Kê Huyết Đằng (Cỏ Máu - Spatholobus suberectus)
25 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Kê huyết đằng là vị thuốc được sử dụng từ lâu trong dân gian làm thuốc chữa thiếu máu. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về vị thuốc Kê huyết đằng.
1 Cây huyết đằng và cây cỏ máu
Kê huyết đằng còn có tên gọi khác là Cây Cỏ Máu, Cây Huyết đằng, Cây Hồng đằng, Dây máu người, Máu gà, Máu chó, Khau dạ lùa...
Hiện nay, dược liệu mang tên Kê huyết đằng với cùng công dụng có nhiều loài lấy từ một số chi thuộc các họ khác nhau như: Millettia sp (Kê huyết đằng), Butea superba Roxb (Huyết đằng lông), Spatholobus anberectus Don (Huyết rồng)... thuộc họ Đậu - Fabaceae; Sargentodoxa cuneata (Oliv.) Rehd. et Wils. (hồng đằng) họ Huyết đằng - Sargentodoxaceae.
Kê huyết đằng và một số loài trong chi của nó được gọi chung là kê huyết đằng nên nhiều người bị nhầm lẫn về sử dụng trong các thang thuốc cổ phương.
Kê huyết đằng có tên khoa học là Spatholobus suberectus thuộc họ Đậu Fabaceae.
Kê huyết đằng có vị ngọt, hơi chát,tính ấm. Quy kinh can,thận. Có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân xương, trừ phong thấp, điều hòa kinh nguyệt. Thường được dùng trong bài thuốc chữa thiếu máu, xương khớp, thậm chí trong bài bổ thận.
Loại kê huyết đằng này thường khi trưởng thành thân sẽ dẹt. Tâm sẽ lệch sang một bên và những vân bán nguyệt sẽ chồng lên nhau. Đây là điểm phân biệt của kê huyết đằng được dùng trong các bài thuốc cổ phương với những loài khác. Và một điểm nữa, kê huyết đằng khi phơi khô sẽ có màu đỏ hoặc đỏ nhạt.
Có một vị dễ bị nhầm lẫn với kê huyết đằng đó là cỏ máu nhiều vân hay giả kê huyết đằng.
Cỏ máu nhiều vân có tên là sơn kê huyết đằng 山鸡血藤 hay còn gọi là Vân Nam kê huyết đằng. Cỏ máu nhiều vân có tên khoa học là Callerya dielsiana thuộc họ đậu Fabaceae.
Cỏ máu nhiều vân trong tài liệu ghi chép tác dụng như kê huyết đằng nhưng tính hoạt huyết nhiều hơn tính bổ. Và một điểm khác biệt nữa là nó đắng và chát hơn nên khi dùng liều cao sẽ táo.
Cỏ máu nhiều vân thì đa số thân tròn, vân ở giữa và các vân sẽ đồng tâm. Tuy nhiên một số cây sẽ có hình dạng hơi dẹt giống kê huyết đằng thì điểm phân biệt chính là vòng tròn tâm của cây. Vòng tròn luôn ở chính giữa thân cây. Điểm khác biệt nữa là cỏ máu nhiều vân khi phơi lên sẽ có màu vàng hoặc đỏ nhạt hơn so với kê huyết đằng.
2 Mô tả thực vật
Các loài dùng để lấy làm dược liệu Kê huyết đằng đều có đặc điểm chung về hình thái như dây leo thân gỗ, to khỏe, thân hình trụ tròn hoặc dẹt, mặt cắt có 2-3 vòng gỗ đồng tâm hoặc không đồng tâm và có nhiều Nhựa màu đỏ nâu.
Thân lá non có lông tơ. Lá kép đa số 3 lá chét, có lá giữa to hơn và cuống dài
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm - thùy
Quả đậu dẹt.
3 Phân bố, sinh thái
Các loài kê huyết đằng phân bố ở nhiều cùng khác nhau và rất đa dạng:
Kê huyết đằng tập trung ở các vùng núi rừng phía bắc, ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hòa Bình...
Huyết Đằng lông: Phân bố chủ yếu ở vùng núi phía nam như Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Tây Nguyên...
