Khế (Averrhoa carambola L.)
11 sản phẩm
Dược sĩ Khánh Huyền Dược sĩ chuyên môn
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị dị ứng, cúm sốt…, Khế được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Khế.
1 Giới thiệu về cây Khế
Khế còn có tên gọi khác là Khế chua, mọc hoang và được trồng ở vùng thấp đến vùng cao, ra hoa tháng 3-7, quả tháng 7-12.
Tên khoa học của Khế là Averrhoa carambola L., thuộc họ Chua me đất (Oxalidaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây gỗ thường xanh, cao tới 10-12m. Thân hình trụ, có vỏ bần màu xám đen. Lá kép lông chim mọc so le, gồm 3-5 đôi lá chét nguyên, mỏng, hình trái Xoan nhọn hoặc bầu dục, gốc tròn, lá chét to dần về phía ngọn.
Cụm hoa ngắn, mọc thành chùm xim ở nách lá; lá bắc nhỏ hình mác. Nụ hoa hình cầu, hoa màu hồng hoặc tím. Đài hoa có 5 lá đài thuôn mũi mác, ngắn bằng nửa tràng. Tràng gồm 5 cánh hoa mỏng, tròn ở ngọn, dính với nhau ở ⅓ dưới, 5 nhị đối diện với các lá đài xen kẽ với 5 nhị lép. Bầu hình trứng, phủ lông tơ; 5 lá noãn tạo thành 5 ô, mỗi ô đựng 4 noãn; vòi ngắn, đầu nhụy phồng. Quả to, thuôn dài, có đài tồn tại, tiết diện hình ngôi sao 5 múi vát nhọn, màu vàng khi chín; hạt nhỏ, dẹt, màu nâu vàng.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Vỏ, quả, hoa, lá và rễ.
Thu hái vỏ, lá, rễ quanh năm, hoa và quả thu hái theo mùa.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, Khế phổ biến khắp nơi. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á.
2 Thành phần hóa học
2.1 Hợp chất hóa học
Phân tích hóa học sơ bộ của quả khế cho thấy sự hiện diện của Saponin, alkaloid, Flavonoid và tanin . Quả cũng được tìm thấy có chứa proanthocyanidin, epicatechin, axit gallic ở dạng gallotannin và axit L-ascorbic. Đã có báo cáo rằng các sterol chính có trong quả khế là β-sitosterol, campesterol, lupeol và isofucosterol; nó cũng chứa bốn axit béo thực vật chính – axit palitic, oleic, linoleic và linolenic. Khế đã xác định được thành phần o-glycosyl flavonoid như quercetin-3-o-β-d glycoside và Rutin.
Phần ăn được của quả là nguồn cung cấp đường khử và không khử, khoáng chất, chất dễ bay hơi, tannin, chất xơ, pectin, cellulose, hemicelluloses, Sắt, Canxi, phốt pho và caroten.
Các thành phần khác được xác định là cyaniding-3-o-β-dglucoside, cyaniding-3-5-o-β-d-diglucoside, β-amirin và C glycoside flavon, chẳng hạn như apigeni-6-C-β-L-fucopyranoside và apigenin-6-C-β-1-fucopyranoside. Hợp chất thứ hai này còn được gọi là carambolaflavone. Sự hiện diện của p-anisaldehyde,5-hydroxymethyl-2-furfural, axit gallic và rượu dihydroabscissic trong vỏ thân của Khế.
