Đỗ Trọng Nam (Euonymus javanicus Blume var. talangensis Pierre)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Celastrales (Dây gối) |
Họ(familia) | Celastraceae (Dây gối) |
Chi(genus) | Euonymus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Euonymus javanicus Blume var. talangensis Pierre |

Đỗ trọng nam thuộc dạng cây nhỡ hoặc cây to, chiều cao mỗi cây khoảng từ 2 đến 6 mét, một số cây có khi lên đến 10 mét. Cành cây khi còn non có 4 cạnh, vỏ cành có màu đỏ tía. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Euonymus javanicus Blume var. talangensis Pierre
Tên gọi khác: Chân danh.
Họ thực vật: Celastraceae (Dây gối).

1.1 Cây Đỗ trọng nam như thế nào?
Đỗ Trọng nam thuộc dạng cây nhỡ hoặc cây to, chiều cao mỗi cây khoảng từ 2 đến 6 mét, một số cây có khi lên đến 10 mét.
Cành cây khi còn non có 4 cạnh, vỏ cành có màu đỏ tía, những cành khi già thì có dạng hình tròn màu xám, vỏ thân sần sùi.
Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình bầu dục, chiều dài mỗi lá khoảng từ 7 đến 18cm, chiều rộng từ 3 đến 5,5cm, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn, mép lá nguyên hoặc có khía một ít răng ở phần đầu lá. Mặt trên cua rlas có màu lục, mặt dưới của lá có màu đỏ nâu nhạt, mặt trên có nhiều gân nổi rõ, chiều dài mỗi cuống lá khoảng từ 3 đến 6mm.
Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá, gồm 1-3 cái hoa, hoa có màu hồng, 5 cánh, 5 lá đài, bầu 4 ô.
Quả của cây Đỗ trọng nam có màu vàng, trên vỏ có nhiều đường chạy dọc, hạt có áo.
Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 7, mùa quả từ tháng 8 đến tháng 9.
Dưới đây là hình ảnh cây Đỗ trọng nam:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Vỏ thân.
Thời điểm thu hái: Mùa thu.
Chế biến: Cạo sạch vỏ ngoài, sau đó đem phơi hoặc sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Euonymus L. trên thế giới gồm các loài chủ yếu là cây gỗ nhỏ, cây gỗ lớn hoặc cây bụi, được tìm thấy ở nhiều nơi nhưng thường tập trung chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á. Tại Ấn Độ, chi này có khoảng 30 loài, tại Trung Quốc có khoảng 20 loài và nước ta có khoảng 17 loài, trong đó có 4 loài được dùng để làm thuốc, trong đó có cây Đỗ trọng nam.
Đỗ trọng nam được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vào đến Kiên Giang (Phú Quốc). Cây thường mọc rải rác ở những vùng ven rừng kín thường xanh ẩm, hoặc những khu rừng còn tương đối nguyên sinh hay đã trở nên thứ sinh. Độ cao phân bố của cây dưới 1000 mét.
Đỗ trọng nam thuộc dạng cây ưa sáng, ưa ẩm, có khả năng chịu hạn nhưng kém. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Hiện nay, chưa phát hiện được những cây con mọc từ hạt. Phần gốc và thân sau khi bị chặt vẫn có khả năng tái sinh chồi mới.

2 Thành phần hóa học
Vỏ thân có chứa nhiều chất vô cơ như Magie, Sắt, Mangan, đồng, nhô, Canxi, natri,...
Lá cây có chứa Kali, bạc, silic,...
3 Tác dụng của cây Đỗ trọng nam
Vỏ thân cây Đỗ trọng nam thường được dùng để sắc nước uống có tác dụng an thần, bổ gan, bổ thận, giảm đau mỏi, mạnh gân xương.
Liều dùng hàng ngày được khuyến cáo là từ 10 đến 12g dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các loại dược liệu khác.
Chú ý: Có một loài Chân danh nam (tên khoa học là Euonymus cochinchinensis) cũng được dùng để làm thuốc lợi tiêu hóa, giúp kiện vị. Nhân dân Campuchia thường sử dụng vỏ để ngâm trong rượu, uống giúp khai vị, bổ dạ dày.

4 Cây Đỗ trọng nam trị bệnh gì?
Bài thuốc trị đau lưng, đau nhức chân tay từ cây Đỗ trọng nam:
- 30g vỏ cây Đỗ trọng nam.
- 20g Yếm rùa.
- 20g rễ cây Trung quân.
- 20g rễ Nhàu.
- 20g sâm Bố Chính.
- Các vị đem thái nhỏ, sao vàng rồi ngâm rượu uống.
Liều dùng: Mỗi ngày uống từ 1 đến 2 chén nhỏ.
Rượu Thuốc này có tác dụng điều kinh, bồi dưỡng sinh dục, làm ấm cơ thể, có thể dùng cho phụ nữ sau sinh bị đau lưng, chân tay nhức mỏi.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Chân danh, trang 414-415. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2025.