Gai Cua (Cà Dại Hoa Vàng - Argemone mexicana L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Gai Cua còn được gọi là Cà Gai là một loại thảo dược có hoa màu vàng, thường được tìm thấy ở các vùng đồng bằng và trung du miền núi phía Bắc, được nhân dân sử dụng làm thuốc. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về cây Gai Cua
1 Giới thiệu
Tên gọi khác: Mùi Cua, Cà Gai, Lão Thử Lặc, Cà Dại Hoa Vàng.
Theo các tài liệu Trung Quốc, Mùi Cua còn được gọi là Thích Anh Túc hay Kế Anh Túc.
Tên khoa học: Argemone mexicana L.
Họ thực vật: Thuốc phiện – Papaveraceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Gai Cua là dạng cây thân thảo, cao khoảng 0,3 đến 0,5 mét.
Thân cây có dạng hình tròn, màu xanh hơi xám, trên thân có nhiều gai.
Lá Gai Cua mọc so le, mỗi lá xẻ thành nhiều thùy sâu, đầu lá nhọn, mép lá khía răng không đều. Trên phiến lá có gân màu trắng.
Hoa mọc riêng lẻ ở đầu cành. Hoa có màu vàng.
Tràng 6, nhị nhiều, chỉ nhịn ngắn.
Bầu thường có 1 ô, là sự tập hợp của nhiều lá noãn hợp thành.
Quả nang.
Hạt có hình tròn, màu đen, hơi dẹt.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Phân bố gốc: Mexico.
Tại nước ta, Gai Cua được tìm thấy chủ yếu ở các vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, một số ít được tìm thấy ở các tỉnh miền Trung.
Gai Cua thường mọc thành từng đám hoặc mọc rải rác trên các bãi đất hoang.
Với bản chất là loại cây ưa sáng, ẩm, sinh trưởng tương đối nhanh nên thường mọc hoang tại các chân đê, đường đi hoặc ven đồi.
Cây phát triển từ hạt vào giữa mùa xuân.
Đầu mùa hè ra hoa quả và tàn lụi.
2 Thành phần hóa học
Hạt Gai Cua có chứa 16 đến 30% chất dầu cố định.
Alcaloid Berberin và protopin là những chất được tìm thấy trong bã hạt của cây.
Rễ Gai Cua có chứa 0,125% alcaloid trong đó có:
- 0,084% Protopin.
- 0,068% Allocryptopin.
- 0,125% Berberin.
- Sanguinarine.
- Cheleritrin.
Ngoài ra, cây còn chứa tanin và một chất độc.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Gai cua
3.1 Tác dụng dược lý
Cao chiết với cồn 50 độ của Gai Cua đã được chứng minh có tác dụng ức chế siêu vi khuẩn gây bệnh Ranikhet và có tác dụng trên cả tần số và biên độ hô hấp khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm.
Gai Cua có tác dụng diệt nấm khi phân lập nấm từ hạt của một loại đậu.
Alcaloid được phân lập từ hạt có tác dụng ức chế sinh tinh trùng khi nghiên cứu trên chó đực với liều 30mg/kg thể trọng trong 70 ngày.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Toàn cây có vị đắng, tính mát, quy vào 3 kinh là phế, tỳ, đởm.
Tác dụng: Lợi thủy, phát hãn, giảm ngứa, giải độc, giảm đau, thanh nhiệt, chủ trị cảm mạo không ra mồ hôi, viêm tiết niệu, đau do thoát vị bẹn, phù thũng, viêm gan vàng da, giang mai, viêm loét mí mắt, ghẻ lở với liều 3-6g.
3.2.2 Công dụng
Nhân dân ta sử dụng Gai Cua để làm thuốc.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng dầu từ hạt của cây Gai Cua để chữa các bệnh ngoài da, dùng để uống làm thuốc tẩy. Người dân lấy chất mủ màu vàng sau khi cây bị dập nát để trị vàng da, các bệnh liên quan đến mắt và các bệnh ngoài da. Hạt Gai Cua có tác dụng nhuận tràng, long đờm, gây nôn, khi sử dụng nhiều có thể xuất hiện độc tính. Rễ của cây được sử dụng để điều trị các bệnh lý ngoài da mãn tính.
Y học Nepal sử dụng rễ của cây để làm thuốc hạ sốt, mỗi lần uống 15g, ngày uống 2 lần, thời gian điều trị từ 2-3 ngày. Trẻ em dưới 15 tuổi nên giảm một nửa liều. Điều trị đục thủy tinh thể, suwrd ụng 2-3 giọt nhựa mủ vàng của cây để nhỏ vào mắt. Nhựa này cũng có thể được nhỏ vào các vết thương hở nhằm mục đích sát trùng. Quả khi còn xanh dùng để đắp vào các vết bỏng. Hạt của cây sau khi giã nát, đem trộn với dầu mù tạt trị eczema.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Gai Cua
4.1 Viêm gan vàng da cấp
Chuẩn bị:
- 10g Gai Cua.
- 60g Đậu mắt tôm.
- 30g Cốt Khí Củ.
Hoặc:
- 10g Gai Cua.
- 30g Chó Đẻ Răng Cưa.
- 30g Cỏ Ban Đều.
- 10g Dành Dành.
Sắc lấy nước uống.
4.2 Viêm da mẩn ngứa
Sử dụng một lượng bằng nhau các loại dược liệu: Nhân Trần, Kim Ngân Dây, Gai Cua, Cúc Lục.
Sắc lấy nước đặc, đem rửa.
4.3 Viêm da do tiếp xúc rơm rạ
Sử dụng một lượng bằng nhau các loại dược liệu: Gai Cua, Vỏ Xoan, Hy Thiêm, Cúc Lục Lăng, lá Me Rừng.
Sắc lấy nước đặc để rửa.
4.4 Chàm bìu
Sử dụng một lượng bằng nhau các dược liệu Gai Cua, Ngũ Trảo, Bòn Bọt.
Sắc lấy nước, để nguội, đem rửa.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (tập 1). Gai Cua, trang 844-845. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2024.