Hoạt Thạch (Talcum)
3 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Hoạt Thạch là một chất khoáng, thành phần chủ yếu là Magnesi Silicat ngậm nước. Đây là chất khoáng thạch thiên nhiên có vai trò quan trọng trong bào chế viên thuốc theo y học hiện đại cũng như có nhiều công dụng trị bệnh trong y học cổ truyền. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Hoạt Thạch
1 Hoạt Thạch là gì? Bột Hoạt Thạch là gì?
Hoạt Thạch hay còn gọi là Ngạnh Hoạt Thạch, Hoạt Thạch Phấn, Nguyên Hoạt Thạch. Bột Hoạt Thạch chính là Hoạt Thạch đem nghiền thành bột.
Theo Thần Nông Bản Thảo Kinh, Hoạt Thạch là loại khoáng chất Magie silicate. Hoạt thạch có nhiều hình dạng khác nhau, màu trắng mịn, vàng nhạt, không mùi vị.
1.1 Talc là gì? Bột Talc là gì?
Tên khoa học của Hoạt Thạch là Talcum, viết tắt là Talc. Bột Hoạt Thạch còn được gọi là Talcum Power, Bột Talc.
2 Bột Talc công thức là gì?
Hoạt thạch hay Talcum là một chất khoáng. Bột Talc công thức là [Mg3(Si4O10)(OH)2] - magnesi silicat ngậm nước (3MgO.4SiO2.H2O).
Trong đó, tỷ lệ MgO là 31,7%; SiO2 là 63,5%, nước H2O là 4,8%. Tuy nhiên, MgO thường không tinh khiết, có thể lẫn FeO hay Al2O3.
3 Mô tả
Khi chưa nghiền nhỏ, Hoạt Thạch là những cục to nhỏ không đều, có màu sắc đa dạng như trắng, vàng, hoặc xám hay lam nhạt sáng óng ánh như sáp.
Hoạt thạch tán mịn là một chất bột trắng mịn, không mùi vị, chất mềm, sờ trơn mát, không tan trong nước, không hút ẩm. Tỷ trọng 2,5-2,8, khó bị axit phá hủy.
4 Bào chế
Sau khi lấy về, đem sơ chế loại bỏ tạp chất, đất cát rồi sửa sạch để ráo. Đập vỡ thành từng miếng nhỏ sau đó nghiền khô thành bột mịn, cũng có thể nghiền ướt bằng cách thêm đồng lượng nước.
Thêm nước rồi khuấy nhẹ sau đó để lắng rồi gạn vài lần để thu lấy lắng cặn, đem phơi lắng cặn hay sấy khô.
5 Hoạt Thạch có tác dụng gì?
5.1 Tính vị, quy kinh
Theo ghi chép, Hoạt Thạch tính hàn, vị cam, đạm, không có độc. Quy kinh bàng quang, kinh vị.
5.2 Talc có tác dụng gì?
Trong Tây y chỉ dùng Hoạt Thạch (bột talc) làm thuốc bôi như phấn xoa rôm vì bột có thể hút ẩm làm cho da trơn mau khô, bao thuốc viên cho khỏi dính nhau (bột Talc y tế, tá dược trơn), xà phòng đánh răng, phấn bôi mặt (Bột Talc trong mỹ phẩm, da liễu).
Đông y một phần cũng dùng như tây y nhưng hay dùng làm thuốc uống trong chữa bệnh sốt, tả, lỵ, lợi tiểu tiện, sốt khát nước, viêm ruột, lỵ, da vàng (hoàng đản) tiểu tiện ra máu, viêm niệu đạo hay do có sỏi ở hàng quang mà tiểu tiện đau buốt.
5.3 Liều lượng
- Dùng ngoài: Không có liều lượng.
- Dùng đường uống: Ngày 10-15g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, uống viên với liều 1-2g.
5.4 Bột talc có hại không?
- Bột Talc có nguy cơ gây hại khi trong quá trình sử dụng ta hít hay nuốt phải, đặc biệt là bột talc trong phấn rôm, đặc biệt gây hại cho hệ hô hấp của trẻ nhỏ.
- Ngoài ra, những thợ mỏ khai thác talc thường có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và phổi cao hơn so với người bình thường.
5.5 Kiêng kỵ
Những người âm hư không thấp nhiệt, tỳ hư hạ hãm, phụ nữ có thai không dùng được Hoạt Thạch.
6 Đơn thuốc kinh nghiệm dùng trong đông y có Hoạt Thạch
6.1 Đơn thuốc lục nhất chữa sốt, tiểu tiện đỏ
Hoạt Thạch 6g, Cam Thảo 1g. Hai vị tán nhỏ, trộn đều. Dùng chữa sốt, đi tiểu khó khăn, đỏ. Ngày uống 4g, dùng nước nóng mà chiêu thuốc.
Tên lục nhất vì bài thuốc gồm 6 phần Hoạt Thạch 1 phần Cam Thảo.
6.2 Bài thuốc chữa viêm ruột, ỉa lỏng, khát nước, tiểu tiện khó khăn
Thủy phi Hoạt Thạch 2g, Hoàng Bá 2g, Sinh Cam Thảo 2g. Các vị tán bột trộn đều. Gói thuốc thành 3 gói. Chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần một gói: dùng nước mà chiêu thuốc.
Chú thích: Ngoài vị Hoạt Thạch kể trên, trong đông y còn dùng vị Nhuyễn Hoạt Thạch (Kaolinum) còn gọi là Cao Lãnh Thạch. Thành phần chủ yếu của vị này là Al2O3.2SiO2. 2H2O. Đôi khi có lẫn ít Sắt. Cùng một công dụng như Hoạt Thạch.
6.3 Trị thương hàn chảy máu mũi
Bột hoạt thạch trộn với cơm nặn thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần lấy 10 viên cho vào miệng nhai vụn, uống với nước ấm.
6.4 Trị bí tiểu ở phụ nữ mang thai
Lấy bột hoạt thạch trộn đều với nước, bôi lên vị trí cách dưới rốn 20cm.
6.5 Trị tiểu ra máu, lo âu, khát nước
93g hoạt thạch (đã nung đốt), xạ hương, Đinh Hương, mỗi loại 3g. Tất cả các vị thuốc trên nghiền thành bột, mỗi lần uống 6g với nước cơm.
6.6 Trị phong độc nhiệt loét
Trước tiên, lấy hổ trượng, cam thảo, đậu ván nấu với nước để tắm. Sau đó dùng bột hoạt thạch bôi ngoài cơ thể.
6.7 Trị ra mồ hôi ở hạ bộ
31g hoạt thạch, 15g hoạt thạch (đã nung đốt), một ít phèn khô. Tất cả các vị thuốc trên nghiền thành bột, bôi vào hạ bộ.
6.8 Trị sưng viêm
Hoạt thạch, xích thạch phì (halloysit một dạng khoáng vật sét), đại hoàng. Tất cả các vị thuốc trên nghiền mịn, lấy nước trà ấm rửa sạch vết thương rồi bôi lên.
7 Tài liệu tham khảo
- Dược Điển Việt Nam 5 (Xuất bản năm 2017). Talcum trang 1193, Dược điển Việt Nam 5. Truy cập ngày 28 tháng 07 năm 2023.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Hoạt Thạch trang 1040. Truy cập ngày 28 tháng 07 năm 2023.
- Sách Thần Nông Bản Thảo Kinh (Xuất bản năm 2023). Hoạt Thạch, trang 26-27. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2023.