Keo Dậu (Keo Giậu, Bồ Kết Dại - Leucaena leucocephala (Lam.) De Wit)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Mimosaceae (Trinh nữ) |
Chi(genus) | Leucaena |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Leucaena leucocephala (Lam.) De Wit | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Leucaena glauca Benth. |
Keo dậu thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng vài mét, phân cành ngay từ gốc, thân cây có màu nâu nhạt. Cành cây non, hơi có cạnh, có phủ một lớp lông mịn. Lá kép hai lần hình lông chim, mọc so le. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Leucaena leucocephala (Lam.) De Wit
Tên đồng nghĩa: Leucaena glauca Benth.
Tên gọi khác: Keo giậu, Bồ Kết dại, Táo nhân, Bình linh, Bọ chét.
Họ thực vật: Mimosaceae (Trinh nữ).
1.1 Đặc điểm thực vật
Keo dậu thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng vài mét, phân cành ngay từ gốc, thân cây có màu nâu nhạt. Cành cây non, hơi có cạnh, có phủ một lớp lông mịn.
Lá kép hai lần hình lông chim, mọc so le, gồm 12 đến 18 đôi lá chét, phiến lá có dạng hình lưỡi liềm, gần như không có cuống, gốc lá thuôn không đều, đầu lá nhọn, mép có lông, chiều dài mỗi phiến lá khoảng 1-1,5cm, chiều rộng từ 0,3 đến 0,4cm. Những lá ở phía dưới và ở phía trên thường có kích thước nhỏ hơn, cuống lá kép dài 12 đến 20cm, phình ở gốc, có lông nhỏ.
Cụm hoa mọc thành đầu ở kẽ lá, đường kính mỗi cụm hoa khoảng 1,2 đến 1,4cm, cuống dài 4-6cm, có lông nhỏ màu trắng, đài 5, tràng 5, có lông nhỏ ở mặt ngoài, nhị 10.
Quả (Trái cây keo dậu) thuộc dạng quả đậu, thẳng, dẹt và mỏng, chiều dài mỗi quả khoảng từ 13 đến 14cm, rộng 1,5cm, gồm nhiều hạt dẹt, cứng, nhẵn, màu nâu sẫm.
Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 6, mùa quả từ tháng 7 đến tháng 9.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt.
Thời điểm thu hái: Khi quả chín, thường vào mùa hạ thu.
Chế biến: Quả sau khi thu hái về đem đập lấy hạt, phơi hoặc sấy khô.
Ngoài ra, một số nơi còn sử dụng rễ cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Leucaena Benth. tại Việt Nam chỉ có một loài đó chính là cây Keo dậu được đề cập trong bài. Cây có nguồn gốc ở vùng Trung Mỹ, sau đó lan ra nhiều khu vực khác như Châu Án, vùng nhiệt đới của Châu Mỹ, Đông và Tây Phi. Chính sự khác biệt về môi trường, địa lý, quá trình trồng trọt tạo nên nhiều giống khác nhau.
Tại nước ta, cây mọc tự nhiên ở những khu vực đồng bằng với mục đích làm hàng rào hoặc các vùng đồi núi. Tại Tây Nguyên và Đông Tây Nguyên, có loại Keo dậu thuộc dạng cây gỗ, chiều cao lên đến gần 10 mét, được trồng để tạo bóng cho cây cà phê.
Keo dậu có bản chất là loài ưa sáng, thích nghi được trên nhiều loại đất khác nhau, bao gồm cả đất khô cằn. Cây có bộ rễ phát triển, chịu được môi trường sống khô hạn, những cây mọc ở phía Bắc nước ta có hiện tượng rụng lá khi vào mùa đông. Cây ra hoa quả nhiều, tái sinh tự nhiên từ hạt và những cây con mọc từ gốc cây sau khi đã bị chặt.
2 Cách trồng cây keo dậu
Keo dậu thường được trồng ở khu vực ven đường, quanh vườn, bờ ao, bờ sông.
Cây nhân giống bằng hạt, thời điểm gieo hạt vào tháng 2 đến tháng 3, cây con trồng vào tháng 8 đến tháng 9 hoặc vào mùa xuân năm sau.
Khi trồng, tiến hành đào hố có kích thước 50x50x50cm, cách nhau 5-6 mét, bón lót thêm phân chuồng.
