Mạch Môn (Ophiopogon japonicus)
50 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Mạch môn được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị ho hen, giúp bổ phổi. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Mạch môn.
1 Giới thiệu
Mạch Môn còn có tên gọi khác là Mạch môn đông, Lan tiên, Tóc tiên, mọc ở các núi đá vôi và được trồng để làm cảnh hoặc làm thuốc.
Mạch môn có mấy loại? Hiện chỉ có một loại duy nhất, có tên khoa học là Ophiopogon japonicus, thuộc họ Thiên môn đông (Asparagaceae).
Theo Dược điển, vị thuốc rễ cây Mạch môn có tên khoa học là Radix Ophiopogonis japonici.
Mỗi năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu Mạch môn từ Trung Quốc với giá thành cao hơn so với dược liệu trong nước. Điều này là do Mạch môn Nam (thu hái từ Phú Thọ) có hình thái, thành phần hóa học không giống với Mạch môn Bắc (nguồn gốc từ Trung Quốc) khi đánh giá bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng. Bên cạnh đó, loại Mạch môn Nam phổ biến trên thị trường hiện nay là một loài khác thuộc chi Ophiopogon không phải là loài Ophiopogonis japonici do đó, việc nhập khẩu Mạch môn từ Trung Quốc là cần thiết.
Ngoài ra, các nghiên cứu về Mạch môn Nam còn rất hạn chế, cần có nhiều hiểu biết sâu hơn để phát triển vùng trồng và sử dụng nguồn Mạch môn trong nước.
1.1 Đặc điểm thực vật
Mạch môn là một loại cây thân thảo lâu năm mọc tập trung thành bụi và có thân bò, cao khoảng 40cm. Rễ của nó thuộc dạng rễ chùm, dày vừa phải và có củ hình trụ ở gần giữa hoặc ngọn, dài khoảng 1,5-2cm, đường kính khoảng 0,6-0,9cm, bề mắt cắt ngang của củ màu trắng, hơi trong, có lõi hẹp và mùi đặc trưng. Thân trên mặt đất ngắn và có thân ngầm dưới đất. Lá có hình dải hẹp và dài, mọc tụm lại ở gốc sát mặt đất, xếp thành hai hàng xen kẽ nhau, dài 50-60cm, rộng 0,8cm, bề mặt nhẵn. Gốc lá, thường dài 10–50 cm và rộng 1,5–3,5 mm, hình cuốn, có tua, có bẹ to có màng bao trắng ôm lấy các bẹ lá ở trong, đầu nhọn, không cuống và có dạng tua tủa; các gốc này có 3–7 đường gân, nổi rõ ở mặt dưới và có viền răng cưa; mặt trên lá màu xanh lục, mặt dưới trắng nhạt, mép lá bén.
Cụm hoa mọc ở gốc, được đặc trưng bởi một chùy thu nhỏ với chiều dài 2–5 cm và phần này chứa vài đến hơn 10 bông hoa, màu xanh nhạt. Tổng bao lá bắc hình mác và những lá bắc ở gốc có thể dài 7–8 mm. Những bông hoa này mọc đơn lẻ hoặc theo cặp; cuống dài tới 3–4 mm và có khớp nối ở gần giữa. Cánh đài có màu trắng hoặc hơi tía, hình mác và dài khoảng 5 mm. Hơn nữa, các sợi rất ngắn và các bao phấn dài 2,5–3 mm. Quả mọng, kích thước nhỏ, hình cầu, có màu tím đen nhạt. Hạt hình cầu, đường kính 7–8 mm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ đã phơi hoặc sấy khô, bỏ lõi.
Mô tả dược liệu Mạch môn: Rễ củ có hình thoi, hai đầu thuôn nhỏ, dài 1,5-3,5cm, đường kính phần rộng nhất 0,2-0,8cm. Mặt ngoài có màu vàng nâu tới vàng nhạt hoặc trắng ngà, có nhiều nếp nhăn dọc nhỏ; trong mờ; một đầu thấy được lõi giữa nhỏ. Củ có độ mềm dẻo, mặt cắt ngang thấy lớp vỏ mỏng ngoài cùng, rồi tới phần ruột trắng ngà và trong cùng là lõi giữa nhỏ. Rễ củ có mùi thơm nhẹ rất đặc trưng, vị hơi ngọt sau hơi đắng, khi nhai bị dính răng do mềm dẻo.
