Huyền Sâm (Hắc Sâm - Scrophularia ningpoensis H.)
56 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 4 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) | Scrophulariaceae (Hoa mõm sói) |
Chi(genus) | Scrophularia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Scrophularia ningpoensis H. |
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị viêm sưng, sốt nóng khát nước, Huyền sâm được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Huyền sâm.
1 Củ Huyền sâm là củ gì?
Huyền Sâm còn có tên gọi khác là Nguyên sâm, Hắc sâm, Ô nguyên sâm, mọc trên đất thịt, đất nhiều mùn, được trồng chủ yếu bằng hạt, ra hoa vào tháng 6-10.
Tên khoa học của Huyền sâm là Scrophularia ningpoensis H.
Huyền sâm thuộc nhóm gì? Huyền sâm thuộc họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae).
Dưới đây là hình ảnh cây Huyền sâm.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo sống nhiều năm, cao trung bình 1,5-2m, có rễ củ hình trụ dài 5-15cm, đường kính 0,6-4cm, mặt ngoài màu vàng xám. Thân vuông, có màu xanh đậm, có rãnh dọc ở trên. Lá mọc đối, hình trứng hoặc hình mũi mắc, dài 10-17cm, mép có răng cưa nhỏ, mặt trên xanh lục sẫm, mặt dưới màu nhạt hơn, có một vài lông nhỏ rải rác.
Cụm hoa hình xim tán, hợp thành chùy, to, thưa, hoa ở nách lá và ngọn cành; có màu vàng nâu hoặc đỏ tím, có 5 lá đài hàn liền nhau, 5 cánh hoa hợp thành tràng hoa hình cái chén, có môi trơn dài hơn môi dưới; nhị 4, có 2 cái dài, 2 cái ngắn. Quả nang hình trứng, dài 8-9mm, mang đài tồn tại, với nhiều hạt nhỏ màu đen.
1.2 Thu hái và chế biến
Huyền sâm Bộ phận dùng: Rễ củ.
Thu hái đào lấy củ Huyền sâm tươi, rửa sạch, loại bỏ rễ con, đầu chồi chừa 3mm, tách lấy từng rễ, phân loại theo kích thước để phơi hoặc sấy ở 50-60 độ C tới gần khô (còn mềm), đem ủ 5-10 ngày tới khi ruột chuyển đen hoặc nâu đen, rồi phơi hoặc sấy khô đến độ ẩm dưới 14%.
Cách ủ: Dược liệu sau khi phơi gần khô đem tãi ra trong nia thành một lớp dày chừng 15cm, để chỗ mát, hàng ngày đảo lại vài lần, có thể đậy phía trên bằng một lớp rơm mỏng hay dùng nia hoặc nong đậy lên. Trong khi ủ phải đào luôn và không để quá dày, không đậy quá kín gây hấp hơi và hỏng.
Khi dùng rửa sạch, ủ mềm, thái lát phơi khô.
1.3 Mô tả Huyền sâm theo Dược điển Việt Nam
Tên khoa học của vị thuốc Huyền sâm theo Dược điển Việt Nam 5 tập 2 là Radix Scrophulariae.
Rễ củ nguyên, phần dưới thuôn nhỏ dần còn phần trên phình to, một số rễ hơi cong, dài 3 - 15cm. Mặt ngoài dược liệu màu nâu xám hay nâu đen, có nếp nhăn và rãnh lộn xộn, nhiều lỗ vỏ nằm ngang và nhiều vết tích của rễ con hay đoạn rễ nhỏ.
Mặt cắt ngang dược liệu màu đen, lớp bần mỏng ở phía ngoài cùng, phía trong tỏa ra nhiều vân.
Dược liệu hơi mềm, deo, mùi giống mùi đường cháy, vị hơi ngọt và hơi đắng.
Dược liệu thái lát là những lát mỏng hình tròn hay bầu dục, bên ngoài màu vàng xám hay nâu xám, bề mặt lát màu đen hơi bóng, có thể có những khe nứt.
Xem thêm: https://trungtamthuoc.com/duoc-lieu/dia-hoang#5-so-sanhnbsptac-dung-cua-sinh-dia-va-huyen-sam
1.4 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc Trung Quốc, được nhập vào nước ta từ những năm 1960. Vốn được trồng ở Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) và Phó Bản (Hà Giang), hiện được trồng nhiều ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Đà Lạt.
