Dừa Cạn (Catharanthus roseus (L.) G. Don.)
6 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Dừa cạn được biết đến khá phổ biến với công dụng điều trị cao huyết áp, tiểu đường, kinh nguyệt không đều, tiêu hóa kém, tiêu chảy, đau bụng và tiểu ít. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Dừa cạn.
1 Giới thiệu về cây Dừa cạn
Dừa Cạn hay còn được gọi là Bông dừa, Trường xuân hoa, tên khoa học là Catharanthus roseus (L.) G. Don., Apocynaceae (họ Trúc đào).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo cao từ 0,4 đến 0,8 mét và phân nhánh nhiều. Lá mọc đối, hình dạng thuôn dài, có chiều dài từ 3 đến 8 cm và chiều rộng từ 1 đến 2,5 cm. Hoa mọc đơn lẻ từ kẽ lá phía trên và có màu hồng hoặc trắng; đài hoa có 5 cánh hợp thành ống ngắn; tràng hoa có 5 cánh hình chén; nhị hoa có 5; nhụy hoa gồm 2 lá noãn hợp nhau ở vòi. Quả của cây có 2 đại, mỗi đại chứa từ 12 đến 20 hạt nhỏ có hình dạng trứng và màu nâu nhạt, được xếp thành 2 dãy.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ (Radix Catharanthi); toàn cây - Herba Catharanthi Rosei, ở Trung Quốc gọi là Trường xuân hoa.
Cây có thể được thu hái vào bất kỳ thời điểm trong năm. Sau khi thu hoạch, cần rửa sạch và cắt nhỏ để sử dụng tươi hoặc phơi khô. Nếu thu hái rễ, cần rửa sạch và sấy khô hoặc sử dụng tươi.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây dừa cạn có thể được trồng để trang trí và sử dụng trong y học ở nhiều địa điểm trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, tới Tp. Hồ Chí Minh. Nó có khả năng sinh trưởng tốt trên các bãi cát ven biển trong mùa hè và thường được trồng để làm cây cảnh. Cây này nở hoa từ tháng 6 đến tháng 9. Dừa cạn phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, cho đến Nuven Calêđôni và Ôxtrâylia.
2 Thành phần hóa học
Cây dừa cạn có chứa nhiều loại alkaloid, bao gồm ajmalicin, serpentin, catharantin, vindolin, amocalin dưới dạng monomer và vincaleucoblastin, vincristin dưới dạng dimer. Ngoài ra, cây còn chứa các hợp chất khác như Flavonoid, Saponin, triterpen và tannin. Trong dừa cạn Việt Nam, tỷ lệ alcaloid toàn phần dao động từ 0,1% đến 0,2%, trong đó dừa cạn hoa trắng có tỷ lệ hoạt chất cao hơn so với các loài khác. Rễ cây có hàm lượng hoạt chất (0,7-2,4%) cao hơn so với thân (0,46%) và lá (0,37-1,15%).
Catharanthus roseus tổng hợp terpene indole alkaloid (TIA) có giá trị dược liệu và kinh tế cao như ajmalicine , catharanthine, vindoline, vinblastine và vincristine.
Cây hoa Dừa cạn chữa ung thư? Trong đó 2 hợp chất alkaloid là vincristine và vinblastine có tác dụng làm giảm tốc độ tăng trưởng của tế bào ung thư và được sử dụng để sản xuất nhiều loại thuốc chống ung thư.
3 Công dụng - Tác dụng của cây Dừa cạn
3.1 Tác dụng dược lý
Điều chế từ Dừa cạn, cao lỏng có tác dụng giảm huyết áp, an thần, gây ngủ và độc tính nhẹ. Vinblastin (vicaleucoblastin) và vincristin là các alkaloid dimer có tác dụng chống tế bào ung thư bạch cầu.
3.2 Cây Dừa cạn có tác dụng gì?
Tính vị, tác dụng: Dừa cạn có vị hơi đắng, tính mát, có độc và có nhiều tác dụng bao gồm kháng nham, làm dịu, an thần, giảm căng thẳng, hạ huyết áp, giải nhiệt, thanh lọc cơ thể và giảm độc tố.
Cây Dừa cạn được trồng như một cây cảnh và được sử dụng trong cả y học truyền thống và hiện đại. Trong y học hiện đại, Dừa cạn thường được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển tế bào và có hiệu quả trong điều trị bệnh Hodgkin, bệnh bạch cầu lympho cấp và một số ung thư khác. Theo kinh nghiệm dân gian, nó vẫn được sử dụng để điều trị cao huyết áp, tiểu đường, kinh nguyệt không đều, tiêu hóa kém, tiêu chảy, đau bụng và tiểu ít. Một số người còn sử dụng để điều trị ung thư máu và ung thư phổi.
Ở Trung Quốc, toàn cây được sử dụng để trị cao huyết áp, bệnh bạch huyết lymphô cấp tính và ung thư, cũng như mụn nhọt độc. Tại Úc, nước hãm rễ cây được sử dụng như một loại thuốc dân gian để chống đái đường. Còn tại New Caledonia, Dừa cạn được sử dụng để chống ung thư.
Cách sử dụng Dừa cạn: Thân và lá cây Dừa cạn được phơi khô, sau đó sử dụng từ 8-20g, với khả năng sử dụng tới 50g (dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên nén từ cao khô). Trong y học Tây y, Dừa cạn cũng được chế thành thuốc tiêm.
4 Bài thuốc từ cây Dừa cạn
4.1 Bài thuốc cổ truyền
4.1.1 Trị bệnh bạch hầu lymphô cấp
Sử dụng 15g Dừa cạn sắc nước uống.
Vinblastin được chiết xuất từ lá Dừa cạn và được sử dụng dưới dạng thuốc tiêm Vinblastin sulfat để chữa bệnh bạch hầu lymphô cấp.
4.2 Trị cao huyết áp
Sử dụng 12g Dừa cạn, 9g Hy Thiêm, 6g Thảo Quyết Minh và 6g Bạch cúc, pha sắc và uống.
4.3 Các chế phẩm thuốc Tây
- Vinblastin sulfat (Bột Vinblastin pha tiêm - Xí nghiệp Dược phẩm Trung Ương 2),
- Vinblastin (Bột pha tiềm - Gedeon-Richter), Velbe (Thuốc tiêm - Lilly),
- Vincristin Roger-Bellon (Bột Vincristin pha tiêm - Bellon),
- Rhone-Poulence-Rorer Vincristine (thuốc tiêm - Rhone Poulence Rorer),
- Vincristini sulfas PCH (Thuốc tiêm Pharmachemie),
- Robapharm Vincristine (Thuốc tiêm - Robapharm).
5 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Dừa cạn trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Dừa cạn trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.