Hoa Dã Quỳ (Hướng Dương Dại, Cúc Quỳ - Tithonia diversifolia (Hemsl.) A. Gray)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Tithonia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Tithonia diversifolia (Hemsl.) A. Gray |

Dã quỳ thuộc dạng cây bụi, cây sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng 2 đến 5 mét, thân cây có lông sát, phân cành nhiều. Phiến lá có dạng hình bầu dục thuôn, phiến có thùy. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Tithonia diversifolia (Hemsl.) A. Gray
Tên gọi khác: Hướng dương dại, Sơn quỳ, Quỳ, Cúc quỳ.
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc).

1.1 Đặc điểm hoa dã quỳ
Dã quỳ thuộc dạng cây bụi, cây sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng 2 đến 5 mét, thân cây có lông sát, phân cành nhiều.
Phiến lá có dạng hình bầu dục thuôn, phiến có thùy, mép có răng cưa nhỏ, hai mặt của lá phủ một lớp lông ngắn và cả lông tuyến.
Cụm hoa mọc thành đầu ở ngọn, cuống hoa dài khoảng 20 đến 25cm, đường kính mỗi hoa khoảng từ 6 đến 8cm, có mùi thơm, lá bắc có 3-4 hàng cao đến 2cm, hoa ở mép có dạng hình lưỡi, có màu vàng tươi, lép, các hoa lưỡng tính nằm ở giữa, có dạng hình ống, màu vàng nhạt, phần giữa hoa có vảy cao khoảng 1cm.
Quả thuộc dạng quả bế, có 2 răng cứng ở đỉnh.
Dưới đây là hình ảnh của hoa dã quỳ:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá.
1.3 Nguồn gốc của hoa dã quỳ
Chi Tithonia bao gồm 13 loài. Dã quỳ có nguồn gốc từ Mexico và cũng mọc ở một số vùng của Châu Phi, Úc, Châu Á và các quốc gia khác ở Bắc Mỹ.
Dã quỳ được tìm thấy ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia và Việt Nam. Tại nước ta, cây thường phân bố ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An và kéo dài vào tới Kon Tum, Đắk, Lắk, Lâm Đồng.

1.4 Hoa dã quỳ có mấy màu?
Hoa dã quỳ hay còn được gọi là hoa hướng dương dại có 3 màu tất cả, bao gồm:
- Dã quỳ vàng.
- Dã quỳ đỏ.
- Dã quỳ trắng.
Trong đó, hoa dã quỳ vàng là loài phổ biến hơn cả.

2 Hoa dã quỳ: Ý nghĩa
Hoa dã quỳ có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, có thể mọc được ở những nơi khô cằn, đất nghèo dinh dưỡng. Cũng chính vì lý do này mà hoa Dã quỳ tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, ý chí kiên cường vượt qua được mọi khó khăn. Hoa dã quỳ mang vẻ đẹp hoang dã, màu vàng rực rỡ tượng trưng cho một tình yêu mãnh liệt của các cặp đôi.
3 Thành phần hóa học
Bằng phương pháp định tính đã phát hiện thấy sự hiện diện của Tannin, Saponin, Flavonoid và terpenoid. Hàm lượng Protein thô cao nhất với 27,69%, chất xơ thô (14,89%), Tro (13,86%), độ ẩm (10,92%) và chất béo chiếm 1,14%.

4 Tác dụng của cây hoa Dã quỳ
4.1 Tác dụng chống viêm
Một nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích chỉ ra tác dụng trong cơ thể sống và trong ống nghiệm của chiết xuất ethanol từ lá cây hoa Dã quỳ đối với quá trình vận chuyển bạch cầu trung tính từ máu đến mô bị viêm và đối với quá trình tiết chất trung gian hóa học có nguồn gốc từ tế bào, cũng như tác dụng đối với quá trình phục hồi tình trạng viêm và cơn đau do viêm.
Hoạt động chống viêm đã được nghiên cứu bằng cách sử dụng tình trạng viêm do carrageenan gây ra ở mô dưới da của chuột đực Thụy Sĩ được điều trị bằng đường uống với chiết xuất lá cây hoa Dã quỳ (liều lượng là 0,1, 1 hoặc 3 mg/kg).
Kết quả cho thấy rằng, việc điều trị bằng đường uống với chiết xuất lá cây Dã quỳ giúp thúc đẩy việc giảm sự di cư của bạch cầu trung tính cũng như làm giảm tổng lượng protein, TNF, IL-1β và mức CXCL1 trong dịch tiết bị viêm. Điều trị trong ống nghiệm với T. diversifolia làm rụng biểu hiện integrin β2, mà không làm thay đổi biểu hiện CD62L. Chiết xuất có thể làm tăng quá trình thực bào của bạch cầu trung tính chết theo chương trình, làm tăng IL-10 và làm giảm tiết TNF. Ngoài ra, chiết xuất làm giảm tình trạng quá mẫn cảm do carrageenan gây ra. Các nhà khoa học đã kết luận rằng, chiết xuất Dã quỳ có hoạt tính chống viêm bằng cách ức chế sản xuất cytokine và NO, cũng như sự di chuyển của bạch cầu.

4.2 Bảo vệ gan
Một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng chữa bệnh của chiết xuất nước lá cây Dã quỳ đối với độc tính gan do ethanol gây ra ở chuột. Ethanol 40° (4 g/kg) được dùng hàng ngày bằng cách đặt ống thông dạ dày trong 21 ngày, sau đó chiết xuất được dùng đồng thời với ethanol trong hai tuần nữa. Kết quả cho thấy rằng, chiết xuất nước của lá Dã quỳ có hoạt tính bảo vệ gan chống lại tổn thương gan do ethanol gây ra một phần là do tác dụng chống oxy hóa.
5 Công dụng theo Y học cổ truyền
5.1 Tính vị, tác dụng
Lá có vị cay, tính nóng có tác dụng tiêu thũng, thanh nhiệt.

5.2 Công dụng
Dã quỳ được sử dụng trong Y học cổ truyền để điều trị bệnh tiểu đường, tiêu chảy, Đau Bụng Kinh, sốt rét, tụ máu, viêm gan, u gan và chữa lành vết thương.
Lá thường được dùng với mục đích làm phân xanh hữu cơ rất tốt. Ngoài ra, lá của cây hoa Dã quỳ cũng được dùng để xát ngoài da khi bị ghẻ.
Nhân dân thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dùng lá cây hoa Dã quỳ để trị viêm dạ dày ruột cấp tính, trị mụn nhọt, mụn lở, ung sang. Nhân dân ở tỉnh Quảng Tây lại dùng lá cây để trị lở ngứa sưng độc (sang dương thũng độc).
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Hướng dương dại, trang 1179. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Milena Fronza Broering và cộng sự (Ngày đăng tháng 10 năm 2019). Effects of Tithonia diversifolia (Asteraceae) extract on innate inflammatory responses, PubMed. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Ivan Stève Tsopmejio Nguepi và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2021). Curative effects of the aqueous extract of Tithonia diversifolia (Hemsl.) A. gray (Asteraceae) against ethanol induced-hepatotoxicity in rats, PubMed. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2025.