2 Cách trồng
Huyền sâm có khả năng sinh trưởng và phát triển được trên nhiều vùng khí hậu cũng như đất đai. Huyền sâm nhân giống bằng hạt, thời điểm gieo trồng thường là từ tháng 10 đến tháng 11 (ở vùng trung du, đồng bằng) hoặc tháng 2 đến tháng 3 (ở miền núi).
Có thể gieo hạt trực tiếp hoặc gieo trong vườn ươm sau đó đánh cây con đi trồng, gieo trực tiếp thì mất nhiều công chăm sóc nhưng củ ít nhánh nên giá trị thương phẩm cao hơn so với phương pháp gieo ươm. Phương pháp gieo có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện cũng như tập quán của từng khu vực. 1kg hạt giống có thể gieo được khoảng 1 hecta.
Nếu gieo trực tiếp thì gieo thành rạch, cách nhau 30cm để thuận tiện trong quá trình tưới tiêu và chăm sóc. Sau khi cây mọc thì tiến hành tỉa bớt, khoảng cách các cây nên để từ 10-20cm. Nếu gieo trong vườn ươm thì có thể gieo vãi, cần có biện pháp để tránh côn trùng hoặc các loài sâu bọ gây ảnh hưởng đến cây. Sau khi cây con được 6-8 lá thật, chiều cao mỗi cây khoảng 10cm thì đem đánh đi trồng, khoảng cách trồng là 30x30cm hoặc 30x40cm.
Đất trồng nên chọn khu vực cao ráo, có khả năng thoát nước tốt, đất có nhiều mùn, tốt nhất là đất pha cát, đất thịt ở đồng bằng nhưng không được ngập úng. Đất phải được cày bừa kỹ, lên luống trước khi gieo hạt hoặc trồng cây. Huyền sâm là loài có củ do đó trong quá trình chăm sóc cần bón phân định kỳ cho cây.
Đảm bảo quá trình trồng cây luôn được đủ ẩm và vệ sinh sạch cỏ, xới xáo đất thường xuyên.
Sâu xám, sâu róm là những loài sâu bệnh thường gặp.
Thời điểm thu hoạch rễ củ ở đồng bằng là từ tháng 7 đến tháng 8 còn ở miền núi thì muộn hơn (từ tháng 10 đến tháng 11).
3 Thành phần hóa học
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu về hóa thực vật của Huyền sâm đã được tiến hành và 170 hợp chất bao gồm iridoid, phenolic glycoside, phenolic acid, alkaloid, flavonoid, triterpen và các hợp chất khác đã được phân lập và xác định.
3.1 Iridoid
Đây là nhóm hợp chất điển hình trong chiết xuất Huyền sâm, bao gồm các dẫn chất của seconingpogenin, dihydrocatalpolgenin, harpagoside, glucopyranosylharpagoside, galactopyranosylharpagoside, acetylharpagoside, cinnamoylharpagide, catalpol, globulin, aucubin, epiloganin, eurostoside, ningpogenin, ningpogoside, scrophularianoid, scrophulozit, teuhiricoside.
3.2 Phenolic glycoside
Nhiều hợp chất phenolic đã được phân lập từ chiết xuất Huyền sâm, bao gồm: Rhamnopyranosyl vanilloyl, Axit syringic-4- O - α -L-rhamnoside, Sibirioside A, Scrophuside, Isoacteoside, Acteoside, Buergeriside A1, angozit C, Cistanoside D và F, Ningposide A, B, C và D.
==>> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc có cùng công dụng: Cát căn - Vị thuốc giải nhiệt nóng, trị sốt khát, say rượu hiệu quả
3.3 Flavonoid
4 Flavonoid đã được xác định trong chiết xuất Huyền sâm: Homoplantaginin, Nepitrin, Liquiritigenin, Prim -O -glucosylcimifugin.
3.4 Triterpenoid
Các triterpenoid sau đã được phát hiện: Clematomanshurica Saponin, Eucalyptolic acid, Oleanonic acid, Scrokoelziside A và B, Ursolic acid, Lupeol, Oleanolic acid.
3.5 Alkaloid
Cây cũng chứa một số alkaloid như: 5-Methoxypyrrolidin-2-on, Ningpoensine A, B và C, Ningpgenin A và B, Scrophularianine A, B và C, Isoxerin, Adenosin.
