Hương Phụ (Cỏ Gấu - Cyperus rotundus L.)
120 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Hương phụ được biết đến khá phổ biến với công dụng trị kinh nguyệt không đều, Đau Bụng Kinh, viêm tử cung mạn tính, các vấn đề liên quan đến phụ nữ trước và sau khi sinh đẻ. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Hương phụ.
1 Giới thiệu về cây Hương phụ
1.1 Hương phụ là gì?
Hương phụ tên khoa học là Cyperus rotundus L. và thuộc họ Cói - Cyperaceae. Nó còn được gọi là Cỏ gấu, Cỏ cú, Củ gấu, cây Cỏ cứu, cây Cỏ cú mật. Tên gọi "hương phụ" xuất phát từ mùi hương thơm dịu chỉ được phát ra khi vị thuốc bị bẻ vỡ: "hương" có nghĩa là "mùi thơm", "phụ" có nghĩa là "theo sau".
Theo Dược điển Việt Nam 5 tập 2, vị thuốc Hương phụ có tên khoa học là Rhizoma Cyperi.
1.2 Đặc điểm thực vật
Thực vật này có thân rễ phình ra dưới đất, có hình dạng tròn và hình thành củ. Thân cây cao từ 10-60cm, hình tam giác. Lá đài bằng thân và không có lưỡi. Cụm hoa có thể là đơn hoặc kép, có 3-5 lá bắc và rộng ra, dài hơn cụm hoa nhưng cũng có thể ngắn hơn. Các bông có trục nhẵn mang 3-20 bông chét, mỗi bông chét có khoảng 30 hoa nhưng số lượng hoa cũng có thể thay đổi từ 8 đến 70 hoa, và trục bông chét có cánh. Vẩy hoa hình trái xoan và tù. Nhị có 3, bao phấn hình dải thuôn. Vòi nhuỵ dài bằng hoặc vượt qua bầu, đầu nhuỵ dài. Quả bế có 3 cạnh và màu đen nhạt.
1.3 Thu hái và chế biến
1.3.1 Bộ phận dùng
Thân rễ (Rhizoma Cyperi) phát triển thành củ. Có thể đào thân rễ quanh năm, bỏ rễ con, phơi khô. Để nguyên hoặc chế với giấm, nước tiểu trẻ em, muối, rượu thành Hương phụ tứ chế.
Thời điểm thu hoạch Hương phụ là vào mùa thu, lấy dược liệu về đem phơi khô, đốt cháy hết thân lá, lông và rễ con, sau đó rửa sạch rồi phơi cho đến khô.
Cách chế như sau:
Cân 1kg hương phụ, chia thành 4 phần: một phần 250g ngâm với 200ml dấm (có độ axit axetic 5%), một phần ngâm rượu 40%, một phần ngâm nước tiểu trẻ em (nước tiểu của trẻ khỏe mạnh, bỏ phần đầu và cuối, chỉ lấy phần giữa), một phần ngâm nước muối 15%. Thời gian ngâm thay đổi tùy theo mùa: 1 ngày 1 đêm nếu là mùa hè, 3 ngày 3 đêm nếu mùa thu, 7 ngày 7 đêm nếu mùa đông. Cuối cùng lấy ra phơi khô hoặc sấy khô rồi trộn đều 4 phần với nhau. Theo Đông y, ngâm dấm vị chua để thuốc vào gan, muối vị mặn sẽ dẫn thuốc vào thận, rượu bốc lên cho nên dẫn thuốc đi lên trên, nước tiểu thêm tác dụng bổ.
1.3.2 Mô tả Hương phụ Dược điển
Hương Phụ vườn: Thân rễ (hay còn gọi là củ) hình thoi, chắc khỏe, có độ dài từ 1 cm đến 3 cm và đường kính từ 0,4 cm đến 1 cm. Bề ngoài có màu xám đen, có nhiều rãnh dọc và vân ngang (mỗi vân cách nhau từ 0,1 cm đến 0,6 cm); trên mỗi vân có lông cứng mọc thẳng đứng với củ, màu xám đen và có nhiều vết của rễ con. Vết cắt ngang có sợi, mặt nhẵn bóng, phần vỏ có màu xám nhạt, trung tâm có màu nâu đậm. Có mùi thơm, vị hơi đắng ngọt, sau đó có vị cay.
