Đương Quy (Angelica sinensis (Oliv.) Diels)
501 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Đương quy được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa thiếu máu xanh xao, đau đầu, mệt mỏi, đau xương khớp, táo bón, mụn nhọt và đau bụng kinh. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Đương quy.
1 Giới thiệu
Cây Đương quy hay còn được gọi là Tần quy, Vân quy, tên khoa học là Angelica sinensis (Oliv.) Diels, thuộc họ Hoa tán - Apiaceae.
Đương Quy hiện nay thường được nhập khẩu từ Trung Quốc do một số nguyên nhân sau:
- Đương quy di thực là loài được trồng tại nước ta nhưng được di thực từ Nhật Bản. Đương quy Bắc được trồng và sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc. Nước ta thường nhập khẩu Đương quy từ Trung Quốc do điều kiện khí hậu và đặc điểm tự nhiên không phù hợp để trồng loài cây này. Đương quy Bắc có độ cao phân bố trên 2000 mét, trong khi khu vực cao nhất ở nước ta cũng chỉ khoảng 1500 mét (Sìn Hồ).
- Chính phủ Trung Quốc có chính sách bảo vệ nguồn giống hết sức nghiêm ngặt.
- Theo tiêu chuẩn Dược Điển Việt Nam V thì Đương quy di thực có chất lượng thấp hơn so với Đương quy Bắc.
- Thành phần của 2 loài này giống nhau nhưng lại khác nhau về hàm lượng.
- Các tài liệu hiên nay vẫn chưa có nghiên cứu về việc sử dụng Đương quy di thực thay thế cho Đương quy Bắc do đó chúng ta vẫn cần nhập khẩu từ Trung Quốc loại dược liệu này.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo sống nhiều năm, cao 40- 60cm, có mùi thơm đặc trưng. Rễ rất phát triển. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3-12cm, có bẹ to ôm thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép chia thùy và có răng cưa không đều. Cụm hoa tán kép ở ngọn cây gồm 12-36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Quả bế, dẹt, có rìa màu tím nhạt, thơm. Mùa hoa tháng 7-9.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Angelicae Sinensis.
Thu hoạch khi cây 3-4 tuổi vào mùa thu (thường là vào tháng 9 đến tháng 10), cắt bỏ rễ con, cây có tuổi thọ càng lâu thì càng có dược tính cao, rất tốt để sử dụng làm thuốc chữa bệnh cũng như bồi bổ sức khỏe. Sau khi thu hái, tiến hành phơi rễ củ trong râm hoặc cho vào thùng sấy lửa nhẹ đến khô hoặc đồ chín rồi cắt dọc thành phiến mỏng (Quy phiến). Củ to, thịt chắc, dẻo, màu trắng hồng nhiều tinh dầu, có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt sau cay là loại tốt.
Cách sơ chế:
- Sau khi thu hái, đem về rửa sạch bụi bẩn.
- Cắt bỏ những rễ con xung quanh.
- Đem phơi trong bóng râm hoặc sấy lửa nhẹ cho khô.
- Đem bỏ vào túi nilong và buộc kín miệng.
- Bảo quả ở những nơi khô ráo, độ ẩm không quá 15%.
Đương quy thường được chia làm 3 loại với 3 cách chế biến:
- Quy đầu là phần đầu của rễ, có tác dụng bổ huyết, đường kính từ 1 đến 3,5cm.
- Quy thân là đoạn rễ chính sau khi đã được sơ chế và cắt bỏ phần đầu và phần đuôi.
- Quy vĩ: Các rễ phụ và rễ nhánh.
Mô tả dược liệu Đương quy: Dược liệu dài 10-20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt thành 3 phần: Phần đầu gọi là Quy đầu, phần giữa gọi là Quy thân, phần dưới gọi là Quy vĩ. Đường kính Quy đầu 1,0-3,5 cm, đường kính Quy thân và Quy vĩ từ 0,3-1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà có vân tròn và nhiều điểm tinh dầu. Mùi thơm đặc biệt, vị ngọt, cay, hơi đắng.
Cách dùng Đương quy: Khi dùng thì bào chế như sau: rửa qua rễ bằng rượu (nếu không có rượu thì rửa nhanh bằng ít nước, sau vẩy cho ráo nước). Ủ một đêm cho mềm, bào mỏng 1mm. Nếu muốn để được lâu, rửa bằng nước và muối sau đó, phải sấy nhẹ qua Lưu Huỳnh.
1.3 Đặc điểm phân bố
Đây là loài cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, phát triển ở vùng cao 2.000-3.000 m, nơi khí hậu ẩm mát vùng núi, nhân giống bằng hạt. Ở nước ta, Đương quy được nhập về trồng ở miền Bắc (Sa Pa, Hà Nội) và Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng.