3.6 Các hợp chất khác
Ngoài ra, saccharide, axit béo và các hợp chất khác đã được phân lập, chẳng hạn như eicosan, axit succinic, buergerinin B, iridolactone, acid oleic, rhamnose, α -Caryphy, β -Sitosterol, glixerol…
4 Củ Huyền sâm có tác dụng gì?
4.1 Tác dụng dược lý
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về tác dụng dược lý của Huyền sâm. Các chiết xuất khác nhau và một số hợp chất của Huyền sâm có tác dụng dược lý khác nhau, chẳng hạn như tác dụng bảo vệ gan, tác dụng chống viêm, tác dụng hạ sốt, tác dụng chống oxy hóa, hoạt tính chống đột biến, hoạt tính chống tăng sinh, hoạt tính chống khối u, tác dụng apoptotic, bảo vệ não, tác dụng bảo vệ thần kinh, cứu chữa chứng suy giảm trí nhớ, chống quá trình chết theo chương trình của tế bào cơ tim, tác dụng chống tái tạo tâm thất, bảo vệ tế bào cơ tim, ngăn ngừa phì đại cơ tim, hoạt động hạ huyết áp, tác dụng chống xơ vữa, hoạt động chống loãng xương, điều trị rối loạn liên quan đến khớp, giảm cường giáp, ức chế chuyển hóa năng lượng, tăng cường chức năng miễn dịch, nuôi dưỡng Yin, tác dụng giãn mạch, tác dụng kháng khuẩn, hoạt động chống mệt mỏi, hoạt động chống kết tập tiểu cầu, ngăn ngừa tổn thương phổi cấp tính, bảo vệ khí quản, tác dụng chống ngứa, tác dụng hạ axit uric máu, hoạt động chống trầm cảm.
Huyền sâm cho thấy tác dụng kháng sinh đối với nhiều chủng vi khuẩn gây bệnh khác nhau trên da.
Khi tiến hành nghiên cứu bằng phương pháp lồng cử đông, Huyền sâm thể hiện tác dụng an thần.
Huyền sâm cũng cho thấy tác dụng tốt đối với những bệnh nhân viêm họng mạn tính, việc phối hợp với Sâm Cau cho thấy tác dụng rõ rệt ở bệnh nhân viêm họng đỏ cấp tính.
4.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Cây Huyền sâm có tính mát, vị ngọt đắng, hơi mặn, quy vào kinh phế, thận, có tác dụng tư âm, giáng hỏa, sinh tân dịch, chống khát nước, lương huyết, giải độc, nhuận tràng, hoạt trường.
Trong đông y, cây Huyền sâm được dùng trong trị sốt nóng, nóng âm ỉ, sốt về chiều, khát nước, chống viêm, điều trị tinh hồng nhiệt, viêm họng, viêm thanh quản, viêm miệng, viêm lợi, viêm kết mạc. Còn được dùng trị táo bón, mụn nhọt, lở loét.
Liều lượng: Mỗi ngày dùng từ 8 - 15g dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ phối hợp với vị thuốc Lê lô, Không dùng Huyền sâm cho người tỳ vị hư hàn, rối loạn tiêu hóa.
Chú ý: Không sử dụng Huyền sâm cho người có huyết áp thấp, đường huyết thấp, khi uống thuốc thì phải uống khi nước còn ấm, không uống nguội vì dễ bị tiêu chảy. Kiêng ăn đắng, lạnh trong quá trình uống thuốc.
==>> Mời bạn đọc xem thêm dược liệu: Mạch môn - Vị thuốc trừ ho, bổ phế hiệu quả cho mọi nhà
5 Các bài thuốc từ cây Huyền sâm
5.1 Tăng dịch thang
Dược vị:
- 40g Huyền sâm.
- 32g Mạch môn.
- 32g Sinh địa.
Tăng dịch thang chủ trị trong trường hợp tân khuy tiện bí, dương minh ôn bệnh với các triệu chứng khẩu khát, đại tiện bí kết, mạch Tế Sác, thiệt can hồng, Trầm nhi vô lực (lưỡi đỏ, khô, táo bón, mạch tế sác, khát). Nguyên nhân là do nhiệt bệnh thương tân, vô thủy chu đình, dịch khuy trường táo (nghĩa là bệnh nhiệt gây tổn thương tân dịch, tân dịch suy giảm dẫn đết ruột bị khô gây táo bón).
