Huỳnh Anh (Dây Huỳnh, Đai Vàng - Allamanda cathartica L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Gentianales (Long đởm) |
Họ(familia) | Apocynaceae (Trúc đào) |
Chi(genus) | Allamanda |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Allamanda cathartica L. |
Huỳnh anh thuộc dạng cây nhỡ, mọc thành bụi. Thân cây mảnh, nhẵn, vươn dài, những cành khi còn non có màu lục sau trưởng thành có màu nâu xám. Lá cây mọc vòng gồm 3-4 vòng, đôi khi bắt gặp lá mọc đối. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Huỳnh anh là cây gì?
Tên khoa học: Allamanda cathartica L.
Tên gọi khác: Đai vàng, Dây huỳnh, Bông vàng.
Họ thực vật: Apocynaceae (Trúc Đào).
1.1 Đặc điểm thực vật
Huỳnh anh thuộc dạng cây nhỡ, mọc thành bụi. Thân cây mảnh, nhẵn, vươn dài, những cành khi còn non có màu lục sau trưởng thành có màu nâu xám.
Lá cây mọc vòng gồm 3-4 vòng, đôi khi bắt gặp lá mọc đối, phiến lá có dạng hình mác, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn, hai mặt của lá nhẵn, khi bấm xuất hiện nhựa mủ trắng.
Cụm hoa có cuống dài, mọc ở ngọn tạo thành xim, hoa có kích thước lớn, màu vàng, mùi thơm đặc trưng, đài 5, nhị 5, bầu hình trứng, noãn đính thành 6 hàng.
Quả nang, có gai, mở thành 2 van, chứa ít hạt.
Cây Huỳnh anh ra hoa vào tháng mấy? Mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 10.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá và nhựa cây.
1.3 Đặc điểm phân bố và cách trồng
Chi Allamanda L. tại nước ta có 2 loài, đều được trồng làm cảnh. Huỳnh anh có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được nhập về để trồng ở những nước thuộc vùng nhiệt đới, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Philippin và Nam Trung Quốc.
Hoa huỳnh anh được nhập vào nước ta khoảng 200 năm trước. Cây được trồng rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn ở miền Nam.
Huỳnh anh là cây thường xanh quanh năm, ưa ẩm, ưa sáng, có khả năng chịu được khô hạn. Thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất là từ tháng 4 đến tháng 8, lúc này nhiệt độ trung bình cao, nhiều nắng. Những cây trồng ở khu vực có ánh sáng đầy đủ sẽ ra hoa nhiều hơn so với những cây bị chia bóng. Những cây trồng ở phía Bắc hiếm khi thấy ra quả. Hoa huỳnh anh có thể trồng bằng cành, vào mùa đông, người ta thường tiến hành cắt bớt những cành già để kích thích cây nảy chồi vào năm sau, các chồi sẽ phát triển và ra hoa vào mùa hè trong năm.
1.4 Hoa huỳnh anh có mấy màu?
Huỳnh anh có 2 loại bao gồm:
- Huỳnh anh (tên khoa học là Allamanda cathartica L.) có hoa màu vàng.
- Huỳnh anh lá hẹp (tên khoa học là Allamanda neriifolia Hook.) có hoa màu vàng da cam, trên hoa có những rạch màu đỏ son.
2 Thành phần hóa học
Huỳnh anh chứa iridoid plumierid, isoplumericin, plumericin. Bên cạnh đó, cây còn chứa nhiều alamdin, iridoid lacton allamandin.
Các thành phần alamandine, alamdin, alamandicin đều được chứng minh có tác dụng kháng ung thư bạch cầu.
3 Tác dụng của cây hoa huỳnh anh
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng chống khối u
Cao chiết bằng Ethanol từ rễ và hoạt chất allamandin đã cho thấy tác dụng chống khối u khi nghiên cứu trên in vivo đối với tế bào ung thư bạch cầu P388 trên chuột nhắt trắng. Ngoài ra, cao chiết và hoạt chất này cũng cho thấy tác dụng đối với tế bào ung thư mũi hầu ở người khi nghiên cứu trên in vitro.
Cao chiết từ lá của cây Huỳnh anh trong Dung dịch NaHCO3 5% đã cho thấy tác dụng ức chế tế bào u háng Ehrlich khi nghiên cứu trên chuột nhắt trắng.
3.1.2 Tác dụng đối với nấm và vi khuẩn
Plumericin cũng như các iridoid lacton có thể liên quan đến tác dụng kháng nấm và vi khuẩn đối với nhiều loại vi sinh vật. Cao chiết ethanol từ rễ và hoa cho thấy tác dụng ức chế vi khuẩn dòng Klebsiella.
3.1.3 Tác dụng đối với huyết áp
Cao nước và cao cồn khi chiết từ rễ và lá đã cho thấy tác dụng làm tăng huyết áp khi nghiên cứu trên mèo đực thí nghiệm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thấy rằng, cao cồn có tác dụng mạnh hơn cao nước (tuy nhiên trong quá trình thí nghiệm đã làm cho bay hết cồn).
3.1.4 Tác dụng đối với nhu động ruột
Khi tiến hành thí nghiệm trên chuột cống trắng, người ta nhận thấy rằng, cao chiết từ cành và lá của cây Huỳnh anh cho thấy tác dụng làm tăng co bóp ruột, giúp nhuận tràng.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Huỳnh anh có vị nhạt, tính hàn, hơi đắng, có tác dụng tẩy, nhuận tràng.
Hoa huỳnh anh có độc không? Vỏ cây, nhựa và hạt của Huỳnh anh có độc.
3.2.2 Công dụng
Cành và lá của cây khi dùng liều thấp có tác dụng nhuận tràng nhưng khi dùng liều cao thì có thể gây độc.
Đối với trường hợp táo bón sau khi bị ngộ độc chì, có thể dùng 12-16g lá Huỳnh anh để hãm nước uống.
Trường hợp sốt, vàng da, lách to khi bị sốt rét cũng dùng được bài thuốc trên.
Nhựa mủ của cây có tác dụng tẩy khi dùng liều 8-10 giọt, pha với nước đường nhưng ít được dùng vì có nguy cơ gây độc.
Lá cây hãm với nước sôi, xông hơi có tác dụng giảm ho, giảm nhức đầu.
Cành cây dùng để ngâm rượu uống trong trường hợp tê thấp, đau nhức xương khớp.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng toàn cây Huỳnh anh sắc lấy nước đặc khi bị ghẻ, ngứa.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Dây huỳnh, trang 642-643. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Bông vàng, trang 241-242. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2024.