Ngoài ra, 15 hợp chất, bao gồm sáu lignan bất đối và chín glycoside phenolic, đã được tách ra khỏi phần butanol của rễ và được xác định. Tất cả các hợp chất, cụ thể là 3,4,5-trimethoxy-phenol-1-O-β-D-glucopyranoside, benzyl-1-O-β-D-glucopyranoside, (+)-5' -methoxyisolariciresinol 3α-O-β-D-glucopy-ranoside, (+)-isolariciresinol 3α-O-β-D-glucopyranoside, koaburaside, (+)- lyoniresinol 3α-O-β -D-glucopyranoside, (−)-lyoniresinol 3α-O-β-D-glucopyranoside, (−)-5'-methoxyisolariciresinol 3α-O-β-D-glucopyranoside, (−) -isolariciresinol 3α-O-β-D-glucopyranoside, 3,5-dimeth-oxy-4-hydroxyphenyl 1-O-β-apiofuranosyl (1''→6')-O-β-D-glucopyranoside, 3,4,5-trimethoxyphenyl 1-O-β-apiofuranosyl (1'' →6')-β-glucopyranoside, methoxy-hydroquinone-4-β-D-glucopyranoside, (2S)-2-O-β-D-glucopyranosyl-2-hydroxy-phenylacetic axit, 3-hydroxy-4-metoxyphenol1-O-β-D-apiofuranosyl-(1'' →6')-O-β -D-glucopyranoside và 4-hydroxy-3-methoxyphenol 1-O-β-Dapiofur-anosyl-(1''→6')-O-β-D-glucopyranoside được phân lập từ cây này.
2.2 Thành phần dinh dưỡng
Ăn Khế có tốt không? Khế chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng. Nó là một nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên rất tốt như axit L-ascorbic, (-) epicatechin và axit galic ở dạng gallotannin. Tiêu thụ 100g loại quả này có thể cung cấp 35,7g calo, 0,38g protein, 9,38g carbohydrate, 0,80g-0,90g chất xơ, 0,8g chất béo, 4,4-6,0mg canxi, 0,32-1,65mg sắt, 15,5-21,0mg phốt pho, 2,35mg Kali, 0,003-0,552mg caroten, 4,37mg axit tartaric, 9,6mg axit oxalic, 2,2mg axit α-ketoglutaric, 1,32mg axit citric. Hơn nữa, các axit amin khác nhau như 0,03-0,038 mg thiamine, 0,019-0,03 mg Riboflavin, 0,294-0,38 mg niacin, 3 mg tryptophan, 2 mg Methionine và 26 mg Lysine cũng có trong 100g quả.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Cam - Nguồn cung cấp vitamin C tăng cường hệ miễn dịch
3 Tác dụng - Công dụng của cây Khế
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống viêm
Khế ức chế chứng viêm chân chuột do carrageenan gây ra. Trong phúc mạc, chiết xuất thân cây khế cho thấy tác dụng chống viêm tương đương với axit acetyl salicylic ở liều 300mg/kg trong giờ đầu tiên và cho thấy hoạt tính mạnh hơn trong thời gian dài hơn.
Khi bôi tại chỗ chiết xuất etanol của lá và các phân đoạn butanol, ethyl axetat và hexan của nó, phù tai do dầu croton và di chuyển tế bào ở chuột đều giảm hiệu quả.
3.1.2 Kháng khuẩn
Chiết xuất từ thân Khế thể hiện hoạt tính kháng khuẩn bằng cách ức chế Staphylococcus aureus và Klebsiella sp. Chiết xuất metanol và ete dầu mỏ, carbon tetrachloride, chloroform và các phần hòa tan trong nước của vỏ Khế Averrhoa ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn Gram dương (Bacillus cereus, B.megaterium, B.subtilis, Staphylococcus aureus, v.v.), vi khuẩn Gram âm (Escherichia coli, Pseudomonas auriginosa, Salmonella typhi, S.paratyphi, v.v.) và nấm (Candida albicans, Aspergillus niger).
3.1.3 Các tác dụng khác
Giảm đau: Người ta thấy rằng, quả khế Averrhoa thể hiện các hoạt động giảm đau trung ương và ngoại vi đáng kể trong mô hình quằn quại do axit axetic gây ra ở chuột Swiss-Albino ở liều 200 và 400 mg/kg và cho thấy hiệu quả ức chế quằn quại tương ứng là 37,13% và 42,76%.