2 Thành phần hóa học
Rễ chứa tinh dầu (0,2-0,7%), trong đó có 40% acid tự do, các phenylpropanoid (acid ferulic, coniferyl ferulat..), coumarin (angelol G, angelicon, umbelliferon...), polysaccharid, Z-Ligustilide, axit ferulic, acid amin, vitamin... Tinh dầu gồm có các thành phần chủ yếu sau Ligustilide, n-butyliden valerophenon carboxylic acid, n.butyl-phtalide, bergapten, sesquiterpen, dodecanol, tetradecanol, safrol, p-cymen, carvacrol, cadinen, Vitamin B2 0,25-0,40%, acid folinic, Biotin.
3 Tác dụng - Công dụng của sâm Đương quy
3.1 Tác dụng của Đương quy khi phối hợp cùng các vị thuốc khác
Đương quy đem phối hợp cùng với Xuyên khung, Tế Tân có tác dụng làm thuốc dẫn, sử dụng trong các trường hợp như đau mắt, đau đầu, đau răng do huyết hư.
Đương quy khi phối hợp cùng Ngưu tất, Ý dĩ giúp dẫn thuốc đi xuống dưới, dùng trong các trường hợp đau lưng, chân yếu do huyết không nuôi dưỡng được.
Đương quy khi đem phối hợp cùng với Nhân Sâm, Ý dĩ, Ô Dược có tác dụng chữa thấp độc gân làm cho cả người bị co lại.
Khi phối hợp Đương quy cùng Miết giáp, Sài Hồ có tác dụng trong trường hợp bị sốt rét.
Có thể dùng làm tá cho Bạch thược, Nhân sâm, Thục địa, Mộc Hương, Hoàng Kỳ.
Đem phối hợp với Bán Hạ, Trần Bì có tác dụng chỉ nôn.
3.2 Tác dụng dược lý
Đương quy có tác dụng bảo vệ gan, ức chế sự ngưng kết tập tiểu cầu và giải phóng serotonin từ tiểu cầu, tăng cường tuần hoàn não, chống loạn nhịp, tác dụng trên tìm giống quinidin, làm tăng hoạt tính thực bào của đại thực bào.
Tinh dầu có tác dụng ức chế co cơ trơn, giúp giãn cơ. Ngược lại, hợp chất tan trong cồn-nước, không bay hơi lại có tác dụng hưng phấn cơ trơn làm tăng mạnh sự co bóp.
3.2.1 Giãn mạch và cải thiện vi tuần hoàn
Polysaccharid trong Đương quy làm tăng sự hình thành NO và làm giãn lớp nội mạc, ức chế sự kết tập tiểu cầu trên lớp nội mô và sự tăng sinh của cơ trơn và ngăn bạch cầu bám vào lớp nội mô do đó hạn chế kích thước vùng nhồi máu.
3.2.2 Tác dụng chống xơ cứng khớp
Đương quy làm giảm sự gia tăng nồng độ malonyldialdehyde (MDA) trong huyết thanh do chế độ ăn nhiều lipid gây ra, ức chế sự hình thành xơ vữa động mạch vì Đương quy làm giảm mức peroxid hóa TG và lipid hoặc tăng sản xuất NO, hoặc cả hai.
3.2.3 Tác dụng chống kết tập tiểu cầu
Đương quy và Z-Ligustilide ức chế kết tập tiểu cầu do Adenosine diphosphate (ADP) và Collagen gây ra. Z-Ligustilide dùng đường uống trong ba ngày không làm tăng thời gian thromboplastin từng phần được hoạt hóa (APTT) và thời gian prothrombin (PT) trong quá trình đông máu.
3.2.4 Tác dụng chống viêm
Đương quy làm giảm sự xâm nhập của tế bào viêm và biểu hiện TNF-α và TGF-ß1 mRNA; nó cũng làm giảm các tế bào TNF-α và TGF-ß1 dương tính trong bệnh viêm phổi do bức xạ ở chuột và có có tác dụng chống viêm. Axit ferulic làm giảm kích thước nhồi máu não và điểm thiếu hụt thần kinh, đồng thời ức chế biểu hiện ICAM-1 và NF-κB ở chuột MCAo thoáng qua.
3.2.5 Tác dụng chống oxy hóa
Apolipoprotein E, thông qua tác dụng chống oxy hóa chống thiếu máu não, có tác dụng bảo vệ thần kinh trong thiếu máu não trước thoáng qua do tắc động mạch cảnh chung hai bên (BCCAo) ở chuột. Các chất dinh dưỡng chống oxy hóa như Vitamin E và Ginkgo Biloba chiết xuất làm giảm tổn thương não trong các mô hình thiếu máu cục bộ và tái tưới máu ở loài gặm nhấm. Đương quy thể hiện hoạt động chống oxy hóa trong các mô hình tổn thương do thiếu máu cục bộ-tái tưới máu.