Tăng dịch thang có công dụng tăng dịch giúp giảm tình trạng táo bón, trị sốt làm cho tân dịch bị hao tổn.
Giải thích:
- Huyền sâm (Chủ dược) có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, sinh tân, nhuận táo.
- Mạch môn dưỡng vị.
- Sinh Địa giúp lương huyết giúp sinh tân dịch.
- 3 vị kết hợp với nhau có tác dụng nhuận trường thông tiện, thanh nhiệt dưỡng âm.
Ứng dụng trên lâm sàng: Tăng dịch thang đặc biệt phù hợp với chứng hư âm táo bón, nếu táo bón nặng, dùng tăng dịch thang chưa có hiệu quả nhiều thì thêm Mang tiêu, Đại hoàng. Đối với trường hợp Vị âm bất túc, môi khô, lưỡi đỏ có thể thêm các vị dưỡng âm sinh tân bao gồm Ngọc Trúc, Sa Sâm, Thạch Hộc.
5.2 Trị viêm amidan, viêm họng, ho
Nguyên liệu: Huyền sâm 10g, Cam Thảo 3g, Cát Cánh 5g, Mạch môn 8g, Thăng Ma 3g.
Cách làm: Sắc với 600ml nước tới khi còn 200ml, uống 3-4 lần mỗi ngày hoặc ngậm và súc miệng.
5.3 Trị viêm não cấp, sốt xuất huyết, sốt phát ban, sốt đỏ da, sốt bại liệt ở trẻ em cùng sốt cao co giật, sốt cơn không rét, nóng âm kéo dài, mê sảng, táo bón, khô khát do mất nước, sưng họng, viêm phổi
Nguyên liệu: Huyền sâm, Mạch môn, Ngưu tất, Hạt muồng sao mỗi vị 20g, Dành dành 12g.
- Nếu sốt cao 38 độ C thì gia lá Tre xanh 20g, sốt lên 39 độ thì thêm bột Thạch cao nung 12g.
- Viêm não cấp thì gia quả Hòe, rễ Bươm bướm mỗi vị 12g, có táo bón thì thêm Chút chít 4g.
- Sốt xuất huyết thì gia Cỏ nhọ nồi 20g, Hoa Hòe sao 10g; sốt phát ban thì gia Kim Ngân Hoa 12g, bột Thạch cao nung 12g.
- Sốt đỏ da thì gia Thổ Phục Linh 12g, Tỳ giải, Ý dĩ sao mỗi vị 15g.
- Sốt bại liệt trẻ em thì gia Cẩu Tích, Ba Kích mỗi vị 8g, Xương bồ 3g.
- Sưng phổi thì gia Thiên môn, vỏ rễ Dâu mỗi vị 8g, Công cộng 6g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống trong ngày.
5.4 Trị viêm tắc mạch máu tay
Nguyên liệu: Huyền sâm 24g, Đương Quy, Cam thảo dây, Huyết Giác, Ngưu Tất mỗi vị 10g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
5.5 Trị tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt, ù tai, đau mắt, khó ngủ, xuất huyết dạng thấp, chảy máu dưới da, trẻ em chảy máu cam, hấp nóng, mồ hôi trộm, đau cơ, rút gân, nhức nhối, đi ngoài ra máu
Nguyên liệu: Huyền sâm 16g, Muồng sao 12g, Trắc bá sao, Kim anh, hoa Hòe sao, Ngưu tất, Mạch môn mỗi vị 10g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
5.6 Chữa viêm họng cấp và mạn tính
Viên nén sâm can gồm các vị Huyền sâm 0,5g, Xạ Can 0,2g. Người lớn mỗi ngày lần ngậm từ 2-5 viên, ngày ngậm 3 lần. Trẻ em ngậm từ 1-2 viên, ngày ngậm 3 lần.
Siro sâm can: 100ml siro chứa 20g Huyền sâm cùng với 8g Xạ can. Liều dùng cho trẻ là 2-3 thìa cà phê mỗi ngày, chia làm 3 lần cho trẻ uống.
5.7 Chữa thiếu máu ở bệnh nhân yếu tim
625g Huyền sâm.
1250g nhân Trắc bách diệp.
937,5g Dành dành.
625g Sinh địa.
312,5g Đương quy.
312,5g Xương bồ.
312,5g Mạch môn đông.
312,5g Phục linh.
156,3g Cam thảo.
