Bào Ngư (Haliotis diversicolor Reeve)
3 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bào ngư là một loài ốc biển có cấu tạo đặc biệt, thuộc ngành nhuyễn thể, thịt có tác dụng bổ khí huyết, còn phần vỏ có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, làm sáng mắt. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về bào ngư.
1 Giới thiệu về bào ngư
Bào ngư hay còn có tên gọi là ốc khổng, cửu khổng, cửu khẩu, thạch quyết minh, ốc chín lỗ, Trung Quốc gọi bào ngư là cửu khổng ngư bào, có tên khoa học là Haliotis diversicolor Reeve, thuộc họ bào ngư - Haliotidae.
1.1 Con bào ngư sống
Bào ngư là một loại ốc biển thuộc ngành nhuyễn thể, có cấu tạo đặc biệt, có phần vỏ cứng bao gồm phần thân rộng và phần xoắn ốc đã bị tiêu giảm tạo thành một khối hình bầu dục dẹt và khum, mặt ngoài bào ngư sần sùi, có vân màu nâu tím và xanh xen kẽ, mặt trong trơn nhẵn, bóng, có lớp xà cừ óng ánh, phần mép có 7-13 lỗ nhỏ có gờ xếp thành một hàng đều đặn và không có nắp, thường có 9 lỗ vì vậy bào ngư còn có tên khác là cửu khổng, các lỗ khác bị thoái hóa chỉ còn lại vết là những lỗ thở.
Thân bào ngư dính vào mặt trong vỏ bằng các cơ, chân là một khối thịt mềm dính liền thân, phát triển rộng xung quanh mép vỏ, chân luôn co giãn để di chuyển, bám chắc hay co rút vào trong vỏ khi gặp động hoặc bị bắt, khi gặp nguy hiểm.
1.2 Phân bố, sinh thái
Bào ngư phân bố ở những vùng biển ấm, ở các đảo hay những nơi có đá ngầm, sâu khoảng 2-12m, những nơi có độ mặn cao và nước sạch, trong, có nhiều rong tảo, nhất là rong mơ.
Bào ngư bám chặt vào đá, để có thể chống chịu được với sóng to, gió lớn ở biển.
Thức ăn của bào ngư là rong, tảo đa bào.
Mùa sinh sản của bào ngư rơi vào khoảng tháng 1-2
Tại Việt Nam, bào ngư có thể được tìm thấy ở Hải Phòng (Đảo Bạch Long Vĩ), Quảng Ninh (Cô Tô), và trên các đảo khác ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng... Đã phát hiện 3 loài bài ngư là bào ngư hình bầu dục, bào ngư hình vành tai và bào ngư chín lỗ.
2 Bộ phận sử dụng
Vỏ bào ngư và thịt bào ngư
Vỏ bào ngư là vị thuốc trong y học cổ truyền tên gọi là thạch quyết minh, được lấy từ 3 loài bào ngư đã phát hiện
Cách lấy vỏ như sau:
- Bào ngư sau khi bắt về được rửa sạch cát, loại bỏ rêu ở vỏ ngoài, rồi rửa lại bằng nước muối, sau đó cạy vỏ, lấy thịt, bỏ ruột và phơi khô
- Cách khác là đem luộc cả con rồi gỡ thịt, bóc lấy vỏ để dùng tuy nhiên cách làm nãy sẽ khiến dược liệu có phẩm chất kém hơn
- Khi dùng có thể dùng sống hay nung vỏ lên, tán thành bột
Ngoài ra, ở Trung Quốc còn chế diêm thạch quyết minh bằng cách đem vỏ bào ngư, bỏ trên lò không khói, đốt cho đến khi hơi đỏ hồng, lấy ra phun nước muối với tỷ lệ 0,28 kg muối cho 1 kg vỏ, để khô rồi nghiền nhỏ
Theo ghi chép, mô tả thạch quyết minh có hình bầu dục hoặc gần bán cầu, mặt trong nhìn hơi giống tai người, chiều dài 3,5-8,5 cm, rộng 2,5-5,5 cm. Vỏ ngoài màu nâu xám, có một chỗ lồi ở đỉnh với nhiều vân nổi sắp xếp theo đường xoắn ốc từ nhỏ đến to hướng về bên phải, những lỗ nhỏ chạy song song với mép vỏ, mặt trong có màu sáng bóng như hạt trai, chất cứng chắc, khó bẻ vỡ. Loại thạch quyết minh tốt được miêu tả là vỏ to, dày, nguyên vẹn, không bị sứt mẻ, ngoài sạch và trong màu trắng.
