Hồng Sâm Ngọc Linh
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Hồng sâm Ngọc Linh được chế biến từ củ Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh), trải qua quá trình hấp, sấy, nhiều thành phần hóa học mới được phát hiện, tác dụng sinh học cũng có nhiều thay đổi. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Quy trình chế biến Hồng sâm Ngọc Linh
Hồng Sâm được chế biến từ Nhân sâm theo phương pháp cổ truyền bằng cách hấp củ sâm tươi ở nhiệt độ cao. Quá trình chế biến này vừa làm thay đổi về mặt thể chất cũng như vừa làm thay đổi thành phần hóa học của củ sâm tươi, điển hình là thành phần ginsenoside. Do đó, tác dụng sinh học cũng được tăng lên bao gồm khả năng chống oxy hóa, kháng viêm, chống tập kết tiểu cầu,... Chính vì lý do này, Hồng sâm được cho là tốt hơn, có giá thành cao hơn và thường được dùng hơn so với Bạch sâm.
Sâm Ngọc Linh còn được gọi là Sâm Việt Nam (tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv.) được phát hiện từ năm 1973, cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý của loại sâm này. Quy trình chế biến Hồng sâm Ngọc Linh cũng tương tự như chế biến Hồng sâm Hàn Quốc, bao gồm các bước:
Sử dụng nhân sâm tươi hoặc nhân sâm khô đem hấp ở nhiệt độ từ 98 đến 105 độ C.
- Nhiệt độ hấp trong khoảng từ 8-20 giờ.
- Sau đó đem đi phơi và sấy khô.
Xem thêm: 5+ tác dụng của cao hắc sâm Hàn Quốc và lưu ý khi sử dụng
2 Thành phần hóa học
Quá trình chế biến sâm Ngọc Linh ở 105 độ C và 120 độ C cho thấy sự thay đổi của saponin tương tự nhau, tuy nhiên, tốc độ thay đổi khi chế biến ở 105 độ C thì chậm hơn khoảng ⅓ lần so với khi chế biến ở 120 độ C.
Sơ bộ xác định được tổng cộng 28 thành phần hóa học, bao gồm:
Các saponin đã được công bố là:
- G-Rb1.
- -Rc.
- -Rd.
- -Re.
- -Rg1.
- N-R1.
- M-R1.
- M-R2.
- V-R2.
- P-RT4.
- V-R11.
- V-R10.
Saponin lần đầu tiên được phân lập là N-R2, ngoài ra còn có các cặp đồng phân mới của saponin hình thành trong quá trình chế biến như:
- 20(S).
- 20(R) G-Rh1.
- 20(S).
- 20(R) G-Rg3.
- -Rk3.
- -Rh4.
- -Rg1.
- -Rg5.
4 Ginsenoside gồm có G-Ra1, notoginsenosid R4, notoginsenosid D và một hợp chất chưa công bố trước đây là 3-O-β-D-xylopyranosyl (1→2)-β-D-glucopyranosyl(1→2)-β-D-glucopyranosyl-20(S)- protopanaxadiol 20-O-β-D-xylopyranosyl (1→3)-β-D-xylopyranosyl (1→6)-β-D-glucopyranosid.
Quá trình chế biến có sử dụng nhiệt nên làm thay đổi các ginsenoside tạo ra các ginsenoside mới thông qua việc cắt phân tử đường ở các vị trí C3, C6, C20 (việc cắt đường ở vị trí C6 thường khó diễn ra hơn) và quá trình này cũng có tác dụng khử nước tại C20 tạo nên các ginsenoside kém phân cực.
3 Tác dụng của Hồng sâm Ngọc Linh
3.1 Tác dụng ức chế tăng trưởng tế bào
Hồng sâm Ngọc Linh sau khi chế biến đã cho thấy tác dụng ức chế tăng trưởng tế bào ung thư phổi A549 tăng lên khi tăng thời gian chế biến. Tác dụng này đạt cực đại khi khoảng thời gian chế biến hồng sâm Ngọc Linh là trong 12 giờ liên tục.
Tác giả cho rằng, tác dụng này có được là do có liên quan đến nồng độ của các ginsenoside hình thành trong quá trình chế biến, bao gồm G-Rg3, -Rg5, -Rk1. Các ginsenoside đều được chứng minh qua nhiều nghiên cứu về tác dụng kháng ung thư của mình.
3.2 Chống oxy hóa
Stress oxy hóa là nguyên nhân gây ra một số bệnh lý như thoái hóa thần kinh, bệnh đái tháo đường, tim mạch, hội chứng mệt mỏi mãn tính, ung thư. Do đó, việc cải thiện stress oxy bằng cách sử dụng các chất chống oxy hóa là một chiến lược quan trọng giúp phòng ngừa bệnh tật đồng thời cũng đem lại hiệu quả nhất định trong quá trình điều trị một số bệnh lý khác nhau.
Tác dụng chống oxy hóa cũng tăng dần theo thời gian chế biến Sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, tác dụng ức chế tăng trưởng tế bào là do sự góp phần chính của các ginsenoside thì tác dụng chống oxy hóa lại xuất phát từ các hợp chất phenolic và sản phẩm của phản ứng Maillard.
Hồng sâm Ngọc Linh giúp điều chỉnh thông số sinh hóa liên quan đến quá trình stress oxy hóa.
