Hoàng Nàn (Strychnos wallichiana Steud. ex. DC.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Gentianales (Long đởm) |
Họ(familia) | Loganiaceae (Mã tiền) |
Chi(genus) | Strychnos |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Strychnos wallichiana Steud. ex. DC. |
Hoàng nàn thuộc dạng dây leo thân gỗ, ở các kẽ lá có những móc đơn hoặc tua cuốn. Cành cây tròn nhẵn, có màu nâu nhạt. Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình trứng ngược hoặc hình gần tròn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Strychnos wallichiana Steud. ex. DC.
Tên gọi khác: Mã Tiền lá Quế, Cao chó, Vỏ doãn.
Họ thực vật: Mã tiền Loganiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Hoàng nàn thuộc dạng dây leo thân gỗ, ở các kẽ lá có những móc đơn hoặc tua cuốn.
Cành cây tròn nhẵn, có màu nâu nhạt.
Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình trứng ngược hoặc hình gần tròn, chiều dài mỗi lá khoảng 6 đến 9cm, chiều rộng từ 3 đến 5cm. Gốc lá tròn hoặc dạng hình nêm, đầu lá nhọn, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có 3 gân chính nổi rõ. Cuống dài từ 5-7mm, nhẵn.
Cụm hoa mọc thành chùy dạng ngù, dài 3-5cm, lá bắc nhọn, hoa có màu vàng nhạt, đài 5, tràng 5, nhị 5, bầu thượng nhẵn.
Quả thịt có dạng hình cầu, đường kính mỗi quả khoảng 4-7cm, vỏ quả ngoài dày và cứng, có nhiều hạt, hạt dẹt, có lông, hạt có màu vàng hơi ánh bạc.
Mùa hoa từ tháng 6 đến tháng 8, mùa quả tử tháng 9 đến tháng 11.
1.2 Thu hái và chế biến
Vỏ thân và vỏ càng sẽ được thu hái vào mùa xuân hạ, sau khi thu hái đem phơi hoặc sấy khô.
Mô tả dược liệu Hoàng nàn theo Dược điển Việt Nam I, tập 2: Các miếng có kích thước không đều, cuộn tròn hoặc cong hình lòng máng, chiều dài khoảng 5-12cm, chiều rộng từ 2-4cm, mỗi miếng dày khoảng 0,1cm. Mặt ngoài có nhiều nốt sần sùi có màu nâu xám hoặc màu đỏ nâu, mặt trong có màu nâu đen, có nhiều đường vân nhỏ chạy dọc. Thể chất giòn, dễ bẻ gãy, vết bẻ không được phẳng, có vị đắng.
Phương pháp chế biến: Sử dụng vỏ thân, vỏ cành sau đó ngâm cùng với nước thường trong 12 đến 24 giờ, cạo bỏ lớp vỏ vàng bên ngoài, ngâm tiếp trong nước gạo 3 ngày, thay nước ngày 1 lần, sau đó thái mỏng đem sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại nước ta, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía bắc từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với độ cao phân bố khoảng 1000 mét.
Hoàng nàn thường mọc ở những khu vực có rừng núi đá vôi, trên các vách đá hoặc những cây gỗ có kích thước lớn. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, dưới gốc cây mẹ có thể phát hiện những cây con mọc từ hạt. Sau khi cây bị chặt phá, các cành còn lại vẫn có khả năng đâm chồi.
Nguồn Hoàng nàn ở nước ta trước năm 1980 tương đối phong phú. Tuy nhiên, nạn phá rừng và khai thác bừa bãi làm cho vùng phân bố của cây bị thu hẹp. Đây là loài thuốc quý do đó cần có biện pháp bảo vệ.
2 Thành phần hóa học
Hạt chứa alcaloid toàn phần trong đó có strychnin, colubrin, pseudo strychnin, loganin,...
Vỏ rễ của cây Hoàng nàn chứa 9% alcaloid toàn phần gồm colubrin, strychnin, brucin, maracurin và pseudo strychnin.
Lá chứa novacin, brucin, vomicin.
3 Tác dụng của cây Hoàng nàn
3.1 Tác dụng kích thích
Khi sử dụng ở liều rất thấp, Hoàng nàn có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và ngoại vi nhưng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn bao gồm nôn mửa, co giật, sợ ánh sáng.
3.2 Độc tính
Hoàng nàn là vị thuốc rất độc, do đó cần phải qua chế biến trước khi dùng để làm giảm độc tính. Tuy nhiên, Hoàng nàn sau khi chế vẫn còn rất độc, do đó, liều dùng tối đa một lần là 0,100g, liều dùng tối đa trong 24 giờ là 0,400g. Hoàng nàn được xếp vào nhóm thuốc độc bảng B.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Rất đắng, tính lạnh nhưng rất độc, mãnh liệt.
Tác dụng: Trừ phong hàn, giảm đau, thông kinh lạc.
4.2 Công dụng
Hoàng nàn được dùng trong các trường hợp phong hàn, tê thấp, đau mình, đau nhức xương, Đau Bụng Kinh niên, thổ tả, bệnh ngoài da khó chữa, tiêu chảy mãn tính, ghẻ lở. Ngoài ra, Hoàng nàn còn được dùng làm thuốc cường dương, chữa khi bị chó dại cắn.
Có thể dùng riêng với liều dưới liều tối đa, Hoàng nàn thường được phối hợp với các vị thuốc khác.
5 Một số cách trị bệnh từ cây Hoàng nàn
5.1 Chữa đau bụng lâu ngày, ăn không tiêu, sôi bụng, tiêu chảy
200g Hoàng nàn chế.
100g Vỏ rụt sao.
100g Hương Phụ tử chế.
50g nhân Thảo quả sao.
60g nhân hạt vải.
Các vị đem làm khô, sau đó tán nhỏ, rây lấy bột mịn, trộn cùng với hồ để tạo thành viên có khối lượng 0,10g.
Liều dùng cho người lớn: 3 viên/lần, uống cùng nước ấm, ngày uống 2 lần.
Không nên dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai, người không có kinh nghiệm dùng thuốc từ thảo dược.
5.2 Chữa bệnh ngoài da, ghẻ ngứa, lở loét
Hoàng nàn đem tán thành bột sau đó ngâm rượu cùng với lá Trầu Không đã giã nát sau đó bôi lên vết thương.
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Hoàng nàn, trang 959-960. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2024.