Ké Hoa Đào (Urena lobata L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Cây Ké Hoa Đào có tên khoa học là Urena lobata L. Ké Hoa Đào thuộc dạng cây nhỏ, có kích thước khoảng 1 đến 1,5 mét có công dụng chữa rong kinh cho phụ nữ. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Ké Hoa Đào
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Urena lobata L.
Tên gọi khác: Ké Hoa Đỏ, Dã Miên Hoa, Phù Thiên Hoa, Ké Khuyết.
Họ thực vật: Bông Malvaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dưới đây là hình ảnh cây ké hoa đào:
Ké Hoa Đào thuộc dạng cây nhỏ, có kích thước khoảng 1 đến 1,5 mét.
Cành cây có dạng hình trụ, trên thân có lông.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình gần tròn. Mép lá chia thành thùy, các thùy nông, khía răng không đều. Gốc lá có dạng hình tim, mặt dưới có màu xám và lông hình sao, mặt trên của lá có màu xanh. Gân 5, cuống lá có chiều dài từ 1 đến 5cm.
Hoa mọc ở kẽ lá, hoa mọc riêng lẻ, hoa có màu hồng hoặc màu đỏ tía. Đài và tiểu đài có 5 răng, tràng 5.
Quả gần tròn, quả có lông. Khi chín nứt thành 5 mảnh, hạt khía dọc, lông ngắn.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 10 đến tháng 1 năm sau.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ và phần trên mặt đất.
1.3 Đặc điểm phân bố
Urena L. là chi nhỏ, gồm một số loài được tìm thấy chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới.
Tại nước ta, chỉ có khoảng 3 loài thuộc chi này, Ké Hoa Đào được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng trung du, đồng bằng và những vùng núi có độ cao dưới 800 mét.
Ké Hoa Đào phân bố rộng rãi trên thế giới, ở khắp các nước thuộc vùng nhiệt đới của châu á, châu Phi, Nam Mỹ.
Ké Hoa Đào thuộc dạng cây ưa sáng, có khả năng chịu hạn, sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất khác nhau. cây thường mọc rải rác hoặc mọc thành những đám lớn tại các vùng nương rẫy bỏ hoang, ven đường, bãi,..
Ké Hoa Đào thuộc dạng ra hoa quả nhiều hàng năm, sau khi quả chín sẽ tự tách ra để cho hạt rơi xuống dưới đất.
Cây có khả năng tái sinh tự nhiên từ hạt và từ chồi sau khi cây đã bị chặt.
2 Thành phần hóa học
Phần trên mặt đất có chứa Mangiferin.
Toàn cây chứa:
- Phenol.
- Sterol.
- Acid amin.
Hạt chứa dầu béo.
3 Tác dụng - Công dụng của cây ké hoa đào
3.1 Tác dụng dược lý
Toàn cây sau khi thu hái về, đem rửa sạch, phơi khô và chiết bằng cồn 50 độ.
Tiến hành lọc dịch chiết.
Cô áp lực giảm cho đến khi dịch chiết khô.
Các nhà khoa học nhận thấy rằng, cao khô của cây có tác dụng hạ huyết áp trên mèo sau khi gây mê, làm hạ thân nhiệt, làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột nhắt trắng.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị nhạt, hơi ngọt, không độc, tính mát.
Tác dụng: Tiêu viêm, thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp.
3.2.2 Cây Ké Hoa Đào có tác dụng gì?
Cây được sử dụng cho các trường hợp tiêu hóa kém, khí hư, amidan, sốt rét, bướu giáp, thấp khớp.
Hoa của cây được dùng trong các trường hợp rối loạn trí não, sốt, thủy đậu.
Cành và lá được dùng để chữa chấn thương.
Theo tài liệu Ấn Độ, người ta nhận thấy rằng, một đoạn rễ ngắn của cây sau khi đặt vào âm đạo có thể gây sảy thai.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Ké Hoa Đào
4.1 Chữa lỵ, viêm ruột
30-40g rễ hoặc toàn cây Ké Hoa Đào.
20g lá Ba Chẽ.
Các vị đem thái nhỏ, sau đó sao vàng.
Sắc lấy nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng 40-50g toàn cây Ké Hoa Đào, chặt nhỏ, đem sao vàng và sắc lấy nước uống.
4.2 Chữa tiêu hóa kém ở trẻ
Sử dụng rễ tươi của cây Ké Hoa Đào, đem rửa sạch, giã và ép lấy nước.
Cho trẻ uống trong 4 ngày, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần uống 4 thìa cà phê.
4.3 Chữa rong kinh, rong huyết
20g rễ Ké Hoa Đào.
20g Mần Tưới.
20g Chỉ Thiên.
20g Mã Đề.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
4.4 Chữa khí hư, bạch đới
20g rễ Ké Hoa Đào.
20g Chua Ngút.
20g Bong bong Lá To.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
4.5 Chữa thủy đậu
5-10g Ké Hoa Đào.
5-10g Ké Hoa Vàng.
Ăn cùng với cùi dừa.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Ké Hoa Đào, trang 1048-1049. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2024.