Chế biến: Thu hoạch vào mùa hạ, đào lấy rễ củ rồi rửa sạch, phơi nắng và xếp đống nhiều lần cho gần khô (khô tầm 79-80%), loại bỏ rễ tua, phơi hay sấy nhẹ đến khô.
Bào chế: Loại bỏ tạp, đem sửa sạch rồi ủ cho mềm, đập dẹt và rút bỏ lõi, phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Mạch môn được trồng rộng rãi ở các nước Đông Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ở Việt Nam, cây được trồng ở khắp các tỉnh, nhất là các nơi ẩm và râm mát như Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Bắc Giang…
2 Thành phần hóa học
Nhiều hợp chất, bao gồm saponin steroid, homoisoflavonoid và polysacarit, đã được phân lập từ các bộ phận khác nhau của Mạch môn. Saponin steroid và homoisoflavonoid thể hiện nhiều hoạt tính dược lý, được coi là hoạt chất chính của chiết xuất rễ củ Mạch môn.
2.1 Saponin steroid
Saponin steroid là một trong những thành phần đặc trưng chính của Mạch môn. Cho đến nay, khoảng 75 saponin steroid đã được phân lập từ rễ củ cây này. Saponin steroid được phân loại thành saponin spirostanol và saponin furostanol trên cơ sở sự khác biệt về aglycone. Saponin spirostanol chứa hệ thống vòng sáu vòng ABCDEF làm cấu trúc lõi, các saponin này được phân loại tiếp thành loại ruscogenin (RUS) và loại diosgenin tùy thuộc vào cấu trúc của vòng F. Ngược lại, saponin furostanol có vòng ABCDE ngũ vòng hệ thống với chuỗi bên năm carbon. Các gốc đường được gắn vào các nhóm hydroxyl ở C-1 hoặc C-3 trong các saponin steroid thông thường.
2.2 Homoisoflavonoid
Homoisoflavonoid, một loại Flavonoid duy nhất có chứa thêm một nguyên tử carbon giữa các vòng B và C, chủ yếu tồn tại trong họ Liliaceae và Fabaceae. Homoisoflavonoid thể hiện các hoạt động chống oxy hóa và chống viêm, là một loại thành phần chính khác của O.japonicus. Các homoisoflavonoid được phân thành hai nhóm trên cơ sở độ bão hòa của liên kết C2-C3; một nhóm chứa liên kết C2-C3 bão hòa và nhóm còn lại gồm liên kết đôi ở cùng một vị trí.
2.3 Polysacarit
Mạch môn rất giàu polysacarit, có thể chịu trách nhiệm cho các hoạt động sinh học của loại cây này, chẳng hạn như chống thiếu máu cơ tim, chống tiểu đường, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch. Mười một polysacarit đã được phân lập và xác định từ chiết xuất nước của rễ củ Mạch môn.
2.4 Các hợp chất khác
Các thành phần khác cũng đã được phân lập từ O.japonicus, bao gồm 13 axit hữu cơ: axit salicylic, p-hydroxybenzoic, axit vanillic, p-hydroxybenzaldenhyde, axit trans-p-coumaric, axit oleanolic, axit azelaic, axit n-tricosanoic, axit tianshic , axit L-pyroglutamic...
Ngoài ra, rễ củ cũng chứa các monomer như Glucose, Fructose và các sterol như sitosterol, stigmasterol.
3 Tác dụng - Công dụng của rễ củ Mạch môn
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Hoạt tính chống viêm
Chiết xuất Mạch môn chứa hàm lượng lớn saponin, có tác dụng chống viêm mạnh mẽ thông qua nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm giảm các tác nhân tham gia vào quá trình viêm như giảm sản xuất nitric oxyde, giảm tạo các interleucin-4, -6, -1, hạn chế hoạt động của yếu tố gây hoại tử u TNF-alpha…
3.1.2 Khả năng chống oxy hóa
Hoạt động chống oxy hóa của chiết xuất Mạch môn được thể hiện qua tác dụng nhặt gốc tự do, giảm hình thành gốc hydroxyl; tăng hoạt động của đại thực bào, tăng sản xuất NO và IL-1; đồng thời giảm tạo H2O2, giảm sản xuất và cảm ứng MC3T3-E cũng như giảm các dấu hiệu hủy xương ở chuột. Điều này có được nhờ trong chiết xuất chứa nhiều saponin và homoisoflavonoid cùng các hợp chất phenolic khác.
