Dướng (Chử Thực Tử - Broussonetia papyrifera)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thwujc vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Rosales (Hoa hồng) |
Họ(familia) | Moraceae (Dâu tằm) |
Chi(genus) | Broussonetia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Broussonetia papyrifera (L.) L’Herit. ex Vent. |
Dướng được trồng từ hạt để làm hàng rào, lấy các bộ phận lá, quả, vỏ cây để làm thuốc. Nhân dân ta thường sử dụng Dướng để làm thuốc chữa rong kinh, suy nhược. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Dướng.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Broussonetia papyrifera (L.) L’Herit. ex Vent.
Tên gọi khác: Rau ráng, cây rát, câu thụ, chử đào thụ.
Họ thực vật: Dâu tằm Moraceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dướng thuộc dạng cây to, chiều cao khoảng 8 đến 10 mét, có khi cao hơn.
Bề mặt vỏ thân ráp.
Cành mọc thành tán rộng, những cành còn non có lông mềm, màu lục nhạt, sau đó nhẵm và có màu xám.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình trứng, gốc lá tù hoặc tròn, đầu lá nhọn. Những lá non có thể chia thùy (thường là 3 thùy), những lá già thường nguyên hoặc chia thùy nhỏ. Phiến lá có chiều dài khoảng 6 đến 15cm, rộng từ 5 đến 12cm, mép lá có khía nhiều rằng nhỏ. Mặt trên của lá có nhiều lông ngắn ráp, mặt dưới lá có lông mềm.
Cuống lá dài, lá kèm nhỏ, sớm rụng.
Hoa của cây Dướng thuộc dạng hoa đơn tính, mọc khác gốc. Các bông hoa phủ đầy lông. Cụm hoa đực thường mọc ở đầu cành thành những bông dài. Cụm hoa cái mọc thành hình cầu mọc ở cuối cành.
Quả phức, có dạng hình tròn, nạc. Quả khi chín có màu đỏ.
Hạt nhăn nheo và dẹt.
Mùa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả Dướng còn được gọi là chử thực tử, rễ cây, vỏ cây, nhựa cây, lá.
Thời điểm thu hái: Mùa hè khi quả chín.
Chế biến: Quả sau khi thu hái về đem rửa sạch sau đó phơi khô.
Còn nhựa cây, vỏ cây, rễ cây thu hái quanh năm. Lá cây thu hái vào mùa hè và mùa đông, có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Broussonetia L’ Herit. trên thế giới có khoảng 3 loài, được tìm thấy chủ yếu ở các vùng nhiệt đới của châu Á.
Tại nước ta đã tìm thấy cả 3 loài nhưng chỉ có 2 trong 3 loài được sử dụng để làm thuốc. Dướng được tìm thấy ở nhiều nước như Thái Lan, phía nam Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ.
Dướng là loài cây quen thuộc, phân bố ở độ cao dưới 1000 mét hoặc vùng trung du, đồng bằng.
Cây thường mọc từ hạt, sau vài năm cao đến 4 đến 5 mét.
Cây ra nhiều hoa quả, quả có vị ngọt, là thức ăn của chim và nhiều loài gặm nhấm.
Lá non của cây được người dân đồng bào làm thức ăn cho lợn, bò,....
1.4 Cách trồng
Dướng được trồng từ hạt để làm hàng rào, lấy các bộ phận lá, quả, vỏ cây để làm thuốc.
Đất nào cũng có thể được sử dụng để trồng Dướng. Nhân dân ta thường trồng Dướng ở bờ ao, quanh vườn, những vùng đất có độ ẩm cao. Khoảng cách trồng cây từ 6 đến 8 mét.
Trong quá trình trồng cây không cần chăm sóc.
2 Thành phần hóa học
Quả của cây có chứa: Saponin chiếm 0,51%, Acid p.coumaric, dầu béo và vitamin B.
Hạt có chứa dầu, acid béo bão hòa, acid oleic, linoleic, calci carbonat, các men Lipase,...
Vỏ cây có chứa isopren aurona và một số thành phần khác.
3 Tác dụng - Công dụng của cây dướng
3.1 Tác dụng dược lý
Cao chiết với cồn 50 độ của cây, trừ rễ có tác dụng làm giảm huyết áp đối với huyết áp bình thường ở động vật thí nghiệm.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Quả của cây có vị ngọt, tính mát, quy vào các kinh can, thận, tỳ.
Tác dụng: Mạnh gân cốt, bổ hư lao, bổ thận, sáng mắt,...
Lá cây và vỏ cây có tác dụng tiêu phù, lợi tiểu.
3.2.2 Công dụng
Quả của cây có tác dụng bổ thận, mạnh gân cốt, làm sáng mắt, được sử dụng trong nhiều trường hợp như mờ mắt, chữa cảm ho. Có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như Phục Linh hoặc đại phúc bì với liều dùng được khuyến cáo là 8 đến 16g dưới dạng thuốc sắc.
Lá cây được dùng làm thuốc nhuận tràng cho trẻ hoặc chữa lợi tiểu, nấu nước xông khi bị cảm với liều dùng từ 50-100g, đem giã nát sau đó vắt lấy nước uống hoặc sắc để chữa lỵ.
Vỏ thân chữa lỵ, chảy máu tử cung với liều dùng được khuyến cáo là 8-16g dưới dạng thuốc sắc.
Nhựa mủ của cây có tác dụng chữa rắn cắn, ong đốt.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Dướng
4.1 Chữa suy nhược, chân phù, người già suy yếu
12g quả Dướng.
10g Phục linh.
10g Đỗ Trọng.
10g Câu Kỷ Tử.
10g Bạch Truật.
8g Ngưu Tất.
3g Tiểu Hồi Hương.
Mỗi ngày sắc lấy một thang để uống.
4.2 Chữa khí lực suy tồn, chân tay nhức mỏi, cơ thể gầy yếu
12g quả Dướng.
12g Hoài Sơn.
12g Ba Kích.
12g Ngưu tất.
12g Viễn Chí.
12g Thục Địa.
12g Ngũ Vị Tử.
12g Đỗ trọng.
12g Xương bồ.
Có thể sắc hoặc làm viên để uống.
4.3 Chữa phù toàn thân
Lá cây đem nấu cao, cô đặc.
Mỗi lần uống 1 chén, hòa với nước.
Hoặc:
- Sử dụng vỏ thân, phục linh hay ý dĩ, mộc thông, mỗi vị 12g, mỗi vị 4g vỏ quýt để lâu, vỏ rễ dâu, Gừng 3 lát.
- Sắc lấy nước uống.
4.4 Chữa lỵ
20g lá Dướng tươi, đem giã nhỏ, sau đó thêm nước, gạn lấy 10ml.
Sử dụng 20g thân rễ cây Seo gà, đem thái nhỏ, sắc 200ml đến khi còn 50ml.
Sau đó, trộn 2 loại nước, uống 1 lần mỗi ngày, trong 5 ngày.
4.5 Chữa rong kinh
12g lấy lớp trắng của vỏ thân cây Dướng.
12g Kinh Giới sao.
Sắc lấy nước uống.
4.6 Chữa chứng buồn ngủ
Sử dụng một nắm lá Dướng sắc lấy nước uống.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Dướng, trang 712-714, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2024.