2.1 Sơ chế bào ngư đông lạnh
Không phải vùng nào cũng có bào ngư tươi sống, nhiều nơi mua bào ngư đông lạnh để sử dụng, cách sơ chế như sau:
- Rã đông ở nhiệt độ thường
- Sơ chế sạch bào ngư
- Dùng dao nhọn hoặc muỗng nạy phần thịt bào ngư lên, cắt bỏ nội tạng phía bên hoặc giữ nguyên
3 Thành phần hóa học
Vỏ bào ngư chứa carbonat calci
Thịt bào ngư rất giàu chất dinh dưỡng, với tỷ lệ cao lipid, protid, và các vitamin.
4 Tác dụng, công dụng
4.1 Tính vị, công năng
Theo các ghi chép cổ, vỏ bào ngư mặn, tính bình, không độc, dùng bổ gan thận, thanh nhiệt, làm sáng mắt, lợi tiểu
Thịt bào ngư vị ngọt, mặn, tính ấm, dùng bổ dưỡng, tăng cường thể lực, làm tóc lâu bạc, giảm ho, lợi sữa.
4.2 Công dụng
Vỏ bào ngư: Dùng để trị chóng mặt, hoa mặt, thong manh, mắt mờ có màng mộng, thị lực kém, chữa đái buốt, di tinh, đau dạ dày, chảy máu. Liều dùng 4-8 g mỗi ngày dưới dạng thuốc bột hoặc 15-30 g dạng thuốc sắc.
Thịt bào ngư: Thịt bào ngư là món ăn nổi tiếng, sau khi chế biến có mùi thơm ngon, hấp dẫn. Sau khi khơi khô có thể đem thịt đi xuất khẩu có giá trị rất lớn.
Theo kinh nghiệm dân gian, thịt bào ngư nấu với gạo nếp cho nhừ, nhuyễn dùng cho phụ nữ sau sinh, ăn đều trong vài ngày giúp tăng tiết sữa. Nhiều nơi như đảo Bạch Long Vĩ, coi bào ngư như thuốc "cải lão hoàn đồng", giúp sống lâu nếu ăn thường xuyên.
Tại Trung Quốc, coi bào ngư như vị thuốc để bổ khí huyết, hạ huyết áp
4.3 Tác dụng của bào ngư với trẻ nhỏ
Bào ngư có giá trị dinh dưỡng cao, có thể kể đến các tác dụng của bào ngư với trẻ nhỏ như: giúp cung cấp Canxi khiến xương chắc khỏe, tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch...
4.4 Những ai không nên ăn bào ngư?
Do chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, vì vậy bào ngư không nên dùng ở những đối tượng như người mắc bệnh gout, cảm mạo phát sốt, đau họng, sưng họng...
5 Mua bào ngư ở đâu?
5.1 Mua bào ngư ở Hà Nội
Tại Hà Nội, bạn có thể tham khảo những địa chỉ sau: Cửa hàng Hải Sản Xanh, Thực phẩm sạch BHfood, Hải Sản Hoàng Gia, Hải sản Cô Tô, BaoNgu.vn...
5.2 Mua bào ngư ở đâu TPHCM
Bạn có thể tham khảo những vựa chuyên bán hải sản, bào ngư tại thành phố Hồ Chí Minh như: Hiếu hải sản, Crab Seafood,...
6 Bài thuốc chứa bào ngư
6.1 Bài thuốc bồi bổ khí huyết, hạ huyết áp
Dùng 50g bào ngư tươi, 5g tỏi, 5g hành, 7,5g sò huyết, 7,5g Sơn Tra, 400ml nước dùng gà
Cách làm: đem bào ngư cắt miếng xào với tỏi, hành, rồi nấu với sò huyết, sơn tra, nước dùng gà. Ăn cả cái và nước mỗi ngày.
6.2 Chữa đái đường
Dùng 20-25g thịt bào ngư khô nấu chín với củ cải, ăn cách ngày
6.3 Chữa đau mắt đỏ, mắt kéo màng, đau nhói về tối
Dùng vỏ bào ngư nung thành vôi, cỏ tháp bút (mộc tăc) sao khô. 2 vị thuốc lấy lượng bằng nhau, tán nhỏ và rây mịn. Mỗi lần uống 12g, chiêu với nước thang có 3 lát Gừng và một quả táo, ăn cả bã, ngày làm 2 lần
6.4 Chữa đau mắt, sợ chói
Lấy lượng bằng nhau vỏ bào ngư, Cúc Hoa vàng, Cam Thảo, phơi khô, tán bột, ngày dùng 4g hoặc sắc uống
6.5 Chữa đau thần kinh tọa
Dùng 15g vỏ bào ngư, 15g xác rắn, 15g Bạc Hà, cắt nhỏ, chưng với rượu uống trong ngày
6.6 Chữa đục thủy tinh thể
Dùng 30g vỏ bào ngư, 10g huyền hồ phấn, 15g thuyền thoái, 15g xác rắn, 5g đại hoàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống 2 lần trong ngày
7 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006). Bào ngư trang 1069 - 1071, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 16 tháng 06 năm 2023.