Dây Thìa Canh (Dây Muối - Gymnema sylvestre)
63 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Dây Thìa Canh được biết đến khá phổ biến với công dụng kiểm soát bệnh béo phì dưới dạng trà Gymnema, điều trị bệnh hen suyễn, đau mắt, viêm nhiễm, hạ cholesterol máu và bảo vệ gan. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Dây thìa canh.
1 Giới thiệu về cây Dây thìa canh
Dây thìa canh, còn được biết đến với tên gọi Dây muối và tên khoa học là Gymnema sylvestre (Retz.) R. Br. ex Schult., thuộc họ Thiên lý - Asclepiadaceae.
Vị thuốc Dây thìa canh theo Dược điển Việt Nam 5 có tên khoa học là: Caulis et folium Gymnemae sylvestris.
Ngoài ra, còn có một loài khác là Dây thìa canh gân mạng, tên khoa học là Gymnema reticulatum (Moon) Altson (G. syringaefolium Decne. et Cost.), thuộc cùng họ Thiên lý - Asclepiadaceae. Dây thìa canh phân bố ở nhiều nơi như Bà Rịa-Vũng Tàu (Núi Dinh), Sri Lanca, Lào, Malaixia, và Inđônêxia.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây dây leo, chiều cao 6-10m, có thân có lông dài 8-12cm, to 3mm, có lỗ bì thưa và Nhựa mủ màu vàng. Lá của cây có phiến bầu dục xoan ngược thon, đầu nhọn, gân bên 4-6 đôi, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô, và cuống dài 5-8mm. Cây có hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8mm, rộng 12-15mm, với đài có lông mịn và rìa lông; tràng không lông ở mặt ngoài và tràng phụ là 5 răng. Quả của cây dài 5,5cm, rộng ở nửa dưới, và hạt dẹp với lông mào dài 3cm.
1.2 Thu hái và chế biến
Cây Dây thìa canh - Gymnema Sylvestris có thể thu hái các bộ phận của nó quanh năm, bao gồm cả thân và lá, và có thể được sử dụng tươi hoặc phơi khô. Khi dùng sao vàng.
Mô tả dược liệu: Khi chưa cắt đoạn, dây leo có thể dài tới 6m, đường kính 3mm. Dây thìa canh thường được cắt thành từng đoạn dài 1,5 - 3 cm. Khi khô vị thuốc có màu xanh lục.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây mọc leo lên các bờ bụi, hàng rào và có mùa hoa quả vào tháng 7-8. Nó được phân bố rộng rãi tại Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa và Kon Tum ở Việt Nam. Ngoài ra, nó cũng được tìm thấy ở nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Inđônêxia và Nuven Calêđôni.
2 Thành phần hóa học
Cây chứa acid gymnemic, một loại glucosidic, tương tự với acid chrysophanic nhưng khác về thành phần. Lá của cây chứa các hợp chất hữu cơ, 2 hydrat carbon, chlorophylle a và b, phytol, nhựa, acid tartric, Inositol, cùng với các hợp chất anthra-quinonic và acid gymnemic.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Dây thìa canh
3.1 Tác dụng dược lý
G. sylvestre là một trong những loại cây có đặc tính chống bệnh tiểu đường mạnh. Loại cây này cũng được sử dụng để kiểm soát bệnh béo phì dưới dạng trà Gymnema, điều trị bệnh hen suyễn, đau mắt, viêm nhiễm và rắn cắn. Ngoài ra, nó còn có hoạt tính kháng khuẩn, hạ cholesterol máu, bảo vệ gan, ức chế vị ngọt và ngăn ngừa sâu răng.
3.2 Cây Dây thìa canh có tác dụng gì?
- Giảm cảm giác thèm đường do axit gymnemic trong Dây thìa canh có thể ngăn chặn các thụ thể đường trên lưỡi, làm giảm khả năng cảm nhận vị ngọt.
- Giúp hạ đường huyết do Gymnema sylvestre có đặc tính chống tiểu đường và có thể làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn.
