Địa Liên Chi (Striga asiatica (L.) O. Ktze)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) | Scrophulariaceae (Hoa mõm chó) |
Chi(genus) | Striga |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Striga asiatica (L.) O. Ktze | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Striga lutea Lour. |
Địa liên chi thuộc dạng cây thảo, sống hàng năm, chiều cao của cây khoảng 10 đến 20cm. Nhân dân thường sử dụng Địa liên chi để chữa sốt nóng ở trẻ em vào mùa hè. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây địa liên chi.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Striga asiatica (L.) O. Ktze
Tên đồng nghĩa: Striga lutea Lour.
Tên gọi khác: Độc cước kim, Voòng phá.
Họ thực vật: Hoa mõm chó Scrophulariaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Địa liên chi thuộc dạng cây thảo, sống hàng năm, chiều cao của cây khoảng 10 đến 20cm.
Thân cây mảnh, mọc thẳng, thân cành có dạng hình trụ hoặc hơi có cạnh, ít khi phân nhánh, có rãnh dọc và có lông dày nháp. Gốc cây có màu lục pha với màu tím tía.
Lá cây không có cuống, lá nhỏ, gần như mọc đối ở gốc, lá cây to dần và mọc so le ở phần trên. Phiến lá có dạng hình trái xoan hoặc hình mác hẹp, chiều dài lá khoảng 1 đến 1,2cm, chiều rộng từ 1-2mm. Mép lá nguyên, có lông cứng, hai mặt đều có lông nhám, gân chính rõ, các gân phụ không rõ.
Hoa mọc riêng lẻ hoặc thành bông ngắn ở kẽ lá. Hoa có màu vàng, lá bắc có dạng hình lá, đài 5, tràng có ống hẹp, nhị 4.
Quả nang có dạng hình trụ hoặc hình trứng thuôn, hơi có cạnh. Chiều dài quả khoảng 4mm, chiều rộng khoảng 2mm.
Hạt có kích thước nhỏ, màu nâu vàng.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 7.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Mùa hè, khi cây đang có hoa.
Chế biến: Phơi hoặc sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Striga Lour. là một chi nhỏ, tại nước ta có khoảng 2 loài trong đó Địa liên chi được tìm thấy chủ yếu ở các vùng nhiệt đới của châu Á, Châu Phi, các tỉnh Nam Trung Quốc.
Tại Việt Nam, Địa liên chi chủ yếu bắt gặp ở các tỉnh trung du và vùng núi thấp. Cây thường mọc lẫn trong các tràng cỏ, ruộng bỏ hoang, nương rẫy ở độ cao phân bố đến 600 mét hoặc hơn.
Địa liên chi là loài cây ưa sáng, có khả năng thích nghi được ở những vùng đất pha cát, hơi chua.
Cây non có thể mọc từ hạt, thường bắt gặp vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Địa liên chi sinh trưởng và phát triển nhanh, sau khi quả già thì cây bước vào giai đoạn tàn lụi, vòng đời chỉ khoảng 3-4 tháng.
Cây có khả năng tái sinh tự nhiên từ hạt.
2 Thành phần hóa học
Địa liên chi có chứa apigenin, acacetin,...
3 Công dụng của cây địa liên chi
3.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Toàn cây có vị ngọt, nhạt, tính bình, hơi mát.
Tác dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu, thanh can, tiêu thực, kiện tỳ, sát trùng.
3.2 Công dụng
Địa liên chi được sử dụng làm thuốc bổ giúp ăn ngon, dùng trong các trường hợp viêm kết mạc, viêm gan, cam tích, quáng gà, thương thực.
Ngoài ra, Địa liên chi còn được sử dụng trong các trường hợp nóng sốt ở trẻ em vào mùa hè và chữa giun với liều dùng 6-15g sắc lấy nước uống.
Có thể dùng toàn cây bỏ rễ, đem giã nát, dùng nước cốt để bôi chữa loét kẽ chân tay.
4 Chữa sốt, cảm ở trẻ em bằng cây địa liên chi
Sử dụng toàn cây địa liên chi tươi, bỏ rễ, đem rửa sạch.
Lấy 10-20g cây đem giã nát, nấu cùng thịt rồi ăn trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích (Xuất bản năm 2006). Địa liên chi, trang 781-782, Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2024.