3.1.3 Chống khối u
Chiết xuất Mạch môn làm giảm kết dính tế bào khối u và di căn; giảm biểu hiện của integrin khối u, và phản ứng tăng trưởng sớm gen-1 làm giảm bài tiết MMP-9. Ngoài ra, nó cũng ngăn chặn sự hình thành của các dòng gây ung thư như MCF-7, H460 trong ung thư phổi và ung thư vú.
3.1.4 Điều trị tiểu đường
Vai trò của chiết xuất Mạch môn trong bệnh tiểu đường được thể hiện qua:
- Giảm mức đường huyết, tăng sản xuất và hoạt động của Insulin.
- Thúc đẩy giảm cân và giảm khối lượng mô mỡ.
- Tăng cường tiêu thụ oxy và tiêu hao năng lượng cải thiện mức lipid huyết tương.
- Giảm tiết leptin, giảm tích lũy lipid ở gan làm tăng biểu hiện gen liên quan đến chuyển hóa lipid và năng lượng.
3.1.5 Bảo vệ tim mạch
Chiết xuất Mạch môn có tác dụng bảo vệ tim mạch khỏi các tổn thương, nhờ các cơ chế như: tăng co bóp tim, giảm thiếu máu cục bộ, giảm các lipid xấu như LDH, giảm quá trình chết tế bào, giảm sự kết dính tiểu cầu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông và giảm rối loạn nhịp tim.
3.1.6 Các tác dụng khác
Ngoài các tác dụng trên, chiết xuất Mạch môn cũng được chứng minh về tác dụng trị ho, kháng khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Rễ củ Mạch môn có tính hàn, vị ngọt, hơi đắng, quy vào kinh tỳ, vị, tâm, có tác dụng dưỡng âm, sinh tân, nhuận phế, thanh tâm. Chủ trị: Phế nhiệt do âm hư, ho lao, ho khan, tân dịch thương tổn, tâm phiền mấy ngủ, táo bón, tiêu khát.
Trong đông y, rễ củ Mạch môn được dùng trong trị ho khan, viêm họng, lao phổi, sốt cao, khát nước, thổ huyết, hen suyễn, khó ngủ, lợi tiểu, lợi sữa, điều chỉnh nhịp tim, táo bón, lở ngứa.
Theo cuốn sách Thần Nông bản thảo kinh có viết: Dược liệu này tính bình có vị ngọt. Chủ trị khí tích tụ ở khoang ngực bụng, do táo nhiệt tân khô khiến cho khí vị thượng nghịch vị kinh không thông, mạch khí suy tận. Bên cạnh đóm mạch môn đông còn giúp cải thiện các tình trạng của cơ thể suy nhược gầy yếum trị chứng hơi thở gấp. Khi sử dụng dược liệu lâu dài, cơ thể sẽ trở nên nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, làm chậm quá trình lão hoá, giảm cảm giác đói.
Trong Bản thảo cương mục có ghi rằng: dược liệu này còn có khả năng điều trị chứng ngũ lao thất thường bảo gồm: an thần, giảm ho, trị chứng phổi khô héo có mủ; nhiệt nong phù thũng, mặt mũi, khớp tay chân sưng phù; chủ về sinh tinh, dễ thụ thai; khiến cho cơ thể khoẻ mạnh, da dẻ hồng hào.
Cách dùng: Mỗi ngày dùng 6g - 12g ở dạng thuốc sắc, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, ăn uống chậm tiêu, ỉa chảy không nên sử dụng Mạch môn.
4 Các bài thuốc từ cây Mạch môn
4.1 Trị ho khan, ho có đờm, tổn thương phổi (Thanh táo cứu phế thang)
Nguyên liệu: Mạch môn 4,8g, Thạch cao 10g, Tang diệp (Lá Dâu tằm) 12g, Cam thảo, Hồ ma (Vừng đen), Tỳ bà diệp mỗi vị 4g, A giao (Cao da Lừa) 3,2g, Hạnh nhân, Đảng Sâm mỗi vị 2,8g.
