Đơn Châu Chấu (Aralia armata)
2 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Trungtamthuoc.com - Cây thuốc Đơn Châu Chấu hay còn có tên gọi là Đinh Lăng Gai, Cây Cuồng... được dùng nhiều trong bài thuốc chữa mụn nhọt. Hãy cùng tìm hiểu đặc điểm của Đơn Châu Chấu qua bài viết dưới đây.
1 Giới thiệu về cây đơn châu chấu
Đơn Châu Chấu hay còn được gọi là Đinh Lăng Gai hay cây Cuồng, mọc rải rác ven rừng, trên các nương rẫy cũ, ở độ cao 200-1700m.
Tên khoa học: Aralia armata thuộc họ Nhân Sâm. Mời quý bạn đọc theo dõi hình ảnh cây đơn châu chấu bên dưới.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây đơn châu chấu thuộc loại cây thân thảo nhỏ, có độ cao khoảng từ 1-2 m. Thân cây mảnh, nhiều gai cong quắp, cành mọc lòa xòa. Lá có tiết diện lớn, kép lông chim 2-2 lần, có 9-11 lá chét, phiến hình trứng dài 4-8cm, rộng 2-3cm, mặt lá nhẵn, trên gân có sợi tơ nhỏ; cuống lá có bẹ.
Hoa nhỏ, hoa mọc thành cụm hình chùy gồm nhiều tán dài, cuống hoa có gai, màu sắc hoa: lục, vàng nhạt. Quả hạch hình tròn, màu đen.
Mùa hoa từ tháng 4-6, mùa quả khoảng từ tháng 7 - 9 hằng năm.
Bộ phận dùng: Rễ, cành, lá và vỏ rễ.
1.2 Thu hái và chế biến
Có thể thu hái quanh năm.
Rễ cây sau khi thu hái rửa sạch phơi hoặc sấy khô.
Lá non có thể dùng tươi.
1.3 Đặc điểm phân bố
Đơn Châu Chấu có nguồn gốc từ Himalaya, sau đó được du nhập qua nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, cây đơn châu chấu được tìm thấy ở Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng. Ngoài ra còn có cả ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Malaysia.
2 Thành phần hóa học
Theo các kết quả phân tích chỉ ra, trong lá cây đơn châu chấu có chứa nhiều thành phần hóa học như nước, các protein, glucid, caroten, Vitamin C và chất xơ. Trong thành phần của rễ cây có chứa saponin.
3 Tác dụng - công dụng của cây đơn châu chấu
3.1 Tác dụng dược lý
Các nghiên cứu dược lý đã chỉ ra rằng các chiết xuất và hợp chất khác nhau được phân lập từ các bộ phận khác nhau của cây Aralia có nhiều hoạt tính sinh học, bao gồm chống viêm, giảm đau, chống khối u, bảo vệ gan, bảo vệ hệ tim mạch và thần kinh, điều hòa chuyển hóa chất, chống oxy hóa. , kháng khuẩn, kháng virus và các loại khác. Trong đó Saponin và diterpenoit đã được nghiên cứu sâu về tác dụng chống viêm, chống khối u và bảo vệ gan.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Cây đơn châu chấu có vị cay, hơi đắng, tính ấm. Vỏ rễ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, tán ứ, khử phong trừ thấp. Rễ có tác dụng kháng sinh mạnh, dùng để giải độc. Trong khi đó, lá cũng có tác dụng tiêu độc.
4 Các bài thuốc từ cây đơn châu chấu
4.1 Điều trị tình trạng viêm khớp
Nguyên liệu cần chuẩn bị: khoảng 10-30g rễ cây đơn châu chấu.
Cách làm: Rửa sạch, sắc lấy nước uống. Thường sắc cùng với xà cừ (hàm lượng khoảng 10g), mặt quỷ (khoảng 10g) để tăng hiệu quả giảm sưng viêm.
4.2 Điều trị hen
Nguyên liệu:
- Rễ đơn châu chấu: 12g.
- Rễ cây ngấy tía: 8g.
- Rễ cây han tía: 8g.
Cách làm: Nguyên liệu đem rửa sạch, xắt nhỏ, phơi khô. Sau đó đem sắc với nước để uống.
4.3 Chữa viêm đường hô hấp như ho lâu ngày, viêm amidan, viêm họng.
Chuẩn bị:
- Rễ đơn châu chấu: 20g.
- Vỏ cây khế chua: 20g.
Cách làm: Rửa sạch, thái nhỏ, sắc cùng với nước để uống. Kiên trì dùng một thời gian, các triệu chứng sẽ giảm đáng kể.
4.4 Điều trị các trường hợp bí đái
Chuẩn bị: Rễ đơn châu chấu khoảng từ 8-12g.
Cách làm: Rửa sạch, sắc lấy nước nước.
4.5 Trị các trường hợp bị sưng vú
Nguyên liệu cần có:
- Rễ đơn châu chấu: 20g.
- Vỏ rễ cây sản: 20g.
- Bồ công anh: 20g.
- Kim ngân: 20g.
- Lá Mua đỏ: 20g.
Cách làm: Giã nát hỗn hợp các nguyên liệu trên cùng với muối, sau đó trộn cùng với nước vo gạo. Sau đó, đắp hỗn hợp này lên vùng bị sưng.
5 Tài liệu tham khảo
1. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Đơn châu chấu trang 956 đến 957, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2023.