Khoai Sâm Đất (Sâm Khoai - Smallanthus sonchifolius (Poepp.) H.Rob.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Smallanthus sonchifolius (Poepp.) H.Rob. |
Sâm đất có nguồn gốc từ Nam Mỹ, là loài được trồng lâu năm, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 2 mét. Thân cây có màu nâu ánh tím. Thân rễ phình thành củ nhìn gần giống như củ khoai lang. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Smallanthus sonchifolius (Poepp.) H.Rob.
Tên gọi khác: Sâm khoai, Sâm đất, Củ sâm đất.
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc).
Sâm đất còn được gọi là Yacon, là loài cây gắn liền với văn hóa của người dân vùng Andes. Người dân ở đây tin rằng, Yacon không chỉ là một nguồn thực phẩm dồi dào mà còn là một dược liệu giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, thanh lọc cơ thể.
1.1 Đặc điểm thực vật
Sâm đất có nguồn gốc từ Nam Mỹ, là loài được trồng lâu năm, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 2 mét.
Thân cây có màu nâu ánh tím.
Thân rễ phình thành củ nhìn gần giống như củ khoai lang hoặc củ sắn, giòn và có vị ngọt đặc trưng.
Sâm đất có 2 loại rễ là rễ sinh trưởng và rễ tích trữ.
Phiến lá to, đầu lá nhọn, mép uốn lượn, phần gốc bị thu nhỏ, phần giữa phình to.
Hoa nhỏ, có màu vàng, nhìn giống như hoa hướng dương như kích thước bé hơn.
Dưới đây là hình ảnh cây Khoai sâm đất:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ.
1.3 Đặc điểm phân bố
Sâm đất được tìm có nguồn gốc từ vùng Andes ở Nam Mỹ. Tại nước ta, Sâm khoai (theo cách gọi của người đồng bào dân tộc) được trồng ở một số tỉnh vùng núi thuộc phía Bắc nước ta như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu.
Sâm khoai có bản chất là loài ưa khí hậu mát mẻ, sinh trưởng và phát triển tốt trên đất giàu dinh dưỡng, đặc biệt thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở khu vực miền núi phía bắc Việt Nam. Hiện nay, nhiều hộ dân đã phát triển giống Sâm đất như một loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao.
Sâm khoai không chỉ đem lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần đa dạng hóa cây trồng ở những địa phương này đồng thời cung cấp cho cộng đồng một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng.
2 Thành phần hóa học
Rễ củ của cây Sâm đất rất giàu fructooligosacharide (FOS) là một loại chất xơ hòa tan. Ngoài ra, Sâm đất còn chứa nước, protein và một số thành phần hóa học khác.
Các hợp chất hoạt tính sinh học trong rễ và lá bao gồm polyphenol, Flavonoid, fructan và phytoalexin. Polyphenol được tìm thấy ở nồng độ cao nhất trong lá và thân, với axit chlorogenic và caffeic là phổ biến nhất, nhưng axit ferulic và protocatechuic cũng đã được xác định trong củ và lá. Sonchifolin, polymatin B, uvedalin, sesquiterpene lactones và enhydrin đã được phân lập từ chiết xuất lá Sâm đất. Các thành phần khác của lá bao gồm myricetin, Rutin, axit p -coumaric, axit gallic và tryptophan. Rễ có một lượng nhỏ vitamin, khoáng chất và axit amin, bao gồm Vitamin C, Kali và tryptophan.
3 Cách trồng khoai sâm đất
Khoai sâm đất có hình dáng giống củ khoai lang, ruột có màu vàng, vị ngọt tự nhiên. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở những khu vực có khí hậu mát mẻ, độ cao hơn 1500 mét so với mực nước biển. Vài năm gần đây, khoai sâm đất trở thành loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, dưới đây là cách trồng Khoai sâm đất:
Đất trồng nên chọn những khu vực có đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt.
Sâm đất có thể được trồng từ hạt hoặc từ hom. Nên chọn hạt mẩy, kích thước đồng đều, không bị sâu. Nếu trồng bằng hom thì nên lựa chọn những đoạn gốc của cây mẹ, không nên lấy ở phần ngọn vì dễ bị thối trong quá trình trồng.
Sâm đất rất dễ trồng, ngoài việc tưới nước thường xuyên thì cũng cần bổ sung phân bón để cây phát triển tốt.
Khoai sâm đất trồng bao lâu có củ? Sau khi trồng khoảng 4-5 tháng thì có thể tiến hành thu hoạch củ.
