Hoa Mộc (Quế Hoa - Osmanthus fragrans)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) | Oleaceae (Nhài) |
Chi(genus) | Osmanthus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Osmanthus fragrans (Thunb.) Lour. |
Hoa mộc thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng 1 đến 1,5 mét. Nhân dân thường sử dụng hoa mộc để ướp trà, làm thuốc chữa đau dạ dày, gan thận lạnh gây đau. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Hoa mộc
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Osmanthus fragrans (Thunb.) Lour.
Tên gọi khác: Quế hoa.
Họ thực vật: Nhài Oleaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Hoa mộc thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao khoảng 1 đến 1,5 mét.
Cành hơi dẹt, chỗ các mấu thường phồng lên.
Lá cây mọc đối, phiến lá của cây Hoa mộc có dạng hình bầu dục hoặc hình mũi mác. Chiều dài mỗi lá khoảng 5 đến 12cm, chiều rộng từ 2 đến 4cm. Gốc lá tù, đầu nhọn, mép lá nguyên, đôi khi khứa răng cưa nhưng nhỏ. Mặt trên và mặt dưới đều nhẵn. Mặt trên lá có màu sẫm bóng, mặt dưới lá có màu nhạt. Gân chính lồi rõ, gân phụ hình mạng nhện.
Cụm hoa mọc thành chùm ngắn ở các kẽ lá ngay gần ngọn cành. Hoa màu vàng có mùi thơm đặc trưng. Nhị 2, bầu 2 noãn, đài 4 dính nhau ở nửa dưới, tràng 4 dính nhau ở gốc.
Quả hạch có dạng hình bầu dục, màu lục.
Mỗi quả có chứa một hạt.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 7 đến tháng 10.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hoa, rễ, quả, vỏ cây.
Thời điểm thu hái rễ là quanh năm và thời điểm thu hái hoa là vào mùa thu.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Osmanthus Lour. tại nước ta đã tìm thấy 3 loài, trong đó có loài Hoa mộc là cây trồng nhưng đến nay chưa rõ nguồn gốc.
Cây Hoa mộc cũng được tìm thấy ở một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.
Hoa mộc được trồng chủ yếu để làm cảnh tại một số tỉnh thuộc phía Bắc nước ta. Cây là loài ưa ẩm, có khả năng chịu bóng nhẹ. Trước đây, Hoa mộc thường được trồng ở chùa, vườn quanh nhà. Hiện nay, tại các thành phố lớn cũng đã tìm thấy những cây Hoa mộc được trồng ở ban công tại chung cư hoặc nhà dân.
Hoa mộc sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa mưa ẩm, cây ra hoa rải rác quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa thu, hiếm khi thấy kết quả.
Đây là loài cây cảnh quý, hoa còn được sử dụng để ướp trà.
2 Thành phần hóa học
Hoa tươi có chứa β damascenone, dihydro β ionol, acid acetic, acid oleanolic,..
3 Công dụng của cây hoa mộc
3.1 Tính vị, tác dụng
Hoa mộc có vị cay, tính ấm có tác dụng tán hàn, hóa đàm, sinh tân, phá ứ kết.
Quả có vị cay, ngọt, tính ấm có tác dụng ích thận, bình can, tán hàn.
Rễ có vị ngọt, tính bình, hơi chát có tác dụng chỉ thống, khu phong.
3.2 Công dụng
Hoa của cây được sử dụng để chữa ho, hôi miệng, đau răng, đờm nhiều với liều 1,5 đến 3g đem hãm lấy nước uống hoặc dùng để ngâm rượu hoặc sắc nước để ngậm.
Khi bị loét, dùng 3-5 bông hoa, phơi trong bóng tâm, tán thành bột rồi rắc vào chỗ loét. Ngoài ra, hoa của cây Hoa mộc còn được sử dụng trong các trường hợp bế kinh, làm thơm tóc.
Nhân dân dùng hoa để ướp trà cho thơm.
Quả dùng để chữa đau dạ dày, hư hàn, đau gan thận do lạnh với liều dùng được khuyến cáo là 10-12g sắc lấy nước uống.
Vỏ cây dùng để nấu nước uống giúp đẹp da, sáng mắt.
Rễ cây dùng để chữa phong thấp, thận hư, nhức mỏi gân xương với liều 9-15g cây khô hoặc 30-90g dược liệu tươi đem sắc hoặc ngâm cùng rượu.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Hoa mộc
4.1 Chữa đau dạ dày, gan thận lạnh
6g Hoa mộc.
9h Hương Phụ.
6g Sa nhân.
9g Cao lương khương.
Hoặc:
- 5g Hoa mộc.
- 5g Cao lương khương.
- 3g tiểu hồi.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
4.2 Chữa đau răng
9g rễ cây Hoa mộc.
3g Tế Tân.
15g Cúc Hoa.
15g Địa cốt bì.
Sắc lấy nước, ngậm rồi nuốt.
4.3 Thuốc dưỡng, làm thơm tóc
Sử dụng hoa mộc và Dầu Vừng nấu với nhau rồi chải lên tóc.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Hoa mộc, trang 924-925, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2024.