Hoàng Đàn Tuyết Lạng Sơn (Cupressus torulosa D.Don)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thông) Pinophyta (ngành Thông) Pinopsida (lớp Thông) |
Bộ(ordo) | Pinales (Thông) |
Họ(familia) | Cupressaceae (Hoàng đàn) |
Chi(genus) | Cupressus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Cupressus torulosa D.Don | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Cupressus tonkinensis Silba. |
Hoàng đàn thuộc dạng cây gỗ to, thường xanh, chiều cao mỗi cây khoảng từ 15 đến 20 mét, có một số cây còn cao hơn, Hoàng đàn có tán lá rộng. Thân cây mọc đứng, vỏ thân có màu xám nâu. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Cupressus torulosa D.Don
Tên gọi khác: Tùng có ngấn, Bách xoắn.
Họ thực vật: Cupressaceae (Hoàng đàn).
1.1 Cây Hoàng đàn là cây gì?
Hoàng đàn thuộc dạng cây gỗ to, thường xanh, chiều cao mỗi cây khoảng từ 15 đến 20 mét, có một số cây còn cao hơn, Hoàng đàn có tán lá rộng.
Thân cây mọc đứng, vỏ thân có màu xám nâu, dọc thân có nhiều đường nứt.
Cành cây có dạng hình trụ, hơi có cạnh, phân nhánh nhiều.
Phiến lá rất nhỏ, có dạng hình vảy xếp xít nhau, bề mặt lá nhẵn, lá cây Hoàng đàn có màu lục sẫm.
Cụm hoa của cây Hoàng đàn có dạng hình nón, mọc đơn tính cùng gốc ở gần đầu cành. Nón đực có dạng thuôn, chiều dài khoảng 5 đến 6 mét, bao phấn có dạng màu vàng. Nón cái có dạng hình cầu, chiều dài khoảng 15 đến 20mm, màu lục sau chuyển sang màu nâu đen, mỗi nón gồm 6-8 vảy dạng hình khiên.
Hạt của cây Hoàng đàn có dạng hình cầu, hơi dẹt, quả có cánh.
Mùa sinh sản từ tháng 2 đến tháng 5.
Dưới đây là hình ảnh cây Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn:
Cần phân biệt để tránh nhầm lẫn với một số loài khác như:
- Hoàng đàn rủ (tên khoa học là Cupressus funebris Endl) có đặc điểm là cành non dẹt, khi mọc thì hơi rủ xuống, nón cái có kích thước nhỏ hơn so với Hoàng đàn (chỉ khoảng 10 đến 15mm).
- Hoàng đàn giả (tên khoa học là Dacrydium pierrei Hickel) với đặc điểm lá cây có dạng hình dùi.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Cành, lá, quả, vỏ cây, tinh dầu.
1.3 Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn trồng được ở đâu? Môi trường sống
Hoàng đàn chỉ thấy mọc ở khu vực miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Ngoài ra, Hoàng đàn cũng được tìm thấy ở một số khu vực khác trên thế giới như Nam Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ. Cây thường mọc rải rác trong các khu rừng đá vôi, độ cao phân bố khoảng 300 đến 700 mét, đôi khi có thể lên đến 1200 mét. Hoàng đàn mọc lẫn với một số loại cây gỗ khác như Trám, Trai, Thích.
Hoàng đàn là loài có hoa quả nhưng thực chất đây là nón và hạt của cây, thời điểm sinh sản là từ tháng 2 đến tháng 6. Hoàng đàn có nhiều hạt nhưng số lượng cây con mọc từ hạt lại rất ít.
Trồng cây Hoàng đàn bao lâu thì thu hoạch? Cây có tốc độ sinh trưởng chậm do có bản chất là loài khỏa tử, khu vực phân bố lại ở trên các vùng núi đá vôi, khả năng tái sinh từ cây con thấp.
Hoàng đàn thuộc loại cây quý, thường xuyên bị khai thác gỗ để làm đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, lõi chứa tinh dầu thơm nên còng dùng để làm hương. Do đó, số lượng cá thể Hoàng đàn ngày càng sụt giảm. Vào năm 1996, cây đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam, tại một số khu vực của nước ta, Hoàng đàn đã được quy hoạch thành các khu bảo tồn thiên nhiên.
Hoàng đàn có thể được trồng bằng phương pháp gieo hạt và giâm cành. Tại Kon Tum và Lâm Đồng (Đà Lạt), Hoàng đàn còn được trồng với mục đích để làm cảnh.
2 Cách trồng cây Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn
Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn được trồng bằng hạt, người dân thường tiến hành làm cỏ xung quanh gốc cây mẹ, vun luống, tưới nước từ tháng chạp và đến tháng giêng bắt đầu thu hoạch cây con mọc từ hạt để ươm trong bầu.
Giá thể trồng gồm đất màu, trấu, phân chuồng.
Tiến hành đào hố, bóc bầu, trồng cây Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn vào chậu, lấp đất và đá cuội lên trên.
Tưới nước cho cây.
3 Thành phần hóa học
Rễ và gỗ của cây Hoàng đàn có chứa tinh dầu (hàm lượng từ 4,5 đến 5,5%).
Lá cây cũng chứa tinh dầu nhưng hàm lượng thấp hơn, chỉ khoảng 0,5 đến 0,8%.
