Diệp Hạ Châu (Chó Đẻ Thân Xanh - Phyllanthus amarus)
199 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Diệp hạ châu được biết đến khá phổ biến với công dụng thông tiểu, thông sữa, điều kinh, đắp mụn nhọt và rắn rết cắn; hỗ trợ điều trị bệnh gan và chữa viêm gan siêu vi B. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Diệp hạ châu.
1 Giới thiệu về cây Diệp hạ châu
Diệp hạ châu, tên đầy đủ là Diệp hạ châu đắng, hay còn được gọi là Chó đẻ thân xanh, tên khoa học là Phyllanthus amarus Schum. et Thonn., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.
Ngoài ra còn có các loài:
- Chó đẻ (Chó đẻ răng cưa, Răng cưa, Cam kiềm, Rút đất), tên khoa học là Phyllanthus urinaria L., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.
- Chó đẻ dáng đẹp, Diệp hạ châu đẹp, Me lá lệch - Phyllanthus pulcher Wall. ex Muell. - Arg., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.
- Chó đẻ hoa đỏ (Diệp hạ châu hoa đỏ, Me hoa đỏ), tên khoa học là Phyllanthus banii Thin (P. rubriflorus Beille), thuộc họ Thầu dầu - Euprorbiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo có chiều cao từ 10 đến 40 cm, thường ít phân nhánh. Lá của cây có hình dạng màng, mặt trên có màu xanh đậm và mặt dưới có màu xanh mốc mốc, đều có hình dạng nguyên, xếp theo hai dãy, đầu lá nhọn và nhẵn. Mỗi cành non của cây giống như một lá kép lông chim, bao gồm nhiều lá chét. Cây có hoa đơn tính, màu xanh nhạt và không có cánh hoa, mọc ở kẽ lá. Hoa đực của cây có cuống ngắn, sắp xếp ở dưới các hoa cái. Hoa cái có cuống dài hơn so với hoa đực. Quả của cây có hình dạng nang, bề mặt nhẵn và hình cầu dẹp, có đường kính khoảng 2mm, với đài tồn tại và được chia thành ba mảnh vỏ, mỗi mảnh chứa hai van và hai hạt. Hạt của cây có hình dạng tam giác và đường kính khoảng 1mm, với các cạnh dọc và ngang.
1.2 Thu hái và chế biến
Để sử dụng, thu hái toàn bộ cây Phyllanthi Amari (trừ rễ) quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa hè thu, sau khi thu hái thì rửa sạch. Cây có thể được sử dụng tươi hoặc được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc trong một khu vực có mái che để dùng sau này. Cũng có thể lấy lá cây ép thành bánh.
Bột của Diệp hạ châu đắng được mô tả trong Dược điển Việt Nam 5 là có màu xanh, vị rất đắng. Khi soi kính hiển vi thấy mảnh biểu bì mang lỗ khí, bó sợi dài, mảnh mô mềm tế bào đa giác, thành mỏng, mảnh mạch vạch hay xoắn.
1.3 Đặc điểm phân bố
Loài cây mọc hoang dại trên các bãi đất hoang, sân vườn và quanh làng bên, ở độ cao từ 100-500m. Cây này phân bố rộng rãi ở khắp nơi trên toàn lãnh thổ Việt Nam và cũng được tìm thấy ở các nước nhiệt đới khác.
2 Thành phần hóa học
Lá của cây này chứa một chất đắng là phyllanthin, nhưng không có chất quinine. Khi lá khô, nó còn chứa hypophyllanthin (0,05%) và (0,35%), đây là các chất độc với cá và ếch. Trong cây còn chứa các chất đắng khác như niranthin, nirtetralin, alkaloid (nirurin, epibubialin và isoepibubialin), Flavonoid (4-methyl-nor quercetin), Saponin và tannin.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Diệp hạ châu
3.1 Tác dụng dược lý
Diệp Hạ Châu được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh gan, giúp bảo vệ và phục hồi tế bào gan, chữa viêm gan siêu vi B và trị sỏi thận. Các hợp chất từ Diệp hạ châu có tác dụng ức chế mạnh trên một số dòng tế bào ung thư gan, phổi, giảm chuyển hóa enzym gây ung thư, và ức chế sự đột biến tế bào, bảo vệ tế bào. Ngoài ra, Diệp hạ châu còn có khả năng ức chế enzyme reverse transcriptase của virus HIV type 1 và giảm khả năng gắn kết của virus HIV.
3.2 Vị thuốc Diệp hạ châu - Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng: Diệp hạ châu vị khổ, luowngm quy vào kinh phế, thận.
Cây được sử dụng để tiêu độc, sát trùng, tán ứ và thông huyết, có vị hơi đắng và tính mát. Tuy nhiên, theo một số người, nó còn có tính nóng, điều kinh, hạ huyết nghịch, tan huyết ứ và có thể trị sốt rét.
