Hồng Hoa (Carthamus tinctorius L.)
78 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Hồng hoa (Flos Carthami tinctorii) là một loài hoa thuộc họ Cúc (cần phân biệt Hồng hoa và Hoa hồng, đây là hai loại hoa hoàn toàn khác nhau). Hồng hoa là bông có màu đỏ cam đặc trưng với vô số cánh nhỏ dài xếp lại với nhau.. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Hồng hoa thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Hồng hoa
Hồng Hoa còn có tên gọi khác là Hồng lam hoa, Rum, thích nghi ở vùng đất tơi dày, từ vùng thấp tới vùng cao.
Tên khoa học của Hồng hoa là Carthamus tinctorius L., thuộc họ Cúc (Asteraceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo nhỏ, sống hàng năm, chiều cao trung bình 0,6-1m. Thân mọc thẳng đứng, nhẵn, có vạch dọc, phân nhánh ở ngọn. Lá mọc so le, gần như không cuống, gốc cuống tròn ôm lấy thân; phiến lá hình bầu dục hoặc hình trứng dài 4-9cm, rộng 1-3cm, chóp nhọn sắc, mép có răng cưa nhọn không đều, nhẵn, màu xanh lục sẫm, gân giữa lồi rõ.
Cụm hoa hình đầu mọc ở đầu ngọn thân, bao bọc bởi nhiều vòng lá bắc có hình thái khác nhau, có gai ở mép hoặc chóp; kích thước nhỏ, khi chưa nở màu trắng xanh sau chuyển sang vàng rồi màu đỏ cam, gắn trên đế hoa dẹt. Quả Hồng hoa là quả bế, hình trứng, có 4 vạch lồi.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Cụm hoa, đôi khi sử dụng hạt và dầu ép từ hạt.
Hoa được thu hái sau khi nở, lúc cánh hoa chuyển từ vàng sang đỏ cam, đem phơi nắng.
1.3 Đặc điểm phân bố
Hồng hoa có nguồn gốc Ả Rập, hiện có nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Tại Việt Nam, cây có nhiều ở Lào Cai, Hà Giang, Hà Nội, Lâm Đồng.
1.4 Phân biệt Hồng hoa Tây Tạng với nhụy hoa Nghệ Tây
Mặc dù dược liệu của hai loài này có hình dáng tương đối giống nhau, nhưng đây là hai loài cây khác biệt. Trong khi Hồng hoa có tên khoa học là Carthamus tinctorius thì Nghệ tây có tên khoa học là Crocus sativus. Và chiều cao của cây Hồng hoa cũng cao hơn Nghệ tây gấp 5-7 lần. Hoa Hồng hoa đỏ cam còn hoa Nghệ tây màu tím. Ngoài ra, phần sử dụng của Hồng hoa là cánh hoa còn phần sử dụng của Nghệ tây là nhụy hoa.
2 Thành phần hóa học của Hồng hoa
Hơn 200 hợp chất đã được phân lập từ Hồng hoa và những hợp chất thường được biết đến là flavonoid, phenylethanoid glycoside, coumarin, axit béo, steroid và polysacarit. Phân tích hạt cây Rum cho thấy protein thô dao động từ 14,9-17%, tổng lượng đường từ 3,2-9,2% và chất béo chiết xuất được từ 25-40%.
Hàm lượng dầu trong hạt tương tự như dầu ô liu và bao gồm axit linoleic (63%–72%), axit oleic (16%– 25%) và axit linolenic (1%–6%).
Bảy dẫn xuất serotonin chống oxy hóa đã được phân lập qua dầu của cây. Serotomide và safflomide thuộc các amit phenyl propenoid có nguồn gốc từ serotonin cũng đã được tìm thấy ở Hồng hoa. Một coumaroylspermidine mới đã được làm sáng tỏ như tri-p-coumaroylspermidine cũng được xác định trong cây này. Heliaol, α-amyrin, β-amyrin, lupeol, cycloartenol, 24-methylenecycloartanol, tirucalla-7,24-dienol và dammaradienol là các thành phần rượu triterpene được phân lập từ hoa. Flavonoid glycoside, carthamin, một loại thuốc nhuộm flavonoid và màu vàng rum là thành phần chính trong hoa của Hồng hoa. Hoa cũng chứa carthamidin, isocarthamidin, quercetin, kaempferol, 6-hydroxykaempferol và glycoside của nó, chalcon bao gồm hydroxysafflor yellow A, safflor yellow A, safflamin C và safflamin A, và safflomin-A.
Một số glucoside acetylenic cụ thể là carthamoside A1 và carthamoside A2 cũng được báo cáo. Các luteolin flavon và glucopyranoside luteolin 7-O-beta-D-glucopyranoside và luteolin-7-O-(6''-O-acetyl)-beta-D-glucopyranoside đi kèm với axit lauric, axit myristic, axit palmitic, axit linoleic, arachiidic axit và axit oleic đã được tìm thấy trong hoa Hồng hoa. Luteolin và glucopyranoside của nó cũng đã được tìm thấy trong lá.
