Hẹ (Allium ramosum L.)
28 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị huyết ứ, dương hư, hen suyễn, Hẹ được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Hẹ.
1 Giới thiệu về cây Hẹ
Tên khoa học của Hẹ là Allium ramosum L. (hoặc Allium tuberosum), thuộc họ Hành (Alliaceae). Cây mọc ở vùng Đông Á ôn đới, được trồng phổ biến làm rau thơm ở miền núi, trung du và đồng bằng.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo sống lâu năm, chiều cao 20-50cm, có thân mọc đứng, hình trụ hoặc có góc ở đầu. Lá mọc ở gốc thân, hình dải phẳng hẹp, có rãnh ở giữa, dài 15-30cm, rộng 1,5-7mm.
Hoa có màu trắng, mọc thành hình tán ở đầu ngọn, một cán hoa dài 20-30cm hoặc hơn. Tán hoa gồm 20-40 hoa có mo bao bọc, 3-4 lần ngắn hơn tán hoa; bao hoa có màu trắng, với nhiều phiến thuôn hình mũi mác. Quả dạng nang, hình trái xoan ngược chia làm 3 mảnh; 6 hạt nhỏ, màu đen.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt, gọi là Cửu thái tử. Toàn cây cũng được dùng.
Hẹ được thu hái quanh năm, thường dùng tươi. Khi quả chín vào mùa thu đông, lấy về phơi khô, đập lấy hạt.
1.3 Đặc điểm phân bố
Hẹ được trồng nhiều trên khắp cả nước. Ngoài ra còn có nhiều ở Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin.
2 Thành phần hóa học
2.1 Thành phần dinh dưỡng
Thành phần thực vật được đặc trưng bởi hàm lượng protein cao, carbohydrat và Fructose cao. Nó có hàm lượng Vitamin C cao (460±46 mg/100g); Vitamin E (3,3±0,96 mg/100g) và Kẽm (8,87±0,55 mg/100g).
Thành phần hóa lý của Hẹ khô trên g/100g:
- Chất khô: 89,70±1,95.
- Chất béo: 0,60 ± 0,06.
- Đạm tổng số: 23,00±1,30.
- Tổng carbohydrat: 56,25 ± 2,60
- Khoáng chất: 9,85 ± 0,98.
- Đường: Saccharose: 5,6 ± 0,23; glucose: 60,3 ± 0,1; galactose, 5,8± 0,081; fructose 4,6±0,08;
- Vitamin: vitamin C: 460,00±46,00 mg/100g, vitamin E: 3,33±0,96 mg/100g.
2.2 Hợp chất hoạt tính sinh học
Phân tích axit amin thu được 30 axit amin tự do với tổng nồng độ là 3124±1,43 mg/100g, trong đó asparagin có hàm lượng cao (572,2±0,08 mg/100g), glutamin (486,3±0,01 mg/100g) và alanin (250,9± 0,03mg/100g).
Trong phân tích thành phần axit béo, axit palmitic có nồng độ cao nhất (30,55±0,01 g/100g). Axit béo tetracosenoic cũng có nồng độ cao. Các axit béo không bão hòa đa tạo ra axit linoleic, axit linolenic, axit docosadienoic và tetracosodienoic axit.
Sàng lọc hóa học thực vật của nước và chiết xuất Ethanol thu được Saponin, tanin, phenol, dầu dễ bay hơi và axit amin; chỉ chiết xuất nước mang lại Flavonoid.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Hẹ
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Nghiên cứu cho thấy một phần của họ Allium có khả năng chống oxy hóa. Xử lý nhiệt làm giảm hoạt động chống oxy hóa đối với hầu hết các loại thực phẩm.
3.1.2 Kháng nấm
Nghiên cứu chiết xuất Hẹ Trung Quốc đã được kiểm tra về hoạt tính kháng nấm đối với ba loài Aspergillus: A.niger, A.flavus và A.fumigatus. Hoạt tính ức chế giảm khi tăng nhiệt độ ủ và gia nhiệt. Axit axetic cộng với xử lý nhiệt của chất chiết xuất dẫn đến sự ức chế lớn hơn.
3.1.3 Hạ huyết áp
Nghiên cứu chiết xuất ethanol của lá Hẹ cho thấy tác dụng hạ huyết áp.
3.1.4 Kháng khuẩn
Nghiên cứu đã đánh giá các thành phần hóa học thực vật và đặc tính kháng khuẩn của chiết xuất nước và ethanol của Hẹ. Hoạt tính kháng khuẩn đã được thử nghiệm chống lại hai vi khuẩn gram dương (Staphylococcus aureus và Bacillus cereus) và hai vi khuẩn gram âm (Klebsiella pneumonia và Pseudomonas aeruginosa).
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Hạt Hẹ có tính ấm, vị cay, quy vào kinh thận, có tác dụng ôn trung, trợ vị khí, điều hòa tạng phủ, hạ nghịch khí, cố thận tinh, tán ứ huyết. Rau Hẹ có vị cay đắng chua, sít lại, mạnh cho khí, tăng phần dương, cầm máu, vít tinh.
Tác dụng của lá Hẹ với nam giới là gì? Trong đông y, hạt Hẹ được dùng trong trị mộng tinh, di tinh, tiểu máu, đau mỏi lưng gối, tê, bạch đới ở nữ, tiêu chảy. Cây Hẹ dùng trị hen suyễn nặng, đờm gây khó thở, ra mồ hôi trộm, sưng họng khó nuốt, chảy máu cam, lỵ ra máu, viêm mũi, viêm tiền liệt tuyến. Dùng ngoài trị viêm tai giữa, rễ Hẹ giúp trị giun kim.
4 Các bài thuốc từ cây Hẹ
4.1 Uống lá Hẹ nhiều có tốt không?
Lá Hẹ có rất nhiều công dụng, bao gồm:
- Giã lấy nước uống trị khó nuốt, chảy máu cam, lỵ ra máu, giun kim.
- Giã với muối trắng nuốt dần dần trị yết hầu sưng đau.
- Giã lấy nước nhỏ vào tai trị viêm tai giữa, côn trùng bò vào tai.
- Sắc lấy nước uống trị hen suyễn cấp.
- Hấp với đường lấy nước uống trị ho ở trẻ em.
4.2 Trị di tinh, đau lưng mỏi gối
Nguyên liệu: Hạt Hẹ, Gạo nếp đồng lượng.
Cách làm: Nấu cháo nhừ, phơi sương 1 đêm, ăn vào sáng sớm.
Hoặc: Ăn hạt Hẹ 20 hạt mỗi ngày vào lúc đói cùng nước muối mặn, hoặc chưng chín rồi ăn.
4.3 Trị sản hậu chóng mặt bất tỉnh
Nguyên liệu: Củ Hẹ, Hành tăm mỗi thứ 12g.
Cách làm: Đâm nát hòa với ít giấm để lên gạch nướng đỏ, xông hơi chín rồi ăn.
4.4 Trị cảm mạo, ho lạnh
Nguyên liệu: 250g Hẹ, 25g Gừng tươi.
Cách làm: Thêm đường, hấp chín rồi ăn hết cả nước.
5 Ai không nên ăn lá Hẹ?
Những nhóm người sau nên hạn chế ăn lá Hẹ:
- Người bị nóng trong.
- Người bị bệnh về mắt.
- Người có mụn nhọt trong người.
- Người dạ dày yếu.
- Người mắc bệnh tiêu hóa.
6 Tài liệu tham khảo
Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Hẹ trang 1078-1079, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2023.