Ké Hoa Vàng (Ké Đồng Tiền - Sida rhombifolia)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Họ(familia) | Malvaceae |
Chi(genus) | Sida |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Sida rhombifolia L. |
Cây Ké Hoa Vàng có tên khoa học là Sida rhombifolia L. Ké Hoa Vàng thuộc dạng cây bụi, kích thước nhỏ, được nhân dân trồng cây cảnh đẹp với công dụng chữa dị ứng, mẩn ngứa. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Ké Hoa Vàng
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Sida rhombifolia L.
Tên gọi khác: Ké Đồng Tiền, Bạch Bối Hoàng, Chổi Đực.
Họ thực vật: Bông Malvaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Ké Hoa Vàng thuộc dạng cây bụi, kích thước nhỏ, chiều cao khoảng 1 mét. Trên thân và cành có nhiều lông có dạng hình sao.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình quả trám hoặc hình bầu dục, chiều dài khoảng 1,3 đến 2,5cm, chiều rộng từ 1 đến 2,5cm. Gốc lá thuôn, đầu tù, mép lá có răng cưa. Mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới của lá có nhiều lông, dạng hình sao.
Hoa của cây theo như tên gọi thì có màu vàng, thường mọc đơn độc ở kẽ lá. Hoa có cuống dài, đài 5, tràng 5, nhị 20.
Quả nang, quả có sừng nhọn.
Hạt của cây Ké Hoa Vàng có lông.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 10 đến tháng 12.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Sida L. phân bố rộng, gồm nhiều loài, trong đó có một số loài được sử dụng để làm thuốc. Cây được tìm thấy chủ yếu ở các vùng nhiệt đới. Một số loài trong chi này còn được sử dụng để lấy sợi, lượng sợi chiếm khoảng 3-8% tổng các loại sợi tự nhiên trên thế giới.
Tại nước ta, chi này có 4 loài, trong đó Ké Hoa Vàng là loài phổ biến và thường gặp nhất, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng, trung du và cả miền núi.
Ké Hoa Vàng thường mọc rải rác, lẫn với các đám cây bụi ở ven đường đi, nương rẫy bỏ hoang, bãi trống, độ cao phân bố lên đến 700 mét. Tuy nhiên, ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nepal, Ké Hoa Vàng còn được tìm thấy ở độ cao lên đến 1800 mét.
Ké Hoa Vàng là loài ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt nhờ bộ rễ phát triển. Cây phát triển được trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả những loại đất ít màu mỡ, cằn cỗi. Hàng năm cây ra hoa quả nhiều, sau khi chín, quả sẽ tự mở và hạt sẽ rơi xuống đất.
Cây có khả năng tái sinh từ hạt, từ chồi nảy mầm sau khi chặt.
2 Thành phần hóa học
Phần trên mặt đất, rễ có chứa:
- Quinazolin.
- Choline.
- Carboxyl tryptamine.
- Betaine.
- Beta-phenethylamine.
Lá chứa:
- Acid palmitic.
- Acid myristic.
- Acid amin.
- Acid stearic.
- Acid oleic.
- Lysin.
- Histidin.
Hạt chứa:
- Acid sterculic.
- Acid malvalic.
3 Cây Ké Hoa Vàng có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Cao chiết từ rễ của cây có tác dụng bảo vệ gan khi tiến hành thử nghiệm, độc tính với gan gây ra bởi Paracetamol, tetraclorid, Rifampicin. Tuy nhiên, dịch chiết nước có tác dụng mạnh nhất.
Toàn cây có tác dụng ức chế hồi tràng cô lập của chuột lang khi gây ra bởi histamin và acetylcholin.
Cao rễ có hoạt tính chống sốt rét khi nghiên cứu trên in vivo.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị cay, ngọt, tính mát.
Tác dụng: Giảm cảm, kích thích ra mồ hôi nhẹ, tan máu ứ, phong nhiệt, tiêu sưng.
3.2.2 Công dụng
Ké Hoa Vàng được sử dụng để chữa cảm mạo, tiểu tiện nóng đỏ, viêm ruột, viêm họng, mụn nhọt với liều dùng được khuyến cáo là 20-40g dược liệu khô, đem sắc lấy nước uống.
Bên cạnh đó, Ké Hoa Vàng cũng được sử dụng để đắp ngoài nhằm mục đích chữa mụn nhọt lở ngứa.
Tại Ấn Độ, nhân dân sử dụng Ké Hoa Vàng cho các trường hợp lao phổi và thấp khớp.
Lá có thể sử dụng để làm nước uống thay chè.
Rễ dùng để trị thấp khớp, khó hư.
Sử dụng rễ Ké Hoa Vàng đem tán thành bột, mỗi lần uống 5g, ngày uống 3 lần trong 3 ngày để chữa sốt rét.
Nhân dân Nepal sử dụng rễ để làm bột nhão uống cho những trường hợp khó tiêu. Nước ép của cây được sử dụng để bôi ngoài trị mụn nhọt.
Nhân dân Indonesia sử dụng nước hãm của cây pha cùng với sữa dừa cho các trường hợp thủy đậu, sốt.
Nhân dân Australia sử dụng cây để trị thấp khớp.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Ké Hoa Vàng
4.1 Chữa mụn nhọt, sưng chín mé
50g lá Ké Hoa Vàng.
50g lá Cỏ Xước.
Đem rửa sạch.
Lấy một nửa đem giã nát, đắp lên vùng bị tổn thương.
Một nửa còn lại đem phơi khô, sắc với 400ml nước, đến khi còn 100ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
4.2 Chữa kém ăn, đau nhức, mệt mỏi, mất ngủ, phù nề ở phụ nữ sau sinh
20g toàn cây Ké Hoa Vàng.
20g Nhân Trần.
20g rễ và thân cây Mộc Thông.
20g rễ Móc Điều.
Các vị đem sao vàng, sau đó sắc lấy nước uống.
Tuy nhiên, cần lưu ý không sử dụng cho phụ nữ có thai.
4.3 Chữa dị ứng, mẩn ngứa
7g lá Ké Hoa Vàng.
5g Bù Xích.
Làm thành từng gói chè.
Mỗi lần dùng 6g, đem hãm với 150ml nước sôi, để 15 phút.
Ngày uống từ 2 đến 3 lần.
4.4 Chữa ban chẩn
8g Ké Hoa Vàng.
10g rễ Lá Lức.
8g Cỏ Mần Trầu.
8g Cát Can.
8g Đậu Chiều.
8g Dây Giác Tía.
6g Kinh Giới.
5g Cam Thảo Đất.
4g Bạc Hà.
3 lát Gừng sống.
Đem sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang.
5 Hình ảnh cây Ké Hoa Vàng bonsai
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Ké Hoa Vàng, trang 1049-1050. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.