Dây Tơ Hồng Xanh (Cassytha filiformis L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Magnoliidae (phân lớp Mộc lan) |
Bộ(ordo) | Laurales (Long não) |
Họ(familia) | Lauraceae (Long não) |
Chi(genus) | Cassytha |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Cassytha filiformis L. |

Dây tơ hồng xanh thuộc dạng cây thảo leo, những cành cây khi còn non có phủ một lớp lông, sau nhẵn. Thân và cành cây dạng sợi, mọc xoắn vào nhau, thân cành có màu lục sẫm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Cassytha filiformis L.
Tên gọi khác: Tơ xanh, Tơ hồng xanh.
Họ thực vật: Lauraceae (Long Não).

1.1 Đặc điểm thực vật
Dây tơ hồng xanh thuộc dạng cây thảo leo, những cành cây khi còn non có phủ một lớp lông, sau nhẵn. Thân và cành cây dạng sợi, mọc xoắn vào nhau, thân cành có màu lục sẫm. Lá không có hoặc tiêu giảm thành vảy.
Cụm hoa mọc thành bông, không có cuống, chiều dài mỗi cụm hoa khoảng 1,5 đến 5cm, hoa có kích thước nhỏ, có màu trắng, lá bắc hình tròn, bao hoa có ống ngắn, nhị 6 hoặc 9.
Quả của cây Dây tơ hồng xanh thuộc dạng quả bế, có dạng hình cầu, bề mặt nhẵn, được bao bọc bởi ống bao hoa, đồng trưởng nên nhìn giống như một quả mọng.
Mùa hoa quả từ tháng 10 đến tháng 12.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm nhưng chủ yếu là vào mùa hè.
Chế biến: Cắt ngắn, rửa sạch, phơi khô trong bóng râm.

1.3 Dây tơ hồng xanh thường mọc ở đâu?
Chi Cassytha L. trên thế giới có khoảng 20 loài, thường được tìm thấy ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là Australia (có tới 15 loài) trong đó có 13 loài đặc hữu. Tại nước ta, chi này có 2 loài, Dây tơ hồng xanh thường phân bố rộng rãi ở khắp vùng nhiệt đới ở cả 2 bán cầu. Cây được tìm thấy ở nhiều tỉnh thành miền núi của nước ta, độ cao phân bố dưới 1500 mét, còn bắt gặp Dây tơ hồng xanh ở vùng trung du và đôi khi cả ở đồng bằng, hải đảo và ven biển.
Dây tơ hồng xanh thuộc dạng cây sống tương đối đặc biệt. Toàn cây có màu diệp lục nhưng lại thuộc dạng cây sống bám ký sinh lên những loài khác. Cây có bản chất là loài ưa sáng, có khả năng chịu được khí hậu khô nóng ở những vùng cây bụi, rừng thưa hoặc vùng nương rẫy cũ. Khi cây bám trên các loại cây hai lá mầm như Thàu táu, cây Sim,... nó thường có xu hướng cắm giác mút của mình vào lớp vỏ cây để thành cây ký sinh nhưng khi bám trên các loài cây một lá mầm thì không thấy có giác mút nữa mà trở thành loài sống phụ sinh.
Dây tơ hồng xanh ra hoa quả nhiều hàng năm, cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Quá trình nảy mầm của cây cần có sự cộng sinh của một loại vi khuẩn có tác dụng làm mềm vỏ hạt.

2 Thành phần hóa học
Tơ hồng xanh có chứa alcaloid.
3 Tác dụng của cây dây tơ hồng xanh
3.1 Tác dụng dược lý
Khi nghiên cứu dùng chủng Salmonella TA 98 để tiến hành nghiên cứu gây đột biến thì chiết xuất từ Dây tơ hồng xanh thể hiện tác dụng giảm đột biến.
Thành phần alcaloid laurotenamin có tác dụng tương tự strychnin gây co giật, khi dùng liều cao thì có thể gây tử vong.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Dây tơ hồng xanh có vị ngọt, đắng, tính hàn, quy vào kinh can, thận. Dây tơ hồng xanh có tác dụng lợi thấp, thanh nhiệt, chỉ huyết, lợi thấp, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, lương huyết.
3.2.2 Cách sử dụng Dây tơ hồng xanh
Nhân dân Việt Nam thường dùng Dây tơ hồng xanh để làm thuốc bổ dùng trong trường hợp chân tay yếu mỏi, liệt dương, thận hư, mắt mờ.
Liều dùng là 10 đến 20g đem sắc nước uống, có thể phối hợp cùng với một số loại dược liệu khác như Dây gắm, Ngũ gia bì, Cà Gai Leo, Dây Đau Xương.
Ngoài ra, Dây tơ hồng xanh còn được dùng trong trường hợp bị ho, bệnh nhân bị bệnh lậu. Dùng ngoài để chữa lở loét.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng Dây tơ hồng xanh trong trường hợp gầy yếu do can nhiệt, phế nhiệt sinh ho, vàng da, chảy máu mũi, ho ra máu, bỏng, mụn nhọt.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng Dây tơ hồng xanh để chữa các bệnh gan mật, lỵ mạn tính, viêm niệu đạo, các bệnh ngoài da, viêm loét. Bột tơ hồng xanh trộn với Dầu Vừng để làm thuốc dưỡng tóc.
Nhân dân Indonesia sử dụng Dây tơ hồng xanh để làm thuốc tẩy giun sán, có thể phối hợp với Nhục đậu khấu trong trường hợp đau dạ dày, đau bụng.
Nhân dân Philippin sử dụng nước sắc từ cây Dây tơ hồng xanh để thúc đẻ.

4 Dây tơ hồng xanh chữa bệnh gì?
4.1 Chữa trẻ em gầy mòn do can nhiệt, tinh thần sút kém, chân tay nóng
15-30g Dây tơ hồng xanh tươi.
200ml nước sắc đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

4.2 Chữa vàng da ở trẻ
15-30g Dây tơ hồng xanh tươi.
2 miếng đậu phụ.
Các vị đem hầm nhừ, cho trẻ ăn cả nước lẫn cái.
4.3 Chữa chảy máu mũi
15g Dây tơ hồng xanh hầm cùng với thịt lợn nạc và rượu, dùng để ăn trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Tơ hồng xanh, trang 978-980. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2025.