Hương phụ biển: Thân rễ hình thoi, chắc khỏe, kích thước củ không đều, trung bình từ 1 cm đến 5 cm và đường kính từ 0,5 cm đến 1,5 cm, bề ngoài có màu nâu hoặc nâu đậm; có nhiều rãnh dọc và vân ngang củ (mỗi vân cách nhau từ 0,1 cm đến 0,6 cm); trên mỗi vân có lông cứng mọc nghiêng theo chiều dọc, về phía đầu củ, màu nâu hoặc nâu đậm và có nhiều vết của rễ con. Vết cắt ngang có sợi, mặt nhẵn bóng, phần vỏ có màu hồng nhạt, trung tâm có màu nâu đậm. Có mùi thơm, vị hơi đắng ngọt, sau đó có vị cay.
1.4 Đặc điểm phân bố
Cây hương phụ có nguồn gốc từ lục địa Á- u cổ đại, hiện nay đã phổ biến trên hơn 90 quốc gia trên toàn cầu. Hương phụ có thể mọc ở khắp mọi nơi trên cánh đồng hoặc ven đường, với nhiều điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau. Đối với nhà nông, đây là một loại cỏ rất khó tiêu diệt, được xem là một trong những loài cỏ dại gây hại nhất trong sản xuất nông nghiệp thế giới.
Hương phụ phân bố rộng rãi trên khắp Việt Nam và cũng có mặt ở nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Campuchia, Thái Lan, Sri Lanka và Úc, nhiều nước trên châu Phi, châu u và châu Mỹ. Thường mọc dại ở vườn, trên đất cát, bãi cỏ, có thể sống trên đất lợ hoặc nước mặn. Ra hoa quả từ mùa hạ đến mùa đông.
2 Thành phần hóa học
Tinh dầu của hương phụ chứa 32% cyperen, B-selinen, 49% cyperol và còn có d-, B-cyperon, cyperolen, patchoulenon, cyperotundon. Củ gấu cũng chứa dầu béo với Glycerol và các acid oleic, linolenic, oleic, myristic, stearic và chất không xà phòng hóa chiếm 22,8%.
3 Công dụng - Tác dụng của Hương phụ (cây Cỏ gấu)
3.1 Cây Cỏ gấu chữa được bệnh gì?
Hương phụ có tác dụng ức chế co bóp tử cung, giảm trương lực cơ trơn tử cung, ức chế hình thành prostaglandin E. Ngoài ra, hương phụ còn có tác dụng làm ra mồ hôi và lợi tiểu. Dịch chiết từ hương phụ còn có tác dụng kháng khuẩn, làm lành vết thương, hạ sốt, chống sốt rét, chữa tiêu chảy, chống oxy hóa, ngăn ngừa đột biến gen và bảo vệ tế bào thần kinh.
Đối với tử cung, các nghiên cứu trên tử cung cô lập của thỏ, mèo, chó và chuột bạch đã chứng minh hương phụ có khả năng ức chế sự co bóp của tử cung và làm dịu sự căng thẳng của tử cung, dù con vật có thai hay không có thai đều như nhau. Hương phụ gần như có tác dụng trực tiếp làm cơ tử cung dịu lại. So sánh tác dụng của cao lỏng hương phụ và cao lỏng Đương Quy thì tác dụng giống nhau, nhưng tác dụng của đương quy mạnh hơn.
Đối với kinh nguyệt, tinh dầu hương phụ có hoạt tính nhẹ của kích thích tố nữ, vì vậy, hương phụ thường được dùng làm thuốc điều kinh.
Hương phụ cũng giảm đau, an thần kinh. Cồn chiết xuất hương phụ có tác dụng kháng viêm, giảm đau và giải nhiệt nhẹ. Nó cũng có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh.
3.2 Tác dụng của Hương phụ theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Hương phụ có vị cay, hơi đắng, ngọt và tính bình, quy kinh can, tỳ, tam tiêu, có tác dụng kích thích tiêu hóa, giảm căng thẳng, thông kinh và giảm đau. Tùy thuộc vào cách chế biến và sử dụng khác nhau, hương phụ có các tác dụng khác nhau trong điều trị bệnh.
Hương phụ sống có tác dụng giải cảm. Ở Ấn Độ, hương phụ được sử dụng để giúp lợi tiểu, điều hòa kinh nguyệt, trị giun, làm ra mồ hôi, kháng khuẩn và kích thích. Ở Trung Quốc, hương phụ được coi là có tác dụng giải uất, giải nhiệt, giúp hành khí, chỉ thống kinh và tiêu trướng.