4 Tác dụng của củ Sâm đất
Rễ cây Sâm đất đã được chứng minh là chứa nhiều fructooligosaccharides bao gồm oligofructose loại Inulin, có thể điều chỉnh có lợi cho hệ vi sinh đường ruột. Polyphenol chủ yếu có trong lá và thân cây cung cấp hoạt động chống oxy hóa. Các hợp chất kháng khuẩn và kháng nấm cũng đã được xác định trong lá cây Sâm đất.
4.1 Tác dụng chống viêm
Tác dụng chống viêm đã được chứng minh trong các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm, bao gồm giảm nitric oxide synthase cảm ứng (iNOS), cyclooxygenase 2 (COX-2), Interleukin 1beta (IL-1beta) và yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-alpha).
4.2 Hỗ trợ hạ đường huyết
Đái tháo đường là một nhóm bệnh chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do khiếm khuyết trong tiết Insulin và/hoặc hoạt động của insulin.
Hàm lượng carbohydrate trong yacon là khoảng 70 đến 80% fructooligosaccharides và inulin. Các thành phần này có chỉ số đường huyết thấp và không gây ra đột biến lượng đường trong máu. Trên thực tế, rễ cây Sâm khoai được chứng minh là có tác dụng hạ đường huyết và có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và insulin huyết thanh.
Một số thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng đã chỉ ra rằng thành phần FOS trong rễ cây Sâm khoai có tác dụng hạ đường huyết đáng kể.
4.3 Bảo vệ gan
Bổ sung bột rễ cây Sâm đất vào chế độ ăn cho chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều Fructose trong mô hình hội chứng chuyển hóa đã cải thiện bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu. Những cải thiện đáng kể đã được ghi nhận ở trọng lượng gan, tăng triglyceride máu, lipoprotein tỷ trọng rất thấp, AST, ALT và gan nhiễm mỡ vi nang.
4.4 Đối với bệnh nhân béo phì
Thừa cân và béo phì là một trong những thách thức chính đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới do nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, tăng huyết áp, ung thư và một số bệnh khác tăng cao.
Thành phần FOS trong rễ cây Sâm khoai thể hiện tác dụng có lợi đối với quá trình chuyển hóa lipid của cơ thể đồng thời tăng cảm giác no, tăng nhu động ruột. Đây có thể được coi là phát hiện tiềm năng ở bệnh nhân béo phì những cần có nhiều nghiên cứu chứng minh hơn.
4.5 Đối với bệnh nhân ung thư ruột
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột của con người đóng vai trò thiết yếu trong quá trình gây ung thư đại trực tràng. Chế độ và thói quen ăn uống có thể gây ra chứng loạn khuẩn đường ruột, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Rễ cây Sâm khoai với thành phần giàu chất xơ hòa tan (FOS) là dưỡng chất có lợi đối với hệ sinh vật đường ruột. FOS thúc đẩy sự phát triển của bifidobacteria, một chi trực khuẩn đa hình Gram dương có vai trò điều hòa trong ruột kết bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây thối rữa. Các nhà khoa học cho rằng bifidobacteria làm giảm sự biểu hiện của các enzym chuyển hóa chất lạ và kích thích hệ thống miễn dịch ở niêm mạc ruột kết.
5 Ai không nên ăn khoai sâm đất?
Khoai sâm đất có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe, giúp thanh nhiệt, cải thiện hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ kiểm soát đường huyết,... Tuy nhiên, ở bệnh nhân có chức năng ruột kém, thường xuyên bị tiêu chảy thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
6 Một số câu hỏi thường gặp
6.1 Sâm đất giá bao nhiêu một ký?
Củ Sâm đất có giá thành tương đối phù hợp, chỉ khoảng 30.000 đến 55.000 đồng 1kg.
6.2 Củ Sâm đất ăn sống được không?
Củ Sâm đất sau khi rửa sạch, gọt vỏ là có thể ăn trực tiếp. Củ có vị ngọt nhẹ, mát, ăn giống như táo.
6.3 Cách ăn và chế biến củ Sâm đất
Củ sâm đất có thể dùng để ăn trực tiếp, làm nộm hoặc hầm cùng với thịt bò và cà rốt càng làm tăng hương vị của món ăn.
7 Tài liệu tham khảo
Tác giả Brunno F R Caetano và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2016). Yacon (Smallanthus sonchifolius) as a Food Supplement: Health-Promoting Benefits of Fructooligosaccharides, NCBI. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2024.
Chuyên gia của Drugs.com. Yacon, Drugs.com. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2024.