoai sọ, củ cà rốt, mỗi vị 30g, tỏi vài nhánh. Sắc uống.
4.3.4 Chữa mụn nhọt, đầu đinh
Củ Khoai sọ, giấm, đồng lượng. Đun sôi luộc chín, lấy củ ra nghiền nát, đắp ngoài.
4.3.5 Chữa nôn ra máu
Hoa Khoai sọ 15-20g, nấu với thịt lợn ăn.
4.3.6 Chữa mày đay
Bẹ lá Khoai sọ 60g, rễ cây tai chuột, hồng táo, đường đỏ mỗi vị 30g; sắc uống hoặc dùng bẹ lá khoai sọ tươi nấu với sườn lợn ăn.
4.3.7 Chữa lao hạch
Củ khoai sọ 30g, thái lát mỏng, phơi khô nghiền thành bột, chế thành viên hoàn, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g cùng rượu ngọt hoặc nước đun sôi để nguội.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Khoai sọ trang 1213-1214, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023.
2. Tác giả Rachael Link (Ngày đăng 16 tháng 3 năm 2023). Top 5 Benefits of Taro Root (Plus How to Add It to Your Diet), Draxe. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023.
3. Tác giả Sudhakar Pachiappan (Đăng vào tháng 7 năm 2020). Colocasia esculenta (L.) Schott: Pharmacognostic and pharmacological review, Research Gate. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023.