Hương phụ còn được coi là một vị thuốc đầu bảng của phụ nữ nhờ tác dụng hành khí nhập huyết, giúp điều kinh. Với những phụ nữ tinh thần bất sướng, can khí uất trệ gây nên tình trạng chậm kinh, kinh nguyệt không đều, đau bụng trong thời gian hành kinh thì Hương phụ có tác dụng rất tốt. Thường phối hợp Hương phụ với các vị thuốc khác như Bạch Thược, Đương quy, Hồng Hoa, Thục Địa, Xuyên luyện tử, Ngũ linh chi, Ô dược, Tiểu Hồi Hương, Đào nhân,...
3.2.2 Cao hương phụ có tác dụng gì?
Được sử dụng để điều trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mạn tính, các vấn đề liên quan đến phụ nữ trước và sau khi sinh đẻ, đau dạ dày, ợ hơi, nước chua, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy và ỉa chảy. Nó cũng được sử dụng để trị đòn ngã và tổn thương. Ở Ấn Độ, hương phụ được sử dụng để điều trị rối loạn dạ dày và kích thích ruột. Ở Trung Quốc, nó được sử dụng để điều trị cảm mạo, đau lưng đùi, đòn ngã tổn thương và lở ghẻ. Thân lá của cây hương phụ cũng được sử dụng làm thuốc để hành khí, giải uất và khư phong.
3.2.3 Củ Cỏ gấu ngâm rượu có tác dụng gì?
Tẩm rượu sao để tiêu đờm, chữa khí trệ, đờm nước ứ đọng. Hương phụ tứ chế được sử dụng để chữa các bệnh phụ khoa và phù hợp với cả trường hợp hàn lẫn nhiệt.
3.3 Cách dùng cây Hương phụ
Hương phụ có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, bột, cao hoặc rượu thuốc. Liều lượng mỗi ngày từ 6-12g, có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với Ích mẫu, Ngải cứu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, có thể dùng hương phụ tươi, sao đen hoặc tứ chế. Khi chữa bệnh ở hông ngực và giải cảm, cần dùng hương phụ sống. Khi cầm máu, dùng hương phụ sao đen và trong trường hợp rong kinh. Tẩm nước muối sao cho bớt ráo để chữa bệnh về huyết. Tẩm nước tiểu trẻ em sao để giảm hỏa khí cho những trường hợp bốc nóng. Tẩm giấm sao để tiêu tích tụ, chữa huyết ứ và u báng.
Kiêng kỵ: Không dùng Hương phụ cho người âm hư huyết nhiệt.
4 Bài thuốc từ cây Hương phụ
4.1 Trị đau dạ dày
Sử dụng Hương phụ 30g và Riềng 15g, tán thành bột mịn. Sau đó dùng 3g bột với nước ấm, uống hai lần trong ngày.
4.2 Điều kinh để chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, khí huyết kém
Hương phụ 20g, Ích mẫu 15g, Ngải diệp 10g, Nhân Trần 15g. Đổ 500ml nước sắc còn lại 150ml, uống trong một ngày.
4.3 Điều kinh
Sử dụng thuốc Hương Ngải gồm Hương phụ 3g, Ích mẫu 3g, Ngải Cứu 3g, Bạch đồng nữ 3g. Sau đó sắc với nước và chia thành 3 lần uống trong ngày. Để kinh nguyệt đều, uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh.
4.4 Trị nhiệt khí bốc lên đầu mắt gây xây xẩm, các chứng đau ở giữa đầu hoặc một bên đầu
Cạo sạch vỏ Hương phụ, cho nước vào nấu qua một lát, giã dập, phơi khô rồi sao vàng và tán bột. Sau đó hoà với mật, tạo thành viên đạn to. Mỗi lần uống 1 viên với nước nóng, đàn bà thì uống với giấm.
4.5 Trị đau đầu do khí uất
Sử dụng Hương phụ (sao) 160g, Xuyên Khung 80g, Cam Thảo 40g, Thạch cao 10g. Tán bột và mỗi lần uống 8g với nước chè (trà).
4.6 Trị đau sườn ngực và đau dạ dày cơ năng
Sử dụng Hương phụ 8g, Ô Dược 10g, Cam thảo 4g. Sau đó sắc và uống.
4.7 Trị cho phụ nữ có thai bị nôn khan, nôn ra nước chua, thai động, ăn uống không ngon và nằm ngồi không được
Sử dụng Hương phụ 80g, Hoắc hương 8g, Cam thảo 8g. Tán bột và mỗi lần uống 8g với nước sôi và ít muối.
5 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Hương phụ trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Hương phụ trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Hương phụ (Thân rễ) trang 1204 - 1206, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 15 tháng 09 năm 2023.