3.2.6 Tác dụng của Đương quy đối với bệnh nhồi máu não
Đương quy tăng lưu thông máu và chuyển hóa tế bào thần kinh trong mô hình chuột MCAo. Đương quy làm giảm kích thước của nhồi máu não, cải thiện điểm thiếu hụt thần kinh và tăng lưu lượng máu và hoạt động SOD trong mô hình chuột MCAo.
3.3 Sâm Đương quy có tác dụng gì?
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt cay, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng và thông tiện.
Công dụng: Vị thuốc Đương quy được dùng chữa thiếu máu xanh xao, đau đầu, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh. Liều dùng 4,5-9g có thể tới 10-20g dạng thuốc sắc hay rượu thuốc. Còn dùng trị cao huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm.
Đương quy thường được sử dụng cho các vấn đề sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt là các triệu chứng kinh nguyệt không đều và mãn kinh. Nó được cho là giúp điều chỉnh cân bằng nội tiết tố, giảm Đau Bụng Kinh, bốc hỏa và các triệu chứng khác liên quan đến thời kỳ mãn kinh.
Đương quy được dùng làm thuốc bổ huyết, trị thiếu máu, giảm đau trong viêm khớp, đau bụng, đau do vận động, chữa tê bại, tê liệt.
Ngoài ra, còn trị mụn nhọt, táo bón, tăng huyết áp, viêm gan mạn và xơ gan.
4 Bài thuốc từ cây Đương quy
4.1 Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều
Dùng bài Tứ vật thang gồm Đương quy 8g, Thục Địa 12g, Bạch Thược 8g, Xuyên Khung 6g, nước 600ml; sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
4.2 Bổ máu, dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ thiếu máu
Dùng bài Đương quy kiện trung thang gồm Đương quy 8g, Quế chi, Sinh khương, Đại táo mỗi vị 6g, Bạch thược 10g, Đường phèn 50g, nước 600ml; sắc còn 200ml, thêm Đường chia làm 3 lần uống trong ngày.
4.3 Chữa viêm quanh khớp vai, vai và cánh tay đau nhức không giơ lên được
Đương quy 12g, Ngưu Tất 10g, Nghệ 8g sắc uống. Kết hợp với luyện tập hàng ngày giơ tay cao lên đầu.
4.4 Phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh
Dùng Đương quy sắc uống trước khi thấy kinh 7 ngày. Phụ nữ sắp sinh nên uống nước sắc Đương quy vài ngày trước khi sinh thì sinh đẻ dễ dàng.
Cho đến nay, Đương quy là một vị thuốc dùng rất phổ biến trong Đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ.
Lưu ý: Ta còn nhập trồng một loài khác là Angelica uchiyamae Fabe, có nguồn gốc từ Triều Tiên, Trung Quốc có rễ làm thuốc bổ, trị mất máu, mệt mỏi, táo bón, kinh nguyệt không đều.
5 Bài thuốc Thập toàn đại bổ
Bài thuốc Thập toàn đại bổ gồm các vị:
- Đương quy.
- Thục địa.
- Xuyên khung.
- Bạch linh.
- Bạch thược.
- Bạch truật.
- Đảng sâm.
- Cam thảo.
- Nhục quế.
- Hoàng kỳ.
Thập toàn đại bổ là bài thuốc vừa có tác dụng bổ khí lại có tác dụng bổ huyết, ôn dương thường dùng cho người mới ốm dậy, bồ bổ cơ thể, điều trị cho bệnh nhân có hội chứng khí huyết lưỡng hư.
Các nghiên cứu dược lý hiện tại cho thấy, Thập toàn đại bổ có tác dụng điều hòa miễn dịch, kháng ung thư, giảm mệt mỏi, giảm tình trạng xuất hiện phản ứng bất lợi liên quan đến hóa trị liệu, giảm biểu hiện chán ăn, suy nhược ở bệnh nhân ung thư đồng thời tăng cường thể lực cho người bệnh.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, việc phối hợp Thập toàn đại bổ với hóa trì liệu có thể cải thiện khả năng sống sót ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ tái phát sau phẫu thuật thông qua việc tăng cường thể lực và ngăn ngừa rối loạn dinh dưỡng.
Thập toàn đại bổ giúp giảm độc tính trên huyết học ở bệnh nhân điều trị ung thư vú có hóa trì liệu.
Thập toàn đại bổ giúp làm chậm tiến triển tăng sinh ở bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan đồng thời điều hòa tế bào T ở bệnh nhân ung thư tụy tiến triển.
6 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Đương quy trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Đương quy trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Yi-Chian Wu và Ching-Liang Hsieh (Đăng ngày 25 tháng 08 năm 2011). Pharmacological effects of Radix Angelica Sinensis (Danggui) on cerebral infarction, PubMed. Truy cập ngày 21 tháng 02 năm 2023.