Hạ đường huyết: Quả Khế làm giảm đáng kể nồng độ đường huyết sau thời gian điều trị 8 tuần ở chuột Sprague dawley đực khỏe mạnh so với chuột bình thường. Một số phân đoạn giàu chất xơ không hòa tan (FRF) bao gồm chất xơ không hòa tan trong chế độ ăn uống, chất rắn không hòa tan trong rượu và chất rắn không hòa tan trong nước được phân lập từ bã của cây khế Averrhoa có tác dụng hạ đường huyết tiềm ẩn.
Chống loét: Chiết xuất nước-cồn (1:1) của lá cho thấy tác dụng chống loét và bảo vệ tế bào đáng kể, phụ thuộc vào liều lượng đối với tổn thương niêm mạc dạ dày do phương pháp axit Ethanol gây ra. Vì chiết xuất khế chua Averrhoa chứa triterpenoid, flavonoid và chất nhầy đã được quan sát thấy trước đây, hoạt động chống loét một phần có thể là do tác dụng của chúng.
Hạ huyết áp: Nghiên cứu cho thấy rằng dịch chiết lá gây ra tình trạng hạ huyết áp phụ thuộc liều ở chuột có huyết áp bình thường.
Chống oxy hóa: Khế được đặc trưng bởi axit L-ascorbic, (-) epicatechin, axit gallic ở dạng gallotannin và proanthocyanidin. Bã khế được phát hiện có chứa hoạt tính chống oxy hóa cao hơn nhiều so với nước chiết xuất. Nó cũng cho thấy hoạt tính chống oxy hóa mạnh trong việc làm chậm quá trình oxy hóa dầu đậu nành.
Chống khối u: Hạt động chọn lọc chống lại các tế bào khối u não đã được quan sát thấy với chiết xuất cồn từ thân cây, trong khi chiết xuất từ lá có hiệu quả chống lại tế bào ung thư biểu mô gan.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Bưởi - Một loại quả thơm ngon cũng là một vị thuốc quý
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Quả Khế chua có tác dụng gì? Quả Khế có tính bình, vị chua và ngọt, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, long đờm và tiết nước bọt. Rễ có vị chua, se, tính bình; có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau. Vỏ cây và lá có vị chua, se, tính bình, có tác dụng tiêu viêm, lợi niệu. Hoa có vị ngọt, tính bình, có tác dụng trừ sốt rét.
Trong đông y, quả Khế được dùng trong trị ho, đau họng, lách to gây sốt; rễ trị đau khớp, đau đầu mạn; thân, lá trị sổ mũi, viêm dạ dày - ruột, giảm niệu, chấn thương bầm dập, mụn nhọt và viêm mủ da. Hoa trị sốt rét, trẻ em kinh giản, thận hư, kém tinh khí, ho khan, ho đờm, kiết lỵ. Vỏ trị ho, sởi trẻ em, sởi mọc tốt.
4 Các bài thuốc từ cây Khế
4.1 Trị lở sơn, mày đay
Dùng lá Khế 20g hoặc hơn nấu lấy nước uống trong; lá tươi giã nát đắp ngoài hoặc nấu lấy nước tắm. Hoặc phối hợp với lá Muồng truổng lượng bằng 1 nửa, giã nát, đắp lên vết thương.
4.2 Trị sổ mũi, đau họng
Dùng quả Khế tươi 90-120g ép lấy nước uống.
4.3 Trị lách sưng gây sốt
Quả Khế tươi chiết dịch và uống với nước nóng.
4.4 Trị dị ứng, mày đay, mẩn ngứa, lở loét
Dùng lá Khế giã nát, xoa và đắp lên chỗ bị dị ứng; kết hợp dùng 16g vỏ Núc Nác, sắc uống.