Một C-glycoside quinochalcon mới, tinctormin, được phân lập từ cây cùng với safflor yellow B. Nicotiflorin là một flavonoid tự nhiên được chiết xuất từ coronal của Hồng hoa. 11 ankan thứ cấp mới- 1,3-diol được phân lập từ cánh hoa khô của Hồng hoa. Caryophyllen, p-allyltoluen, 1-acetoxytetralin và heneicosan được xác định là thành phần chính của tinh dầu hoa Hồng hoa.
3 Hồng hoa có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Thuộc tính chống viêm và giảm đau
Flavone luteolin và glucopyranoside của nó đã được báo cáo là có tác dụng chống viêm thông qua ức chế hoạt động của NF-κB. Hoa có hoạt tính giảm đau trung tâm (500 mg/kg) và có khả năng dẫn đến sự phát triển của các chất giống như morphine mà không có tác dụng phụ của morphine và các loại thuốc liên quan.
3.1.2 Tác dụng chống đông máu
Hồng hoa thường được sử dụng trong y học Trung Quốc để thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ máu ứ. Các nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của chất carthamin yellow chứa trong hoa Rum đối với chứng ứ máu. Kết quả đã chứng minh rằng hợp chất này làm giảm đáng kể độ nhớt của máu toàn phần, độ nhớt của huyết tương và chỉ số kết tập hồng cầu vốn tăng lên trong tình trạng ứ đọng máu. Hematocrit và kết tập tiểu cầu đã giảm trong khi thời gian prothrombin bị trì hoãn. Vì vậy, chất tạo màu thực phẩm tự nhiên này có thể có giá trị lớn trong việc ngăn ngừa các bệnh liên quan đến rối loạn huyết học ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh.
3.1.3 Hoạt động chống oxy hóa
Khả năng chống oxy hóa của Hồng hoa được đánh giá bằng cách xác định ảnh hưởng của nó đối với quá trình loại bỏ gốc và khử Sắt 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH). Hiệu quả loại bỏ DPPH là 96,65%. Giá trị nồng độ ức chế 50% (IC50) đối với xét nghiệm khử Sắt được xác định là 1.140,5 μmol/g. Vì hoa chứa các hợp chất phenolic cao bao gồm cả nó đã khẳng định rằng chúng có vai trò quan trọng trong các hoạt động chống oxy hóa.
Hai dẫn xuất serotonin và các dẫn xuất glucoside được xác định là thành phần phenolic và hoạt tính chính của dịch chiết. Người ta đã chứng minh rằng các dẫn xuất serotonin này được hấp thu vào tuần hoàn và làm giảm sự phát triển tổn thương xơ vữa động mạch có thể do ức chế sự hình thành LDL bị oxy hóa thông qua hoạt tính chống oxy hóa mạnh của chúng.
3.1.4 Ảnh hưởng đến bệnh loãng xương
Bột hạt cây Rum chứa nhiều khoáng chất, đặc biệt là Canxi, magiê và Kali, và có hiệu quả trong việc ngăn ngừa quá trình loãng xương. Người ta đã chứng minh rằng bột hạt có hiệu quả ức chế quá trình mất xương do thiếu hụt estrogen ở chuột. Hạt cây rum giàu Phytoestrogen đã chứng minh tác dụng bảo vệ đối với tình trạng mất xương do thiếu hụt estrogen mà không ảnh hưởng đáng kể đến tử cung. Tác dụng có lợi của hạt cây rum có thể được trung gian, ít nhất là một phần, bởi tác dụng kích thích của các hợp chất polyphenolic đối với sự tăng sinh của các nguyên bào xương.
3.1.5 Hoạt động bảo vệ gan
Người ta đã chứng minh rằng cả chiết xuất metanol ở mức 300 mg/kg và thành phần dehydroabietylamin đều làm giảm đáng kể tác dụng độc hại của CCl4, tương tự như Silymarin tiêu chuẩn về mức độ của chất đánh dấu huyết thanh chức năng gan, aspartate aminotransferase (AST ), alanine aminotransferase (ALT) và phosphatase kiềm (ALP), tổng lượng bilirubin và tăng tổng hợp protein. Việc bảo vệ chống lại các tác động có hại của carbon tetrachloride có thể là do tác dụng ức chế cytochrom P450 dẫn đến cản trở sự hình thành các gốc tự do gây độc cho gan.