- Gymnema sylvestre góp phần tạo ra mức Insulin thuận lợi bằng cách tăng sản xuất insulin và tái tạo các tế bào đảo nhỏ tiết insulin, giúp giảm lượng đường trong máu.
- Dây thìa canh có thể đóng một vai trò trong việc giảm mức cholesterol LDL và chất béo trung tính “xấu”, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
- Gymnema sylvestre có thể đóng vai trò trong việc giảm cân và ngăn ngừa tăng cân, thúc đẩy giảm lượng calo.
- Cáctanin và Saponin trong Dây thìa canh có đặc tính kháng viêm giúp giảm viêm.
3.3 Dây thìa canh - Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng: Dây thìa canh vị đắng, tính hàn, quy kinh phế, tỳ, thận, giúp lợi tiểu, nhuận tràng, hạ đường huyết. Chủ trị bí tiểu, nước tiểu vàng đỏ, tiểu đường, táo bón do nhiệt.
Liều lượng theo Dược điển Việt Nam 5 là dùng 10g - 12g mỗi ngày dạng thuốc sắc.
Lá và acid gymnemic không có khả năng chống lại vi khuẩn. Tác dụng gây độc của nó có thể gây ra các triệu chứng như khả năng tiêu hoá kém, tiêu chảy, và suy nhược cơ thể. Tác dụng của chúng có thể kích thích hoạt động của tim và hệ thống tuần hoàn, cũng như thúc đẩy sự tiết nước tiểu. Thuốc có tác dụng gián tiếp đến sự tiết insulin của tuyến tụy, giảm đường huyết và làm mất vị ngọt trong một vài giờ sau khi sử dụng. Lá Dây thìa canh cũng có tính chất kích thích tiêu hóa do chứa anthraquinone; tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra cảm giác buồn nôn. Rễ cũng có tác dụng kích thích buồn nôn và ho ra đờm.
==> Xem thêm Dược liệu tốt cho tiêu hoá: Bạc hà - Thông tin về đặc điểm, tác dụng và cách dùng
Công dụng: Dây thìa canh thường được sử dụng để điều trị đái đường, với liều lượng 4g lá khô có đủ hiệu quả để làm giảm đường huyết. Ngoài ra, lá cũng được sử dụng để chế biến thành thuốc dễ tiêu hóa và bột chống độc. Ở Ấn Độ, người ta dùng lá để đắp lên vết cắn và dùng dưới dạng nước uống để điều trị rắn độc cắn.
Ở Trung Quốc, cả cây Dây thìa canh bao gồm rễ và quả được sử dụng để điều trị phong thấp tê bại, viêm mạch máu, rắn độc cắn, trĩ và các vết thương do dao, đạn. Ngoài ra, sản phẩm này còn được sử dụng để diệt chấy rận.
Cách pha Trà dây thìa canh:
- Rửa sạch Dây thìa canh khô, để ráo nước, sau đó cho vào bình và thêm khoảng 200ml nước sôi. Sau đó, đổ nước đi.
- Tiếp tục cho thêm 800ml nước sôi vào bình và đậy kín, chờ khoảng 30-40 phút.
- Sau khi chờ đợi, rót lấy nước uống và chia thành 3 lần uống trong ngày. Tốt nhất là uống sau khi ăn 30 phút.
4 Tài liệu tham khảo
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Dây thìa canh trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Amy Goodson (Đăng ngày 18 tháng 06 năm 2018). 6 Impressive Health Benefits of Gymnema Sylvestre, Healthline. Truy cập ngày 24 tháng 02 năm 2023.
- Tác giả Parijat Kanetkar, Rekha Singhal, và Madhusudan Kamat (Đăng tháng 09 năm 2007). Gymnema sylvestre: A Memoir, PubMed. Truy cập ngày 24 tháng 02 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Dây thìa canh, trang 1139 - 1140, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 22 tháng 09 năm 2023.