Các vị đem tán bột sau đó làm thành viên, mỗi viên 9,4g. Mỗi ngày dùng 2 viên, chia thành 2 lần, chiêu cùng nước nóng.
5.8 Chữa lao phổi
12g Huyền sâm.
12g Sa sâm.
12g Mạch môn.
12g Sinh địa.
8g Thiên môn.
8g Bách Bộ.
8g A giao.
Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang.
Hoặc:
- 12g Huyền sâm.
- 16g Sinh địa.
- 12g Sa sâm.
- 12g Mạch môn.
- 12g Bách hợp.
- 12g Hoàng Cầm.
- 12g Bách bộ.
- 12g Hạ Khô Thảo.
- 8g Bạch cập.
- Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày một thang.
5.9 Chữa cao huyết áp ở bệnh nhân giãn cơ tim có các triệu chứng ra mồ hôi, khó thở
10g Huyền sâm.
15g Mạch môn.
15g Hà Thủ Ô đỏ.
10g Đương quy.
10g Sinh địa.
10g Ngũ Vị Tử.
10g Táo ta.
6g Phục linh.
6g Thạch Xương Bồ.
6g Cúc Hoa.
6g Đảng Sâm.
6g Cam thảo.
3g Chi Tử.
Các vị đem sắc cùng với 800ml nước cho đến khi còn 200ml, uống 1 lần trong ngày.
5.10 Chữa viêm mạch bạch cấp
12g Huyền sâm.
16g Kim ngân.
16g Sài Đất.
16g Bồ công anh.
12g Sinh địa.
12g Bạch mao căn.
8g Chi tử.
Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày một thang.
5.11 Chữa viêm não Nhật Bản B (Bài thuốc Bạch hổ thang gia giảm)
16g Huyền sâm.
40g Thạch cao.
16g Tri mẫu.
16g Kim ngân.
16g Sinh địa.
12g Hoàng Liên.
12g Liên kiều.
4g Cam thảo.
Trường hợp co giật nhiều thì thêm 40g Thạch quyết minh, 20g Câu Đằng, 16g Địa Long.
Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang.
5.12 Chữa loét miệng
12g Huyền sâm.
16g Sinh địa.
16g Cỏ nhọ nồi.
12g Sa sâm.
12g Mạch môn.
12g Hoàng bá.
12g Ngọc trúc.
8g Tri mẫu.
8g Đan bì.
4g Cam thảo.
Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang.
Hoặc dùng bài thuốc Lục vị trí bá thang gia giảm:
- 12g Huyền sâm.
- 16g Sinh địa.
- 12g Hoài Sơn.
- 12g Hoàng bá.
- 8g Sơn Thù.
- 8g Trạch Tả.
- 8g Đan bì.
- 8g Phục linh.
- 8g Tri mẫu.
- 8g Bạch Thược.
- Nếu mất ngủ thì thêm 12g Táo nhân.
- Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày một thang.
5.13 Chữa kinh nguyệt không đều
12g Huyền sâm.
16g Sinh địa.
16g Ích mẫu.
12g Sa sâm.
12g rễ Cỏ tranh.
12g rễ cây rau khơi.
Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày một thang.
5.14 Trị viêm hạch, lao hạch, nổi hạch ở cổ, ở vú và lao màng bụng nổi cục
Nguyên liệu: Huyền sâm 20g, Nghệ đen, Dẻ quạt, Bồ Công Anh, Mộc thông mỗi vị 10g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
Ghi chú: Không dùng nước Huyền sâm (Hắc sâm) cho người huyết áp thấp, tạng hàn ỉa chảy; cần uống thuốc lúc ấm, không uống nguội gây tiêu chảy; kiêng đồ đắng, lạnh như Mướp Đắng, ốc hến.
6 Giá bán Huyền sâm
Giá thành 1kg Huyền sâm khô, thái mỏng khoảng 90.000 đến 150.000 đồng/1kg. Bạn đọc nên lựa chọn những địa chỉ uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
7 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Qing Zhang, An Liu, Yuesheng Wang (Ngày đăng 26 tháng 2 năm 2021). Scrophularia ningpoensis Hemsl: a review of its phytochemistry, pharmacology, quality control and pharmacokinetics, Academic.oup. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Huyền sâm trang 1162-1164, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Huyền sâm (rễ), trang 1199 - 1201, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 25 tháng 09 năm 2023.
- Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Huyền sâm, 1017-1020. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2024.