3.1.6 Tác dụng trị đái tháo đường
Chiết xuất nước cây Hồng hoa (cây Rum) có thể đảo ngược các rối loạn chuyển hóa xảy ra trong bệnh tiểu đường do alloxan gây ra. Hồng hoa tái tạo và phục hồi các tiểu đảo Langerhan, do đó nồng độ Insulin sẽ tăng cao. Cây Rum tăng cường tiết insulin từ các tế bào beta của đảo Langerhans. Hơn nữa, nó có khả năng phục hồi sự phân hủy protein và tăng cường quá trình tạo đường trong gan của chuột mắc bệnh tiểu đường.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Hồng hoa có tính ấm, vị cay, quy vào kinh , có tác dụng hoạt huyết điều kinh, tán ứ chỉ thống, làm toát mồ hôi, kích thích và làm dịu đau. Hạt có tác dụng lợi tiểu, xổ, làm long đờm và điều kinh.
Trong đông y, Hồng hoa được dùng trong trị bế kinh, thống kinh, ứ huyết sau sinh, khí hư, viêm tử cung, viêm buồng trứng. Ngoài ra còn trị viêm phổi, viêm dạ dày, tổn thương do bị ngã hay bị đánh gây ứ huyết sưng đau.
4 Các bài thuốc từ vị thuốc Hồng hoa
4.1 Trị ứ huyết sau sinh, đau bụng, ngất mê man, phụ nữ kinh bế lâu ngày, huyết tích thành cục
Nguyên liệu: Hồng hoa, Tô mộc, Nghệ đen mỗi vị 8g.
Cách làm: Sắc với nước, chế thêm 1 chén rượu rồi uống.
4.2 Trục thai lưu
Nguyên liệu: Hồng hoa, rễ Gấc, gỗ Vang, Cỏ nụ áo, vỏ cây Vông đồng, lá Đào, Cỏ xước.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
Hoặc: Hồng hoa đun với rượu rồi uống.
4.3 Tan máu ứ, thông kinh bế
Nguyên liệu: Hồng hoa 6-8g.
Cách làm: Sắc hoặc ngâm rượu uống.
4.4 Phòng ban sởi
Nguyên liệu: Hạt Hồng hoa 3-5 hạt.
Cách làm: Nhai nuốt trực tiếp, chiêu thêm nước.
4.5 Trị đơn sưng chạy chỗ này sang chỗ khác
Mầm Hồng hoa giã lấy nước uống, bã đắp lên vết sưng.
4.6 Chữa xuất huyết não do xơ cứng mạch máu não
Nguyên liệu: Hồng hoa, Cát Cánh, cam thảo, Phòng Phong mỗi vị 3g, Hoàng Kỳ, Sinh Địa mỗi vị 15g, long đởm thảo, hạt mơ mỗi vị 10g, Đương Quy, Bạch Thược mỗi vị 6g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống 3 lần mỗi ngày, dùng trong 2-3 tháng.
4.7 Chữa bệnh cứng bì
Nguyên liệu: Hồng hoa, đương quy, Dây Đau Xương, hoàng kỳ, tần cửu, đào nhân, Bạch Truật mỗi vị 3g.
Cách làm: Sắc với 400ml nước trong 30 phút, uống 3 lần trong ngày.
4.8 Chữa lao phổi lâu ngày với sốt hoặc sốt nhẹ và ho ra máu
Nguyên liệu: Hồng hoa, Cam Thảo mỗi vị 3g, bạch cập 15g, tang bạch bì, tri mẫu, sinh địa, hạt mơ, bạch thược, a giao mỗi vị 9g, bối mẫu 6g, lòng trắng trứng gà 2 cái.
Cách làm: Sắc với 800ml nước tới khi còn 200ml, uống 1 lần trong ngày, dùng 10 ngày nghỉ 7, liên tiếp 43-4 đợt.
4.9 Chữa suy tim (Bát trăn thang gia vị)
Nguyên liệu: Hồng hoa, Xuyên Khung, đương quy, bạch thược, Ngưu Tất mỗi vị 12g; Đảng Sâm, bạch truật, mỗi vị 20g; Thục Địa, Phục Linh, Đan sâm, ý dĩ, mỗi vị 16g; cam thảo 4g.
Cách làm: Sắc uống mỗi ngày 1 lần.
4.10 Chữa viêm gan mạn tính (Tứ vật dào hồng thang gia giảm)
Nguyên liệu: Hồng hoa, đương quy, đào nhân, diên hổ sách, mỗi vị 8g; bạch thược, xuyên khung, đan sâm, mỗi vị 12g.
Cách làm: Sắc uống ngày một thang.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Jinous Asgarpanah, Nastaran Kazemivash (Ngày đăng 31 tháng 1 năm 2013). Phytochemistry, pharmacology and medicinal properties of Carthamus tinctorius L, PubMed. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). 171-172, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.
3. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Hồng hoa trang 1150-1151, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2023.