Cách làm: Sắc với nước, uống 1 thang mỗi ngày.
4.2 Trị âm hư, khát nước, phổi yếu
Nguyên liệu: Mạch môn 20g, Bán Hạ 6g, Đảng sâm 12g, Cam Thảo 4g, Gạo tẻ 20g, Đại táo 4 quả.
Cách làm: Sắc lấy nước uống, có thể thay gạo tẻ bằng gạo nếp.
4.3 Trị âm hư, táo bón, ruột khô, nhuận phế thông tiện
Nguyên liệu: Mạch môn đông, Sinh Địa mỗi vị 20g, Huyền Sâm 12g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống 1 thang mỗi ngày.
4.4 Trị bệnh nhiệt, tim hồi hộp, miệng khát
Nguyên liệu: Mạch môn, Trúc diệp mỗi vị 12g, Huyền sâm 20g, Sinh địa 24g, Đan sâm, Kim Ngân Hoa, Liên kiều mỗi vị 16g, Tê giác, Hoàng Liên mỗi vị 4g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống ngày 1 thang.
4.5 Trị ho máu, tức ngực, tâm phiền, bí tiểu
Nguyên liệu: Mạch môn 8g, Bán hạ, Cát Cánh, Sinh địa, Tang bạch bì, Địa cốt bì, Tử Uyển mỗi vị 4g, Chích thảo 2g, Ngũ Vị Tử 10 hạt,,Sinh khương 1 lát.
Cách làm: Sắc lấy nước uống ngày 1 thang.
4.6 Trị phế lao nhiệt, ho nghịch, hen suyễn
Nguyên liệu: Mạch môn 400g, Bách Bộ, Hoàng Kỳ, Quế, Nhân Sâm, Bạch Truật mỗi vị 50g, Tế Tân, Phụ tử, Viễn Chí mỗi vị 48g, Cam thảo, Thục tiêu, Can khương mỗi vị 40g, Hạnh nhân 20g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày.
4.7 Trị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu, nôn, tiêu chảy
Nguyên liệu: Mạch môn, Bạch truật mỗi vị 20g, Nhân sâm, Thuần tâm, Lô căn, Quất bì mỗi vị 12g, Chích thảo, Phục Linh mỗi vị 8g, Trần mễ 50g, Trúc nhự 26g, Sinh khương 16g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
4.8 Trị nhiệt tâm, tắc phế, phiền khát ở trẻ nhỏ
Nguyên liệu: Mạch môn 40g, Chích thảo, Ngưu hoàng mỗi vị 0,4g, Sinh địa, Chu sa, Mễ sương, Hoàng liên, Tử cầm, Ô nhã tiêm, Xích linh mỗi vị 20g, Long Não 0,2g.
Cách làm: Tán thành bột, trộn đều, luyện thành viên hoàn, uống 4-6g viên hoàn mỗi ngày.
4.9 Trị gầy yếu, nóng xương, tiểu đỏ vàng sậm ở trẻ
Nguyên liệu: Mạch môn 40g, Chỉ Xác, Hoàng liên, Địa cốt bì, Tang bạch bì, Hoàng kỳ, Nhân sâm, Thanh hao tử mỗi vị 20g, Sài Hồ 1,2g.
Cách làm: Tán nhỏ, trộn đều, luyện thành viên hoàn, mỗi ngày uống 4-6g viên hoàn.
4.10 Trị hàn nhiệt nghịch, tắc sữa ở phụ nữ
Nguyên liệu: Mạch môn, Đại lý thạch, Thạch chung nhũ, Thông thảo mỗi vị 20g.
Cách làm: Tán nhỏ thành bột, pha với nước uống 12-16g bột mỗi ngày.
Ngoài ra, người ta cũng có thể dùng củ Mạch môn ngâm rượu, nhớ bỏ lõi giữa, uống ngày 1-2 chén, giúp ích khí bổ huyết, tăng cường sức khỏe hô hấp.
5 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Min-Hui Chen và cộng sự (Ngày đăng 2 tháng 4 năm 2016). Ophiopogon japonicus--A phytochemical, ethnomedicinal and pharmacological review, PubMed. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2023.
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Mạch môn trang 208-209, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Mạch môn (rễ) trang 1241-1242, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 20 tháng 09 năm 2023.