4 Tác dụng của cây Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn
4.1 Tác dụng dược lý
Chiết xuất Hoàng đàn cho thấy tác dụng chống viêm trong ống nghiệm đầy hứa hẹn (IC 50 160,01 μg/mL) so với natri Diclofenac chuẩn (IC 50 73,94 μg/mL) trong thử nghiệm biến tính Albumin trứng. Trong các thử nghiệm phù chân do carrageenan gây ra và phù chân do formalin gây ra, chiết xuất cho thấy hoạt động chống viêm đáng kể (lần lượt ức chế phù chân là 57,28% và 51,04%) ở liều 400 mg/kg uống sau 4 giờ so với natri diclofenac chuẩn cho thấy khả năng ức chế lần lượt là 61,39% và 52,90% ở liều 10 mg/kg uống sau 4 giờ trong các mô hình này. Tổng cộng có 63 thành phần hóa học, phần lớn là phenolic, được tìm thấy trong chiết xuất tuần tự bằng cloroform và 25% methanol trong nước của Hoàng đàn. Hai hợp chất là monotropein (iridoid glycoside), (±)12-HETE (eicosanoid) và fraxin (coumarin glycoside) được báo cáo là có tác dụng chống viêm.
4.2 Tính vị, tác dụng
Cành và lá có vị cay, đắng, chát, tính ôn, có tác dụng sinh cơ, chỉ huyết.
Quả của cây Hoàng đàn có vị đắng, chát, tính bình có tác dụng an thần, khu phong hàn, chỉ huyết, lương huyết.
4.3 Công dụng
Gỗ Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn thuộc loại gỗ thẳng, vân đẹp, có khả năng chịu mối mọt tốt, mùi thơm, đặc biệt là phần rễ cây do đó gỗ thường được dùng để làm đồ gỗ cao cấp hoặc làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Cành và lá dùng trong trường hợp nôn ra máu, trĩ, đi ngoài ra máu, bỏng.
Liều dùng thông thường được khuyến cáo là 6-12g đem sắc nước uống hoặc tán thành bột để uống. Có thể dùng ngoài bằng cách sắc đặc sau đó lấy nước bôi hoặc rắc bột mịn.
Quả của cây Hoàng đàn được dùng trong trường hợp nhức đầu, sốt, cảm mạo, táo bón, đau dạ dày, thổ huyết, liều dùng từ 9 đến 15g đem sắc nước uống hoặc tán thành bột để uống.
Vỏ thân được dùng làm thuốc khi bị đau bụng, tiêu chảy với liều 20-30g vỏ đem sắc nước uống.
Tinh dầu của cây Hoàng đàn có thể dùng làm thuốc xoa bóp trong trường hợp ứ huyết, sưng tấy, tế thấp, sai khớp. Ngoài ra, có thể bôi lên các vết thương, lở loét nhằm mục đích sát trùng và thúc đẩy quá trình hồi phục. Bên cạnh đó, tinh dầu của cây Hoàng đàn còn được ứng dụng trong ngành công nghiệp hương liệu với mục đích chế xà phòng thơm, làm chất Đinh Hương, kem bôi mắt, nước hoa.
5 Cây Hoàng đàn trị bệnh gì?
5.1 Chữa nôn ra máu
30g lá Hoàng đàn.
30g Sinh địa.
0,3g A giao.
Các vị đem sắc nước uống.
Có thể dùng 2-3 quả Hoàng đàn sau đó nghiền thành bột mịn, hòa cùng rượu và uống.
5.2 Chữa đau bụng, tiêu chảy
Dùng vỏ của cây Hoàng đàn đem ngâm nước 1 phần trong vòng 1 đêm sau đó thái nhỏ, đem phơi hoặc sấy khô, tiến hành tán thành bột mịn.
Dùng thêm 2 phần Hương Phụ chế làm thành bột mịn.
2 vị trộn đều tạo thành từng viên có kích thước bằng hạt ngô.
Mỗi lần uống 10 viên, ngày uống 2 lần.
5.3 Chữa miệng khô, tiểu tiện ra máu, nhiệt
Sử dụng một lượng bằng nhau các vị lá Hoàng đàn, Xa tiền tử, Hoàng Cầm, Cam Thảo sao vàng, A giao, đem nghiền thành bột thô. Mỗi lần uống 12g, dùng cùng 15g Sinh Địa tươi và 6-7 lá tre đem sắc uống.
6 Một số câu hỏi thường gặp
6.1 Giá gỗ Hoàng đàn bao nhiêu 1kg?
Giá thành dao động khoảng 3.000.000 đến 6.000.000 đồng cho 1kg gỗ với những cây nhỏ còn gỗ Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn to thì gần như không còn nhiều, giá thành có thể rất cao mà dễ mua phải gỗ giả, kém chất lượng.
6.2 Cây giống Hoàng Đàn Tuyết Lạng Sơn giá bao nhiêu?
Tùy thuộc vào phương pháp nhân giống mà giá thành có thể khác nhau. Với những cây ươm từ hạt, thời gian phát triển của cây thường rất lâu nên giá thành có thể dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng cho 1 cây con. Với những cây Hoàng đàn tuyết Lạng Sơn trưởng thành, giá thành có thể lên đến vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng.
7 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Hoàng đàn, trang 938-940. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Radhika Khanna và cộng sự (Ngày đăng tháng 10 năm 2023). In vitro and in vivo anti-inflammatory activity of Cupressus torulosa D.DON needles extract and its chemical characterization, PubMed. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2024.