Chủ trị: Viêm gan, vàng da, sốt, đau mắt, tiểu tiện bí, rắt, tắc sữa, kinh bế, hay mụn nhọt lở ngứa ngoài da, rắn cắn.
Công dụng: Cây này thường được sử dụng để làm thuốc thông tiểu, thông sữa, điều kinh, sửa huyết và thông kinh trục ứ. Ngoài ra, cây còn được dùng để đắp mụn nhọt, lở ngứa ngoài da và rắn rết cắn. Cây cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh gan, giúp phục hồi tế bào gan và chữa viêm gan siêu vi B. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để trị trẻ con cam tích, phù thũng do viêm thận, nhiễm trùng đường tiểu, sỏi bàng quang, viêm ruột, tiêu chảy, và họng sưng đau.
Cách sử dụng Diệp hạ châu: Liều lượng uống hàng ngày là 8-16g cây khô sắc hoặc vò cây tươi và giã nát để lấy nước uống. Còn để dùng ngoài, có thể giã đắp hoặc lấy nước cốt bôi với lượng thích hợp.
Ở Ấn Độ, toàn bộ cây được sử dụng để chế thuốc lợi tiểu trong bệnh phù, bệnh lậu và các rối loạn đường niệu sinh dục. Nước sắc các chồi non được dùng để trị lỵ; rễ tươi được dùng để trị vàng da; lá được dùng để lợi tiêu hoá và dịch lá được đắp trực tiếp lên vết lở loét. Lá và rễ được phơi khô, nghiền thành bột, trộn với nước vo gạo để đắp trên các vết sưng phù và loét. Hiện nay, nó được coi là một trong những cây thuốc quan trọng trong các bài thuốc chữa viêm gan siêu vi B tại Ấn Độ.
Chế phẩm có thể sử dụng là: Dodylan (viên nang - Domesco), Diệp hạ châu (Danapha), Trà túi lọc Diệp hạ Châu.
3.3 Trà Diệp Hạ Châu có tác dụng gì?
Tác dụng chống viêm và kháng khuẩn, giúp làm giảm sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể.
Các hợp chất trong trà Diệp Hạ Châu có thể giúp giải độc cho gan và hỗ trợ quá trình khử độc cho cơ thể.
Trà Diệp Hạ Châu có tác dụng giảm mức đường huyết và cholesterol trong máu, giúp cải thiện chức năng của hệ tim mạch.
Tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và giảm tình trạng đầy hơi, khó tiêu và táo bón.
Lưu ý: Cần phân biệt rõ với loài Phyllanthus urinaria L. (cây Chó đẻ), có thân màu đỏ, mũi lá nhọn, vị ít đẳng hơn, cũng được sử dụng trong bài thuốc.
4 Bài thuốc từ cây Diệp hạ châu
4.1 Chữa nhọt độc sưng đau
Lấy một nắm cây Diệp Hạ Châu, giã nhỏ cùng với một ít muối, sau đó đun sôi với nước để uống. Sau khi uống, người ta có thể vắt lấy nước cốt để uống và sử dụng bã đắp lên chỗ đau.
4.2 Chữa bị thương ứ máu
Dùng lá và cành cây Diệp Hạ Châu cùng với mần tưới, mỗi thứ một nắm. Sau đó, giã nhỏ và thêm đồng tiện (nước tiểu bé trai vào) để uống và sử dụng bã để đắp. Nếu có thể, người ta cũng có thể hòa thêm bột đại hoàng 8-12g để tăng hiệu quả.
4.3 Chữa viêm gan vàng da, viêm thận tiểu ra máu, viêm ruột tiêu chảy và mắt đau sưng đỏ
Sắc lấy nước uống từ 40g Diệp Hạ Châu, 20g Mã Đề và 12g dành dành.
4.4 Chữa sốt rét
Sắc cây Diệp Hạ Châu 8g, thảo quả, dây Hà Thủ Ô, lá mãng cầu ta tươi, thường sơn, dây gắm mỗi vị 10g; hạt cau, ô mai, dây cóc mỗi vị 4g với 600ml nước. Sau khi sắc đến khi còn khoảng 200ml, người ta chia uống thành 2 lần trước khi lên cơn sốt rét 2 giờ. Nếu cơn sốt vẫn không hết, người ta có thể thêm Sài Hồ 10g.
4.5 Chữa ăn không ngon miệng, đau bụng, sốt và nước tiểu sẫm màu
Phơi khô 1g Diệp Hạ Châu, 2g nhọ nồi và 1g Xuyên Tâm Liên trong râm, sau đó tán thành bột. Người ta sẽ sắc bột thuốc này và uống hết ngay một lúc, ngày uống 3 lần, theo y học dân gian.
5 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Diệp hạ châu trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Diệp hạ châu trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Diệp hạ châu đắng trang 1143-1144, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 08 tháng 09 năm 2023.