3.3 Chống viêm
Hồng sâm Việt Nam hay Hồng sâm Ngọc Linh thể hiện tác dụng chống viêm bằng cách ức chế quá trình gắn kết LPS vào thụ thể TLR4 trên đại thực bào.
Quá trình chế biến hầu như đều làm tăng tác dụng vốn có của Sâm Việt Nam bao gồm tác dụng chống oxy hóa, tác dụng bảo vệ gan, tác dụng kháng tế bào ung thư so với Bạch sâm (dạng Sâm Ngọc Linh chưa qua chế biến). Hồng sâm Ngọc Linh về cơ bản vẫn giữ nguyên tác dụng của Sâm Ngọc Linh bao gồm:
3.4 Tác dụng tăng lực
Sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng sinh học với cơ thể trong đó một trong số những tác dụng điển hình là chống mệt mỏi, tăng cường sức khỏe cho cơ thể.
3.5 Đối với hệ thần kinh
Các nghiên cứu cho thấy, Sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ và điều trị các bệnh lý liên quan đến thần kinh.
Sâm Ngọc Linh thể hiện tác dụng bảo vệ thần kinh thông qua hoạt động chống trầm cảm, chống stress đặc biệt là stress tâm lý, đây được coi là tác dụng rất điển hình của Sâm Ngọc linh.
3.6 Trên hệ tim mạch
Bệnh lý liên quan đến tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng, Hồng sâm có tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp, cải thiện chức năng nội mô thông qua tăng sản xuất oxit nitric (NO).
Sâm Ngọc Linh còn có tác dụng phòng chống xơ vữa động mạch khi sử dụng với liều 50-500mg/kg thông qua cơ chế hạ cholesterol toàn phần, tăng HDL-C.
3.7 Chống ung thư, kích thích miễn dịch
Thành phần saponin thể hiện tác dụng chống ung thư thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Nhân sâm nói chung và Sâm Việt Nam nói riêng nhận được nhiều sự quan tâm trong các công trình nghiên cứu về tác dụng chống ung thư nhờ thành phần saponin của chúng.
4 Ai không nên dùng Hồng sâm Ngọc Linh
Nhân Sâm nói chung và Sâm Việt Nam nói riêng là một loại dược liệu quý, Hồng sâm Ngọc Linh là dược liệu được chế biến từ Sâm Ngọc Linh tươi với nhiều thành phần mới và tác dụng sinh học cũng thay đổi. Để đảm bảo sử dụng Hồng sâm Ngọc Linh an toàn và hiệu quả, bạn đọc cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Sử dụng Hồng sâm Ngọc Linh theo hướng dẫn của người có chuyên môn, không lạm dụng để tránh nguy cơ xuất hiện tác dụng không mong muốn.
Người mới phẫu thuật, người có nhiều bệnh lý nền, người đang sử dụng thuốc tây cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Nên uống Hồng sâm Ngọc Linh vào lúc nào?
Thời điểm tốt nhất để sử dụng Hồng sâm Ngọc Linh là vào buổi sáng hoặc buổi trưa, không nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ vì có thể gây ra tình trạng mất ngủ.
5.2 Có nên uống Hồng sâm Ngọc Linh mỗi ngày không?
Việc sử dụng Hồng sâm Ngọc Linh mỗi ngày cần có sự khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể của bác sĩ có chuyên môn để tránh nguy cơ xuất hiện những tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng.
6 So sánh Hồng Sâm Ngọc Linh và Hồng Sâm Hàn Quốc
Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu của Việt Nam được tìm thấy tại đỉnh núi Ngọc Linh vào năm 1973. Vào năm 1985, Sâm Ngọc Linh đã chính thức góp mặt vào danh sáng các loại sâm trên thế giới với tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv.
Sâm Ngọc Linh có hàm lượng saponin cao nhất trong số các loại sâm nên tác dụng cũng đa dạng hơn, rễ Sâm Ngọc Linh chứa 52 loại saponin, có nhiều loại mà các loại Sâm khác không có, trong khi đó Sâm Hàn Quốc và sâm khác chỉ có khoảng 25 loại.
Chính vì lý do này mà Hồng Sâm Ngọc Linh cũng có nhiều tác dụng nổi bật hơn bao gồm kháng ung thư, bảo vệ gan, giảm stress, kháng viêm,.... Bên cạnh đó, Sâm Ngọc Linh còn chứa các thành phần khác như vitamin, polyacetylene, polysaccharide có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn.
Tuy nhiên, Hồng Sâm Ngọc Linh ít phổ biến hơn Hồng Sâm Hàn Quốc do đó việc mua bán và sử dụng Hồng Sâm Ngọc Linh cũng khó khăn hơn.
7 Tài liệu tham khảo
Tác giả N M Duc và cộng sự (Ngày đăng năm 1994). Saponins from Vietnamese ginseng, Panax vietnamensis Ha et Grushv. collected in central Vietnam. III, PubMed. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Van-Tuan Vu và cộng sự (Ngày đăng tháng 9 năm 2023). Panaxindole, a novel indole alkaloid N-glucoside from the leaves of Panax vietnamensis Ha et Grushv. (Vietnamese ginseng), NCBI. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2024.