Khi trồng cần tưới ẩm, cắm cọc, buộc cây vào cọc để tránh gió làm đổ cây.
3 Thành phần hóa học
Lá cây chứa tanin, protein chiếm nhiều nhất trong số các bộ phận của cây, trong đó gồm acid glutamic, leucin, acid aspartic, isoleucin. Lá còn chứa leucenin.
Hạt chứa dầu béo màu xanh sẫm. Các acid béo gồm acid oleic, acid stearic,... Hạt còn chứa gôm, protein.
Keo dậu có khả năng hấp thu Se từ đất, tích lũy ở hạt. Các nhà nghiên cứu còn quan sát thấy động vật ăn Keo dậu bị ngộ độc.
4 Tác dụng của cây Keo dậu
4.1 Tác dụng dược lý
4.1.1 Tác dụng diệt giun đũa
Tại Bệnh viện Ninh Giang vào năm 1961, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hạt của cây Keo dậu để điều trị cho 98 bệnh nhân mắc giun đũa, kết quả thu được rất tốt, không ghi nhận trường hợp ngộ độc.
Thực tế cho thấy Keo dậu có tác dụng ra giun nhưng khi nghiên cứu trên giun đất thí nghiệm thì nước sắc của hạt không có tác dụng này.
4.1.2 Tác dụng ngừa thai
Theo các tài liệu nước ngoài, những con vật cho ăn thức ăn có trộn với bột hạt Keo dậu thì thấy không sinh đẻ trong một thời gian.
Tại nước ta, tác dụng ngừa thai của vỏ thân và vỏ rễ của cây Keo dậu đã được nghiên cứu trên chuột nhắt trắng cái. Khi dùng bột dược liệu trộn với thức ăn hàng ngày với tỷ lệ 5% liên tục trong 30 ngày. Trong khoảng thời gian này, cho chuột giao hợp bình thường, kết quả thu được là có 18/20 chuột không mang thai khi dùng vỏ thân cây Keo dậu và kết quả này ở nhóm dùng vỏ rễ là 20/20.
Cần chú ý rằng, ngọn, lá, quả và hạt đều là thức ăn yêu thích của nhiều loại gia súc nhưng nếu dùng với lượng nhiều thì có thể gây độc. Hạt có hàm lượng protein cao nhưng không được cho gà ăn vì có thể gây tử vong, tuy nhiên, hạt lại không gây độc với loài nhai lại như trâu bò. Người ta cho rằng, độc tính của cây là do một loại alcaloid có tên là leucenin hoặc leucenol, chất này đồng nhất với chất mimosin trong cây xấu hổ. Một số tài liệu lại cho rằng, cây Keo dậu có khả năng thu hút Selenium từ đất, chất này sau đó tập trung tại hạt do đó động vật ăn quá nhiều sẽ có triệu chứng ngộ độc, các triệu chứng tương tự như khi ngộ độc selenium.
4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.2.1 Tính vị, tác dụng
Hạt có vị hơi đắng, hạt, dùng sống có tính mát, đem sao vàng có mùi thơm, tính bình, có tác dụng diệt giun.
Vỏ rễ có tác dụng tiêu thũng, giải uất, chỉ thống.
4.2.2 Công dụng
Hạt được coi là một loại thuốc có tác dụng tẩy giun đũa tương đối phổ biến với phương pháp bào chế đơn giản, dễ dùng.
Hạt sau khi rang vàng đến khi nở thì đem tán thành bột mịn. Bột sau khi tán có màu vàng sẫm, mùi thơm. Liều dùng với người lớn là 25 đến 30g/ngày, với trẻ dưới 3 tuổi là 2g/ngày, với trẻ từ 3 đến 5 tuổi là 5g/ngày, với trẻ từ 6 đến 10 tuổi là 7g/ngày, với trẻ từ 11 đến 15 tuổi là 10g/ngày và trẻ trên 16 tuổi thì dùng tương tự liều người lớn. Uống thuốc trong vòng 3 ngày liên tục, thời điểm uống là vào lúc sáng sớm khi còn đói, không cần dùng thêm thuốc tẩy. Để tăng hiệu lực, có thể phối hợp cùng với quân tử trọng cốm thuốc giun.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Keo giậu, trang 1051-1053. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Cây Keo giậu trang 158-159. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.