Hoặc dùng lá Khế, lá Thanh hao, lá Long Não, lá Thông mỗi thứ 15-20g, nấu nước tắm.
4.5 Phòng sốt xuất huyết trong thời gian có dịch
Nguyên liệu: Lá Khế 16g, Tang diệp, Sắn dây, lá Tre, Mã Đề, Sinh Địa mỗi vị 12g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống trong ngày. Khi bị sốt xuất huyết, nếu có mẩn ngứa cũng dùng lá Khế sắc uống hoặc thêm lá Khế vào bài thuốc dùng chữa sốt xuất huyết.
4.6 Thúc sởi mọc nhanh và đều
Nguyên liệu: Quả Khế thái lát, phơi khô, rau Dệu, lá Nọc sởi, Canh châu 20g.
Cách làm: Sao vàng hạ thổ, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày.
Hoặc: Có thể dùng vỏ cây hoặc vỏ rễ cạo bỏ lớp bần và vỏ xanh, ngày 20-40g, sao vàng, sắc uống.
4.7 Chữa cảm nắng
Nguyên liệu: Lá Khế tươi 20g, lá Chanh 10g.
Cách làm: Giã nát, vắt lấy nước uống.
4.8 Chữa sốt cao, kinh giật ở trẻ em
Nguyên liệu: Hoa Khế, Kim Ngân Hoa, lá Dành dành, Cỏ nhọ nồi mỗi vị 8g, Ca,Cam thảo, Bạc Hà mỗi vị 4g.
Cách làm: Sắc đặc, chia nhiều lần uống trong ngày.
4.9 Chữa ho suyễn trẻ em, ho gà, ho đờm, viêm họng
Nguyên liệu: Hoa Khế 12g, tẩm nước Gừng rồi sao, sắc uống.
Hoặc dùng lá Khế 20g, rửa sạch, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Hoặc dùng quả Khế tươi 60-80g, ép lấy nước uống.
Hoặc dùng vỏ thân Khế, cạo hết vỏ ngoài và vỏ xanh, thái nhỏ, sao vàng 20g, sắc cùng với rễ Đơn Châu Chấu 8-12g, Trần Bì 4g, uống trong ngày.
4.10 Chữa đái buốt, đái ra máu, viêm bàng quang, âm đạo
Dùng lá Khế 80g, rễ Cỏ tranh 40g, sắc uống.
4.11 Chữa tiểu bí
Dùng 7 quả Khế cắt mỗi quả lấy ⅓ phía cuống, đổ vào 1 bát nước, sắc còn nửa bát, uống khi ấm; kết hợp lấy 1 quả Khế, 1 củ tỏi, giã nát, đắp vào rốn.
4.12 Chữa ngộ độc nấm, rắn cắn
Nguyên liệu: Lá Khế, lá hoặc quả Đậu ván mỗi vị 20g, Lá Lốt 10g (tươi).
Cách làm: Giã nát, hòa với 200ml nước sôi để nguội, chắt lấy nước uống hết 1 lần, dùng 2-3 lần. Nếu bị rắn cắn, lấy bã đắp vào vết cắn. Có thể dùng lá khô, lượng bằng ½ lá tươi, sao qua cho thơm, sắc uống, dùng 2-3 lần.
4.13 Chữa sốt rét, sốt kèm lách to
Nguyên liệu: Lá Khế, lá Vối, rễ Đu Đủ, lá Ngâu, rễ Cỏ xước mỗi vị 20g.
Cách làm: Sắc uống.
4.14 Phòng bệnh sau đẻ cho nữ
Nguyên liệu: Quả Khế 20, vỏ cây Hồng bì 30g, rễ Quả giun 20g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
5 Hình ảnh cây khế bonsai dáng đẹp, độc đáo
6 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Pallab Das Gupta (Đăng vào tháng 6 năm 2013). Averrhoa carambola: An updated review, ResearchGate. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Khế 1205-1206, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.