Gỗ Mun (Diospyros mun A.Chev. ex Lecomte)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Gỗ mun được lấy từ cây mun (Diospyros mun A.Chev. ex Lecomte), đây là loài cây có giá trị kinh tế cao, được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về gỗ mun.
1 Giới thiệu về gỗ mun
Gỗ mun được lấy từ cây mun, có tên khoa học là (Diospyros mun A.Chev. ex Lecomte), thuộc họ thị.
Dựa theo đặc điểm bề ngoài, hiện nay gỗ mun được gọi với một số tên như: Gỗ mun đen, gỗ mun sọc, gỗ mun sừng, mun da báo, gỗ mun hoa,...
Đây là loài gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, loài cây này đang được xếp vào mức cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ thế giới, cần được bảo tồn.
2 Mô tả thực vật
Mun là loài cây thân gỗ, gỗ mun có mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu. Cây chia cành sớm, rụng lá. Cây có thể phát triển rất lớn, cao hàng chục mét. Vỏ ngoài gỗ mun màu đen nhạt, có vết nứt dọc nông. Cành non mảnh, khá nhẵn.
Lá là loại lá đơn, mọc cách, hình trái xoan hay ngọn giáo, nhẵn; chóp có mũi gần tù; gốc nhọn rộng; gân chính lồi ở mặt dưới, gân bên 7-8 đôi, lồi trên hai mặt; cuống lá mảnh, dài 9-10 mm, nhẵn hoặc hơi có ít lông.
Hoa đực và hoa cái khác gốc. Cụm hoa đực hình xim gồm 3-5 hoa mọc ở nách lá; cuống cụm hoa dài 2-2,5 mm, mảnh, có lông ngắn; lá đài 4, hình tam giác, dính thành ống cao khoảng 1 mm, có lông và cả lông mép; cánh hoa, màu vàng, hợp thành hình ống, dài 3,5-4 mm, có 4 thùy. Nhị 8-16, xếp làm hai vòng ở gốc ống tràng; cuống hoa ngắn, có đốt dưới đài. Hoa cái mọc đơn độc ở nách lá; đài hình chén, ống cao 2,5 mm; 4 thùy cao 3,5 mm, rộng 4 mm; cánh hoa màu vàng, hình, ống cao 4 mm; 4 thùy dài 5 mm; nhị lép 8-10, đính ở gốc ống tràng; bầu hình trứng, 8 ô, mỗi ô chứa 1 noãn; vòi nhụy 3. Cuống hoa mảnh, dài 3-5 mm, mang 1 lá bắc rất nhỏ ở đầu.
Quả gần hình cầu nhỏ, đường kính 1-2 cm, màu xanh, nhẵn, khô màu đen, mang đài tồn tại với 4 thùy gập xuống. Hạt dài 6-7 mm, giống hạt Cà phê.
Dưới đây là hình ảnh cây gỗ mun:
2.1 Sinh thái
Cây gỗ mun ra hoa tháng 7 - 12, tái sinh bằng hạt hay chồi rễ.
Cây mọc rải rác hoặc từng đám nhỏ trong rừng khô hay núi đá, sinh trưởng rất chậm.
Cây Gỗ mun có phân bố trên các loại đất Renzin vàng, vàng nâu hoặc đất feralit vàng phát triển trên đá vôi. Mun mọc rải rác hay thành từng đám trong trảng cây bụi cao rậm hoặc trên các vùng núi đá vôi có độ cao dưới 700m.
Trong các trạng thái rừng tự nhiên, Mun thường sống chung với các loài cây gỗ khác như Chà vải, Vải vàng, Rì rì, Chành chạ, Trai thảo và có mối quan hệ ngẫunhiên với các loài này.
Cây Mun có chu kỳ sai quả rất thất thường, điều kiện thu hái gặp nhiều khó khăn trong khi đó hạt mất sức nảy mầm rất nhanh. Hạt Mun sẽ mất sức nảy mầm khi rút ẩm độ hạt từ 22% xuống 15%, tỷ lệ nảy mầm giảm từ 65% xuống còn 30,5% và không còn khả năng nảy mầm khi ẩm độ hạt rút xuống 4%. Nhiệt độ để hạt nảy mầm tốt nhất là ở nhiệt độ từ 20 - 25 độ C và ởnhiệt độ phòng. Thời gian bảo quản hạt Mun có thể kéo dài hơn 6 tháng trong điều kiện 10 độ C và ẩm độ hạt 18%.
3 Phân bố
Trước đây loài cây này có phân bố tự nhiên ở nhiều tỉnh trong cả nước như
Ninh Bình, Hòa Bình, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Ninh Thuận... Nhưng do các quần thể Mun mọc tự nhiên đã bị tìm kiếm và khai thác quá mức nên đã làm cho số lượng cá thể của loài cây này bị giảm đi rất nhanh và hiện nay chỉ còn lại rất ít trong rừng tự nhiên, ở một số ít vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc rừng cấm.
Ngoài ra, cây còn phân bố ở Lào, Campuchia và một số quốc gia khác.
4 Công dụng của gỗ mun
Gỗ mun có lõi cứng, nặng, khi khô màu đen bóng, đẹp, càng dùng lâu càng lên nước từ lâu đã rất được ưa chuộng và sử dụng trong các mặt hàng mỹ nghệ cao cấp như: lọ hoa, tượng, và đặc biệt làm đũa. Hay bàn ghế, sập, giường, tủ... làm bằng gỗ mun cũng được săn lùng và yêu thích.
Hạt tươi và lá được dùng làm chất nhuộm màu đen cho tơ lụa, vải sợi rất bền màu.
Một số sản phẩm bổ sung có thành phần từ gỗ mun đang được nghiên cứu ngày càng nhiều, hứa hẹn tiềm năng lớn trong sản xuất. Tuy nhiên, do trữ lượng ngày càng suy giảm và gỗ mun thuộc danh mục nguy cấp, giá thành cao nên đã tạo ra khó khăn lớn trong việc phát triển gỗ mụn trong sản xuất thực phẩm bổ sung, sản phẩm y học.
5 Gỗ mun nào đắt nhất? Giá gỗ mun bao nhiêu tiền 1 kg?
Bạn đọc có thể tham khảo giá của một số loại gỗ mun như sau, lưu ý giá gỗ mun có thể thay đổi tùy từng thời điểm khác nhau:
- Giá gỗ mun hoa: khoảng 10-15 triệu / 1kg
- Giá gỗ mun đen: 38 triệu - 45 triệu / 1m3 gỗ hộp
- Giá gỗ mun sọc: 30 triệu - 40 triệu / 1m3 gỗ hộp
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả: Ngô Văn Nhương (Ngày đăng: năm 2014). ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ VÀ PHƯƠNG PHÁP BẢO QUẢN HẠT MUN (Diospyros mun A.Chev. ex Lecomte), Tạp chí KHLN 1/2014 (3089 - 3094) - Viện KHLNVN - VAFS . Truy cập ngày 17 tháng 07 năm 2023.
- Tác giả: Ngô Văn Nhương (Ngày đăng: năm 2014). MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM LÂM HỌC
- CỦA CÂY MUN (Diospyros mun A.Chev. ex Lecomte) Ở VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG , Tạp chí KHLN 2/2014 (3302 - 3307) - Viện KHLNVN - VAFS . Truy cập ngày 17 tháng 07 năm 2023.