Huyết đằng quả to: Thanh hóa
Huyết rồng: các tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bả Rịa - Vũng Tàu...
Hồng đằng: Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái...
Tất cả các loài trên mọc trong các quần hệ rừng kín thường xanh trên núi đất, núi đá vôi, đôi khi gặp ở kiểu rừng thưa nửa rụng lá hơi khô. Các cây có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau, độ cao phân bố không quá 1600 m
Cây ra hoa quả nhiều hàng năm hoặc cách năm và chỉ thấy trêm những cây lớn không bị chặt phá thường xuyên.
Tái sinh tự nhiên bằng hạt và cây chồi gốc sau khi bị chặt
4 Bộ phận sử dụng
Thường sử dụng thân gỗ leo của cây để làm thuốc, nên thu hái vào tháng 8-10
Sau khi chặt cây về, cắt bỏ cành lá, để vài ngày cho nhựa se lại mới chặt khúc và phơi khô
Dược liệu khi tươi cắt ngang có nhựa đỏ như máu tiết ra, lúc khô ở mặt cắt có nhiều vòng đen do nhựa quánh lại
Loài hồng đằng chế biến bằng cách rửa sạch, ủ mềm, thái phiến từ 3-5 mm. Thân cây đã khô cứng phải kéo dài thời gian ngâm ủ, ngâm trong 12 giờ và ủ 1-2 giờ, hoặc đồ lên cho mềm rồi mới thái phiến, phơi khô
5 Thành phần hóa học
Trong hồng đằng có salidroid, emodin, rosamulin, catechin, acid vanilic, b-sitosterol, glucosid I và II
Trong kê huyết đằng có chứa: formonetin, calycosin, daizein, vestitol, lectin, phenyl alanin, Fructose... Các isoflavonoids và rotenoid trong kê huyết đằng cho thấy tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống ung thư...
Cây huyết đằng quả to có chứa sapogenol triterpen, methyl asiate methyl maslinate, mucunagenin a...
Trong cây huyết rồng có chứa các Flavonoid ononin, prunetin, tanin epicatechin...
6 Tác dụng - công dụng
6.1 Tính vị quy kinh của kê huyết đằng
Kê huyết đằng vị đắng, tính bình, có tác dụng bổ huyết, chỉ thống, thanh nhiệt, giải độc, thư căn
6.2 Công dụng
Kê huyết đằng được dùng trong dân gian làm thuốc chữa thiếu máu, lưng gối mỏi đau, chân tay tê liệt, kinh nguyệt không đều
Liều dùng: 10-15g mỗi ngày sắc nước hay ngâm rượu uống
Hồng đằng còn chữa kinh bế, đau bụng, phong thấp, giun kim, giun đũa
7 Bài thuốc có kê huyết đằng
7.1 Chữa thiếu máu hư lao: Cách ngâm rượu cây huyết đằng
Dùng 200-300g kê huyết đằng, tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong 7-10 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25 ml
Dùng riêng hay phối hợp với Thục Địa, Đan sâm, Hà Thủ Ô với lượng như nhau
Hoặc dùng cao đặc cô từ nhựa mỗi ngày 2-4g pha với rượu uống
7.2 Chữa tê thấp, nhức mỏi gân xương
Dùng 12g kê huyết đằng, 12g cây mua núi, 12g rễ gối hạc, 10g rễ phòng kỷ, 10g vỏ thân cây Ngũ Gia Bì Chân Chim, 10g Dây Đau Xương. Tất cả phơi khô tán nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống 2 lần mỗi ngày
7.3 Chữa kinh nguyệt không dều
Dùng 10g kê huyết đằng, 5g Tô mộc, 4g nghệ vàng sắc uống 2 lần trong ngày
Chú ý không dùng cho phụ nữ có thai
8 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006). Kê huyết đằng trang 1054-1057, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: Kebede Taye Desta và cộng sự (Ngày đăng: năm 2023). Millettia isoflavonoids: a comprehensive review of structural diversity, extraction, isolation, and pharmacological properties, Pubmed. Truy cập ngày 22 tháng 06 năm 2023.